Nghiên cứu thị trường là gì? 6 bước NCTT giúp doanh nghiệp thành công
Trước khi xâm nhập vào một thị trường mới hoặc tung ra một sản phẩm/dịch vụ mới, bước quan trọng đầu tiên mà doanh nghiệp cần làm đó chính là nghiên cứu thị trường. Hãy cùng MarketingAI tìm hiểu định nghĩa của nghiên cứu thị trường là gì và làm thế nào để nghiên cứu thị trường một cách chính xác và có hiệu quả.
Nghiên cứu thị trường là gì?
Nghiên cứu thị trường là gì? Nghiên cứu thị trường là một quá trình thu thập, xử lý, phân tích những thông tin liên quan đến khách hàng, đối thủ, thị trường mục tiêu và có thể là toàn bộ về ngành mà doanh nghiệp bạn muốn kinh doanh. Nghiên cứu thị trường có mục đích hỗ trợ việc ra quyết định có liên quan đến việc xử lý vấn đề và nắm bắt cơ hội Marketing.
Nghiên cứu thị trường là gì? (Ảnh: pannelplus.in)
Tùy theo mục đích của doanh nghiệp, đó có thể là xâm nhập vào một thị trường, phát triển một sản phẩm/dịch vụ mới hay thực hiện một chiến dịch truyền thông mà phương pháp nghiên cứu thị trường là khác nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu thị trường được coi là một nghiệp vụ cần thiết. Bởi nó sẽ cung cấp đầy đủ thông tin chính xác giúp các nhà Marketer đưa ra một chiến lược phù hợp và từ đó mang lại hiệu quả cao.
Nếu doanh nghiệp chủ quan không thực hiện nghiên cứu thị trường hay nghiên cứu một cách hời hợt, thì việc đưa ra quyết định có thể mang lại rủi ro cao. Điều đó sẽ đi kèm với nhiều hậu quả khác, đó là chiến dịch thất bại hay lãng phí nguồn lực.
Vậy làm thế nào để kết quả nghiên cứu thị trường mang tính chính xác và có hiệu quả? Tiếp theo, MarketingAI sẽ chia sẻ 6 bước cơ bản để nghiên cứu thị trường trở nên dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn đối với doanh nghiệp.
>> Xem thêm: Marketing Research là gì
Tại sao nghiên cứu thị trường lại quan trọng đến thế?
Giúp giảm rủi ro khi đưa ra quyết định
Việc nghiên cứu thị trường sẽ giúp các nhà sáng lập tránh được các quyết định khó khăn và từ đó có những đối sách hợp lý để công việc được dễ dàng hơn. Nghiên cứu thị trường là công cụ giúp bạn hiểu rõ hơn về thị trường và đưa các biện pháp thâm nhập thị trường hợp lý. Hiểu rõ nghiên cứu thị trường là gì sẽ giúp bạn có nhiều cơ hội để khiến khách hàng tin dùng sản phẩm của mình. Tuy nhiên, nghiên cứu thị trường không phải là cách cửa giúp mang lại thành công mà nó chỉ là chiếc là bàn chỉ dẫn. Nhưng khảo sát thị trường sẽ gúp bạn biết đường đường đi đúng để dẫn tới thành công và sẽ tránh được quyết định sai lầm.
Là công cụ giúp nghiên cứu thị trường
- Giúp tìm ra thị trường phù hợp và tiềm năng các cơ hội cho sản phẩm của bạn, các xu hướng của thị trường để phát triển sản phẩm trong tương lai.
- Giúp thu gọn tầm nhìn để tổng hợp nguồn lực vào phạm vi nhất định một cách có hiệu quả từ đó ưu tiên phát triển các mục tiêu cụ thể và lên kế hoạch dài hạn.
- Giúp tìm điểm mạnh, điểm yếu và đánh giá nỗ lực trong thời gian có hiệu quả hay không
- Giúp hiểu rõ nhu cầu người tiêu dùng và tìm ra các ý tưởng để phát triển sản phẩm mới
Một số phương pháp nghiên cứu thị trường thông dụng
- Khảo sát (Surveys)
Đây là phương pháp khảo sát ngắn gọn và đi vào chủ để nhằm lấy ý kiến của người tham gia khảo sát thông qua bảng khảo sát khách hàng. Mẫu càng lướn thì mức độ chính xác càng cao.
- Phỏng vấn trực tiếp
Thường được thực hiện tại địa điểm nhiều người qua lại. Mục đích của phương pháp nghiên cứu này là quảng cáo sản phẩm tới người dùng. Tuy nhiên phương pháp này cần nhiều thời gian và công sức.
- Khảo sát trực tiếp
Đây cũng là một dạng phỏng vấn trực tiếp nhưng thay vì trao đổi trực tiếp thì họ sử dụng các câu hỏi được thiết kế từ trước. Tỷ lệ số lượng chấp nhận đề nghị khảo sát này thấp hơn phỏng vấn trực tiếp nhưng lại số liệu rõ ràng và tổng hợp dễ hơn.
