Nguồn gốc tục lì xì trong ngày Tết cổ truyền
(VTC News) –
Mừng tuổi, hay lì xì làmột tục lệ trong dịp Tết Nguyên đán ở các nước Á Đông, trong đó có Việt Nam. Người ta đặt tiền vào chiếc phong bì nhỏ màu sắc rực rỡ để mừng tuổi trẻ em.
Nguồn gốc tục lì xì đầu năm mới
Tục lệ này xuất hiện từ thời xa xưa, bắt nguồn từ Trung Quốc và có nhiều câu chuyện về sự ra đời của nó.
Tương truyền, ở Đông Hải có rất nhiều yêu quái nhăm nhe gây hại cho người dân. Ngày thường, chúng luôn bị các thần tiên ở hạ giới canh giữ. Tuy nhiên, hàng năm các vị thần tiên đều phải về trời vào thời điểm giao thừa. Lúc này, yêu quái lộng hành, xoa đầu trẻ con đang ngủ khiến chúng giật mình khóc thét lên. Hôm sau, trẻ đau đầu, sốt cao làm các bậc cha mẹ không dám ngủ để canh phòng.
Một lần, 8 vị tiên đi ngang thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên mấy đứa trẻ, bảo cha mẹ chúng đem gói vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Không ngờ phép lạ ấy lại thật sự hữu dụng. Khi quái vật đến, những đồng tiền lóe lên khiến nó sợ, phải bỏ chạy.
Hai vợ chồng vui mừng đem chuyện kể lại cho mọi người nghe. Từ đó cứ Tết đến là người ta lại bỏ tiền vào những phong bì đỏ tặng trẻ con để trẻ chóng lớn và khỏe mạnh. Hành động này ngày càng phổ biến, người ta gọi đó là tục lì xì hay mừng tuổi đầu năm mới.
Lì xì nghĩa là gì?
Lì xì là phiên âm của từ “lợi thị” trong tiếng Trung, có nghĩa là được lợi, được tiền, được may mắn. Do đó, tiền lì xì là tiền đem lại may mắn, điều lành, điều tốt cho trẻ em dịp đầu năm.
Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, ý nghĩa tốt đẹp của hành động. Tiền lì xì thường là những món tiền nhỏ, gồm cả tiền lẻ và tiền chẵn được để trong phong bao màu đỏ, kín đáo. Người nhận được tiền lì xì dù là trẻ em hay người lớn đều vui vẻ, thích thú.
Ý nghĩa phong tục lì xì ngày Tết
Lì xì đầu năm là một phong tục, nét văn hóa tốt đẹp của người Việt, với mong muốn đem lại những điều may mắn đến trong năm mới. Việc lì xì không chỉ giới hạn trong ngày mùng 1 Tết, bạn có thể lì xì trong suốt ba ngày đầu năm, thậm chí kéo dài đến tận những ngày mồng 9, mùng 10.
Người lớn lì xì cho trẻ em với ý nghĩa cầu an lành, mạnh khỏe, ra ngoài gặp nhiều điều may mắn.
Bắt đầu từ thời khắc giao thừa, những người lớn tuổi trong gia đình sẽ lì xì cho con cháu rồi tới lượt con cháu mừng tuổi lại ông bà để lấy may cho cả năm. Những người tới chơi cũng được nhận lì xì từ chủ nhà hoặc ngược lại. Ý nghĩa của lì xì không nằm ở giá trị của đồng tiền mà là ở mong ước trẻ hay ăn chóng lớn, vui chơi, học hành tấn tới, ngoan ngoãn; còn người lớn tuổi thì khỏe mạnh để có thể bên con cháu thật lâu. Ngày nay, mọi lứa tuổi đều có thể được nhận lì xì để lấy may.
Phong bao lì xì cũng mang nhiều ý nghĩ tốt đẹp, tượng trưng cho sự kín đáo, không so bì hơn thua, tránh dẫn đến những xích mích không đáng có. Màu đỏ của chiếc bao lì xì tượng trưng cho màu như ý, cát tường, thịnh vượng trong suốt cả năm, màu của niềm hy vọng và sự may mắn.
Hạ Vy
(Tổng hợp)
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo