Nguyên tắc thị trường sẽ thúc đẩy cách tiếp cận mới với cơ hội kinh doanh
Nguyên tắc thị trường sẽ thúc đẩy cách tiếp cận mới với cơ hội kinh doanh
Doanh nghiệp chờ đợi các quyết sách của Quốc hội sẽ dựa trên nguyên tắc thị trường là chủ đạo. TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam khuyến nghị.
TS. Lê Duy Bình, chuyên gia kinh tế, Giám đốc điều hành Economica Việt Nam.
Theo lịch trình, ngay tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá… Đây là những dự án luật có trong danh sách 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết dự kiến thông qua trong kỳ họp này. Một số dự án luật khác là Dự án Luật Dầu khí sửa đổi, Luật Thanh tra sửa đổi…
Đó là những văn bản luật tác động trực tiếp tới sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp và cả đời sống xã hội. Vào thời điểm này, ông có thể chia sẻ ý kiến gì?
Đây là kỳ họp cuối năm, do đó, theo thông lệ, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật.
Cùng với các dự án luật như trên, thì tôi được biết, kỳ họp này, Quốc hội cho ý kiến với 7 dự án luật khác, trong đó có các dự án luật sẽ tác động rất lớn tới không chỉ hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp như Dự án Luật Đất đai sửa đổi, Luật Giá sửa đổi, Luật Đấu thầu sửa đổi…
Đây là công việc nặng nề vì Quốc hội không chỉ đảm bảo chất lượng của từng văn bản luật, mà cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống các văn bản pháp luật có liên quan. Điều nhiều doanh nghiệp lo ngại nhất là sự xung đột, chồng chéo giữa các luật. Một nghiên cứu của VCCI đã từng đề cập Luật Đất đai có liên quan đến 186 văn bản luật khác.
Nếu sửa đổi văn bản luật này mà không rà soát, đánh giá, xem xét các văn bản luật có liên quan, thì khả năng mâu thuẫn, chồng chéo là rất lớn.
Nhưng việc đặt hàng trăm văn bản pháp luật lên bàn để cùng sửa một lúc thực sự vô cùng khó, chưa có trong kế hoạch, thưa ông?
Chính vì vậy, khi thực hiện các nghiên cứu về các vướng mắc, chưa phù hợp trong các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, chúng tôi đề nghị đảm bảo được nguyên tắc quan trọng là chất lượng pháp luật, chất lượng thực hiện và quản lý theo nguyên tắc thị trường, lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm.
Thị trường hơn theo nghĩa tôn trọng các nguyên tắc, quy luật của thị trường, tránh can thiệp thô bạo, cứng nhắc vào các hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, xác định rõ quyền lợi, trách nhiệm của các bên liên quan và cơ chế giám sát từ xã hội, các định chế trung gian…
Khi đó, nâng cao chất lượng pháp luật không chỉ là hoàn thiện hệ thống pháp luật, mà còn cần sử dụng công cụ thị trường nhuần nhuyễn trong hệ thống pháp luật. Điều này đòi hỏi việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật sẽ được tính toán nhiều mục tiêu cùng lúc, với yêu cầu cao nhất về sự rõ ràng, minh bạch, an toàn trong thực thi, không lạm dụng công cụ hành chính…
Ví dụ, lâu nay, các doanh nghiệp luôn kêu cả thủ tục đất đai, đầu tư, xây dựng phức tạp, phải đi nhiều nơi, gặp nhiều cơ quan theo quy định của các văn bản luật, nhưng khi các cơ quan soạn thảo bóc tách từng đạo luật, thì có vẻ không khó như vậy. Vấn đề ở đây là yêu cầu cải cách mạnh mẽ thể chế, thủ tục hành chính và rào cản đầu tư phải được nhìn từ góc độ của thực thi, của thị trường.
Trường hợp khác, chúng ta vẫn hay đặt vấn đề tại sao các hộ kinh doanh cá thể không đăng ký thành doanh nghiệp, dù pháp luật đã có cơ chế hỗ trợ. Nếu hộ kinh doanh không thấy quy định đó thiết thực, thuận lợi trong thực hiện, họ sẽ không làm, cho dù Nhà nước có dành ưu ái thế nào.
Hay như việc điều hành xăng dầu thời gian qua sẽ thấy yếu tố phi thị trường ảnh hưởng nặng nề thế nào tới sự vận hành bình thường của thị trường cũng như hoạt động của doanh nghiệp. Mục tiêu của Nhà nước tùy thời điểm sẽ khác nhau, như đủ hàng, giá thấp, nhưng vì áp đặt công cụ hành chính để phục vụ mục tiêu, nên doanh nghiệp gánh chịu không chỉ thiệt hại về kinh tế, mà nhiều doanh nghiệp bị thanh tra, kiểm tra, bị lên án bởi không thể chịu lỗ hơn, phải xin tạm đóng cửa…
Nhưng cũng cần phải nói thêm, Chính phủ cần có thông điệp rõ ràng là lấy tiêu chuẩn điều hành theo nguyên tắc thị trường để đánh giá các bộ, ngành trong việc hoạch định và thực hiện cơ chế, chính sách. Hiện tại, chúng tôi cũng đang thấy có tình trạng doanh nghiệp dựa dẫm vào Nhà nước, trông chờ các hỗ trợ mang tính hành chính…
Ông có thể chia sẻ rõ hơn về tình trạng này?
Sau 2 năm dịch bệnh, do tình huống đặc biệt, Chính phủ phải áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, phục vụ mục tiêu phục hồi nhanh. Nhiều quyết định hành chính xuất hiện trong điều hành.
Việc này cần trong giai đoạn mà chúng ta gọi là thời chiến, nhưng khi các cơ quan quản lý coi việc hỗ trợ được bao nhiêu là mục tiêu, thì sẽ thúc đẩy tâm lý trông chờ hỗ trợ ở nhiều doanh nghiệp.
Bây giờ đi nói chuyện với doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp than phiền là dịch bệnh như thế mà chưa nhận được hỗ trợ của Nhà nước. Việc hỗ trợ là rất cần thiết, nhưng quan điểm của tôi là chỉ nên có một giai đoạn, không nên kéo dài.
Đã đến lúc, tư duy hỗ trợ lùi lại, nhường chỗ cho điều hành theo nguyên tắc thị trường, lấy đó làm tiêu chuẩn đánh giá.
Điều hành sử dụng nguyên tắc thị trường khó hơn so với thực hiện ý chí của cơ quan quản lý. Ví dụ, ngành công thương, tài chính thì sử dụng công cụ thị trường thế nào để điều hành giá xăng dầu; quy định thể chế bảo vệ nhà đầu tư và những bên liên quan như thế nào trong các vụ việc vi phạm pháp luật của một vài công ty vừa qua.
Hay trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang có rất nhiều ý kiến, thì một mặt, Nhà nước cần hoàn thiện khung khổ pháp lý, nhưng mặt khác, các nhà đầu tư phải xác định rõ các điều kiện cần và đủ khi tham gia sân chơi này, xác định tham gia kênh đầu tư trái phiếu là phải chấp nhận rủi ro, các bên đều có tránh nhiệm, trước hết bảo vệ chính mình, không thể đòi hỏi Nhà nước bảo hộ được.
Khi tư duy xây dựng pháp luật theo nguyên tắc thị trường sẽ thúc đẩy điều hành, thực thi theo nguyên tắc thị trường, thay vì tư duy lo hộ hay lạm dụng công cụ hành chính. Khi đó, doanh nghiệp cũng sẽ có cách thức mới cách tiếp cận mới với thị trường, với cơ hội kinh doanh.
Mục tiêu cao nhất là nền kinh tế cạnh tranh hơn, phân bổ nguồn lực tốt hơn.