- Khảo sát bằng thư điện tử (Email Surveys)
Đây là phương pháp gửi thông tin qua email đến tập khách hàng hình thức này cần sự đầu tư để có được sự phản hồi nhưng chi phí sẽ rất rẻ.
- Khảo sát qua điện thoại (Telephone Surveys)
Đây là phương pháp thu thập thông tin người dùng từ trước và gọi điện xin ý kiến đánh giá. Phương pháp này dù ít tốn kém nhưng người dân thường không có thiện cảm với dạng tiếp thị này, thế nên tỉ lệ chấp nhận khảo sát này không cao.
- Khảo sát trực tuyến (Online Surveys)
Bạn có thể tạo bảng hỏi khảo sát trên internet và chia sẻ đến các diễn đàn nhằm tham khảo ý kiến mọi người, phương pháp này tốn rất ít chi phí. Tuy nhiên tỉ lệ phản hồi khó dự đoán vì ít ai có thời gian để khảo sát. Khảo sát nhận quà hay khảo sát kiếm tiền nghĩa là người dùng sẽ đăng ký tài khoản tại website và trả lời khảo sát đó. Mỗi câu trả lời sẽ được cộng điểm, đạt mốc điểm nhất định thì người dùng có thể nhận quà.
6 bước cơ bản để thực hiện nghiên cứu thị trường
Bước 1: Xác định mục tiêu hoặc vấn đề của doanh nghiệp
Có thể nói, việc nghiên cứu thị trường có giúp ích cho doanh nghiệp hay không phụ thuộc vào việc bạn có xác định đúng đắn vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải hay mục tiêu của cuộc nghiên cứu này. Vì thế đây được xem là một bước cần thiết trong mọi quy trình nghiên cứu thị trường.
Đặt ra mục tiêu trước khi tiến hành nghiên cứu thị trường giúp doanh nghiệp đạt được hiệu quả và tiết kiệm chi phí. (Ảnh: smallcapasia)
Một ví dụ dễ hiểu cho vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải đó là: “Liệu chúng ta có nên tiến vào thị trường đó hay không?” hoặc “Tính năng nào của sản phẩm cần được phát triển trong tương lai?”. Việc hiểu vấn đề mà doanh nghiệp đang gặp phải một cách rõ ràng sẽ giúp cho kết quả của cuộc nghiên cứu thị trường tập trung và đạt hiệu quả.
Bước 2: Lựa chọn phương pháp nghiên cứu phù hợp
Có rất nhiều phương pháp nghiên cứu mà doanh nghiệp có thể lựa chọn để đạt được mục tiêu đã đề ra. (Ảnh:design-portfolio.co.uk)
Bước tiếp theo sau khi đã xác định được mục tiêu của việc nghiên cứu đó là lựa chọn phương pháp nghiên cứu phù hợp. Một số phương pháp nghiên cứu phổ biến để doanh nghiệp của bạn có thể lựa chọn, đó là:
-
Điều tra, khảo sát: Công cụ để thực hiện nghiên cứu bằng phương pháp này đó chính là bảng câu hỏi (bảng hỏi). Doanh nghiệp sẽ thiết kế một bảng câu hỏi thông minh, bám sát vào mục tiêu đã đề ra để khảo sát khách hàng mẫu. Quy mô mẫu được khảo sát càng lớn bao nhiêu, thì kết quả thu được càng đáng tin cậy bấy nhiêu.
-
Phỏng vấn nhóm:
Người điều phối sẽ sử dụng một chuỗi các câu hỏi được soạn sẵn hay các chủ đề để dẫn dắt cuộc thảo luận giữa một nhóm người.
-
Phỏng vấn cá nhân: Giống như phỏng vấn nhóm, phỏng vấn cá nhân bao gồm nhiều câu hỏi mở có tính chất tìm hiểu sâu. Tuy nhiên phương pháp này đòi hỏi người phỏng vấn phải có kỹ năng dẫn dắt và tạo thiện cảm với người được phỏng vấn. Bởi khách hàng có sẵn sàng chia sẻ với người lạ hay không, đều phụ thuộc kỹ năng của người phỏng vấn.
-
Quan sát:
Khi bạn quan sát hành động của khách hàng được ghi lại trong hệ thống camera đặt tại cửa hàng, nơi công cộng, bạn có thể thấy rõ cách thức họ mua sắm và sử dụng sản phẩm/dịch vụ của bạn. Phương pháp này giúp bạn có được một sự tổng hợp chính xác nhất về các thói quen thông thường cũng như hành vi mua sắm của khách hàng.
