Người họ Tô xưa và nay

Tiến sĩ, bác sĩ Tô Thanh Phương: Chuyên gia hàng đầu về chữa bệnh trầm cảm

Với phương pháp kết hợp giữa thuốc an thần kinh và thuốc chống trầm cảm của Ts.Bs cao cấp Tô Thanh Phương hiện nay đã được các bác sỹ áp dụng rộng rãi ở các cơ sở điều trị có bệnh nhân trầm cảm.

Điều này giúp anh trở thành Tiến sĩ đầu ngành, đi tiên phong trong lĩnh vực trầm cảm. Là người đột phá trong nghiên cứu tìm ra phương pháp điều trị trầm cảm và được xem là vị cứu tinh của bệnh nhân tâm thần.

Mở lối đi trong điều trị trầm cảm

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, cậu bé Tô Thanh Phương là con của một gia đình trí thức nghèo nhưng học giỏi nổi tiếng nhất của huyện Thường Tín lúc bấy giờ. Khi đó chỉ có một “tín chỉ” duy nhất để những cô bé, cậu bé con nhà nghèo thay đổi số phận, không gì khác là bằng con đường học vấn. Tô Thanh Phương cũng vậy, nhưng anh được thêm cái sự “thông minh vốn sẵn tính trời” nên luôn đứng đầu lớp ở các cấp học, kể cả điểm trúng tuyển vào trường Đại học tốp đầu như Y Hà Nội.

 

Học năm cuối thì nhà trường phân khoa, anh vào khoa Tâm thần. Đây là khoa mà nhiều sinh viên… ngán, vì còn mới, còn mịt mùng chứ chưa phát triển như các chuyên khoa: Nội, Ngoại, Sản, Nhi hay Tai, Mũi, Họng… Rồi sau khi ra trường anh trở thành bác sỹ quân y, tháng 1/1986 ra quân về công tác tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1. Thời gian này kinh tế Đất nước, kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, có thời điểm anh vừa làm nghề, vừa phải đi buôn để lấy tiền “nuôi” mơ ước.

Năm 1995, sau khi vượt qua sát hạch tại Đại sứ quán thì anh được sang Pháp du học để mở rộng chân trời kiến thức, một cơ duyên đã đưa anh đến nghiên cứu về bệnh trầm cảm: “Ở bên Pháp, trầm cảm là một chuyên ngành hấp dẫn nhưng ở Việt Nam khi đó vẫn còn mông lung, không rõ ràng gì cả. Tuy nhiên, vì lần đầu sang Pháp tôi cũng chỉ định hướng cho mình thế thôi, chưa đi vào tìm hiểu chuyên sâu. Trở về nước, tôi đem một loạt sách về, va li chỉ độc mỗi sách, rồi về nghiên cứu dần dần. Sau đó tôi nhận thấy rằng, có thể đi theo hướng nghiên cứu bệnh trầm cảm được. Cả mấy năm tiếp theo, tôi cứ ấp ủ ý định đó mãi”, Ts. Bs Phương chia sẻ.

7 năm sau anh có cơ hội sang Pháp lần thứ 2, lần này anh đã có chủ đích cụ thể và chỉ có một niềm đam mê duy nhất theo đuổi, đó là học hỏi và nghiên cứu thật sâu về trầm cảm. Ở đây, anh cũng làm luận án tiến sĩ của mình về trầm cảm nhưng vì việc riêng của gia đình, anh phải về nước khi luận án chưa hoàn thành.

Kỳ tích điều trị và bục vinh danh

Điểm giá trị trong luận án của anh là khi đó chưa có ai làm luận án về điều trị trầm cảm theo đúng chuyên khoa tâm thần, anh là người đầu tiên dám đương đầu với khó khăn vì thành công thì ít mà thất bại thì nhiều. Còn các bác sỹ khác thường nghiên cứu về dịch tễ, lâm sàng hoặc các rối loạn tâm thần trong các bệnh nội khoa… Anh mạnh dạn kết hợp thuốc an thần kinh và thuốc chống trầm cảm để điều trị bệnh trầm cảm, thời điểm đó, an thần kinh là chống chỉ định điều trị trầm cảm. Khi ở bên Pháp, anh thấy họ điều trị trầm cảm từ nhẹ đến nặng cũng chỉ đơn thuần là thuốc chống trầm cảm nên hiệu quả không cao. Sáng kiến mới này của anh được các thầy rất ủng hộ và cũng rất nhiều người phản bác. Cuối cùng, mọi cố gắng, chịu khó mày mò nghiên cứu của anh cũng cho ra kết quả, sự kết hợp đó sau khi áp dụng điều trị cho bệnh nhân đã có tiến triển tốt và thành công hơn cả mong đợi.

