Người lái đò sông Đà-Nguyễn Tuân | Tóm tắt, dàn ý và bài văn 2022
5/5 – (1 bình chọn)
Người lái đò sông Đà là tác phẩm thuộc chương trình văn học lớp 12. Từ khi bắt đầu kì thi THPT quốc gia năm 2017 đến năm 2022 thì tác phẩm người lái đò sông Đà chưa 1 lần xuất hiện trong câu nghị luận của đề thi môn văn THPT quốc gia. Đây là 1 tác phẩm dài và nếu có xuất hiện trong đề thi sẽ chỉ phân tích 1 vấn đề nghị luận như: Hình tượng người lái đò sông Đà, sông Đà hung bạo, vẻ đẹp của con sông Đà qua đoạn trích …. Các sĩ tử sinh năm 2005 chú ý đây có thể là tác phẩm có thể sẽ xuất hiện trong đề thi văn thpt quốc gia năm 2023. Vì vậy, trong bài viết này, Tài Liệu Học Tập sẽ cung cấp cho các em học sinh tài liệu về tác phẩm để các em có thể phân tích bài văn được tốt và hay hơn.
Xem thêm: Đề thi văn THPT Quốc Gia năm 2022
Bài viết có tham khảo 1 số tài liệu khác, link bài viết mình để phía dưới bài viết.
Dàn ý phân tích bài văn người lái đò sông Đà
Dàn ý người lái đò sông Đà sẽ được chia theo 3 phần bố cục mở bài, thân bài và kết bài để các em học sinh thấy quen thuộc và dễ lắm bắt.
I.Mở bài
-Nhà văn Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ, là người suốt đời đi tìm, sáng tạo cái đẹp. Với khát khao đi tìm những vẻ đẹp phi thường, Nguyễn Tuân đã tìm đến thể tùy bút như một tất yếu.
II. Thân bài
1.Hoàn cảnh sáng tác người lái đò sông Đà : Tùy bút Người lái đò Sông Đà được in trong tập tùy bút Sông Đà (1960), gồm 15 bài tùy bút và một bài thơ ở dạng phác thảo. Tác phẩm được viết trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Đó là kết quả của chuyến đi thực tế của nhà văn đến Tây Bắc trong kháng chiến chống Pháp, đặc biệt là chuyến đi thực tế năm 1958. Nguyễn Tuân đến với nhiều vùng đất khác nhau, sống với bộ đội, công nhân và đồng bào các dân tộc. Thực tiễn xây dựng cuộc sống mới ở vùng cao đã đem đến cho nhà văn nguồn cảm hứng sáng tạo.
2. Lời đề từ
– Chúng thủy giai đông tẩu – Đà giang độc bắc lưu”: Nhà văn Nguyễn Tuân đã đặc biệt muốn nhấn mạnh cá tính độc đáo của của dòng sông.
-Ở lời đề từ “Đẹp vậy thay tiếng hát trên dòng sông” tác giả lại thể hiện xúc cảm mãnh liệt trước vẻ đẹp của dòng sông và con người gắn bó với dòng sông, bộc lộ rõ cảm hứng chủ đạo của tác phẩm là ngợi ca thiên nhiên và con người Tây Bắc
3. Hình tượng dòng sông Đà
a. Dòng sông “hung bạo”
Khái quát
Bậc kì tài về mặt ngôn ngữ Nguyễn Tuân khi miêu tả những thác đá trên sông Đà đã làm nổi bật lên hình ảnh con sông Đà không chỉ gập ghềnh, lởm chởm mà còn đầy nguy hiểm, sống dậy gào thét làm náo động cả lên, khiến cho người đọc phải “rùng mình, sởn gáy”
+)Tiếng thác nước sông đà:
-Sông Đà hung bạo không chỉ ở những cảnh đá bờ dựng vách thành, những ghềnh sông, hút nước đầy nguy hiểm mà hùng vĩ và dữ dội nhất trên sông Đà là những thác đá.
– Nguyễn Tuân đã rất ngông khi dùng lửa để miêu tả nước. Nước và lửa vốn xung khắc với nhau, hủy diệt lẫn nhau nhưng ở đây nhà văn đã dùng hình ảnh và âm thanh của lửa để miêu tả nước khiến hiện ra trước mắt người đọc là cả một rừng vầu, tre nứa đang bị đốt cháy, phát ra tiếng nổ.
-Các sắc thái khác nhau của âm thanh tiếng “réo” của nước thác: vừa mới “oán trách” và “van xin” như một kẻ bại trận, biết mình yếu thế hơn đối thủ; ngay lập tức chuyển sang “khiêu khích” và “chế nhạo” rồi “rống” lên như một kẻ trên cơ, ra sức giễu cợt, đe dọa đối phương
+)Những thạch trận đá trên sông Đà:
– Cảnh tượng những thác đá trên Sông Đà cũng thật dữ dội. Ngoặt tới khúc sông ấy là cảnh sóng bọt đã trắng cả một chân trời đá. Sóng nước vấp phải đá tung bọt trắng xóa. Sông Đà ở đây bao nhiêu là đá với đủ những đá to đá bé, đá hòn đá tảng…
– Sự nham hiểm quỷ quyệt của Sông Đà đối với những người lái đò được thể hiện rõ nhất ở những thế trận mà đá dàn bày. Đội quân đá ấy ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông. Đá sông Đà dường như không đứng, nằm, ngồi một cách tùy tiện mà Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn
-Đá trên sông Đà đã giao việc cho nhau như vậy để dàn bày thành ba thạch trận đá đầy biến hóa. Mỗi thạch trận đều có rất nhiều cửa tử và chỉ có duy nhất một cửa sinh. Cửa sinh lúc ở bên tả, lúc ở bên hữu, lúc ở chính giữa
b. Sông Đà trữ tình
– Con sông Đà mang vẻ đẹp của một mĩ nhân: Từ điểm nhìn đặc biệt đó, tác giả đã cho người đọc thấy Sông Đà thật mềm mại, thướt tha chảy dọc trên mảnh đất Tây Bắc rộng lớn. Tác giả còn nhìn thật sâu vào dòng Sông Đà để thấy “con Sông Đà tuôn dài, tuôn dài như một áng tóc trữ tình.
