Người lưu giữ những “cánh buồm đỏ thắm”

Ở không gian trưng bày tầng 1 Bảo tàng Quảng Ninh có một con thuyền vỏ gỗ với cánh buồm đỏ thắm, mô phỏng lại thuyền ba vách, buồm cánh dơi có thể ngược gió, ngược nước tiến lên phía trước của ngư dân vùng đảo Hà Nam, TX Quảng Yên. Người nắm giữ tri thức, kỹ năng và trực tiếp đóng con thuyền này là Nghệ nhân Nhân dân Lê Đức Chắn.

Trong ngôi nhà của ông Lê Đức Chắn (ở khu 8, phường Phong Hải, TX Quảng Yên) trưng bày rất nhiều mô hình thuyền ba vách, buồm cánh dơi. Giới thiệu về những con thuyền này, ông Chắn tự hào: Nhờ được sáng tạo hình dáng và các bộ phận như bánh lái mũi, buồm mũi, buồm lái theo kiểu cánh dơi, các loại chèo, nụ hỗ trợ khi chạy làm cho con thuyền có thể đi xuôi nước xuôi gió, đi ngang nước ngang gió, đi ngược nước ngược gió trên sông biển, giúp giảm được sức người.


Thuyền ba vách, buồm cánh dơi do ông Lê Đức Chắn chế tạo.

“Loại thuyền này không có sách vở nào ghi chép thông số kỹ thuật cho người thợ làm, mà đến nay, để đóng thuyền đều bằng hình thức truyền miệng, người lớn dạy lại cho con cháu trong nhà, đời cha ông truyền đến đời con. Từ khi tôi còn là cậu bé lên 5, lên 7, tôi đã cảm thụ được phương pháp làm thuyền gỗ ba vách, buồm cánh dơi từ cha ông. Lớn dần lên, tôi được ông nội, bố truyền dạy nghề gia truyền đóng tàu thuyền” – ông Chắn kể.

Năm 1968, khi ấy mới là chàng thanh niên tròn 18 tuổi, ông Chắn được huy động đóng các con thuyền vận tải. Ông và những người thợ làm ngày, làm đêm, vừa tránh máy bay của giặc Mỹ, vừa cố gắng hết sức để các con tàu sớm hoàn thành, hạ thuỷ, để chở vũ khí, lương thực vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Nhớ lại những ngày tháng ấy, ông Chắn không giấu nổi tự hào.


Thuyền ba vách, buồm cánh dơi do ông Lê Đức Chắn chế tạo.

Đến tận bây giờ, ông Chắn không nhớ là mình đã đóng được bao nhiêu tàu, thuyền phục vụ nhân dân trong vùng và các tỉnh lân cận. Ông đóng cả những tàu đánh cá trong vịnh và tàu có công suất máy tới hàng nghìn CV đánh bắt xa bờ, tàu du lịch trên Vịnh Hạ Long, tàu vận tải thuỷ… Nhưng những con tàu thuyền ba vách, buồm cánh dơi vẫn để lại cho ông nhiều kỷ niệm, niềm vui, niềm tự hào nhất.

Nói về thuyền ba vách, buồm cánh dơi, ông Chắn có một niềm say mê đặc biệt. Ông bảo, để làm được một con thuyền hoàn chỉnh, đạt chất lượng, ngoài việc phải nắm giữ được kỹ năng, bí kíp gia truyền độc đáo thì còn phải thực hiện các phần lễ cẩn thận để con thuyền đó ra khơi mang lại nhiều may mắn, hiệu quả cho chủ thuyền và các thành viên trên thuyền.


Ông Lê Đức Chắn làm rất nhiều mô hình thuyền ba vách, buồm cánh dơi.