Chính bài thuốc kết hợp của anh mà thầy giáo bên Pháp tên là Henri Nhi Barte rất tự hào. Đến bây giờ sang Việt Nam lần nào thầy cũng cứ đi tìm gặp “thằng Phương”, anh trở thành học trò cưng của thầy. Thầy Henri hướng dẫn sinh viên Việt Nam rất nhiều, nhưng anh là một học trò ông cực kỳ ấn tượng, lần nào sang hội thảo cũng khoe “thằng học trò xuất sắc”.

Nhớ lại những ca điều trị thành công của anh thì đến nay có lẽ rất khó để có một danh sách đầy đủ, nhưng có thể kể những điểm mốc đáng nhớ nhất, ghi nhận kết quả trong phương pháp điều trị của anh. Đầu tiên phải kể đến “tác phẩm” đầu tay sau khi tốt nghiệp luận án. Đó là một ca trầm cảm sau khi sinh, có biểu hiện tự tử. Bệnh nhân là một phụ nữ ở Hà Nội, bên kia sông Hồng, sau khi sinh được vài tháng thì cứ ôm con nhảy xuống sông Hồng, nhảy mấy lần rồi về lại nhảy từ trên gác hai xuống đất.

Chồng làm nghề đánh cá trên sông, khi đưa vợ vào viện, vào khoa của anh, được anh chữa bằng phương pháp kết hợp thuốc an thần với thuốc chống trầm cảm, kết quả là bệnh hồi phục và khỏi hẳn. Ông chồng sướng quá, chạy xe đến nhà anh biếu con cá thật to, khi nói chuyện là “vợ em khỏi lắm, ngon lành lắm rồi” anh mới nhớ ra “tác phẩm” đầu tay của mình. Mới đây ông chồng lại đưa đến chỗ anh một ca khác để trăm sự nhờ bác sĩ.

Bệnh nhân này cũng ở Hà Nội. Triệu chứng của cậu này là đi ngoài đại tiện rồi hứng ăn luôn, sau đó cứ ra toillet cạo phân ăn, rất kinh khủng. Anh đã chữa cho ca này ổn định rất tốt, báo cáo khoa học của anh về ca đó. Anh phân tích các phần lý thuyết, các triệu chứng ăn phân bẩn một cách bài bản và báo cáo của anh được đánh giá khá là rất ấn tượng. Anh đã cứu sống rất nhiều bệnh nhân trầm cảm có ý định và hành vi tự sát.

Anh cũng là người nghiên cứu và áp dụng kỹ thuật tiên tiến trên thế giới sau khi sang Pháp lần 2 năm 2002, đó là kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ điều trị trầm cảm, là phương pháp điều trị trầm cảm hoàn toàn mới và an toàn. Kỹ thuật này hiện nay anh đã chuyển giao cho nhiều tỉnh thành.

Không dừng ở đó, mới đây anh lại nghiên cứu thành công phương pháp điều trị ảo thanh bằng kỹ thuật kích thích từ xuyên sọ. Ảo thanh kéo dài là một dạng bệnh vô cùng nguy hiểm và các bác sỹ bất lực với căn bệnh quái ác này. Ảo thanh là biểu hiện như có tiếng nói trong đầu, nó xui khiến bệnh nhân tự tử và chém giết bất kỳ ai khi lên cơn.

Anh đã viết nhiều bài báo khoa học, nhiều đề tài cấp cơ sở và cấp Bộ. Tham gia giảng dạy cho nhiều thế hệ bác sỹ học chuyên ngành tâm thần, hướng dẫn cao học…

Sự cống hiến vì cộng đồng của anh cuối cùng cũng được ghi nhận xứng đáng. Năm 2014, 2015, anh đã vinh dự được nhận hai phần thưởng cao quý do Nhà nước trao tặng, đó là được ghi danh vào bảng vàng tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám và trở thành cá nhân ưu tú trong lễ vinh danh “Nhân tài Đất Việt” diễn ra mới dây.

“Thành công trong hoàn cảnh nào cũng là một điều đáng ghi nhận, nhưng thành công từ trong gian khó luôn có ý nghĩ riêng của nó” ai đó đã từng nói thế.Với TS. BS cao cấp, thầy thuốc ưu tú Tô Thanh Phương, thành công khi anh mới đang ở tuổi ngũ tuần, thì không có cớ gì chúng ta thôi hy vọng thêm một phát kiến mới nữa sẽ ra đời.

                                                                                   Theo Báo mới