– Sông Đà ẩn hiện giữa thiên nhiên Tây Bắc đầy thơ mộng: Sông Đà như mái tóc của người thiếu nữ kiều diễm mà đầu tóc, chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân.
– Vẻ đẹp trữ tình của sông Đà được thể hiện qua màu sắc nước: Nhà văn còn có sự quan sát theo chiều thời gian để thấy rõ sự biến đổi khôn lường của màu nước Sông Đà theo mùa.
– Cách nhìn nhận của tác giả về dòng sông Đà: Nguyễn Tuân đã nhìn dòng sông Đà không đơn thuần với quan hệ giữa nhà văn và đối tượng miêu tả mà còn là quan hệ giữa những người bạn tri âm tri kỉ.
4. Hình tượng người lái đò sông Đà
– Tài hoa: Nguyễn Tuân quan niệm “mỗi trang đời là một trang nghệ thuật”, con người trong tác phẩm của ông dù làm bất cứ công việc gì, ở tầng lớp nào đều là bậc nghệ sĩ trong công việc, nghề nghiệp của mình.
+ Ông lái đò rất am hiểu về dòng sông Đà Ông lái đã nắm chắc binh pháp của thần sông thần đá. Ông đã thuộc quy luật phục kích của lũ đá nơi ải nước hiểm trở này, ông cũng nhớ mặt của từng thằng đá với những âm mưu của chúng Ông đò vẫn nhớ mặt bọn này nên rất ung dung chủ động.
+ Ông lái đò đã trở thành một nghệ sĩ điêu luyện trong nghệ thuật vượt thác qua ghềnh, một tay lái ra hoa.
+ Hình tượng ông lái đò in đậm dấu ấn phong cách Nguyễn Tuân bởi ông chính là kiểu người tài hoa, nghệ sĩ, biết nâng nghề nghiệp của mình lên thành một môn nghệ thuật.
– Trí dũng: Để làm nổi bật vẻ đẹp trí dũng của ông lái đò, nhà văn đã sáng tạo một đoạn văn tràn đầy không khí trận mạc, đã tưởng tượng ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa người lái đò với “bầy thủy quái” Sông Đà.
5.Phong cách nghệ thuật người lái đò sông Đà
Về nghệ thuật
Bằng thể tùy bút phóng túng, vốn kiến thức phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực, tác giả đã khám phá vẻ đẹp của dòng sông ở góc độ địa lí nhưng đậm chất văn chương, kết hợp với nhiều ngành nghệ thuật khác như giao thông, âm nhạc, hội hoạ, điện ảnh, đầy ấn tượng; Sự quan sát tỉ mỉ, sự liên tưởng, tưởng tượng phong phú, ngôn ngữ tài hoa, điêu luyện giàu chất thơ, chất nhạc, chất tạo hình.
Nhận xét những phát hiện về dòng sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân
Tả sự hung bạo của sông Đà, tác giả không chỉ dừng lại ở hình ảnh một dòng sông ở miền đất Tây Bắc hoang sơ hùng vĩ mà nhằm làm nổi bật sông Đà như một biểu tượng về sức mạnh dữ dội và vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ của thiên nhiên, đất nước.
Cái Tôi của nhà văn Nguyễn Tuân được thể hiện qua đoạn trích:
– “Cái tôi” tài hoa, tinh tế thể hiện ở những rung động, say mê của nhà văn trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên đất nước.
– “Cái tôi” uyên bác thể hiện ở cách nhìn và sự khám phá hiện thực có chiều sâu; ở sự vận dụng kiến thức sách vở và các tri thức của đời sống một cách đa dạng, phong phú; ở sự giàu có về chữ nghĩa.
– “Cái tôi” tài hoa, tinh tế và uyên bác chính là một cách thể hiện tình yêu quê hương đất nước, lòng yêu cái đẹp của người nghệ sĩ chân chính.
III.Kết bài
Tổng kết nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm , đoạn trích “người lái đò sông Đà” : ngôn ngữ điêu luyện, tưởng tượng độc đáo, vận dụng tri thức nhiều ngành nghệ thuật, xây dựng thành công hình tượng sông Đà và ông lái đò.
– Khái quát nội dung nội dung tác phẩm, đoạn trích ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên đất nước.
Sơ đồ tư duy người lái đò sông đà
Khi sử dụng phương pháp học theo sơ đồ tư duy sẽ giúp chúng ta nhanh chóng hệ thông được kiến thức về tác phẩm người lái đò sông Đà. Khi học theo phương pháp này sẽ giúp các bạn học sinh nhanh chóng khai mở trí óc, viết ra những luận điểm, ý tưởng để triển khai các câu từ trong bài văn. Cùng tham khảo các mẫu sơ đồ tư duy người lái đò sông Đà bên dưới nhé.
Nghị luận văn học và phân tích 1 số đoạn trích tác phẩm người lái đò sông Đà
Có 2 vấn đề các em học sinh cần chú ý khi phân tích tác phẩm người lái đò sông Đà như sau:
VẤN ĐỀ 1: SÔNG ĐÀ HUNG BẠO
DÀN BÀI CHUNG
- MỞ BÀI
Nếu phải tìm bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Bởi chỉ khi đến với văn chương, người nghệ sĩ mới được tự do để trái tim dẫn dắt, được thể hiện quan niệm của chính mình và rồi mang đến cho người đọc biết bao giai điệu cảm xúc với nhiều cung bậc. Và tác giả A đã để tác phẩm B của mình là nốt ngân đầy sáng tạo trong bản hòa tấu của văn học, đặc biệt là đoạn trích sau đã cho ta thấy được cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân…
1.THÂN BÀI
1.Khái quát chung
– Nhà văn Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ, là người suốt đời đi tìm, sáng tạo cái đẹp. Với khát khao đi tìm những vẻ đẹp phi thường, Nguyễn Tuân đã tìm đến thể tùy bút như một tất yếu.
– “Người lái đò Sông Đà” là một tùy bút đặc sắc của Nguyễn Tuân, rút từ tập “Sông Đà” (1960), là thành quả nghệ thuật đẹp của Nguyễn Tuân sau chuyến đi hào hứng và gian khổ lên vùng Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc. Cảm hứng chủ đạo của thiên tùy bút là cảm hứng ngợi ca về thiên nhiên, con người lao động trong thời kì xây dựng CNXH ở miền Bắc.
– Trong đó, nhà văn đã phát hiện, ca ngợi được chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc qua hình tượng sông Đà. Đây là hình tượng nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách tùy bút của nhà văn.
Vị trí đoạn văn và hình tượng sông Đà:
– Đoạn trích trên thuộc phần đầu của tác phẩm được tác giả tập trung khắc họa vẻ hung bạo, hùng vĩ của Sông Đà ở thượng nguồn qua những cảnh bờ đá dựng vách thành, cảnh sóng nước quãng mặt ghềnh Hát Loóng và cảnh những cái hút nước trên Sông Đà.
– Đoạn trích mở đầu cho cảm xúc của nhà văn trong hành trình ca ngợi và khám phá về sông Đà, về thiên nhiên Tây Bắc. Đây cũng là mở đầu cho tính cách hung bạo của dòng sông và ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân.
2.Phân tích
- Ca ngợi sự hùng vĩ, hung bạo của sông Đà qua cảnh bờ đá vách thành
– Nguyễn Tuân rất ấn tượng trước những khung cảnh hùng vĩ của sông Đà và thiên nhiên Tây Bắc. Ngay từ câu văn mở đầu thể hiện rõ cảm nhận của nhà văn về vẻ đẹp đó của sông Đà: “Hùng vĩ của Sông Đà không phải chỉ có thác đá”.
+ Thể tùy bút giúp nhà văn được phóng bút tự do, thể hiện phong phú cảm xúc chủ quan của mình. Chẳng thế mà Nguyễn Tuân đã mở đầu đoạn văn bằng lời khẳng định về vẻ đẹp “hùng vĩ” của sông Đà…
+ Câu văn giới thiệu những thác đá hùng vĩ vừa mở ý để nhà văn ca ngợi vẻ đẹp sông Đà…
à Tạo ấn tượng, lôi cuốn người đọc.
– Sông Đà dưới ngòi bút của Nguyễn Tuân là “những cảnh đá bờ sông, dựng vách thành”. “Vách thành” chứ không phải là “thành vách” bởi “vách thành” mới chính là vách đá kiên cố, đồ sộ, uy nghiêm, chứa đầy bí mật của thành cao hào sâu hun hút…
– Ở vách thành ấy, “chỉ lúc đúng ngọ mới có mặt trời”. Câu văn chỉ cần đọc lên cũng đủ để người ta hình dung được chiều cao, độ sâu và độ hẹp của 2 bên bờ đá sông Đà.
– Để người đọc hình dung rõ hơn sự hùng vĩ ấy, Nguyễn Tuân tiếp tục liên tưởng “có vách đá thành chẹt lòng sông Đà như một cái yết hầu”. Bờ đá sông Đà được liên tưởng rất gần gũi, gắn liền với con người…
– Để tăng tính thuyết phục, để giúp người đọc cảm nhận về bờ đá sông Đà cụ thể nhất, nhà văn hình dung “đứng bên này bờ nhẹ ném hòn đá qua bên kia vách. Có quãng con nai con hổ đã có lần vọt từ bờ này sang bờ kia”.
à Sử dụng 1 loạt những liên tưởng, so sánh vừa gần gũi, vừa độc đáo đã giúp người đọc như đang tận mắt được chứng kiến, chinh phục bờ đá sông Đà hoang sơ, hùng vĩ…
à Trong các câu văn này, tác giả kết hợp sử dụng các động từ mạnh “chẹt”, “ném”, “vọt”… nhấn mạnh sự hùng vĩ, dữ dội của bờ sông, vách đá.
