Người bị thủy đậu kiêng gì để nhanh khỏi bệnh?
Bệnh thủy đậu là một căn bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm và gây ra nhiều biến chứng bệnh cho người mắc, vậy người bị thủy đậu nên ăn gì và kiêng thực phẩm nào?
1. Dấu hiệu nhận biết bệnh thủy đậu
Bệnh thủy đậu là căn bệnh do virus Varicella Zoster gây ra, bệnh thường xuất hiện vào cuối mùa đông xuân và kéo dài sang mùa hè. Theo đó, bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu có biểu hiện bệnh rất rõ ràng, cụ thể như sau:
- Mệt mỏi
- Chán ăn
- Phát sốt sau khi nhiễm bệnh từ 24 – 48 giờ
Đến ngày thứ 3 nhiễm bệnh, trên người bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các nốt phát ban, giai đoạn đầu là những nốt mụn rát nhỏ, sau vài giờ có thể nổi phỏng trên da. Các nốt mụn nước này xuất hiện rất nhanh và có kích thước từ 1 – 3mm. Đặc biệt nếu bị nhiễm khuẩn, các mụn nước này sẽ có màu đục do chứa mủ.
Biến chứng của bệnh thủy đậu có thể gây ra là nhiễm trùng da và có thể để lại sẹo, gây mất thẩm mỹ trên nhiều bộ phận của cơ thể. Do đó khi bị thủy đậu, người bệnh thường băn khoăn không biết bị thủy đậu kiêng gì và bị thủy đậu nên ăn gì để tránh có sẹo.
2. Bị thủy đậu kiêng gì để bảo vệ sức khỏe?
Khi bị thủy đậu người bệnh nên sử dụng các thực phẩm lành tính, ít chất đạm, thức ăn dưới dạng lỏng và dễ tiêu hóa như cháo đậu xanh, cháo củ năng kết hợp với ý dĩ, lá tre non, cháo gạo lứt, măng tây, chuối, đậu xanh, đậu đỏ, khoai tây, cà rốt,…. hoặc các loại rau như rau ngót, rau sam, mướp đắng, cải thảo.
Ngoài thực phẩm, người mắc bệnh thủy đậu cũng cần tránh các loại gia vị cay nóng như: tỏi ớt, gừng, hạt tiêu, cà ri, mù tạt,…. và các loại thịt như thịt chó, thịt dê, các loại gia cầm hải sản như tôm, sò, ốc, ngao. Một số các loại quả như vải, nhãn, mận, xoài, mít cũng là thực phẩm mà người mắc bệnh thủy đậu cần tránh. Đặc biệt, người mắc bệnh thủy đậu cần kiêng với nhục quế vì vị thuốc này có tính đại nhiệt, thuần dương, tác dụng ôn nhiệt trợ hỏa nên rất nguy hiểm cho bệnh nhân mắc bệnh thủy đậu.
Vì thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm có tính lây lan mạnh mẽ nên khi mắc bệnh, bạn nên hạn chế đến chỗ đông người để tránh tình trạng lây nhiễm chéo, đồng thời tránh việc dùng chung đồ với người khác và không gãi mạnh nên các nốt thủy đậu.
3. Bị thủy đậu nên ăn gì để mau chóng khỏi bệnh?
Ngoài danh sách những thực phẩm cần tránh thì câu hỏi: “ Bị thủy đậu nên ăn gì?” cũng được rất nhiều người quan tâm. Theo đó, khi mắc bệnh thủy đậu người bệnh nên dùng các thực phẩm chứa nhiều vitamin C như các loại quả: cam, chanh, bưởi, kiwi, lê, dưa hấu, dưa leo.
Thực tế, lượng vitamin C có trong các loại quả này có tác dụng làm tăng cường sức đề kháng, chống nhiễm trùng, tái tạo sản sinh ra lượng collagen, phòng ngừa sẹo lõm do bệnh thủy đậu gây ra.
Người mắc bệnh thủy đậu còn có thể sử dụng một số các món ăn bài thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh như: Cháo đậu đỏ ý dĩ, cháo đậu xanh thịt heo, các loại canh thanh nhiệt và các loại nước uống như rau sam, kim ngân hoa, nước tam đậu cam thảo.
Sau khi bệnh thủy đậu được điều trị và khỏi hẳn, các vết thương bắt đầu lên da non thì người bệnh nên sử dụng nghệ tươi để điều trị sẹo. Cách làm như sau: Rửa sạch nghệ và cạo nhẹ lớp vỏ bên ngoài, giã nhỏ và vắt lấy nước cốt, người bệnh thoa nước cốt nghệ xung quanh các vết sẹo mỗi ngày trước khi đi ngủ, để qua đêm và rửa sạch vào sáng hôm sau, tiếp tục kiên trì bôi các lớp khác đến khi khỏi hẳn.
Thủy đậu là căn bệnh truyền nhiễm có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em và phụ nữ mang thai. Biến chứng của bệnh thủy đậu có thể gây viêm da do bội nhiễm vi khuẩn, nốt thủy đậu có mưng mủ, sau khi khỏi có thể để lại sẹo, rất khó hồi phục. Trường hợp người bệnh bị suy dinh dưỡng nặng những nốt thủy đậu có thể gây hoại tử vô cùng nguy hiểm. Ngoài ra, bệnh thủy đậu còn có thể gây ra các bệnh như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não hết sức nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong nếu người bệnh không được điều trị và cấp cứu kịp thời.
Đặc biệt, đối với thai phụ trong giai đoạn 3 tháng đầu của thai kỳ và sắp sinh, thủy đậu khi mang thai có thể từ mẹ truyền sang cho thai nhi, làm bé có nguy cơ bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh, tạo nên những vết sẹo dưới da, đầu nhỏ, đục thủy tinh thể, chậm phát triển, nhẹ cân, chi ngắn.
Phụ nữ khi mang thai và trẻ em là những đối tượng có hệ thống miễn dịch hoạt động kém hơn bình thường nên nguy cơ nhiễm bệnh thủy đậu tăng lên. Tuy nhiên căn bệnh này có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vắc-xin thủy đậu. Vì những biến chứng bệnh thủy đậu có thể gây ra nên các bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo, ngoài phụ nữ chuẩn bị mang thai và trẻ em thì bất kì ai cũng nên tiêm phòng ngừa với loại vắc-xin này.