Người Việt nên học tiếng Hàn hay tiếng Nhật? | Edu2Review
Nhật Bản và Hàn Quốc là 2 quốc gia Châu Á “gần gũi” với Việt Nam. Không chỉ có những địa điểm du lịch hấp dẫn với văn hóa độc đáo, nền kinh tế mạnh mẽ luôn liên tục đứng top Châu Á của 2 đất nước này khiến nhiều người chọn học ngôn ngữ Nhật và Hàn.
Cả 2 đều sử dụng chữ tượng hình có nguồn gốc từ Hán tự của Trung Quốc, nhưng cũng vì thế mà đã phát sinh câu hỏi rằng nên học tiếng Hàn hay tiếng Nhật? Hãy cùng Edu2Review phân tích điểm mạnh và yếu của cả 2 ngôn ngữ để giải đáp thắc mắc này.
bảng xếp hạng trung tâm Nhật ngữ
tốt nhất Việt Nam
Hệ thống bảng chữ cái
Trong một số bảng xếp hạng, tiếng Nhật được nhiều người xem là một trong những ngôn ngữ khó học nhất thế giới, nguyên nhân bởi cách viết chữ Nhật phức tạp, chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc và vì ngôn ngữ này có đến 3 bảng chữ là Hiragana, Katakana, Kanji. Hiragana và Katakana có khoảng 46 ký tự ở mỗi bảng, riêng bảng chữ cái tiếng Nhật Kanji thì có đến hơn 50.000 ký tự khác nhau và bạn cần biết ít nhất 2.000 ký tự để sử dụng ngôn ngữ này.
Tiếng Hàn thì ngược lại, nó chỉ có 1 bảng chữ duy nhất là Hangeul với 40 ký tự. Bảng chữ Hangeul được sáng tạo bởi vị vua Sejong của triều đại Joseon với mục đích giúp người dân dễ học, dễ hiểu, dễ viết và dễ nhớ hơn. Vì thế, người đang phân vân nên học tiếng Hàn hay tiếng Nhật sẽ cảm thấy “dễ thở” hơn khi học bảng chữ cái ngôn ngữ Hàn.
Mỗi ngôn ngữ đều có điểm mạnh của nó (Nguồn: ccm)
Cách viết và phát âm
Vì đều thuộc hệ thống chữ tượng hình nên cách viết của cả 2 ngôn ngữ này được người học đánh giá là có phần “rối rắm”, tuy nhiên cả tiếng Nhật và Hàn vẫn tuân theo một số quy tắc nhất định khi viết.
Tiếng Hàn
Về cách viết, người học cần lưu ý thứ tự các nét và đảm bảo chúng cách đều nhau. Nguyên tắc chính của cách viết là các nét lúc nào cũng đi từ trái sang phải, từ trên xuống dưới và có ngắt nghỉ theo đúng thành phần cấu trúc câu.
Về phát âm, tiếng Hàn có 19 phụ âm và 21 nguyên âm, mỗi âm tiết bao gồm nguyên âm và phụ âm liền kề nhau. Trong phát âm tiếng Hàn, bạn cần nhớ kĩ 9 quy tắc phát âm chuẩn là nối âm, trọng âm hóa, biến âm, nhũ âm hóa, âm vòm hóa, giản lược ㅎ, âm bật hơi hóa, cách đọc và nhấn trọng âm. Không phát âm đúng theo những quy tắc này thì người đối diện sẽ không thể hiểu bạn đang nói gì.
Chữ Hàn luôn được viết theo một thứ tự cố định (Nguồn: miro.medium)
Tiếng Nhật
Cách viết chữ Nhật tuy có linh hoạt một chút nhưng về bảng chữ cái tiếng Nhật Kanji thì phải theo một số nguyên tắc sau đây:
- Ngang trước, sổ sau: 十, 丁, 干, 于, 斗, 井.
- Phết (ノ) trước, mác ( 乀 ) sau: 八, 人, 入, 天.
- Trái trước, phải sau: 州, 划, 外, 办, 做, 条, 附, 谢.
- Trên trước, dưới sau: 三, 合, 念, 志, 器, 意.
- Ngoài trước, trong sau: 司, 向, 月, 同, 风, 周.
- Bộ 辶 và 廴 viết sau cùng: 这, 还, 选, 游, 道, 建.
- Giữa trước, trái rồi phải: 小, 少, 水, 业, 办, 乐.
- Nét ở trong viết trước, nét ở ngoài viết sau: 日, 回, 国, 国, 固, 固.