– Ở vách thành ấy, “đang mùa hè mà cũng thấy lạnh”. Lạnh bởi đá ở đây sừng sững, sắc như dao hoặc cũng vì dưới chân đá toàn là nước…Hơi nước bị cầm tù ngàn năm dưới núi đá mà sinh âm u, lạnh lẽo…
– Câu văn tạo cảm giác gai ghê, ớn lạnh như đang lạc vào một trận đồ bát quái của sông nước Đà giang khúc thượng nguồn.
– Nếu có đứng ở đó mà ngóng lên sẽ giống như “đứng ở hè một cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện”. Nguyễn Tuân đã tô thêm cảm giác lạnh lẽo, tối tăm như chưa có hơi ấm của sự sống.
=> Cảnh sông Đà được hiện lên với đầy đủ đặc tính, “khí chất” của nó, nổi hình, nổi nét… khắc họa chiều sâu hun hút, hùng vĩ, hiểm trở của những vách đá dựng đứng 2 bờ sông Đà.
- Sông Đà hung bạo với cảnh tượng dữ dội và âm thanh hùng vĩ của sóng nước quãng mặt ghềnh Hát Loóng
– Nhà văn nhắc đến địa danh “mặt ghềnh Hát Loóng” để chứng tỏ ấn tượng mạnh mẽ của nhà văn khi nhắc đến sóng nước quãng sông này. Ngay cả tên gọi khi đọc lên, người ta cũng phần nào hình dung được sự hung bạo, dữ dội của sóng nước, của thiên nhiên Tây Bắc.
– Như để thay đổi “thực đơn” cho người đọc khi khám phá về sông Đà, tác giả miêu tả về hình ảnh sóng nước qua chiều dài “cây số nước”. Sóng nước đang nối dài, cuồn cuộn tuôn chảy.
+ Trong câu văn, Nguyễn Tuân sử dụng điệp từ, điệp cấu trúc “nước xô đá”, “đá xô sóng”, “sóng xô gió” lặp lại liên tiếp bởi động từ mạnh “xô”, kết hợp với những thanh trắc liên tiếp đã tạo nên âm hưởng mạnh mẽ, dữ dội.
+ Từ láy “cuồn cuộn”, “gùn ghè” kết hợp với nhau như mô phỏng những con sóng chồm lên nhau theo cả chiều ngang, vút lên theo chiều dọc, rồi đổ ập xuống ghê rợn trên mặt sông.
+ Câu văn dài, ngắt nhịp ngắn, nhanh, mạnh, khẩn trương, dồn dập, sóng nước như vừa xô đẩy, vừa hợp sức với gió, với đá, khiến cho cả ghềnh sông như sôi lên, cuộn chảy dữ dội. Nhà văn đã đánh thức mọi cảm xúc, giác quan của người đọc khi khám phá về sông Đà.
+ Tác giả còn sử dụng nghệ thuật so sánh, coi sông Đà “như lúc nào cũng đòi nợ xuýt”, mang tâm tính như con người và giống như một kẻ chuyên đi đòi nợ thuê dữ dằn, gắt gao, tàn bạo.
– Quả thật, sông Đà tạo nên một mối đe dọa thực sự đối với bất kì người lái đò nào “quãng này mà khinh suất tay lái thì cũng dễ lật ngửa bụng thuyền ra”. Con sông hung dữ, sẵn sàng lấy đi tính mạng bất cứ tay lái nào chủ quan, khinh suất. Đó là minh chứng thuyết phục cho bản tính hung bạo của sóng nước nơi mặt ghềnh. Sông Đà hùng vĩ là hiện thân của thứ kẻ thù số 1, là thử thách to lớn cho con người.
=> Nguyễn Tuân đã chứng tỏ sự am hiểu tường tận và niềm say mê khi miêu tả về sóng nước sông Đà. Nhà văn đã giúp người đọc như được nhìn, được nghe, được cảm nhận bằng tất cả giác quan về sông nước. Đó cũng là sự tinh tế, tài hoa của Nguyễn Tuân khi vết về thiên nhiên, đất nước.
- Sông Đà hung bạo với cảnh những cái hút nước.
– Hung bạo hơn nữa là những cái hút nước khủng khiếp: “trên sông bỗng có những cái hút nước giống như cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu.” Vì nước bị hút quá mạnh nên phát ra những âm thanh được nhân cách hóa “như nước thở và kêu như cửa cống cái bị sặc” do nước bên trong và ngoài cống chênh nhau quá nhiều, phát ra tiếng kêu ọc ọc ghê sợ. Vẫn là nghệ thuật so sánh liên tưởng độc đáo kèm theo biện pháp nhân hóa nước biết thở và kêu nghe đã đủ cho người đọc rùng mình nhưng Nguyễn Tuân không dừng lại ở đó mà tiếp tục thử độ lì trong giác quan của người đọc khi so sánh và liên tưởng với cái cửa cống cái bị sặc nước.
– Rồi nhà văn lại tiếp tục tả những cái hút nước ở độ sâu: cái hút xoáy tít đáy, như cái giếng sâu cho thấy độ mạnh của dòng nước; với bề rộng: quay lừ lừ như những cánh quạ đàn; rồi âm thanh: những cái giếng sâu nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào.
– Để tô đậm thêm sự nguy hiểm của cái hút nước, nhà văn đã phối hợp giữa “tả” và “kể”, ở đây, yếu tố tự sự góp phần quan trọng kích thích trí tưởng tượng của người đọc. Nếu câu văn nêu trên thiên về tả thì hai câu dưới đây thiên về kể: “Nhiều bè gỗ rừng đi nghênh ngang vô ý là những cái giếng hút ấy nó lôi tuột xuống. Có những thuyền đã bị cái hút nó hút xuống, thuyền trồng ngay cây chuối ngược rồi vụt biến đi, bị dìm và đi ngầm dưới lòng sông đến mươi phút sau mới thấy tan xác ở khuỷnh sông dưới”. Những cái bẫy ghê sợ, chết người! Hình ảnh sông Đà qua ngòi bút của Nguyễn, có lẽ không chỉ làm những người lái đò qua đây cảm thấy rùng rợn mà chính người đọc cũng như vừa tự mình chèo thuyền qua quãng sông này mà thử cảm giác. Thế nên khi chèo thuyền men qua những vực nước sông Đà cần phải chèo nhanh để lướt quãng sông, y như là ô tô sang số ấn ga cho nhanh để vút qua một quãng đường mượn cạp ra ngoài bờ vực. Cảm giác lạnh người và rợn tóc gáy vì câu văn tác động mạnh mẽ vào trực cảm của người đọc.
– Cho cảm giác thật đến từng mi-li-mét nhà văn sử dụng trường liên tưởng trùng điệp. Khi nhập vào vai một anh thợ quay phim táo tợn muốn truyền cho người đọc cảm giác lạ đã dũng cảm ngồi vào một chiếc thuyền thúng rồi thả mình và thuyền văng xuống cái hút nước sông Đà. Nhìn từ đáy cái hút nước ấy nhìn lên vách thành hút chênh nhau đến vài sải tay. Người xoay theo thuyền cả thuyền, người, máy ảnh quay tít. Nhìn lên nước sông Đà trong cái hút ấy làm bằng một màu xanh ngọc bích của một khối pha lê đúc dày như sắp vỡ tan ụp vào cả người quay lẫn người xem, khiến ai cũng như đang khiếp hãi để ngồi ghì lấy cái mép lá rừng vừa bị cho vào cái cốc pha lê mà quay tít như vừa rút ra cái gậy đánh phèn. Liên tưởng của liên tưởng để người đọc có thể cảm nhận rõ nhất. Phải có sự am hiểu về kiến thức trong lĩnh vực điện ảnh thì Nguyễn mới có thể viết được những câu văn như thế. Câu chữ như đang nở hoa trên dòng sông Đà và trên trang văn của Nguyễn.
=> Phải có sự am hiểu về kiến thức trong nhiều lĩnh vực thì Nguyễn mới có thể viết được những câu văn như thế. Câu chữ như đang nở hoa trên dòng sông Đà và trên trang văn của Nguyễn.
– Nhận xét: Tả sự hung bạo của sông Đà, tác giả không chỉ dừng lại ở hình ảnh một dòng sông ở miền đất Tây Bắc hoang sơ hùng vĩ mà nhằm làm nổi bất sông Đà như một biểu tượng về sức mạnh dữ dội và vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, đất nước.
3.Đánh giá chung
1.Nghệ thuật
– Trong đoạn trích, tác giả đã sử dụng sáng tạo nghệ thuật so sánh, nhân hóa, liên tưởng phong phú, gần gũi, sáng tạo, vận dụng nhiều kiến thức của nhiều lĩnh vực khác nhau…
– Khả năng quan sát rất tinh tế nhưng cũng rất chân thật…tạo nên sự sống động cho hình tượng sông Đà.
– Những câu văn trùng điệp, liên hoàn, nhịp văn ngắn, tạo giọng văn dồn dập, gấp gáp, vừa gợi ấn tượng âm thanh mạnh mẽ, vừa khắc họa sự hung bạo của thác đá, sóng nước.
– Sử dụng các động từ, tính từ một cách linh hoạt và tài tình tạo nên những trang văn tuyệt bút ca ngợi vẻ đẹp phi thường, hùng vĩ của Đà giang.
– Giọng văn linh hoạt, vừa mạnh mẽ, dữ dội, vừa đầy chiều sâu kiến thức lẫn chiều sâu của ngôn ngữ văn chương.
à Sông Đà đã trở thành kẻ tôn vinh tài năng nghệ thuật tài hoa, uyên bác và phong cách tùy bút độc đáo của Nguyễn Tuân.
2.Nội dung
Đoạn trích rất đặc sắc, làm nổi bật hình tượng sông Đà hùng vĩ, hung bạo. Từ đó, Nguyễn Tuân khẳng định tình cảm yêu mến, gắn bó thiết tha với sông Đà, với thiên nhiên Tây Bắc của người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp.
