Nghiên cứu ứng dụng công nghệ đa phương tiện trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể – Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ

Cập nhật vào: Thứ hai – 17/05/2021 23:28
Cỡ chữ
Nhỏ 
Lớn

Việt Nam là đất nước giàu truyền thống văn hoá, trong đó nhiều loại hình văn hoá đặc sắc đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại như: nhã nhạc cung đình Huế, dân ca quan họ, hát xoan, đờn ca tài tử Nam bộ, dân ca ví, giặm Nghệ An, Hà Tĩnh… Di sản văn hóa rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất nhanh chóng. Bởi vậy, bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa dân tộc trong sự phát triển toàn diện đất nước, làm cho di sản văn hóa tiếp tục tỏa sáng trong giao lưu, hội nhập là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn.

Nhằm đẩy mạnh việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, nhóm nghiên cứu tại trường Đại học Công nghệ, Đại học quốc gia Hà Nội do PGS.TS. Lê Thanh Hà làm chủ nhiệm, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ đa phương tiện trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể” trong thời gian từ năm 2016 đến năm 2019.

Đề tài này có mục tiêu nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật đồ hoạ máy tính, xử lý video, xử lý ảnh, xử lý âm thanh hiện đại kết hợp với các kỹ thuật phân tích, học máy để xử lý và lưu trữ dữ liệu về các hình thức văn hoá phi vật thể trên máy tính phục vụ cho mục đích bảo tồn, tra cứu, học tập và tạo ra các sản phẩm nghệ thuật mới.

Một số kết quả của nghiên cứu:

– Hai phần mềm được xây dựng dựa trên cơ sở khảo sát nhu cầu thực tiễn của hai đơn vị sử dụng là Trường Đại học Sân khấu điện ảnh và Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Sản phẩm phần mềm đã được trình diễn, đào tạo, và có kế hoạch chuyển giao. Quá trình triển khai thử nghiệm của mỗi phần mềm đã được thực hiện đánh giá từ người sử dụng và đã nhận được nhiều góp ý có tính xây dựng và điểm đánh giá rất tích cực.

– Ba công cụ xử lý dữ liệu được xây dựng bám sát nội dung trong đề cương và các module phần mềm đã được chuyên gia thẩm định trong tổ chuyên gia thẩm định cơ sở đánh giá.

– Dữ liệu đa phương tiện về các loại hình văn hóa phi vật thể được xây dựng dựa trên việc kế thừa kho dữ liệu của Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt nam và Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh. Các dữ liệu này được làm giàu thông tin thông qua quá trình chuẩn hóa, chú giải và phân loại. Đồng thời, các dữ liệu mô hình 3D tĩnh, 3D động cũng được nhóm nghiên cứu phối hợp với các đơn vị sử dụng thu nhận, chuẩn hóa, làm giàu thông tin. Toàn bộ dữ liệu đã được tổ chức và lưu trữ trong hệ cơ sở dữ liệu đa phương tiện.

Các công trình khoa học về các kỹ thuật xử lý dữ liệu đa phương tiện được nhóm nghiên cứu công bố trong các tạp chí khoa học quốc tế có uy tín (ISI, Scopus) và trong kỷ yếu hội nghị/hội thảo quốc tế có phản biện.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 16241/2019) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

N.P.D (NASATI)