Về mặt phát âm, người học phải chú ý phát âm chính xác nguyên âm, trường âm, âm mũi và âm ngắt. Dù không quá khó nhưng sức ảnh hưởng từ 3 bộ chữ đã ít nhiều gây đau đầu cho người học. Cách duy nhất để vượt qua được “cửa ải” này là chuyên tâm tập luyện thường xuyên mỗi ngày. Ngoài ra, tiếng Nhật cũng có những nguyên tắc trọng âm mà người học cần phải nhớ để giao tiếp một cách tự nhiên. Bạn có thể tìm kiếm những nguyên tắc này trên Google vì chúng rất nhiều và mỗi trường hợp lại khác nhau hoàn toàn.
Trong phần này, đối với người đang thắc mắc nên học tiếng Hàn hay tiếng Nhật, ngôn ngữ Hàn sẽ có lợi thế hơn một chút vì bạn chỉ cần học một bảng chữ và nhớ một thứ tự duy nhất khi viết mà thôi. Tuy nhiên, một khía cạnh khác mà bạn cũng cần phải cân nhắc là khả năng ứng dụng để học tiếng Trung. Tiếng Nhật hoàn toàn có lợi thế hơn so với ngôn ngữ Hàn vì bảng chữ cái tiếng Nhật Kanji gần như dựa trên Hán tự của Trung Quốc.
Người học cần nhớ và tuân theo một số quy tắc để viết chữ Nhật chính xác (Nguồn: Digitaldefynd)
Ảnh hưởng của kinh tế và cơ hội việc làm
Theo bảng xếp hạng kinh tế Châu Á năm 2019, nền kinh tế Nhật Bản đứng thứ 2 và Hàn Quốc đứng thứ 4, thuộc những quốc gia dẫn đầu. Tuy nhiên, tình hình thị trường lao động của 2 quốc gia này lại có sự khác biệt.
Nhật Bản đã đầu tư rất nhiều vào thị trường Việt Nam, tạo ra những công ăn việc làm trong nước cho người lao động Việt biết tiếng Nhật. Đồng thời, vì thiếu nhân lực trầm trọng ở nước Nhật do dân số già, quốc gia này ban hành nhiều chính sách để thu hút chất xám và lao động từ nước ngoài, nên cơ hội việc làm và chế độ đãi ngộ cho người biết tiếng Nhật rất hấp dẫn. Việc cấp visa đến quốc gia này cũng dễ dàng hơn cho du học sinh và những ai mong muốn làm việc ở Nhật.
Theo báo Tuổi Trẻ, Hàn Quốc là đất nước đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam hiện tại, lên tới 66,6 tỷ USD vào tháng 12 năm 2019. Điều đó có nghĩa là nhiều vị trí công việc yêu cầu tiếng Hàn trong nước với mức lương cao và đãi ngộ tốt cũng được sinh ra, khiến việc học ngôn ngữ này trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đa phần các công việc này là lao động phổ thông, như công nhân làm việc trong các nhà máy.
Ngoài ra, vì Nam Hàn đang thiếu hụt nghiêm trọng nhân công và dư thừa lao động trí tuệ, nên sẽ rất khó để tìm những công việc như hành chính hay quản trị khi sinh sống ở đây. Hàn Quốc cũng từng rất ưu ái du học sinh Việt Nam, nhưng vì những bê bối bỏ trốn khi đi du lịch và du học gần đây đã dẫn đến việc xin visa từ một số nước Châu Á đến quốc gia này trở nên khắt khe đến mức bị siết chặt.
Đối với người đang phân vân nên học tiếng Hàn hay tiếng Nhật, ngôn ngữ Nhật sẽ là lựa chọn tốt hơn cho mục đích học tập hoặc tìm việc làm. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào nhu cầu, mong muốn và khả năng của bạn. Nếu bạn đam mê lĩnh vực chăm sóc sắc đẹp hay thiết kế, Hàn Quốc sẽ là điểm đến hứa hẹn. Còn nếu bạn thiên về công nghệ hay cơ khí thì Nhật Bản là một trong những lựa chọn hàng đầu ở Châu Á.
Có thể thấy việc học mỗi ngôn ngữ đều sở hữu những điểm thuận lợi và khó khăn riêng. Trên hết, tất cả tùy thuộc vào bạn chứ không phải bản thân ngôn ngữ. Chỉ cần chăm chỉ và nhẫn nại, bạn sẽ đạt đến được thành công. Edu2Review chúc bạn chọn lựa được ngôn ngữ phù hợp với mục tiêu của bản thân.
Cao Cường (Tổng hợp)
(Nguồn ảnh cover: freepik)