4.Nhận xét (theo yêu cầu của từng đề)
III. KẾT BÀI:
Tùy bút “Người lái đò Sông Đà” là một áng văn chương tuyệt đẹp của Nguyễn Tuân, cũng như văn học hiện đại. Nguyễn Tuân ca ngợi về Sông Đà là tìm được cái đẹp chất vàng đích thực của thiên nhiên Tây Bắc, cũng như thiên nhiên đất nước. Ca ngợi về sông Đà, với Nguyễn Tuân còn là hành trình của sự sáng tạo nghệ thuật, ngôn từ. Ông chứng tỏ cây bút bậc thầy về ngôn từ, “nhà quốc ngữ tài hoa” trên mỗi trang văn. Nhà văn đã đem đến cho người đọc những khám phá mới mẻ, những vẻ đẹp kỳ thú về thiên nhiên, đất nước. Để rồi, ta thêm yêu mến và tự hào về quê hương, đất nước của mình
VẤN ĐỀ 2: SÔNG ĐÀ TRỮ TÌNH
DÀN BÀI CHUNG
- MỞ BÀI
Nếu phải tìm bản nhạc hay nhất, có lẽ tôi sẽ chọn văn chương. Bởi chỉ khi đến với văn chương, người nghệ sĩ mới được tự do để trái tim dẫn dắt, được thể hiện quan niệm của chính mình và rồi mang đến cho người đọc biết bao giai điệu cảm xúc với nhiều cung bậc. Và tác giả A đã để tác phẩm B của mình là nốt ngân đầy sáng tạo trong bản hòa tấu của văn học, đặc biệt là đoạn trích sau đã cho ta thấy được cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông Đà của nhà văn Nguyễn Tuân…
- THÂN BÀI
- Khái quát chung
– Nhà văn Nguyễn Tuân là một định nghĩa về người nghệ sĩ, là người suốt đời đi tìm, sáng tạo cái đẹp. Với khát khao đi tìm những vẻ đẹp phi thường, Nguyễn Tuân đã tìm đến thể tùy bút như một tất yếu.
– “Người lái đò Sông Đà” là một tùy bút đặc sắc của Nguyễn Tuân, rút từ tập “Sông Đà” (1960), là thành quả nghệ thuật đẹp của Nguyễn Tuân sau chuyến đi hào hứng và gian khổ lên vùng Tây Bắc xa xôi của Tổ quốc. Cảm hứng chủ đạo của thiên tùy bút là cảm hứng ngợi ca về thiên nhiên, con người lao động trong thời kì xây dựng CNXH ở miền Bắc.
– Trong đó, nhà văn đã phát hiện, ca ngợi được chất vàng của thiên nhiên Tây Bắc qua hình tượng sông Đà. Đây là hình tượng nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu cho tư tưởng và phong cách tùy bút của nhà văn.
– Vị trí, nội dung đoạn trích: Đoạn trích trên thuộc phần đầu của tuỳ bút. Sau khi nhà văn thể hiện vẻ đẹp hung bạo, hùng vĩ của sông Đà, ông tiếp tục hướng đến vẻ đẹp trữ tình của con sông. Trong đoạn trích trên, Nguyễn Tuân đã quan sát sông Đà ở nhiều góc độ khác nhau để có một cái nhìn toàn diện nhất. Đoạn văn đầu tiên, tác giả quan sát từ điểm nhìn trên cao, Sông Đà có vẻ đẹp duyên dáng, mềm mại, yêu kiều. Đoạn văn sau, tác giả quan sát con sông từ điểm nhìn gần hơn – điểm nhìn của một người đi rừng lâu ngày bất ngờ gặp lại con sông, Sông Đà gợi cảm, Sông Đà “như một cố nhân”. Với vốn văn hóa, vốn từ vựng giàu có, trí tưởng tượng bay bổng, nhà văn thả sức tung hoành, tạo nên những đoạn văn mượt mà như những lời thơ.
- Phân tích
- Đoạn văn 1:
– Trước hết, từ trên tàu bay nhìn xuống sông Đà có hình dáng như “cái dây thừng ngoằn ngoèo” uốn quanh núi rừng Tây Bắc. Ở những quãng yên, dòng sông lại giống như một người thiếu nữ kiều diễm “tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ấn hiện trong mây trời Tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo”.
– Để khắc họa tính trữ tình, dịu dàng của dòng sông, trước hết, Nguyễn Tuân miêu tả sông Đà một cách bao quát bằng một câu văn đầy hình ảnh và nhịp điệu: “Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời Tây Bắc bỗng nở hoa ban hoa gạo tháng hai và cuồn cuộn mù khói núi Mèo đốt nương xuân”. Có thể coi đây là một bức tranh tổng thể về sông Đà, lúc đầu chảy ngoằn ngoèo giữa điệp trùng núi đá và đại ngàn Tây Bắc nhưng khi về dần đến miền trung du, Đà giang chảy êm ả thẳng dòng.
– Điệp ngữ “tuôn dài, tuôn dài” như mở ra trước mắt người đọc sự vô tận của dòng sông. Phép so sánh “như một áng tóc trữ tình” tạo nên vẻ đẹp kiêu sa của Đà giang. Nó như một kiệt tác của đất trời dành riêng cho vùng đất thiêng liêng này. Hai chữ “ẩn hiện” càng làm tăng lên sự bí hiểm của dòng sông. Ta như đi lạc giữa chốn bồng lai vừa thực, vừa mộng. Mái tóc trữ tình ấy, còn được cài thêm hoa ban, hoa gạo đẹp mơ màng trong khói nương mùa xuân. Bằng con mắt rất tinh tế, Nguyễn Tuân đã phát hiện được những góc nhìn mà ở đó, dòng sông đã phô ra được tất cả vẻ đẹp trẻ trung, mềm mại, thướt tha của mình. Đoạn văn còn thể hiện tài hoa trong việc sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Tuân : giữa hai chữ “tuôn dài tuôn dài” thường sẽ có dấu phẩy, nhưng tác giả cố tình phá vỡ cấu trúc ngữ pháp để bản thân câu chữ cũng có khả năng tạo hình và tô đậm ấn tượng về cái mênh mang, dàn trải, cái mềm mại, duyên dáng của dòng sông. Ngoài ra trong câu văn này còn có thể nhận thấy tác giả sử dụng rất nhiều vần bằng tạo nên ấn tượng về một dòng chảy nhẹ nhàng, êm đềm của dòng sông Đà ở hạ nguồn. Câu văn này của Nguyễn Tuân xứng đáng được xếp vào những câu văn đẹp được coi là “tờ hoa” trong văn học Việt Nam.
