“Người cũ còn thương”, đừng đọc khi còn thương người cũ

“Well you only need the light when it’s burning low

Only miss the sun when it starts to snow

Only know you love her when you let her go”

Những ngày tháng đó thật khó khăn. Từng con đường, góc phố, hàng cây, quán nước,… chẳng nơi đâu không gợi lại bóng hình. Người yêu cũ – giống như ánh sáng mà ta cần khi đốm lửa đã lụi tàn, như nắng ấm ta cần khi tuyết đã bắt đầu rơi. Thời điểm ấy, thật sợ khi nghe ai đó vô tình nhắc nhớ về người cũ. Có lúc tự nhủ lòng, “bạn, bẵng một dạo không gặp đã trở thành bạn cũ; tình, xoay lưng một cái đã trở thành người xưa”, rồi sẽ qua thôi, nhưng nước mắt vẫn chực trào khi kỷ niệm xưa bất chợt quay về.

 

 

Rồi nén một tiếng thở dài. Thôi đành ru lòng mình vậy!

 

Cho đến một ngày trái tim bình lặng, an nhiên, gặp “

Người cũ còn thương

” nằm chỏng chơ trên giá sách của một quán cafe nhỏ tôi vẫn thường hay ghé, tôi lặng người một hồi lâu. Còn thương hay không? Tôi không biết nữa. Chỉ biết rằng, cảm giác đau đã lành lặn tự bao giờ. Cuốn sách ấy, chỉ như một dòng chảy nhẹ nhàng vào lòng, “cho những người từng làm chúng ta đau”. 

Tôi bất chợt mỉm cười khi đọc lời tựa của Nguyễn Ngọc Thạch – hóm hỉnh, pha lẫn chút xót xa:

“Đây là một

cuốn sách

nhàm chán. Nó chẳng mang triết lý nhân sinh quan gì ghê gớm, chỉ ngập tràn trong khói thuốc, rượu vang, nhạc sầu, nỗi nhớ, cơn đau và tình cảm dành cho một người không thể yêu được nữa. Những ai vừa chia tay, tốt nhất đừng nên đọc nó. Những ai đã chia tay mà lòng còn vấn vương, còn thương người cũ thì tuyệt đối càng không nên đọc. Đọc đau ráng chịu. không đền tiền”.

 

Cái anh chàng tác giả này cũng thật lạ. Tên sách đã vậy, lời tựa như thế càng khơi gợi trong người ta sự tò mò hơn. Chắc lỡ đọc mà đau cũng không nỡ lòng trách người viết. Biết đâu, sau nỗi đau sẽ khiến người ta thức tỉnh hơn. Đời còn dài, đường còn xa, cớ sao phải vùi mình trong nỗi đau về những điều đã là quá vãng? 

Ai đó đã từng nói rằng, yêu lại người cũ giống như đọc một cuốn tiểu thuyết dài kỳ đã biết trước kết cục. Nếu cái kết ấy chẳng có hậu, thì còn quay lại làm gì? Tuổi thanhh xuân, trôi đi rồi sẽ không quay lại, ta cần gì phí hoài thời tươi đẹp để đánh cược vào ván bài chắc chắn sẽ thua? Thế nên, cứ bước tiếp thôi. Mang theo cuốn sách như sự đồng cảm, chia sẻ về một thời đã xa…

 

“Người cũ còn thương” là cuốn tản văn bao gồm những câu chuyện ngắn. Ngắn từ tên gọi đến nội dung, có những cái tựa chỉ vỏn vẹn một từ duy nhất. Nếu “Chat” kể về cái thời “người người Yahoo, nhà nhà Yahoo” cách đây hơn chục năm. Nó khiến tôi nhớ về tình cảm trong trẻo thời áo trắng đến trường, là lúc trông mong biểu tượng mặt cười trước nick người ấy sáng lên, là lúc chẳng cần chat chit gì đâu, chỉ ngắm biểu tượng ấy thôi cũng thấy vui vẻ trong lòng.

Rồi đến chuyện tình yêu qua “Mạng”. “Họ cứ nói mạng xã hội là ảo, nhưng người ta đến với nhau là thật, gặp gỡ nhau là thật, yêu nhau là thật, xa nhau là thật rồi ôm nỗi đau trong lòng cũng thật. Rất thật”.

 

“Xa”, “Bạn”, “Lại” – tựa gọn ghẽ thế thôi nhưng chất chứa những câu chuyện đầy cảm xúc của tình yêu trong xa cách, là cảm giác còn thương nhưng chỉ có thể làm bạn bè, là nỗi hoài nghi thắc mắc “liệu chúng ta có thể làm lại từ đầu?”. Dù sao đi nữ, “bạn bè”, ít ra vẫn mang chút an ủi sót lại trong lòng người chia tay hơn hai tiếng “người dưng”. 

Nguyễn Ngọc Thạch vẫn thế, vẫn trung thành với lối viết giản dị, thiên về tâm sự nhiều hơn là diễn giải. Cách viết, cộng với đề tài gần gũi, khiến tác phẩm của chàng trai luôn nhận được sự đón nhận của bạn đọc, đặc biệt là những người trẻ tuổi. Có lúc tôi thấy khắc khoải như tìm thấy chính mình trong trang viết, có lúc lại rơm rớm xúc động khi đọc những dòng trong truyện ngắn “Say”, “Mùi”: “Mùi của người ta, người ta giữ. Mắc gì mình nhớ, để mình đau…?”.

 

Thử tìm đọc “Người cũ còn thương”, nhưng đừng bao giờ tự hỏi lòng “liệu ta có còn thương người cũ”. Chuyện qua rồi, cứ để quá khứ ngủ yên. Và tương lai cũng sẽ nhẹ nhàng, an yên như thế…