Nguồn gốc và ý nghĩa của phong tục hái lộc đầu năm trong ngày Tết Nguyên Đán
Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống lớn nhất và có ý nghĩa quan trọng nhất trong năm đối với người Việt. Đây được coi như là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới cũng là chu kỳ vận hành của vạn vật, đất trời, 1 năm làm việc, 1 năm tuổi đời mới. Do đó mà trong dịp Tết Nguyên đán có rất nhiều phong tục tập quán hay những kiêng kỵ đặc biệt được ông cha ta lưu truyền bao đời nay để mong ước cho một năm thuận hòa, sức khỏe dồi dào, may mắn và tài lộc quanh năm. Trong đó có phong tục hái lộc đầu năm vào thời khắc giao thừa hoặc buổi sáng của ngày mùng 1 Tết, nhiều gia đình thường đi hái lộc đầu xuân và đến các đình chùa để xin lộc và cầu phúc, cầu tài cho bản thân, gia đình.
Theo đó, hái lộc đầu năm là việc hái cành lá sau đó mang về nhà để cầu mong cho những điều may mắn, tốt đẹp sẽ đến, xua đi những điều không may mắn trong năm cũ.
Những cây được chọn để hái lộc đầu năm thường là những loại cây quanh năm tươi tốt với ý nghĩa tượng trưng là mang chồi lộc, mang sự sinh sôi nảy nở, may mắn, bình an và thịnh vượng về nhà như cành đa nhỏ, cành si …
Chính vì thế mà tục hái lộc cũng dần trở thành một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt vẫn còn được lưu truyền và thực hiện cho tới ngày nay.