Người vẽ 79 bức chân dung Bác Hồ
Tôi bị họa sĩ thu hút ngay từ câu chuyện đầu tiên của ông. Ông đã treo bút nghiên khi còn đang học Mỹ thuật tại Sài Gòn trở về quê hương tham gia kháng chiến chống Mỹ từ năm 1957. Từ đây ông cầm súng cùng đơn vị xây dựng cơ sở cách mạng đầu tiên ở Tân Biên. Nhưng không may, ông bị chính quyền Ngụy bắt vào tù, vì cơ sở bị lộ (cuối 1957). Trong tù ông đã bắt đầu vẽ chân dung Bác Hồ, theo trí tưởng tượng cho đồng chí làm lễ kỷ niệm 3/2, hay mỗi dịp kết nạp đảng viên.
Hai năm sau Võ Đồng Minh được thả (1959). Ông liền trở về căn cứ cách mạng lúc đó đang lớn mạnh ở quê hương. Họa sĩ tham gia làm báo, in tài liệu tuyên truyền phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước.
Họa sĩ Võ Đồng Minh cùng đồng đội dựng đền thờ Bác ngay biên giới, khi nghe tin Bác mất năm 1969. Việc bí mật xây dựng đền thờ Bác trong cánh rừng là cả một cuộc chiến sống còn nơi biên cương. Một mặt giữ không cho giặc biết, phần còn phải lo giữ những kẻ xấu khiêu khích từ phía nước bạn. Họa sĩ Võ Đồng Minh cùng họa sĩ Tam Bạch được nhận nhiệm vụ vẽ chân dung Bác Hồ, để kịp làm lễ viếng Bác vào ngày 5/9/1969.
Hôm đó trước vong linh Bác, họa sĩ Võ Đồng Minh đã hứa dành trọn đời mình vẽ 79 bức chân dung Bác, để tỏ lòng kính yêu và thương nhớ Bác. Song mãi cho đến năm 1975, sau chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ông mới dành thời gian bắt tay vào vẽ bức chân dung Bác Hồ đầu tiên.
Nhưng có điều lạ, ông đã thay cây cọ bằng cây bút bi sắt, vẽ chân dung Bác. Ông cho rằng mực bút bi sẽ bền hơn tất cả các chất liệu mầu khác. Những bức chân dung này sẽ giữ được lâu hơn và không bao giờ phai mầu. Nhưng khi xem tranh của ông, tôi càng thêm ngạc nhiên, cho dù đã từng nghe cách vẽ chấm của ông trên các bức tranh. Tôi không tin ở mắt mình vì không phải lấy bút bi vẽ nét, vẽ hình mà ấn bút từng dấu chấm li ti, dầy đặc để tạo nên chân dung Bác. Người học trò của ông đang thực hiện một bức hình khác bằng kỹ thuật ấy, nghĩa là để tạo một đường cong trên mi mắt, sẽ phải chấm hàng trăm dấu, nối liền mới thành một nét. Vậy thời gian để vẽ một chân dung Bác phải nhấn hàng triệu triệu dấu chấm, kéo dài hàng tháng trời mới hoàn thành.
Thấy tôi áy náy về hiệu quả mầu sắc và công sức lao động, họa sĩ Võ Đồng Minh phân trần, khi chấm bút sẽ tạo nên một sắc thái không gian có chiều sâu hơn cầm cây cọ tô mảng màu. Cho dù hiện nay các họa sĩ không còn hứng thú với cách tạo hình bằng những dấu chấm, nhưng ông lại thấy độ tinh tế của nó và một lòng theo đuổi. Đó là cách vẽ chấm chứ không vẽ nét. Hơn nữa ông lại chỉ dùng bút bi Thiên Long để chấm chứ không dùng bút khác, vậy nên để tạo được màu khác nhau, họa sĩ phải chấm đè (phối mầu) bằng các loại bút bi màu sắc khác nhau để tạo nên sắc độ mình cần diễn tả.
Một bức chân dung Bác, ông đã vẽ bốn tháng mới xong. Hỏi vậy đến bao giờ ông mới xong 79 bức như lời hứa. Ông bùi ngùi nói, đã xong rồi đấy định công bố vào năm 2016 nhưng không ngờ, sự xáo động trong gia đình, phải dọn nhà mấy lần. Hơn ba mươi bức đã dính nước mưa hỏng mà không biết. “Vẫn phải tiếp tục thôi”. Ông nói một cách quả quyết.
Họa sĩ Võ Đồng Minh đã thành danh, với giải thưởng Văn học nghệ thuật Xuân Hồng lần thứ nhất ở Tây Ninh (2013), giải thưởng tranh cổ động toàn quốc năm 1996 và giải nhất tranh biếm họa Tây Ninh. Ông được kết nạp Hội Mỹ thuật Việt Nam khá sớm (1978) và là một chiến sĩ giải phóng có nhiều công sức đóng góp cho công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc…
Hàng ngày vẫn có những học trò đến học vẽ để luyện thi vào đại học. Đó là phần kiếm kế sinh nhai cuối cùng của cuộc đời một họa sĩ như ông. Để thực hiện cho đủ 79 bức chân dung Bác Hồ, ông sẽ còn phải dành rất nhiều thời gian mới kịp. Hơn nữa đó là những bức tranh của tâm hồn và trái tim dành cho Bác, ông không bao giờ bán đi, cho dù có những nhà sưu tầm tranh đã tìm đến trả giá cao. Tôi chợt gợi ý, để cho nhanh họa sĩ hãy đổi cách vẽ, đừng dùng bút chấm từng dấu li ti như thế nữa. Ông trừng mắt rồi lắc đầu nói “tôi là vậy đó, phong cách của riêng tôi”.