Người phụ nữ nhập viện tâm thần vì bị gia đình chồng đối xử tệ bạc, không cho ngủ với chồng
Sau khi bị gia đình chồng đối xử tệ bạc, thậm chí ngăn cản cả việc sinh hoạt với chồng, người phụ nữ đã phải nhập viện gia đình.
Trong xã hội hiện đại, nếu không biết tự cân bằng cuộc sống, dung hòa những mối quan hệ thì rất dễ dẫn tới những áp lực, stress, thậm chí là phải nhập viện tâm thần điều trị. Thậm chí có những trường hợp phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa tâm thần vì những lý do không ngờ tới, xuất phát từ các mối quan hệ trong gia đình.
PGS.TS.BS Tô Thanh Phương, nguyên Phó giám đốc, trưởng khoa Cấp tính nữ (Bệnh viện Tâm thần Trung ương I) chia sẻ, ông từng tiếp nhận trường hợp một người phụ nữ đã lập gia đình, nhập viện trong tình trạng vô cùng đáng thương khi bị gia đình nhà chồng đối xử tệ bạc.
Nữ bệnh nhân tên L (quê Hưng Yên) khi nhập viện đã ở trong tình trạng căng thẳng, hoảng loạn tinh thần, gào khóc và có dấu hiệu sang chấn tâm lý. Ngay sau khi thăm khám, bác sĩ Phương đã đưa ra phắc đồ điều trị. Thời gian đầu bệnh nhân hay khóc và mất ngủ, phải mất thời gian gần hai tháng tình trạng mới cải thiện.
Theo chia sẻ của người bệnh, chồng chị là người hiền lành nhưng thường xuyên phải đi công tác xa nhà. Thời gian chồng đi công tác, người vợ phải sống cùng gia đình chồng và bị đối xử không tốt. Cụ thể, chị L tuy không bị bạo hành về thể xác nhưng luôn bị gia đình nhà chồng khinh rẻ, bạo hành về tinh thần.
Những người phụ nữ thường chịu đựng áp lực kém hơn nam giới, do vậy rất cần sự sẻ chia của những người xung quanh. Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
“Tôi thật sự vô cùng đau khổ khi ngay cả chuyện sinh hoạt với chồng cũng bị kiểm soát. Thậm chí chuyện hai vợ chồng muốn “tâm sự” với nhau cũng phải xin phép và có sự đồng ý của nhà chồng mới được thực hiện. Có lần ,chồng đi công tác xa về, hai vợ chồng muốn ngủ với nhau cũng chẳng được vì bị gia đình chồng tác động, ngăn cản”, chị L tâm sự với bác sĩ.
Với cuộc sống như vậy, có những lúc chị L muốn rũ bỏ tất cả nhưng nghĩ về con chị lại không đành lòng và chấp nhận cuộc sống thực tại. Thế nhưng, áp lực về tâm lý, tư tưởng ngày càng nặng thêm khiến người phụ nữ này trở nên lầm lỳ, ít nói rồi căng thẳng, mất ngủ triền miên. Lâu dần, chị biểu hiện những dấu hiệu hoảng loạn về tâm thần, nói nhảm, khóc một mình và được đưa đi tới bệnh viện khám.
Bác sĩ Phương cho biết, nữ bệnh nhân này bị sang chấn tâm lý suốt một thời gian dài, cùng với đó là tình trạng căng thẳng, mất ngủ dẫn đến trầm cảm. Nguyên nhân chính là những bất đồng và áp lực trong cuộc sống gia đình.
Với trường hợp này, ngoài việc phải điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ, vai trò của người thân là rất quan trọng, bởi sau khi điều trị bằng thuốc trở về cuộc sống bình thường nếu bệnh nhân vẫn phải chịu những áp lực, căng thẳng thì bệnh rất dễ tái phát.
Theo bác sĩ Phương, hiện nay rất nhiều yếu tố xung quanh gây ra các rối loạn tâm thần, trong đó có trầm cảm như bệnh tật, áp lực cuộc sống, công việc…Tuy nhiên, trường hợp bị gia đình chồng o ép, đối xử tệ bạc đến mức nhập viện tâm thần trong xã hội hiện đại là hiếm gặp.
Để hạn chế những sang chấn tâm lý cũng như trầm cảm, bác sĩ Phương khuyên mọi người nên chia sẻ những khúc mắc, phiền muộn, trước hết là với người thân, sau đó đến bạn bè, thậm chí là các chuyên gia tâm lý để sớm giải tỏa tâm lý, tìm cách tháo gỡ vấn đề. Bởi nếu tình trạng diễn ra trong thời gian dài, bị kìm nén quá lâu sẽ gây ra ức chế và có thể dẫn đến trầm cảm.
Ngoài ra, theo bác sĩ, ai cũng nên tăng cường rèn luyện thể lực, vận động thể thao, tăng lưu thông máu lên não, cải thiện khả năng chống đỡ, phòng tránh bệnh trầm cảm. Khi xuất hiện những triệu chứng mất ngủ kéo dài, lo âu, buồn phiền không dứt, người bệnh cần đến chuyên khoa tâm thần để thăm khám.