Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động – Luật Việt An
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp khi thực hiện đúng nghĩa vụ báo trước, trừ một số trường hợp đặc biệt. Khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng hợp pháp vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu chưa tìm được công việc mới và đảm bảo các quyền lợi hợp pháp khác theo quy định.
Nội Dung Chính
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng mà không cần lý do
Trước đây theo quy định của Bộ luật Lao động 2012 người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động bắt buộc phải có 01 trong những lý do được nêu tại Khoản 1 Điều 37 BLLĐ 2012, đồng thời đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước. Tuy nhiên, từ ngày 01/01/2021, theo Bộ luật Lao động 2019 người lao động muốn chấm dứt hợp đồng lao động chỉ cần đáp ứng điều kiện về thời gian báo trước sau đây (trừ 01 số trường hợp không cần báo trước theo luật định).
Thời gian báo trước khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: báo trước ít nhất 45 ngày làm việc;
- Hợp đồng lao động có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng: báo trước ít nhất 30 ngày làm việc;
- Hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng: ít nhất 03 ngày làm việc;
- Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Các trường hợp người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần thực hiện nghĩa vụ báo trước
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 35 Bộ luật lao động 2019 thì NLĐ có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ không cần báo trước trong trường hợp sau đây:
- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật lao động 2019;
- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật lao động 2019;
- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại Khoản 1 Điều 138 Bộ luật lao động 2019;
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật lao động 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
- Người sử dụng cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Bộ luật lao động 2019 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Hậu quả khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không thực hiện đúng thời gian báo trước
Theo quy định tại Điều 40, Bộ luật lao động 2019 quy định người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật (tức không báo trước đúng thời hạn nêu trên) người lao động sẽ phải chịu những hậu quả như sau:
- Không được hưởng trợ cấp thôi việc.
- Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.
- Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo (nếu có).
Quyền lợi của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật hợp pháp
Được thanh toán lương còn lại theo ngày làm việc tại doanh nghiệp
Trong thời hạn 14 ngày làm việc, chậm nhất là không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của người lao động. (Theo Điều 48 Bộ luật Lao động 2019).
Được thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ phép trong năm
Theo khoản 3 Điều 113, khi nghỉ việc được thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm.
Được hưởng trợ cấp thôi việc
Căn cứ Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019, trợ cấp thôi việc được chi trả cho người lao động đáp ứng đủ điều kiện sau:
- Nghỉ việc do chấm dứt hợp đồng lao động theo trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng luật.
- Đã làm việc thường xuyên cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên.
Do đó, nếu đủ điều kiện thì mỗi năm làm việc, người lao động sẽ được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.
Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian đã làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Nếu người sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì người sử dụng không phải trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động mà do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả.
Được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp
Tiền trợ cấp thất nghiệp sẽ do Qũy Bảo hiểm xã hội chi trả, chứ không phải người sử dụng lao động. Tuy nhiên để được hưởng khoản tiền này, người lao động cần đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 49 Luật Việt làm 2013 .
Mức hưởngtrợ cấp thất nghiệp
Mức hưởngtrợ cấp thất nghiệp hằng tháng = 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Trong đó:
- Với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, mức hưởng hằng tháng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm chấm dứt hợp đồng.
- Với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định (ngoài nhà nước) thì mức hưởng hằng tháng tối đa không qua 05 lần mức lương tối thiểu vùng tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
Số tháng được hưởng trợ cấp thất nghiệp:
- Đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng bảo hiểm thất nghiệp: Được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp.
- Cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Do đó người lao động có thể hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều lần nhưng tối đa cộng lại cho đến khi đủ tuổi hưu cũng không được hưởng quá 12 tháng/1 người.
Nếu người sử dụng lao động có tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thì người sử dụng lao động không phải trả trợ cấp thất nghiệp cho người lao động mà do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả.
Được nhận lại sổ bảo hiểm xã hội và giấy tờ khác
Người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn trả các hồ sơ sau cho người lao động:
- Trả sổ bảo hiểm xã hội: khi đã hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp
- Bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
Quy định về xử phạt vi phạm hành chính khi người sử dụng lao động không hoàn trả hồ sơ trong đó có sổ bảo hiểm cho người lao động:
Theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm hoàn trả toàn bộ hồ sơ cho người lao động bao gồm cả sổ bảo hiểm xã hội. Nếu doanh nghiệp có hành vi vi phạm thì phải chịu phạt theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều 11 Nghị Định 28/2020/NĐ-CP về vi phạm quy định về sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động cụ thể như sau: “Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: hành vi không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác có liên quan mà doanh nghiệp đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật, mức phạt tiền cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng với hành vi vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng với hành vi vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với hành vi vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với hành vi vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;
- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với hành vi vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
- Ngoài ra, pháp luật còn quy định các biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi người lao động không hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ khác có liên quan mà doanh nghiệp đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật là buộc doanh nghiệp phải hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại những giấy tờ có liên quan khác đã giữ trong quá trình sử dụng lao động cho người lao động”.
Lưu ý: trường hợp người lao động chấm dứt hợp đồng lao động mà chưa tìm được công việc mới muốn được hưởng trợ cấp thất nghiệp phải nộp đủ hồ sơ tới cơ quan đăng ký trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 90 ngày làm việc. Do đó, người lao động cần yêu cầu người sử dụng lao động sớm hoàn thiện việc chốt sổ bảo hiểm xã hội để không ảnh hưởng đến quyền lợi của mình.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn pháp luật lao động, xin vui lòng liên hệ công ty luật Việt An để được hỗ trợ!