Đầu tiên là nghi lễ phạt mộc. Người thợ cả chọn cây gỗ ngay, thẳng, không bị sâu; mang xẻ thành ván gỗ và cũng chọn một tấm đẹp nhất, rồi chọn ngày lành tháng tốt, giờ đẹp, đúng lúc nước thủy triều lên mạnh thì làm lễ phạt mộc. Người đóng thuyền mặc áo lương, khăn xếp chỉnh tề rồi dùng văn khấn Thánh sư Tổ nghề phù hộ độ trì cho hậu duệ đóng cho các chủ tàu làm ăn may mắn. Rồi người thợ cả bật một dây mực ở tấm ván giữa đáy lườn tàu, thuyền một đường thẳng để làm mực tim của thuyền (gọi là mực ruột). Đường mực này chính là quy tắc về kỹ thuật, kỹ năng chính của một con tàu thuyền, từ đó tìm ra góc vuông của các khoảng cong xưởng, các boong thuyền, độ ngả của hai bên vách mạn. Cũng từ mực góc vuông này mà ông Chắn tính được đường cong và đường vòng của mũi và lái thuyền, rồi tính toán ra các phụ kiện, chi tiết khác được liên hoàn với nhau để con thuyền có kết cấu vững chãi. Đây là khâu đòi hỏi người thợ cả phải nắm rất chắc về kỹ năng và phải có kinh nghiệm nhiều năm trong nghề. Sau đó là các công đoạn ghép ván mạn, uốn ván, kê đà, phân khoang, làm mặt boong, sảm thuyền, bắt triết, làm buồm…


Ông Lê Đức Chắn giới thiệu mô hình tàu thăm vịnh Hạ Long do ông chế tạo.

Những con thuyền ba vách, buồm cánh dơi do ông Chắn làm ra có hình thon, tức là thon ở hai mũi, tạo thành một chóp nhọn. Tạo dáng thon cho thuyền là để tạo ra một lực đẩy để thuyền đi về phía trước, nhờ hình thon mà sóng phía trước tác dụng vào thuyền sẽ rẽ sang hai bên, do vậy lực cản phía trước sẽ nhỏ đi, thuyền sẽ đi nhanh hơn. Diện tiếp xúc của nước với thuyền ít, do đó khi có gió sẽ đẩy thuyền đi nhanh về phía trước. Buồm thuyền hình cánh dơi, được làm bằng vải sợi, nhuộm bằng vỏ cây đâng ở bãi triều cho đến khi vải buồm có màu đỏ tươi. Thuyền hoàn chỉnh có hình thức đẹp, cân đối, vững chãi, có độ bền cao, công năng linh hoạt, chở được khối lượng hàng hóa lớn. Đặc biệt, các thuyền có thể đi ngược nước, ngược gió trên sông biển.

Những con thuyền ba vách, buồm cánh dơi này từ lâu đã không còn dong buồm vươn khơi nữa, thay vào đó là tàu, thuyền gắn động cơ. Gần 10 năm nay, ông Chắn đã tái tạo lại những con thuyền cổ để không bị mai một, thất truyền nghề. Ông đã đóng cho Bảo tàng Quảng Ninh một con thuyền ba vách, buồm cánh dơi (hiện vẫn trưng bày ở Bảo tàng), 2 chiếc chải bơi cổ, 2 chiếc giể đánh cá và 1 thuyền lẵng đầm mang đặc thù riêng của vùng đất Quảng Yên. Ông cũng đóng thuyền ba vách cổ, buồm cánh dơi theo đơn đặt hàng của Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Vườn Quốc gia Cát Bà (Hải Phòng)…


Lúc rảnh rỗi, ông Lê Đức Chắn đến thăm xưởng đóng tàu thuyền của các con và trao đổi, truyền nghề.

Mấy năm nay, ở tuổi ngoài 70, ông Chắn đã giao lại xưởng đóng tàu thuyền cho các con trai. Ngoài dành thời gian nghỉ ngơi, câu cá với bạn già, ông vẫn làm những mô hình thuyền ba vách, buồm cánh dơi lớn nhỏ theo đơn đặt hàng của khách gần xa. “Làm thuyền mô hình, cái nhỏ cũng mất 3 ngày đến 1 tuần, cái lớn thì mất cả tháng. Nhưng tôi làm không phải vì kinh tế, mà để các con, các cháu thêm hiểu nghề, yêu nghề, để những con tàu ngược sóng này không bị thất truyền, mai một mà ngày càng vươn xa đến nhiều vùng đất mới…” – ông Chắn tâm sự.

Nghệ nhân Nhân dân Lê Đức Chắn

Sinh năm 1950; trú tại khu 8, phường Phong Hải, TX Quảng Yên

Năm 2015, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú

Năm 2022, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân

Di sản văn hóa phi vật thể nắm giữ: Tri thức, kỹ năng đóng thuyền vỏ gỗ, thuyền ba vách “Thuyền buồm cánh dơi”. Thuộc loại hình tri thức dân gian về kỹ thuật, bí quyết nghề đóng tàu, thuyền vỏ gỗ ở Cống Mương, khu 8, phường Phong Hải, TX Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh.