Người sống thực vật 15 năm liệt giường vẫn có thể tỉnh lại nhờ nghiên cứu này

Một nghiên cứu mang tính đột phá vừa được công bố trên tạp chí Current Biology cho biết: Người sống thực vật có thể tỉnh lại sau hàng chục năm liệt giường.

Cụ thể, bài báo nêu ra trường hợp của một anh chàng người Pháp, bị chấn thương sọ não sau tai nạn giao thông từ năm 20 tuổi. Mặc dù may mắn thoát chết, anh ta đã phải nằm liệt giường trong trạng thái thực vật và mất toàn bộ ý thức suốt 15 năm.

Nhưng bây giờ, các nhà khoa học cho rằng họ đã vừa đánh thức được anh chàng tỉnh dậy ở tuổi 35, sử dụng một kỹ thuật kích thích thần kinh phế vị gọi là VNS (Vagus Nerve Stimulation).

Nghiên cứu này mở ra nhiều hi vọng cho người nhà của những bệnh nhân đang sống trong tình trạng thực vật. Đồng thời, nó cũng thách thức một giả thuyết hiện nay, cho rằng nếu ai đó sống thực vật kéo dài quá 12 tháng, họ sẽ vĩnh viễn không bao giờ tỉnh lại được.


Người sống thực vật suốt 15 năm vẫn có thể tỉnh lại được nhờ nghiên cứu này

Người sống thực vật suốt 15 năm vẫn có thể tỉnh lại được nhờ nghiên cứu này

TRẠNG THÁI SỐNG THỰC VẬT LÀ GÌ?

Sống thực vật là hậu quả của những tổn thương não nghiêm trọng, rối loạn thoái hóa thần kinh, rối loạn trao đổi chất hoặc bất thường bẩm sinh trong não bộ.

Không giống với tình trạng hôn mê, trong đó, bệnh nhân luôn luôn ngủ và cơ thể không có bất kỳ cử động nào, sống thực vật là một trạng thái kỳ lạ hơn. Người thực vật nằm nhưng không ngủ. Họ vẫn mở mắt, cử động con ngươi để nhìn vào tường, lên trần hay những người thân bên cạnh mình.

Mặc dù vậy, người thực vật đã bị mất hết ý thức và không hề có bất cứ phản ứng nào với mọi kích thích. Họ không nghe, không nói, không cử động, không ăn uống, không thể khống chế đại tiểu tiện. Dù có đột nhiên đưa một vật thể ra trước mắt người thực vật, họ cũng sẽ không thấy bất ngờ, không chớp mắt hay cử động con ngươi tập trung vào nó.

Thế nhưng, toàn bộ những phản ứng bản năng của người thực vật vẫn được duy trì, bao gồm sự co bóp của tim, hơi thở, phản ứng ho, nuốt, hắt hơi. Vì vậy, một người thực vật có thể sống liên tục nhiều năm bằng nước, sữa và chất dinh dưỡng truyền qua ống thông.

Khác với hôn mê, một người sống thực vật vẫn có thể mở mắt

Khác với hôn mê, một người sống thực vật vẫn có thể mở mắt

Trong trường hợp người đàn ông 35 tuổi người Pháp, tình trạng sống thực vật đã kéo dài 15 mà không có bất kể sự cải thiện nào. Các nhà khoa học đã quyết định cấy ghép vào sau gáy và ngực anh một thiết bị kích thích dây thần kinh phế vị. Đây là một trong những dây thần kinh quan trọng nhất, nối đầu với phần còn lại của cơ thể.

Kỳ diệu thay, liệu pháp này đã tỏ ra thành công. Các nhà khoa học cho rằng họ đang dần đánh thức được anh ta dậy ở tuổi 35. Các khu vực “im lặng” nhất trong não bộ đã có tín hiệu hoạt động gia tăng. Mắt bệnh nhân đã có phản ứng quay về phía người nói chuyện. Khi được cho soi gương, anh chàng cũng dõi theo khi chiếc gương được các bác sĩ di chuyển.

Bệnh nhân quay đầu hướng theo nguồn âm thanh di chuyển quanh giường mình. Anh ta lắc đầu khi được hỏi. Khi các bác sĩ kiểm tra phản ứng bằng cách đưa đột ngột vật thể ra trước mặt, mắt anh ta đã mở rộng như thể anh rất ngạc nhiên và sợ hãi.

Khi được một người thân chơi cho nghe bản nhạc yêu thích, anh chàng đã mỉm cười và khóc.

Tiến sĩ Angela Sirigu, người dẫn đầu nghiên cứu này tại Viện Khoa học thần kinh Marc Jeannerod, Lyon, Pháp cho biết: “Anh ấy vẫn còn liệt, không thể nói chuyện nhưng anh đã có thể hồi đáp với thế giới bên ngoài. Hiện tại, anh ấy đã có ý thức hơn”.

Các nhà khoa học đã làm như thế nào?

Đánh thức người sống thực vật trong thời gian dài là một điều thực sự khó. Để làm được điều này, các nhà khoa học Pháp đã nhắm mục tiêu đến dây thần kinh phế vị chạy qua gáy người đàn ông.

Dây thần kinh phế vị kết nối não với hầu hết tất cả cơ quan quan trọng trong cơ thể. Nó chạy từ thân não xuống hai bên cổ, ngực trên và thành bụng. Trong não, dây thần kinh phế bị liên kết với hai khu vực chịu trách nhiệm cho sự tỉnh táo và nhận thức.

Các bác sĩ đã thực hiện một cuộc phẫu thuật 20 phút để cấy ghép thiết bị kích thích vào người đàn ông. Họ bọc một điện cực mỏng xung quanh dây thần kinh phế vị. Cùng với đó, một công tắc được nối xuống ngực để bật tắt các kích thích điện. Thiết bị được để nguyên 1 tháng trước khi kích thích đầu tiên được phát ra.

Giai đoạn trị liệu kéo dài 6 tháng. Trong đó, mỗi đợt kích thích điện vào dây thần kinh phế vị kéo dài 30 giây, tiếp sau 5 phút nghỉ. Nhóm nghiên cứu đã bắt đầu với dòng điện 0,25 mA, sau đó tăng lên 0,25 mA rồi 1,5 mA.

Các bác sĩ thường xuyên theo dõi và đánh giá những thay đổi hành vi của bệnh nhân trong suốt quá trình trị liệu. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Sirigu ghi lại tin hiệu điện não đồ (EEG) dưới da đầu bệnh nhân. Anh ta cũng sẽ được quét não bằng kỹ thuật chụp cắt lớp positron (PET) vào hai thời điểm ngay trước và sau khi trị liệu kết thúc.


Tín hiệu trong não bộ người đàn ông trước (bên trái) và sau (bên phải) khi thực hiện liệu pháp - mô phỏng điện não đồ

Tín hiệu trong não bộ người đàn ông trước (bên trái) và sau (bên phải) khi thực hiện liệu pháp – mô phỏng điện não đồ

Kết quả được ghi nhận: Ngay sau đợt kích thích điện đầu tiên, bệnh nhân đã mở mắt thường xuyên hơn. Sau một tháng, anh bắt đầu dõi mắt theo những người trong phòng. Anh ta thậm chí có thể đáp ứng với các hướng dẫn quay đầu từ bên này sang bên khác.

Chúng tôi đã quan sát hoạt động trong những khu vực mà dây thần kinh phế vị kết nối chủ yếu đến đó”, tiến sĩ Sirigu nói. Nhiều khu vực của vỏ não đã gia tăng hoạt động sau kích thích, bao gồm vỏ não thùy đỉnh. “Khu vực này là chiếc chìa khóa của ý thức”, bà nói.

Chụp cắt lớp PET cho thấy quá trình trao đổi chất trong não đã được đẩy mạnh. Trong khi đó, phân tích điện não đồ EEG chỉ ra khả năng kết nối và chia sẻ thông tin của não bộ cũng gia tăng.


Trao đổi chất trong não bộ gia tăng sau khi thực hiện liệu pháp (bên phải so với bên trái)- ảnh chụp PET

Trao đổi chất trong não bộ gia tăng sau khi thực hiện liệu pháp (bên phải so với bên trái)- ảnh chụp PET

Sự dẻo dai của não và khả năng tự hồi phục của nó còn tồn tại ngay cả khi hy vọng gần như đã biến mất”, tiến sĩ Sirigu nói. Nghiên cứu nếu chính xác sẽ đẩy đổ một giả thuyết phổ biến, cho rằng người sống thực vật kéo dài hơn 12 tháng sẽ không thể tỉnh lại.

Nghiên cứu đã đem lại hi vọng rất lớn cho gia đình các bệnh nhân đang trong tình trạng sống thực vật. Tuy nhiên, cũng phải nói đây mới chỉ là kết quả trên một trường hợp bệnh nhân duy nhất.

Sắp tới, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Sirigu sẽ cần mở rộng quy mô thử nghiệm của họ, để đánh giá xem liệu phương pháp kích thích thần kinh này có hoạt động trên các bệnh nhân khác hay không.

Trong khoảng thời gian đó, có một số câu hỏi về mặt đạo đức cũng cần phải được trả lời: “Liệu chính các bệnh nhân sống thực vật có muốn lấy lại nhận thức, để biết về tình trạng của họ hay không?”. Và nếu bệnh nhân sống thực vật có thể khôi phục nhận thức sau 15 năm, những quy định về cái chết nhân đạo cũng cần phải xem xét lại.

Tham khảo Arstechnica, Newscientist, Theguardian