– Không chỉ vậy, vẻ đẹp trữ tình của sông Đà còn được Nguyễn Tuân thể hiện qua việc miêu tả sắc nước. Nhà văn không đưa ra nhận xét một cách hồ đồ, mà ông “đã nhìn say sưa làn mây mùa xuân bay trên sông Đà; đã xuyên qua đám mây mùa thu mà nhìn xuống” sau đó mới khẳng định: sắc nước sông Đà thay đổi theo mùa. Mùa xuân, nước sông Đà “xanh ngọc bích” chứ không “xanh màu xanh canh hến như màu của sông Gâm, sông Lô”. “Xanh ngọc bích ” là xanh trong, xanh sáng – một sắc màu gợi cảm giác trong lành, đó là sắc màu của nước, của núi, của da trời cùng nhau hòa quyện. Mùa thu, nước sông Đà “lừ lừ chín đỏ như da mặt một người bầm đi vì rượu bữa”. Câu văn so sánh khiến người đọc phải ngỡ ngàng trước sự đa dạng của sắc nước sông Đà. Nó không thay đổi dồn dập như màu nước sông Hương “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím ” hay đỏ nặng một màu phù sa như nước sông Hồng. Chưa bao giờ, sông Đà có màu đen như “thực dân Pháp đã đè ngửa con sông ra đổ mực Tây vào rồi gọi bằng một cái tên láo lếu”.
- Đoạn văn 2:
– Ở đoạn văn sau này, tác giả quan sát con sông từ điểm nhìn gần hơn – điểm nhìn của một người đi rừng lâu ngày bất ngờ gặp lại con sông, Sông Đà gợi cảm, Sông Đà “như một cố nhân”. Tác giả dùng 1 từ ngữ rất thiêng liêng và ý nghĩa để gọi sông Đà, đó chính là “cố nhân”. Trong văn hóa của người Việt Nam thì “cố nhân” dùng để chỉ những tình bạn thân thiết, gắn bó, những tình bạn đã được tạo nên từ sự đồng điệu tri âm, đã được thử thách bởi những thăng trầm của thời gian. Hơn nữa từ “cố nhân” còn gợi lên cảm xúc bâng khuâng, da diết của một nỗi nhớ đậm sâu.
– Khác hẳn với con thủy quái hung dữ luôn tìm cách đe dọa, tiêu diệt con người ở thượng nguồn, về đến hạ nguồn sông Đà bỗng trở nên dịu dàng và đằm thắm, trở thành đối tượng chia sẻ mọi buồn vui với con người. Bởi vậy, khi phải xa cách dòng sông, Nguyễn Tuân nhớ dòng sông như nhớ 1 người bạn thân thiết. Như vậy, quan hệ giữa Nguyễn Tuân với dòng sông Đà không chỉ đơn thuần là quan hệ giữa nhà văn và đối tượng miêu tả mà còn là quan hệ giữa những người bạn tri âm tri kỉ . Bởi vậy, tác giả không chỉ dừng lại trên bề mặt để ghi lại chất thơ của dòng sông mà còn đi sâu vào tâm hồn để nhận thấy chất trữ tình trong tính cách, trong quan hệ của dòng sông với con người.
– Vì tác giả dành cho dòng sông nỗi nhớ da diết, mãnh liệt nên khi được gặp lại con sông yêu thương, niềm vui đã vỡ òa và tràn ra trên bề mặt câu chữ của Nguyễn Tuân. Trước hết, đó là câu văn: Bờ Sông Đà, bãi Sông Đà, chuồn chuồn bươm bướm trên Sông Đà. Ở đây, Nguyễn Tuân sử dụng những câu văn ngắn, giữa các vế có sự trùng điệp về cấu trúc tạo nên nhịp điệu nhanh, dồn dập, vừa gợi ra niềm vui háo hức say mê, vừa gợi ra những bước chân nhanh vội của tác giả để đến với dòng sông của mình. Cụm từ “Sông Đà” được điệp lại liên tiếp 3 lần ở 3 vế của câu văn gợi ra được trái tim nồng nhiệt, ấm nóng đang cố gắng mở rộng tất cả biên độ của mình để ghi lại những biểu hiện dù là nhỏ bé, giản dị nhất của sông Đà như: bờ, bãi, chuồn chuồn, bươm bướm. Các vế câu lại được khéo léo sắp xếp để vế sau dài hơn vế trước cho thấy sự tăng cấp, sự hối hả dồn dập trong niềm vui vỡ òa của tác giả, khiến cho câu văn không còn là câu mô tả bình thường mà đã trở thành những tiếng reo vui.