-
Thử nghiệm: Bạn sẽ
đặt những sản phẩm mới vào một vài cửa hàng để thử phản ứng của khách hàng trong các điều kiện bán hàng thực tế. Việc này giúp bạn chỉnh sửa và hoàn thiện sản phẩm, có thể là điều chỉnh lại giá cả hay cải tiến bao bì bắt mắt hơn.
Bên cạnh đó, trước hết, bạn cần xác định làm thế nào chọn mẫu mang tính đại diện: đó là đối tượng có đặc điểm như thế nào, doanh nghiệp có thể tìm họ ở đâu, số lượng bao nhiêu là đủ để có thể kết luận,…
Bước 3: Thiết kế và chuẩn bị khảo sát
Thiết kế và chuẩn bị cho khảo sát, phỏng vấn hay thực nghiệm càng kĩ lưỡng thì thông tin thu được càng có chất lượng. (Ảnh: amazonaws.com)
Tùy theo phương pháp nghiên cứu được lựa chọn mà sự chuẩn bị là khác nhau. Nhưng nhìn chung, trong bước này, bạn cần phải thiết kế công cụ nghiên cứu thị trường.
Ví dụ như doanh nghiệp của bạn chọn phương pháp nghiên cứu là điều tra, khảo sát thì cần liệt kê các câu hỏi, từ đó thiết kế một bảng hỏi trực tiếp/online. Mặt khác, nếu doanh nghiệp nhận thấy phương pháp phỏng vấn cá nhân mang lại hiệu quả nhất, thì doanh nghiệp cần chuẩn bị một số câu hỏi chính và các thiết bị cần thiết cho phỏng vấn viên.
Bước 4: Thu thập thông tin
Đây chính là bước mà bạn sẽ tiến hành đưa bản khảo sát trên thị trường, hoặc thực hiện các buổi phỏng vấn nhóm, phỏng vấn cá nhân hay quan sát, thực nghiệm. Trong quá trình thực hiện khảo sát; phỏng vấn hoặc thử nghiệm, các câu trả lời hay thậm chí mọi thái độ hành vi của khách hàng đều được thu thập và ghi lại.
Bước 5: Tổng hợp và phân tích dữ liệu
Thông tin được tổng hợp và xử lý một cách cẩn thận qua các phần mềm xử lý dữ liệu. (Ảnh: dsc.org.uk)
Từ những thông tin được ghi chép, bạn sẽ tổng hợp những thông tin đó lại thành bản dữ liệu hoàn chỉnh, thống nhất. Tiếp theo đó, việc sử dụng các phần mềm chuyên xử lý, phân tích dữ liệu là cần thiết và chúng sẽ đem lại cho doanh nghiệp của bạn kết quả nhanh chóng và chính xác nhất.
Một số phần mềm phân tích dữ liệu phổ biến và đáng tin cậy hiện nay, đó là Excel, SPSS, Minitab,… Nhiệm vụ của các phần mềm này là tạo bảng và đồ thị, biểu đồ phân chia; phân khúc kết quả vào các nhóm phù hợp như độ tuổi, giới tính và cuối cùng là tìm ra xu hướng chính của kết quả nghiên cứu.
Bước 6: Minh họa dữ liệu và trình bày kết quả
Cuối cùng, đây chính là bước mà bạn có thể trình bày về cả quá trình nghiên cứu thị trường cũng như kết quả thu được để trả lời cho câu hỏi được đưa ra bước 1. Hãy đảm bảo rằng tất cả các thông tin, dữ liệu thu thập được biểu thị một cách khoa học, logic và dễ theo dõi.
Trình bày kết quả thu được là bước cuối cùng trong quá trình nghiên cứu thị trường. (Ảnh: nguyendinhquy.com)
Một điều đặc biệt bạn cần lưu ý, đó là, hãy bắt đầu trình bày từ vấn đề, mục tiêu của doanh nghiệp. Sau đó là lý do vì sao bạn lại chọn phương pháp nghiên cứu này, cách thức tiến hành chúng như thế nào. Và đối với mỗi kết quả nghiên cứu được đưa ra, hãy trình bày kèm theo cả ý nghĩa và tác động của chúng đối với vấn đề của doanh nghiệp.
Sau cùng, điều quan trọng nhất mà bạn cần đạt được là trả lời được câu hỏi được đưa ra ban đầu, hay cụ thể hơn đó là giải quyết được vấn đề của doanh nghiệp
Kết luận
Nghiên cứu thị trường là một quá trình quan trọng, giúp cho doanh nghiệp hay các nhà Marketer đưa ra quyết định đúng đắn. Chỉ với 6 bước cơ bản, nghiên cứu thị trường hoàn toàn có thể giúp bạn xác định đó là rủi ro hay cơ hội khi tiến vào một thị trường mới, khả năng thu hút khách hàng tiềm năng hay thậm chí mang đến sự thành công cho cả một chiến dịch.
Lan Hương – MarketingAI
4.1/5 – (20 bình chọn)