Nguyện cả đời vẽ chân dung Bác

Tiếp chúng tôi trong căn nhà nhỏ ở khu phố 1, thị trấn Tân Biên (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh), họa sĩ Võ Đồng Minh (tên khai sinh là Nguyễn Văn Lắm) với vóc dáng cao gầy, khuôn mặt hiền từ, nhân hậu, chậm rãi kể chuyện. Ông quê gốc ở Long An, sinh năm 1942 và sớm gia nhập đội du kích địa phương rồi vào bộ đội, hoạt động ở vùng biên giới Tây Ninh, Long An.

Có năng khiếu vẽ từ nhỏ, cậu bé Lắm thường vẽ lên cát, lên tường nghịch chơi. Lớn lên, Nguyễn Văn Lắm chú tâm vẽ tranh cổ động, biếm họa nhằm tuyên truyền, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước, lòng căm thù giặc Mỹ xâm lược với bút danh Võ Đồng Minh.

Từng theo học mỹ thuật ở Sài Gòn nhưng năm 1957 Nguyễn Văn Lắm bỏ ngang, về quê theo kháng chiến, xây dựng cơ sở cách mạng ở Tây Ninh. Cuối năm 1957, trong lúc hoạt động, cơ sở ta bị lộ, Lắm bị chính quyền ngụy bắt giam. Trong tù, từ những mẩu bút chì, than có được, cậu thiếu niên 15 tuổi Nguyễn Văn Lắm đã chấm những nét đầu tiên vẽ chân dung Bác Hồ. “Những bức vẽ ấy nhỏ thôi, dễ chuyền tay nhau nhưng rất quý với mỗi quần chúng ưu tú lúc kết nạp Đảng vì luôn có lãnh tụ kính yêu bên mình”, ông kể.

Sau hai năm bị giam cầm, năm 1959, Nguyễn Văn Lắm được trả tự do và trở về căn cứ khi Trung ương chuẩn bị thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Họa sĩ Nguyễn Văn Lắm-Võ Đồng Minh được cử làm báo, vẽ tranh châm biếm, tranh cổ động tuyên truyền kháng chiến. Năm 1964, cấp trên cử ông tham gia lớp bồi dưỡng mỹ thuật giải phóng khóa 1 của Trung ương Cục miền Nam, đóng ở xóm Giữa, ấp Lò Gò (nay thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên). Từ đây, Võ Đồng Minh chính thức trở thành cán bộ tuyên huấn của R (mật danh của Trung ương Cục miền Nam), hoạt động ở huyện Tân Biên, sau chuyển làm công tác tuyên huấn ở Tỉnh ủy Tây Ninh, rồi giữ chức Phó chánh văn phòng Huyện ủy Tân Biên đến lúc nghỉ hưu.

leftcenterrightdel

Họa sĩ Võ Đồng Minh (bên trái) trò chuyện với tác giả (tháng 10-2021). Ảnh: NGUYỄN MINH

Năm 1969, nghe đài biết tin Bác Hồ từ trần, các đồng chí trong Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Tây Ninh bàn nhau phải bí mật làm bàn thờ Bác. Đơn vị lúc này đang đóng ở giữa đường biên thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh và tỉnh Svay Rieng (Campuchia). Việc tìm gỗ, tre, đóng gạch đất làm hầm không khó nhưng tìm chỗ cao, kín đáo, làm hầm thờ bí mật thì phải rất khéo léo ngụy trang che mắt địch. Việc này, ông Phan Văn Trọn (bí danh Tư Văn, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Tây Ninh) giao cho ông Võ Đồng Minh trực tiếp làm. Hầm thờ có di ảnh Bác, Quốc kỳ, lư hương, là nơi hương khói tưởng nhớ Bác. Ngày khánh thành cũng cận Tết Nguyên đán, đứng trước bàn thờ và di ảnh Bác Hồ, ông mong Bác phù hộ cho anh em chiến đấu, giải phóng được miền Nam và ông được sống để vẽ Bác.

Với biết bao yêu thương và kính trọng, Võ Đồng Minh dồn hết tâm lực để vẽ chân dung Bác Hồ với một phong cách riêng, rất đặc biệt. “Tôi chỉ dùng bút bi sắt chấm từng chấm nhỏ li ti như từng mắt ảnh để thành tác phẩm thôi”, ông cho hay. Căn phòng nhỏ xếp hàng trăm bức tranh, ông đã hoàn thiện được gần 60 bức chân dung Bác Hồ khổ lớn (1×1,5m). Trong đó “Bác Hồ ở Paris”, “Bác Hồ ở Hồng Công”, “Bác Hồ ở Pác Bó”, “Bác Hồ đi chiến dịch”, “Bài ca kết đoàn”, “Bác làm việc ở Phủ Chủ tịch”, “Người về thăm quê”… là những bức tranh vô cùng đặc sắc. “Nếu dùng cọ màu và toan, mỗi bức chỉ vài ngày, nhưng tôi chấm bút bi thì mất vài tháng. Mỗi năm kiên trì cũng được 3-4 bức ưng ý”, ông chia sẻ. Được biết, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng ông quyết không bán bộ tranh quý. 

Tranh của ông đã nhận được nhiều giải thưởng ở địa phương và Trung ương, được nhiều người biết đến. Giờ đây đã 80 tuổi, ông vẫn chăm chú bên giá vẽ, tỉ mỉ chỉ dạy cho các học trò và tiếp tục thực hiện ước nguyện vẽ chân dung Bác Hồ kính yêu!

NGUYỄN MINH ĐỨC