– Niềm vui của tác giả còn được diễn tả bằng những hình ảnh so sánh độc đáo liên tiếp đặt cạnh nhau:“Chao ôi, trông con sông, vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm, vui như nổi lại chiêm bao đứt quãng”. Có thể nói đây là 2 hình ảnh so sánh rất lạ. Cách so sánh giúp tác giả diễn tả chính xác niềm vui căng tràn, mãnh liệt của mình. Vui như thấy nắng giòn tan sau kì mưa dầm gợi ra niềm vui vì sự mong đợi đã được thỏa mãn vì sự thay đổi theo chiều hướng lạc quan, tươi sáng. Vui như nối lại chiêm bao đứt quãng lại gợi ra được niềm vui hiếm hoi nhưng vô cùng mãnh liệt, vì thông thường những giấc mơ khi đã đứt thì rất khó nối lại được. Việc nối lại những giấc chiêm bao đứt quãng vừa là những trường hợp rất hi hữu, vừa vô cùng quý giá.
– Nguyễn Tuân đã gieo vào tâm trí người đọc những cảnh đẹp ấn tượng của con sông từ điểm nhìn trên cao và từ điểm nhìn của người đi bộ đường rừng ra bắt gặp bờ bãi Sông Đà. Thiên nhiên nơi đây như một bức họa thủy mặc khiến ta liên tưởng đến câu thơ của Lý Bạch “Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu ” (Xuôi thuyền về Dương Châu giữa tháng ba, mùa hoa khói). Đó là cái nắng Đường thi ấm áp và tràn ngập sự sống của mùa xuân. Mượn một câu thơ trong bài thơ Đường nổi tiếng “Tại lầu Hoàng Hạc tiễn Mạnh Hạo Nhiên đi Quảng Lăng” – Nguyễn Tuân dường như đã ngầm khẳng định vẻ đẹp cổ thi của dòng sông Tây Bắc. Dòng sông ấy trong sự liên tưởng đến thơ Đường đã gợi tả được vẻ đẹp phẳng lặng, trong sáng, lấp lánh, hồn nhiên thanh bình.
- Đánh giá chung
– Về nội dung: Như vậy, để làm rõ vẻ vẻ đẹp trữ tình của dòng sông Đà, Nguyễn Tuân đã miêu tả từ nhiều thời điểm: mùa xuân, mùa thu, từ nhiều góc độ: khi thì ngồi trên trực thăng để bao quát toàn cảnh, khi thì còn dừng hẳn lại để chiêm ngưỡng và miêu tả một cách cặn kẽ, kĩ càng. Việc làm đó của Nguyễn Tuân vừa cho thấy con sông Đà mang trong mình một vẻ đẹp đa chiều, phải soi ngắm từ nhiều phương diện, góc độ mới có thể thấy hết cái thơ mộng trữ tình của nó, vừa cho thấy tinh thần lao động nghiêm túc ở Nguyễn Tuân
– Về nghệ thuật: Đoạn văn đã sử dụng nhiều hình ảnh so sánh, nhân hoá, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và rất thú vị; Từ ngữ phong phú, sống động, giàu hình ảnh và có sức gợi cảm cao; Câu văn đa dạng, nhiều tầng, giọng điệu mượt mà, sâu lắng; Sử dụng kiến thức hội hoạ, thơ ca để miêu tả… Tất cả đã giúp Nguyễn Tuân tái hiện được sức sống mãnh liệt của mĩ nhân sông Đà thơ mộng và trữ tình.
- Nhận xét (theo yêu cầu của từng đề)
III. KẾT BÀI: Tùy bút “Người lái đò Sông Đà” là một áng văn chương tuyệt đẹp của Nguyễn Tuân, cũng như văn học hiện đại. Nguyễn Tuân ca ngợi về Sông Đà là tìm được cái đẹp chất vàng đích thực của thiên nhiên Tây Bắc, cũng như thiên nhiên đất nước. Ca ngợi về sông Đà, với Nguyễn Tuân còn là hành trình của sự sáng tạo nghệ thuật, ngôn từ. Ông chứng tỏ cây bút bậc thầy về ngôn từ, “nhà quốc ngữ tài hoa” trên mỗi trang văn. Nhà văn đã đem đến cho người đọc những khám phá mới mẻ, những vẻ đẹp kỳ thú về thiên nhiên, đất nước. Để rồi, ta thêm yêu mến và tự hào về quê hương, đất nước của mình
Các em học sinh hãy tham gia group Tài Liệu Học Tập để lấy tài liệu miễn phí các em nhé !
Tài liệu trong bài viết có tham khảo từ 1 số nguồn trên internet và giáo viên như:
Cô Hoài, Cô Nga trường THPT Hưng Nhân
Nguồn tham khảo :
https://hoatieu.vn/tai-lieu/cam-nhan-ve-dep-cua-con-song-da-204701
Đề trọng tâm thi TN 2022: Đề chuyên sâu đoạn văn Người Lái Đò Sông Đà – Nguyễn Tuân
https://www.studocu.com/vn/document/dai-hoc-su-pham-ha-noi/tieng-viet-thuc-hanh/2-bai-nguoi-lai-do-song-da-cua-lop-12-nhe/34935622
https://123docz.net/trich-doan/3362800-cam-nhan-noi-dung-nghe-thuat-ve-dep-song-da-trong-doan-trich.htm