Nguyễn Thị Ngọc Phượng

Khi chúng tôi đến gặp bác sỹ, giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng, bà đang tất bật khám bệnh, tư vấn cho bệnh nhân tại Bệnh viện Mỹ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

Dù năm nay đã 74 tuổi, nhưng bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn rất minh mẫn. Câu chuyện đưa kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về Việt Nam được bà kể với chúng tôi bằng giọng nói nhẹ nhàng và nụ cười hiền hậu.

13 năm “nếm mật nằm gai”

“Là một bác sỹ sản khoa, thường xuyên tiếp xúc với nhiều phụ nữ hiếm muộn con cái, tôi rất thương”- bác sỹ Ngọc Phượng bắt đầu câu chuyện.

Chính vì lẽ đó, năm 1984, trong một chuyến công tác Thái Lan, được đi thăm một cơ sở thụ tinh trong ống nghiệm chuẩn bị mở cửa, bác sỹ Ngọc Phượng (lúc ấy là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Thành phố Hồ Chí Minh) đã mong muốn đem kỹ thuật này về ứng dụng tại Việt Nam nhằm mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình.

Tuy nhiên, lúc bấy giờ, chi phí thành lập một trung tâm hỗ trợ sinh sản bằng thụ tinh trong ống nghiệm lên đến 3 triệu USD trong khi kinh tế của đất nước còn nhiều khó khăn. Hơn thế, tình trạng gia tăng dân số không thể kiểm soát giai đoạn này cũng khiến Nhà nước đẩy mạnh tuyên truyền chính sách kế hoạch hóa gia đình, kêu gọi giảm sinh đẻ. Vì thế, việc ra đời một trung tâm hỗ trợ sinh sản bằng kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm là điều khó khăn.

Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn say mê tìm tòi, nghiên cứu. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn say mê tìm tòi, nghiên cứu. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn say mê tìm tòi, nghiên cứu. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Mặc dù vậy, khát vọng về việc mang lại tiếng cười trẻ thơ cho những gia đình không may hiếm muộn, vô sinh vẫn luôn thôi thúc bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng.

Bà âm thầm lên kế hoạch chuẩn bị cho việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam. Việc đầu tiên mà giáo sư Ngọc Phượng thực hiện là xây dựng nền móng vững chắc tại Bệnh viện Từ Dũ với các chuyên khoa cơ bản nhằm hỗ trợ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách cho ra đời các chuyên khoa về nội soi, sơ sinh, mua máy siêu âm, máy xét nghiệm và xây dựng ngân hàng tinh trùng…

Là một bác sỹ sản khoa, thường xuyên tiếp xúc với nhiều phụ nữ hiếm muộn con cái, tôi rất thương. (Bác sỹ Ngọc Phượng)

“Hồi đó chúng tôi không có tiền nên đành phải đi mua nợ, trả góp từng chiếc máy siêu âm, từng thiết bị để cải tiến quy trình xét nghiệm đáp ứng yêu cầu điều trị vô sinh,” bác sỹ Ngọc Phượng chia sẻ.

Cơ hội thực sự đến khi năm 1994, bà được cử sang Pháp bảo vệ luận án tiến sỹ. May mắn hơn khi tại đây bà đã được cấp học bổng để làm luận án Giáo sư ở Đại học Nice Sophia Antipolis.

Trong 2 năm học tập tại Pháp, mỗi tháng bác sỹ Ngọc Phượng nhận được 16.000 france học bổng. Tuy nhiên, bà dọn đến ở ký túc xá cùng các sinh viên người Việt, cùng tự nấu cơm để tiết kiệm tiền.

Phần lớn học bổng bà dành dụm để mua thiết bị, máy móc y tế gửi dần về Việt Nam, đầu tiên là máy siêu âm đầu dò, máy nội soi buồng trứng, dụng cụ lưu trữ tinh trùng… Cứ thế, số máy móc, thiết bị được gửi về Bệnh viện Từ Dũ ngày một nhiều thêm.

Để hoàn tất kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm, sau khi về nước, bác sỹ Ngọc Phượng cử các bác sỹ trẻ có tài năng, ngoại ngữ và có chí cầu tiến của Bệnh viện Từ Dũ như bác sỹ Hồ Mạnh Tường, Vương Thị Ngọc Lan sang Pháp, Singapore, Australia học kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm…

Cứ như vậy, trong 13 năm, bác sỹ Ngọc Phượng đã chuẩn bị kỹ lưỡng từng thiết bị, máy móc, phòng ốc, nhân sự… để năm 1998, đánh dấu sự kiện Việt Nam có mặt trên bản đồ IVF (thụ tinh ống nghiệm) của thế giới.

Mang niềm vui của hàng ngàn gia đình Việt

Sau khi mọi trang thiết bị, nhân lực để triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đã đầy đủ thì một khó khăn không nhỏ khác xuất hiện, đó là giấy phép.

Lúc bấy giờ, mặc dù nhận được sự ủng hộ lớn từ Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Y tế, nhưng đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng một kỹ thuật “sản xuất ra con người” nên không đơn giản như là sản xuất ra hàng hóa, máy móc, quá trình xin cấp phép gặp nhiều khó khăn. Đến tháng 8/1997, Bệnh viện Từ Dũ và bác sỹ Ngọc Phượng mới được cấp phép thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm.

