Nguồn Gốc Của Thực Dưỡng – Thực dưỡng bảo an

Thực dưỡng Ohsawa (thường gọi tắt là thực dưỡng; tiếng Anh: macrobiotic, xuất phát từ tiếng Hi Lạp μακρός-“lớn” và βίος-” đời sống”) là một hệ thống triết lý và thực hành để nhằm diễn giải bằng ngôn từ hiện đại Nguyên lý Vô Song của nền triết học Đông Phương – cụ thể là triết lý âm dương trong triết học Trung Hoa. Theo đó, nguyên lý này chính là nguồn gốc của mọi nền khoa học, triết học và các tôn giáo Viễn đông, và việc áp dụng nó sẽ giúp giải quyết tất cả các vấn đề cụ thể của đời sống vật chất, tinh thần và tâm linh. Đôi khi nó được gọi một cách không chính thức là Phương pháp trường sinh và đạo thiền, bắt nguồn từ tác phẩm cùng tên của giáo sư người Nhật Bản Georges Ohsawa (1893-1966), người khơi nguồn và phổ biến cho phương pháp này.

Điểm hội tụ của triết lý và thực hành nằm chính yếu ở thực phẩm và sự ăn uống. Theo Ohsawa, nếu chúng ta được nuôi dưỡng bằng thực phẩm phù hợp, dựa trên nền tảng quy luật của vũ trụ, các cơ quan trong cơ thể sẽ hoạt động điều hòa, không những sức khỏe được phục hồi và khang kiện trở lại, mà còn khiến cho trí phán đoán của con người trở nên sáng suốt và có khả năng nhận thức được chân lý, có nghĩa là, thể tính trật tự của vũ trụ và nhân sinh. Phương pháp Ohsawa bắt đầu xuất hiện và phổ biến tại Việt Nam từ trước năm 1975 tại miền Nam, với tên gọi phổ biến là Gạo lứt muối mè (xuất phát từ việc sử dụng gạo lứt làm nền tảng của phương pháp này). Tên gọi này vẫn còn được nhiều người sử dụng cho đến ngày nay.

Thời Hi Lạp Cổ đại, người ta đã sử dụng thuật ngữ “Đời sống lớn” (macrobiotic) để chỉ một phép dưỡng sinh tự nhiên và kéo dài tuổi xuân. Năm 1796, bác sĩ người Đức mang tên Christoph Wilhelm Hufeland đã ngợi ca một cuộc sống lành mạnh và một chế độ ăn uống thích hợp, được gọi là Makrobiotik. Georges Ohsawa đã mượn tên này để “tây phương hóa” nghệ thuật Tân Dưỡng Sinh mà ông truyền bá.

Ở Phương Đông, từ lâu các dân tộc nơi đây đã thiết lập được mối quan hệ giữa thực phẩm, vạn vật ,năng lượng tâm linh và sức khỏe qua một hệ thống triết lý sâu sắc từ Kinh Dịch. Nền y khoa của phương Đông chú trọng sử dụng các loại thảo dược, cùng phương pháp ăn uống thích hợp để điều tiết sức khỏe. Trong thiền tông Nhật Bản, người ta đã áp dụng một chế độ ăn gọi là “nấu ăn shōjin” (精進料理, shōjin ryōri), là một chế độ ăn giúp tăng cường trí phán đoán.

Giáo sư Sagen Ijizuka (1850 – 1909) người Nhật, được xem là người đi tiên phong trong việc ghi lại các hiểu biết trong truyền thống sang ngôn ngữ khoa học. Trước ông, có nhiều người đã nghiên cứu con đường này, nhất là Ekiken Kaibara (1630-1716), trong đó tất cả các ghi chép của ông được tập hợp lại trong cuốn sách tên là Yojokun (Lời khuyên để Trường sinh)

G.Ohsawa

Một trong những mục đích của Georges Ohsawa là thống nhất các quan niệm duy vật của phương Tây và siêu hình học của Phương Đông, qua đó giải quyết các xung đột của nhân loại. Ông dành trọn cả cuộc đời để chứng minh tính đúng đắn và cần thiết của lý thuyết của mình bằng bất cứ giá nào. Nó nhấn mạnh sự cần thiết phải thông đạt về lý thuyết Âm-Dương, cùng với sự thực hành của bản thân để kiểm chứng. Với ông, mục đích trước hết là khai mở trí phán đoán, để con người có khả năng đọc hiểu một cách tổng thể tất cả các tình huống và những vấn đề hóc búa, qua đó quyết định có nên làm hay không, tự do trong sự biết rõ nguyên nhân và kết quả của chúng.

Hậu Ohsawa

Sau khi Ohsawa mất, Thực dưỡng được truyền bá đi khắp thế giới bởi các môn đệ của ông, với tư cách là một phương pháp với mục đích để có được sức khỏe. Vào giữa những năm 70, nó được phổ biến bởi Michio Kushi (1926), một đệ tử của Ohsawa, tại Boston, Hoa Kỳ. Kushi đã phát triển phương pháp này một cách có hệ thống, có sự hợp tác và đồng thuận với các cơ quan chức trách (Bộ Y tế Hoa Kỳ, các hiệp hội Y-Bác sĩ…), nhấn mạnh đến mặt dưỡng sinh và trị bệnh của phương pháp này. Nó cũng được điều chỉnh đề phụ hợp hơn với chế độ ăn của người Mỹ để họ dễ dàng thực hiện hơn (được gọi là Thực dưỡng hiện đại ) kết hợp với các phương pháp khác như bấm huyệt, xoa bóp, châm cứu, và các học thuyết Đông Y khác như Ngũ hành…

Ở Pháp, trong những năm 1980, sự việc của Roger Ikor (nhà văn Pháp, có con trai thực hiện phương pháp Thực dưỡng đã tự tử), phương pháp này bị liệt vào một trong những phong trào nguy hiểm. Ngày nay, tại đây nó vẫn giữ được hình ảnh của mình, với các luận cứ về dinh dưỡng vững chắc được các phương tiện truyền thống ca ngợi. Thực dưỡng, với tư cách là một chế độ dinh dưỡng vì sức khỏe, đã được các nước Anglo-Saxon và các nước Tây Bắc Âu (Hà Lan, Pháp, Đức) đón nhận nồng nhiệt. Trong vài năm gần đây, nó trở thành mốt tại Mỹ, nhờ vào số lượng người đông đảo thực hành, đặc biệt là các ngôi sao nổi tiếng. Trong những năm 1990, nó đã được phổ biến mạnh mẽ tại Đông Âu.

Một số các nhà thực dưỡng nổi tiếng:

Herman Aihara (1920-1998)

Michio Kushi (1926) ở Mỹ

Tomio Kikuchi (1926) ở Brasil

René Lévy (-2010)

Françoise Rivière (1916-2006) tại Pháp

Lima Ohsawa (1898-1999) ở Nhật

Mario Pianesi ở Italia

Jacques Skalka (1941-2012) ở Bỉ

Nền tảng

Theo nguyên lý “Vô Song Nguyên lý” (Gs. Ohsawa cũng gọi đây là “Nguyên lý nhất nguyên phân cực”), thế giới vật chất bắt nguồn từ hư vô hay vô cực. Vô cực, tại một thời điểm nào đó, tách ra làm hai do lực ly tâm (Âm) và lực cầu tâm (Dương). Sự phân tách này làm vô cực, hay hư vô hiện hình, nhưng trở nên thế giới tương đối và chia tách. Hai lực này luôn luôn có xu hướng hợp nhất lại để hoàn thiện sự thiếu sót (vì theo lý thuyết này, chúng đối nhau đên hút nhau, bên này sẽ chứa những yếu tố mà bên kia thiếu ), và nhờ vào sự tương tác này, tất cả mọi hiện tượng của thế giới hiện hữu và tương đối được hình thành.

Bởi vì hiện tượng này diễn ra mãi mãi, thế giới tương đối và vô cực tuyệt đối không sai khác, chúng đều nằm ở giai đoạn khác nhau nhưng đang cùng phát triển. Điều này nói lên thể tính thống nhất của mọi thứ, sự liên tục và biến dịch không ngừng nghỉ. Nguyên lý này được tìm thấy đa số trong các triết lý tôn giáo Viễn Đông ( Đạo Giáo, Khổng Giáo, Phật giáo…)

Một dĩa cơm chay ở Việt Nam, nền ẩm thực Việt Nam chú trọng tính hài hòa, quân bình âm dương

Dương là lực hướng tâm, có tính chất co rút, tập hợp lại. Dương tạo ra âm thanh, nhiệt độ, ánh sáng, bức xạ màu đỏ, chủ động, khô, nặng, rắn, hình dạng nhỏ, tròn và thu lại. Âm là lực ly tâm, có tính chất bành trướng, phân tán, trương nở. Âm là nguồn gốc của sự im lặng, lạnh, bóng tối, tạo ra những bức xạ tím, thụ động, nhẹ, ướt, mềm, nhẹ, hình dạng dong dỏng, dọc.

Âm và Dương là hai mặt của một sự vật, sự việc duy nhất. Trong mỗi hiện tượng đều có mặt hai yếu tố này, nhưng luôn có một yếu tố trội hơn. Người ta nói một thứ là “Âm” hay “Dương” khi người ta biết được yếu tố nào trội hơn trong đó. Tất cả mọi sự vật, sự việc đều tự chúng trở nên cân bằng. Sự sắp xếp thuộc tính Âm/Dương chỉ mang tính tương đối: A so với B là âm nhưng lại dương so với C. Ví dụ, người ta nói “Cà rốt dương hơn rau sống trộn, nhưng Âm hơn ngũ cốc”.

Trong thực phẩm, người ta phân định âm dương dựa vào thành phần trong máu của chúng ta (chủ yếu dựa theo tỉ số Kali/Natri). Để tránh nhầm lẫn, Ohsawa đã khuyên nên chú trọng đến nhiều tiêu chí cùng lúc, như hình dạng, màu sắc, thành phần hóa học, xu hướng… Âm sinh Dương và Dương sinh Âm: ở những vùng có khí hậu lạnh (Âm), sinh ra các loại động vậtvà thực vật dương; ngược lại, những loài động vật và thực vật ở các xứ nóng (Dương) lại Âm.