Nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Nguyên đán cổ truyền – Hội Nhà Văn Việt Nam
Vanvn- Người Việt quan niệm ngày Tết là ngày đoàn viên, dù làm bất kỳ nghề gì hay ở bất cứ nơi đâu, đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết. Vậy Tết Nguyên đán đã có từ khi nào?
Cũng giống như lễ Giáng sinh đối với người phương Tây, Tết Nguyên đán được coi là dịp lễ quan trọng nhất trong tâm thức người Việt Nam. Đây là dịp để các gia đình sum họp, quây quần bên nhau, hướng về tổ tiên và cùng chia sẻ về những trải nghiệm trong một năm đã qua. Khái niệm “Tết” tưởng chừng quen thuộc, nhưng nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ đặc biệt này vẫn là một vấn đề chưa được biết đến rộng rãi.
Tại sao lại gọi là “Tết” hay “Tết Nguyên đán” ?
Tết Nguyên đán, hay còn gọi là Tết, Tết âm lịch được tổ chức vào ngày mồng 1 tháng 1 theo âm lịch trên đất nước Việt Nam và một số quốc gia đang có cộng đồng người Việt sinh sống. Trước ngày Tết, người nước Nam thường có một số ngày khác để tiễn năm cũ, bao gồm cúng Rằm tháng Chạp, cúng ông Công ông Táo (23 tháng Chạp) và cúng tất niên.
Theo cuốn “Vui buồn giỗ tết” của tác giả Trần Ngọc Lân, danh từ “Tết” thường dùng trong ngôn ngữ tiếng Việt thực tế được biến âm từ chữ Tiết (节) trong tiếng Hán, có nghĩa đen là cái “mấu tre”, hiểu rộng hơn là đoạn tiếp nối giữa hai khúc cây, đoạn cây. Việt Nam thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước, do nhu cầu canh tác nông nghiệp, người Việt đã “phân chia” thời gian trong một năm thành 24 tiết khác nhau, trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán sau này được biết đến là Tết Nguyên đán.
Nguyên: có nghĩa là Khởi Đầu
Đán: có nghĩa là Trọn Vẹn
Nguyên Đán: có nghĩa là sự Khởi Đầu Trọn Vẹn.
Tết Nguyên đán là lễ tết đầu tiên của một năm. Tết được bắt đầu từ lúc giao thừa cùng với lễ trừ tịch. Theo chữ Hán Nôm, Nguyên có nghĩa là bắt đầu, Đán là buổi sớm mai Tết Nguyên đán tức là tết bắt đầu đầu năm, mở đầu cho mọi công ăn việc làm với tất cả mọi cảnh vật đều mới mẻ đón xuân sang.
Năm mới đến, những sự may mắn mới đến, và bao nhiêu điều lo âu phiền toái của năm cũ đều theo năm cũ mà đi hết.
Nguồn gốc của Tết
Sự khởi đầu của Tết Nguyên đán bắt nguồn Trung Quốc cổ đại, sau đó du nhập vào Việt Nam thời kỳ 1000 năm Bắc Thuộc. Trải qua những thăng trầm lịch sử, ngày nay Tết Nguyên đán mang đậm bản sắc văn hóa riêng của người Việt. Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm, tượng trưng cho sự thống nhất, thịnh vượng và là lễ hội của hy vọng mới cho tương lai.
Theo lịch sử Trung Quốc, có nhiều giả thuyết được đặt ra về sự ra đời của Tết, trong số đó, giả thuyết nhận được nhiều sự đồng thuận nhất là: Tết Nguyên đán đã có lịch sử từ thời Tam Hoàng Ngũ đế, khoảng hơn 4000 năm trước. Vào một ngày nọ hơn hai nghìn năm trước Công nguyên, sau khi Đế Thuấn (2255 TCN – 2207 TCN), một trong những vị vua huyền thoại thời Trung Hoa cổ đại, sau khi tiếp quản ngai vàng đã dẫn các thuộc hạ của mình hành lễ trời đất. Từ đó, người dân coi ngày này là ngày đầu năm, tức ngày rằm tháng Giêng. Tương truyền rằng đây là nguồn gốc của Tết Nguyên tiêu, sau này được gọi là Tết Nguyên đán.