Phôi của các cặp vợ chồng hiếm muộn được bảo quản lạnh tại Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)Phôi của các cặp vợ chồng hiếm muộn được bảo quản lạnh tại Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)
Phôi của các cặp vợ chồng hiếm muộn được bảo quản lạnh tại Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Ngày 19/8/1997, 5 phôi thai thụ tinh ống nghiệm đầu tiên được chuyển vào tử cung 5 phụ nữ. Tiếp đó, 32 phụ nữ khác cũng đăng ký và được chuyển phôi. Sau đó là chuỗi ngày sống trong lo lắng, hồi hộp của bác sỹ Ngọc Phượng cũng như toàn bộ êkíp.

“Sau thời điểm chuyển phôi 2 tuần, chúng tôi bắt đầu gọi điện cho các sản phụ để hỏi tình hình, mỗi một lần họ nói không đậu thai là tôi lại căng thẳng và lo lắng. Bởi nếu thất bại trong lần đầu tiên thì chúng tôi sẽ không còn cơ hội triển khai tiếp tục kỹ thuật này,” bác sỹ Ngọc Phượng nhớ lại.

Thời điểm đó, do quá căng thẳng và áp lực nên chỉ trong vòng 1 tuần, mái tóc của bác sỹ Ngọc Phượng đã bạc trắng. Tuy nhiên, trời không phụ lòng người, trong lần đầu tiên chuyển phôi cho 37 sản phụ thì đã có 12 người đậu thai. Đây là kết quả thành công ngoài mong đợi đối với bác sỹ Ngọc Phượng và cả êkíp thực hiện thụ tinh ống nghiệm của Bệnh viện Từ Dũ lúc bấy giờ.

Đó là một ngày dài tôi trải qua nhiều cảm xúc khác nhau từ căng thẳng, lo lắng, hồi hộp đến tột độ, rồi như vỡ òa khi cả 3 em bé chào đời an toàn. (bác sỹ Ngọc Phượng nhớ lại)

Quá trình chuẩn bị thực hiện kỹ thuật thụ tinh nhân tạo kịch tính bao nhiêu thì ngày 3 em bé ống nghiệm đầu tiên ra đời căng thẳng, áp lực bấy nhiêu.

Dù đã 20 năm trôi qua, nhưng bác sỹ Ngọc Phượng vẫn nhớ như in diễn biến của ngày hôm đó. Suốt đêm 29/4/1998 một trong 3 sản phụ đầu tiên có dấu hiệu suy tim thai liên tục. Cũng suốt đêm đó, bác sỹ Ngọc Phượng thức trắng trong lo lắng.

 Y bác sỹ Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kỹ thuật chuyển phôi trong thụ tinh ống nghiệm. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN) Y bác sỹ Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kỹ thuật chuyển phôi trong thụ tinh ống nghiệm. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)
 Y bác sỹ Khoa Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kỹ thuật chuyển phôi trong thụ tinh ống nghiệm. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Đến 2 giờ ngày 30/4, nhận thấy tình hình quá nguy cấp, thai nhi có thể tử vong trong bụng mẹ, bác sỹ Ngọc Phượng buộc phải mổ lấy thai. Em bé được ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm sau này được đặt tên là Mai Quốc Bảo đã ra đời như thế.

Đến sáng và trưa ngày 30/4, hai thai phụ khác cũng có dấu hiệu chuyển dạ và rất may mắn, 2 em bé còn lại là Lưu Tuyết Trân và Phạm Tường Lan Thy đã chào đời bình an.

“Đó là một ngày dài tôi trải qua nhiều cảm xúc khác nhau từ căng thẳng, lo lắng, hồi hộp đến tột độ, rồi như vỡ òa khi cả 3 em bé chào đời an toàn, 3 sản phụ hoàn toàn khỏe mạnh,” bác sỹ Ngọc Phượng nhớ lại.

Ngày 30/4/1998 đã đi vào lịch sử y khoa Việt Nam. Bác sỹ Ngọc Phượng nói: “Đến bây giờ, dù có hàng chục ngàn đứa trẻ Việt Nam được sinh ra từ kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm nhưng cảm xúc về ngày 30/4 năm đó vẫn không thể nào diễn tả được bằng lời.”

Giờ đây ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy,” đều đặn mỗi tuần 5 ngày, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn đi, về liên tục giữa bệnh viện và phòng khám.

Điều mà cho đến nay, bà vẫn còn trăn trở là chi phí thụ tinh ống nghiệm tại Việt Nam được coi là rẻ nhất thế giới, nhưng vẫn còn quá cao so với mức sống của người dân.

Chính vì vậy, từ 4 năm trước, bà đã cùng các bác sỹ tâm huyết khởi xướng nên chương trình “Ươm mầm hạnh phúc” tại Bệnh viện Mỹ Đức. Hàng năm, chương trình này thực hiện thụ tinh ống nghiệm miễn phí cho 30 cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh và có hoàn cảnh khó khăn. Sau 4 năm thực hiện chương trình đã có 48 em bé chào đời từ những tấm lòng nhân ái này.

Bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã thực sự trở thành “bà tiên” của những cặp vợ chồng hiếm muộn, mang mầm sống yêu thương đến với nhiều gia đình.

Một cặp vợ chồng ở Phú Thọ hạnh phúc với đứa con được sinh bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)Một cặp vợ chồng ở Phú Thọ hạnh phúc với đứa con được sinh bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)
Một cặp vợ chồng ở Phú Thọ hạnh phúc với đứa con được sinh bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Share this: