Ngôn ngữ học Việt Nam trong bối cảnh ngôn ngữ học thế giới và khu vực
GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học p
hát biểu đề dẫn Hội thảo
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của toàn thể đại biểu, nhấn mạnh đến vai trò và ý nghĩa của Hội thảo và nhận định, ngày nay, ngôn ngữ học đang ngày càng mở rộng ranh giới, bao quát mọi mặt của đời sống xã hội, vậy ngôn ngữ học là gì? Ngôn ngữ học thế giới, khu vực và Việt Nam có những đồng dạng và dị biệt gì, hướng nghiên cứu liên ngành, đa ngành, xuyên ngành, ngôn ngữ học văn hóa, nhân học, tri nhận, lâm sàng… đã và đang mở ra những góc tiếp cận và hướng nghiên cứu như thế nào đối với sự phát triển của khoa học ngôn ngữ nói chung… là những vấn đề được giáo sư Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học đặc biêt nhấn mạnh và bày tỏ mong muốn nhận được nhiều tham luận và trao đổi sâu rộng của toàn thể đại biểu tham dự.
Theo đó, ngoài phiên toàn thể, Hội thảo được chia thành 5 tiểu ban, bàn thảo trực tiếp vào những vẫn đề có liên quan như: Tiểu ban 1: Ngôn ngữ học lý thuyết do GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp chủ trì; Tiểu ban 2: Ngôn ngữ – văn hóa do TS. Phạm Văn Lam chủ trì; Tiểu ban 3: Ngôn ngữ học xã hội và liên ngành do GS.TS. Nguyễn Văn Khang chủ trì; Tiểu ban 4: Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số, phương ngữ và lịch sử tiếng Việt do PGS.TS. Nguyễn Hữu Hoành chủ trì; Tiểu ban 5: Ngôn ngữ học ứng dụng do TS. Phạm Hiển chủ trì.
GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp; GS.TS. Đỗ Việt Hùng; GS.TS. Vũ Đức Nghiệu; PGS.TS. Trịnh Cẩm Lan và PGS.TS. Nguyễn Hữu Hoành đồng chủ trì Hội thảo
GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp chia sẻ: Với hơn 700 báo cáo mà Viện Ngôn ngữ học đã nhận được khi tổ chức các Hội thảo khoa học trong thời gian gần đây, có thể thấy bên cạnh các nghiên cứu rất cơ bản các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Việt Nam đã tiếp thu, áp dụng một cách sáng tạo và phát triển được các lý thuyết, đường hướng của ngôn ngữ học hiện đại vào nghiên cứu chuyên sâu tiếng Việt và các ngôn ngữ của đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam, riêng Hội thảo lần này nhận được 140 bài viết của các nhà khoa học đã cho thấy với vai trò là cơ quan chủ trì, kết nối nhằm thúc đẩy các hoạt động khoa học, Viện Ngôn ngữ học đang khẳng định tốt vị trí, vai trò của mình trong các hoạt động nghiên cứu chuyên ngành, đưa ngôn ngữ học thực sự trở thành một ngành khoa học khả dụng góp phần làm giàu mạnh và sự trong sáng của tiếng Việt. Bên cạnh đó, Viện cũng đang tích cực xác lập cơ sở lý thuyết cho việc biên soạn một cuốn “Cú pháp tiếng Việt” mới, hướng đến biên soạn một cuốn “Ngữ pháp tiếng Việt” có tầm tham chiếu quốc gia; báo cáo của giáo sư Mark Alves đến từ Đại học Montgomery (Mỹ), về từ vựng Proto Nam Á và Proto Vietic trong tiếng Việt, báo cáo được coi như là chứng cứ quan trọng để khảo sát lịch sử tiếng Việt, lịch sử của tiếp xúc ngôn ngữ ở khu vực và báo cáo của tiến sỹ Phạm Hiển ở giao diện ngôn ngữ học và khoa học máy tính của thời đại công nghệ 4.0, về việc xây dựng từ vựng tiếng Việt cốt lõi cho học viên nước ngoài…
Thông qua các tham luận tại các tiểu ban, có thể nhận thấy rằng, bên cạnh những nghiên cứu thuộc về các trào lưu nổi trội như ngôn ngữ học chức năng hệ thống, ngôn ngữ học tri nhận, lý thuyết phân tích diễn ngôn phê phán, ngôn ngữ học văn hóa, ngữ dụng học và ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học lịch sử, ngôn ngữ học địa lý, các nghiên cứu đã đạt được những bước phát triển mới về lý thuyết đánh giá, cách tiếp cận dị thanh và ngữ nghĩa học diễn ngôn, vốn phát triễn ngôn ngữ học chức năng hệ thống… Mặt khác, các chủ đề của ngôn ngữ học tri nhận cũng phong phú hơn, không chỉ dừng lại ở các ẩn dụ/hoán dụ ý niệm và còn mở ra những hướng nghiên cứu mới về “định vị không quan”, “nghiệm thân”, “tỏa tia”; các báo cáo thuộc địa hạt ngôn ngữ học xã hội, ngôn ngữ học ứng dụng, ngôn ngữ học văn hóa cũng bao quát được nhiều vấn đề,đạt được sự phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu..
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tổng kết Hội thảo, GS.TS. Nguyễn Văn Hiệp đã vui mừng trước kết quả đạt được trong các thảo luận và cho rằng, các báo cáo tham luận, thảo luận ở các tiểu ban, không chỉ là tổng lược các vấn đề nghiên cứu triển khai mà là điểm khởi đầu cho những hướng nghiên cứu mới tiếp theo. Qua đó, sẽ góp phần cung cấp cơ sở lý luận cho những vấn đề về ngữ pháp, lịch sử nghiên cứu ngôn ngữ tiếng Việt, làm rõ hơn các vấn đề về cội nguồn, cơ tầng, sự tiếp xúc ngôn ngữ thông qua các bằng chứng dấu vết từ vựng Proto Nam Á và Proto Vietic trong các phương ngữ địa lý, cũng như các bằng chứng từ các thư tịch như thư tịch Hàn Nôm, chữ Quốc ngữ những thế kỉ trước. Góp phần đắc lực và hiệu quả vào việc bảo tồn, phát huy vai trò và gìn giữ bản sắc ngôn ngữ tiếng Việt, phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh CNH, HĐH hiện nay.
Hội thảo “Ngôn ngữ học Việt nam trong bối cảnh ngôn ngữ học thế giới và khu vực” là diễn dàn học thuật sôi nổi để các nhà ngôn ngữ học Việt Nam cùng các nhà ngôn ngữ học thế giới quan tâm đến Việt Nam tập hợp và thảo luận những khuynh hướng ngôn ngữ học hiện đại, trình bày và đánh giá kết quả nghiên cứu ngôn ngữ ở Việt Nam trong thời gian qua đồng thời xác định những nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng cho chặng đường sắp tới./.
Phạm Vĩnh Hà