Tuy nhiên, ngày Tết ở các triều đại Trung Quốc không nhất quán: nhà Hạ dùng tháng Mạnh Xuân, tức tháng giêng là tháng đầu tiên, nhà Thương lại lấy tháng mười hai âm lịch (tháng 12) làm tháng đầu tiên. Sau đó, khi tiên vương Tần Thủy Hoàng thống nhất đất nước, ông đã chọn tháng 10 là tháng bắt đầu cho một năm mới.
Năm 104 TCN, hai nhà thiên văn học dân gian thời Tây Hán (202 TCN – 8) là Lạc Hạ Hoành và Đặng Bình theo yêu cầu của nhà vua, đã tạo ra lịch Thái Sơ, quy định tháng giêng là tháng khởi đầu của một năm, đồng thời thiết kế tháng nhuận có thể là bất kỳ tháng nào. Từ đó về sau, trải qua bao nhiêu thời đại, không còn nhà vua nào thay đổi về tháng Tết nữa. Sau đó, bộ lịch này dần phát triển thành Âm lịch hay Nông lịch mà ngày nay được nhiều quốc gia sử dụng.
Tết Nguyên tiêu trong tâm thức người Việt bốn phương
“Về quê ăn Tết”, cụm từ mỗi khi nhắc đến lại khiến trong lòng thổn thức, mong chờ, bởi đó không phải là khái niệm đi hay về thông thường, mà là một cuộc hành trình trở về với quê hương, về với nơi tràn đầy yêu thương và hạnh phúc.
Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết là ngày đoàn viên, dù làm bất kỳ nghề gì hay ở bất cứ nơi đâu, đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong 3 ngày Tết. Đây là dịp để những người con xa xứ trở về nơi mình được sinh ra, thờ cúng tổ tiên, mừng tuổi cha mẹ, hỏi thăm họ hàng, bà con lối xóm, siết chặt sợi dây tình cảm từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Để chuẩn bị cho một năm mới nhiều may mắn, trong những ngày cuối cùng của năm cũ, cả gia đình cùng dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, xua đi những bụi bẩn chính là việc xua đi xui xẻo, muộn phiền của năm cũ. Người lớn và trẻ con đều sắm sửa quần áo mới, như việc trang hoàng một diện mạo mới cho bản thân, thêm phần tự tin bước tiếp về phía trước. Ngày tết đem lại một sự khởi đầu mới, rũ bỏ những gì không hay đẹp của năm qua nên mọi người đều cố gắng vui vẻ độ lượng với nhau, bỏ qua hiềm khích cũ. Lòng người nào cũng tràn đầy hoài bão về hạnh phúc và thịnh vượng cho năm mới.
Tết cũng là ngày đoàn tụ với những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu . Trong mỗi gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên có một vị trí rất quan trọng, thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người Việt đối với tổ tiên, người thân đã khuất với những mâm ngũ quả được lựa chọn kỹ lưỡng; mâm cỗ với nhiều món ngon hay những món ăn quen thuộc của người đã mất.
Người Việt chọn ngày Tết làm cơ hội để tạ ơn. Con cái sẽ có dịp về thăm nom, báo hiếu, gửi yêu thương tới đấng sinh thành. Đồng nghiệp, bạn bè có dịp cảm ơn nhau vì những sự giúp đỡ đã dành cho nhau trong suốt một năm đã qua, dành cho nhau những lời chúc an lành nhất cho cuộc hành trình dài phía trước.
Với sự phát triển nhanh chóng của xã hội hiện đại, những phong tục truyền thống của Tết đã dần được thay đổi để phù hợp với thời đại. Tuy nhiên, dù có đón Tết theo cách nào, hay đón Tết tại đâu, chỉ cần trong lòng mỗi người luôn hướng về quê hương, cội nguồn, nghĩ đến những điều tốt đẹp cho tương lai thì chắc chắn sẽ cảm nhận được một cái Tết vô cùng trọn vẹn.
THỦY MAI
Báo Hưng Yên