Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu-nghien cuu ung dung khoa hoc cong nghe va hop tac quoc te trong linh vuc khi tuong thuy

Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu

Sự phát triển của khoa học công nghệ khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (KTTV&BĐKH) trong những năm gần đây đã giúp ngành KTTV&BĐKH trên thế giới nhìn chung và ngành KTTV&BĐKH Việt Nam nói riêng có những bước tiến vượt bậc. Để ngành KTTV&BĐKH Việt Nam phát triển nhanh hơn, cần tranh thủ tiếp thu các thành tựu tiên tiến, điều chỉnh các tiêu chuẩn và kỹ thuật cho phù hợp hơn nhằm nhanh chóng đuổi kịp và hội nhập trình độ tiên tiến của thế giới.

Trong những năm qua, công tác nghiên cứu khoa học KTTV&BĐKH ở Việt Nam đã được đẩy mạnh và có sự kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng. Các lĩnh vực nghiên cứu đã tập trung phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng điều tra cơ bản, chất lượng dự báo KTTV&BĐKH. Các vấn đề về khí tượng nhiệt đới, bão, khí hậu, khí tượng chuyên ngành, thủy văn lục địa, KTTV biển, môi trường nước và không khí, phục vụ nhu cầu của các ngành, địa phương, các vùng kinh tế cũng được quan tâm nghiên cứu.

Ngành KTTV&BĐKH có vị trí quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đặc biệt là trong công tác phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững đất nước. Các thông tin KTTV&BĐKH được sử dụng rộng rãi trong các hoạt động kinh tế – xã hội để phòng tránh thiệt hại và mang lại những lợi ích cho xã hội. Chính vì vậy, nhu cầu cung cấp thông tin cho các hoạt động quản lý, nghiên cứu, nghiệp vụ của ngành KTTV&BĐKH là rất lớn. Các thông tin KHCN phục vụ công tác nghiên cứu, hoạt động nghiệp vụ và quản lý của ngành KTTV&BĐKH cần phải được cung cấp nhanh chóng, cập nhật, đúng thời điểm, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động ngành KTTV&BĐKH.

Với những đặc thù riêng của ngành KTTV&BĐKH, hoạt động hợp tác quốc tế của ngành trong giai đoạn 2006-2010 đã tập trung vào lĩnh vực: Tăng cường hoạt động với tư cách nước thành viên trong Tổ chức Khí tượng Thế giới và các tổ chức quốc tế khác mà nước ta tham gia để tranh thủ tiếp thu KHCN tiên tiến và kinh nghiệm quản lý trên thế giới. Nâng cao vai trò của Việt Nam trong các hoạt động quốc tế về BĐKH. Khai thác có hiệu quả quan hệ quốc tế song phương và đa phương, tranh thủ các nguồn tài trợ, các dự án quốc tế để nâng cao năng lực của ngành KTTV&BĐKH.

Với các hoạt động hợp tác quốc tế đa phương, Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức KTTV&BĐKH khu vực và thế giới như: Tổ chức Khí tượng thế giới, Chương trình Thủy văn Quốc tế, Ủy ban Bão châu Á – Thái Bình Dương; đồng thời, hợp tác với các tổ chức quốc tế khác trong lĩnh vực KTTV cũng đã được thiết lập: Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) – Cơ quan KTTV Hoa Kỳ; Chương trình phát triển LHQ (UNDP); Chương trình môi trường toàn cầu; Chương trình phát triển LHQ; Ngân hàng Phát triển châu Á (GEF – UNDP – ADB); Chương trình Môi trường LHQ; Cơ quan phát triển năng lượng Đan Mạch (UNEP-RISO); Chương trình Môi trường LHQ; Công ước khung của LHQ về BĐKH (UNEP-UNFCCC); Ngân hàng thế giới (WB); Ủy hội sông Mê Công (MRC); Mạng lưới quan trắc lắng động axit vùng Đông Á (EANET).

Trong khuôn khổ các hoạt động này, ngành KTTV&BĐKH đã phối hợp và hoạt động phong phú, khá hiệu quả. Việt Nam đã tham gia tích cực và đã có những kết quả ban đầu trong việc triển khai và thực hiện Công ước Khung của LHQ về BĐKH, Công ước Viên năm 1985 về bảo vệ tầng ôzôn .

Các đơn vị đã có quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học lĩnh vực khí tượng, khí hậu, tài nguyên nước với nhiều nước như Nga, Nhật Bản, Ôxtrâylia, Anh, Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc… Với các hoạt động hợp tác quố tế song phương, ngành KTTV&BĐKH đã duy trì hoạt động với các đối tác truyền thống, đồng thời không ngừng mở rộng hợp tác song phương với các đối tác mới. Các hoạt động khảo sát KTTV biển tại thềm lục địa Việt Nam, nghiên cứu về bão và khí tượng nhiệt đới đã được duy trì thực hiện với kết quả tốt đối với Liên bang Nga. Hoạt động hợp tác với Trung Quốc tập trung vào công tác chia sẻ cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động nghiệp vụ dự báo lũ sông Hồng, các nghiên cứu về gió mùa châu Á, hội thảo trao đổi kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ và đào tạo sau đại học. Với các quốc gia Đông Nam Á, hoạt động hợp tác quốc tế tập trung vào công tác trao đổi thông tin khoa học công nghệ, hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo ngắn hạn. Quan hệ hợp tác với Ôxtrâylia và Hoa Kỳ cũng đã được phát triển, duy trì liên tục và có hiệu quả, chủ yếu là đào tạo chuyên gia và chuyển giao công nghệ dự báo KTTV. Đặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong năm 2009, 2010 và đầu năm 2011, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn&Môi trường đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo với 3 viện nghiên cứu đầu ngành của Hàn Quốc về khí tượng, hải dương học và đào tạo nhân lực về môi trường; 2 trường đại học của Ôxtrâylia và Trung tâm nghiên cứu khí hậu của Na Uy; đã tổ chức 3 đoàn công tác học tập sang Hàn Quốc, một hội thảo khoa học quốc tế trong khuôn khổ của cố gắng triển khai thực hiện nhiều hơn nữa các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KTTV&BĐKH với các nước có trình độ công nghệ KTTV tiên tiến trên thế giới và khu vực. Hợp tác sâu rộng với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới, đặc biệt trong hợp tác giải quyết những vấn đề mang tầm quốc tế về BĐKH và nước biển dâng.

Tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, công nghệ và đào tạo cán bộ của các đối tác như: Hợp tác với Hoa Kỳ về dự báo bão, nghiên cứu ứng dụng và sử dụng các sản phẩm của ra đa; hợp tác với Nhật Bản về dự báo, nghiên cứu sử dụng và ứng dụng các sản phẩm ra đa thời tiết. Thiết kế, quản lý, sử dụng, vận hành hệ thống trạm quan trắc tự động; hợp tác với Đan Mạch, Hà Lan về dự báo thủy văn và ngập lụt đô thị; hợp tác với Trung Quốc về dự báo khí tượng, thủy văn, kiểm định thiết bị đo đạc KTTV.

Nguồn: vusta.vn