Người Sán Chỉ rộn ràng đón Tết
Những cơn mưa phùn khiến cho cái lạnh ở vùng cao thêm se sắt, nhưng không khí đón xuân của bà con dân tộc Sán Chỉ vẫn không kém phần rộn ràng, tươi vui. Người Sán Chỉ rất coi trọng Tết Nguyên đán, những ngày này, họ tất bật dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, mua sắm, chuẩn bị mọi thứ tinh tươm đón một cái Tết đủ đầy, cùng bao ước vọng vào một năm mới an vui, đầm ấm…
Những ngày giáp Tết, tạm gác công việc nương rẫy, bà con dân tộc Sán Chỉ ở huyện Bảo Lạc tập trung xuống chợ sắm Tết. Không khí xuân tràn ngập khiến cho những phiên chợ cuối năm ở vùng cao trở nên náo nhiệt hơn bao giờ hết. Đến chợ Hưng Đạo vào những ngày giáp Tết, khắp các nẻo đường, bà con đến họp chợ đông đúc và nhộn nhịp hơn. Sáng sớm, nhiều tốp người mang theo đủ các mặt hàng phục vụ Tết là sản phẩm nông sản của bà con nơi đây, như: lợn đen, gà trống thiến, mộc nhĩ, nấm hương, gạo nếp nương, lá dong… Chợ Tết họp với đủ các loại hàng hóa do thương lái vận chuyển từ dưới xuôi lên như lương thực, các nhu yếu phẩm bày bán rất đa dạng, đã tạo nên nét đẹp riêng độc đáo chỉ có ở chợ Tết vùng cao.
Anh Ma Văn Kiên, xóm Lũng Tiến, xã Hồng Trị hồ hởi cho biết: Do nhà cách chợ xa nên phải dậy đi chợ từ lúc 5 giờ sáng. Đi chợ Tết vui lắm nên năm nào mình cũng đi và đi thật sớm để chọn mua đồ ưng ý, rồi dành thời gian gặp bà con, bạn bè, cùng nhau uống những chén rượu ngô và chuyện trò. Đối với phụ nữ Sán Chỉ không chỉ đến chợ mua sắm nhu yếu phẩm cho ngày Tết, mà họ đến chợ phiên mua sắm vải để may trang phục dân tộc và một số phụ kiện như vòng cổ, vòng tay trang trí. Vào những ngày lễ, Tết, mỗi cô gái Sán Chỉ đều có từ 2 – 3 chiếc thắt lưng làm bằng lụa hoặc tơ chỉ, len với nhiều màu sắc khác nhau để thắt phù hợp với trang phục.
Những năm gần đây, đời sống của nhân dân đã có nhiều khởi sắc, chất lượng cuộc sống được nâng lên rõ rệt nên các gia đình đều cố gắng mua sắm để chuẩn bị cho một cái Tết thật đầy đủ. Việc chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên đán được đồng bào chuẩn bị chu đáo. Nhà nào tối thiểu cũng có đôi gà sống thiến béo để ăn trong những ngày Tết. Người Sán Chỉ có tục lệ nhà nào cũng mổ con lợn béo từ 70 kg trở lên dịp Tết, vừa để làm thịt ăn Tết, vừa để làm thịt gác bếp, lạp sườn… và làm thức ăn dự trữ cho những tháng tiếp theo.
Anh Long Văn Thin, xóm Khuổi Tặc, xã Hưng Đạo cho biết: Dân tộc Sán Chỉ ở đây ăn Tết từ mùng 1 đến hết mùng 7 âm lịch nên lương thực, thực phẩm trong những ngày Tết được chuẩn bị rất chu đáo. Nếu lợn to thì 2 – 3 nhà chung nhau thịt một con, sau khi làm nhân bánh chưng, thịt lợn sẽ được treo lên gác bếp, đến bữa mang xuống để sử dụng. Ngày 30 Tết, mọi công việc chuẩn bị cuối cùng được thực hiện rất khẩn trương, bàn thờ tổ tiên được lau chùi sạch sẽ, giấy đỏ được dán lên cổng, các cửa ra vào, bàn thờ tổ tiên… Theo quan niệm của người Sán Chỉ, giấy đỏ tượng trưng cho một năm mới tốt lành, cho niềm vui trong cuộc sống, một mùa màng bội thu, đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh xua đuổi ma quỷ, cây trồng không bị chim, thú, sâu, bọ phá hoại. Ngoài ra, toàn bộ dụng cụ sản xuất như: dao, cuốc, xẻng, cày, bừa được các gia đình thu gom lại, dán giấy bản màu và những tấm bùa nhỏ vào chuôi các dụng cụ. Với người Sán Chỉ, đây là những vật linh thiêng đã gắn bó, giúp con người làm ra của cải vật chất, tạo nên sự no ấm. Do đó, những dụng cụ này cũng phải được nghỉ ngơi để “ăn Tết”, chuẩn bị cho một năm lao động sản xuất mới.
Đồng bào dân tộc Sán Chỉ chuẩn bị các món ăn trong ngày Tết.
Ẩm thực trong ngày Tết của người Sán Chỉ rất đặc trưng. Ngày Tết, người Sán Chỉ gói bánh chưng gù. Mâm thắp hương ngày Tết không thể thiếu con gà và bánh chưng gù. Ngoài ra, họ còn chế biến nhiều món ngon từ thịt lợn, gà và các loại rau tự trồng của gia đình, như: thịt lợn treo gác bếp, canh măng chua, bí đỏ hấp… Bên cạnh thịt lợn, bánh chưng, rượu và bún là những thứ không thể thiếu trong ngày Tết. Trong xóm, nhà nào cũng có nồi chõ riêng để tự nấu rượu. Rượu nấu từ men lá được bà con tự làm.
Người Sán Chỉ rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên và mâm cơm ngày Tết. Sáng mùng 1 Tết, mọi người dậy sớm nấu cơm, người đàn ông lớn tuổi trong gia đình sửa soạn bàn thờ mời tổ tiên về đón Tết cùng gia đình. Cả xóm tập trung tại miếu làng, góp xôi thịt, đặt lễ dâng hương để cầu khấn mong một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, rồi tổ chức ăn uống tập thể. Theo các bậc cao niên, đây là phong tục có từ lâu đời và là dịp để mọi người gặp mặt, tăng tình đoàn kết, gửi đến nhau những lời chúc tốt lành cho năm mới, đồng thời, giáo dục thế hệ trẻ những truyền thống tốt đẹp của ông cha. Buổi chiều, chủ nhà và con trai lớn sẽ đi chúc Tết các gia đình trong xóm. Họ chúc nhau sức khỏe dồi dào và công việc thuận lợi trong năm mới, người lớn sẽ mừng tuổi cho trẻ con bằng kẹo, bánh hoặc tiền lẻ. Sáng mùng 2, các cặp vợ chồng về chúc Tết bên nhà ngoại, ngày mùng 3 người Sán Chỉ tổ chức hội xuân.
Người Sán Chỉ vẫn duy trì phong tục truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán của dân tộc mình với những nét độc đáo, đặc trưng và ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa nhân văn sâu sắc. Trong những ngày hội xuân, người Sán Chỉ mặc những bộ trang phục truyền thống mới, chơi trò chơi dân gian kéo co, đẩy gậy, đánh quay, đánh cù, ném còn và hát “Soọng Co” (hát lượn của người Sán Chỉ), một tục lệ không thể thiếu trong những ngày này. Họ hát giao duyên, các xóm, bản hát đối với nhau, hát nhóm nam nữ, nội dung của các bài hát đề cập đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội: từ tình yêu đôi lứa, tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương, đất nước.
Người Sán Chỉ có ý thức đoàn kết cộng đồng cao, rất phóng khoáng trong những ngày Tết, có khách đến nhà dù lạ hay thân quen, chủ nhà đều nồng nhiệt chào đón, chuẩn bị mâm cơm đầy đặn, cùng nhau chúc rượu và có thể ngồi hát đối đáp với nhau từ đêm hôm trước sang ngày hôm sau. Đó cũng là món ăn tinh thần không thể thiếu của người Sán Chỉ mỗi dịp Tết đến, xuân về.