Nghiên cứu rủi ro trong sản xuất rau an toàn tại xã Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội
Việt Nam là một nước đang phát triển với nông nghiệp là ngành sản xuất cơ bản, giữ vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế cũng như xã hội. Sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, an toàn cho sức khỏe con người và vật nuôi là xu thế ưu tiên của nông nghiệp thế kỷ 21. Tuy nhiên ngoài những lợi thế về tài nguyên, kinh nghiệm, ngành Nông nghiệp Việt Nam hiện đang phải đối mặt với các thách thức bao gồm công nghệ thiếu tính cạnh tranh, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lực lượng lao động thiếu kỹ năng, chất lượng sản phẩm xuất khẩu thấp và những thách thức từ môi trường tự nhiên như sự thay đổi bất thường của khí hậu, sự dâng lên của mực nước biển, nạn phá rừng và xói mòn đất…Vì vậy, để ổn định về giá sản phẩm nông nghiệp cũng như ổn định thu nhập, bên cạnh những nghiên cứu về tình hình sản xuất, hiện trạng áp dụng khoa học kỹ thuật thì những rủi ro trong sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất rau an toàn nói riêng cũng cần được quan tâm nhằm góp phần làm rõ những rủi ro của các hộ gia đình trồng rau an toàn trong sản xuất, trong đầu tư vốn tài chính cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Nghiên cứu được thực hiện tại xã Văn Đức – là một xã thuộc huyện Gia Lâm thành phố Hà Nội. Xã Văn Đức có 3 thôn Trung Quan, Chử Xá và Sơn Hô được chia thành 20 đội sản xuất với diện tích đất canh tác 285 ha trong đó khoảng 250 ha sản xuất RAT. Vùng rau an toàn của xã đã xây dựng thành công thương hiệu rau an toàn, mở rộng thị trường tiêu thụ ra nhiều tỉnh thành trong cả nước và bước đầu thực hiện xuất khẩu sang một số nước trong khu vực. Qua quá trình điều tra 120 gia đình có hoạt động sản xuất rau an toàn, cũng như thực hiện phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm đối với các hộ gia đình nhằm chỉ ra những loại rủi ro có thể xảy ra trong quá trình sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, cũng như thái độ, cách xử lý của hộ nông dân sản xuất trong công tác dự phòng và xử lý khi có rủi ro. Việc xác định các loại rủi ro có ý nghĩa trong việc đề xuất giải pháp nhằm nâng cao trình độ hiểu biết, kỹ năng ứng phó của các hộ sản xuất rau an toàn đối với rủi ro một cách có hiệu quả, qua đó thúc đẩy người dân tích cực tham gia sản xuất những nông sản đảm bảo an toàn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hiện nay, được sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của chính quyền địa phương cũng như UBND Thành phố Hà Nội, xã Văn Đức đã trở thành một vùng trồng rau an toàn trọng điểm, cung cấp sản phẩm rau sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm. Có thể khẳng định rằng, rau an toàn đã nâng cao thu nhập cho các hộ nông dân sản xuất rau an toàn. Những sản phẩm rau an toàn là những sản phẩm có chất lượng đảm bảo cho sức khỏe. Sản xuất rau an toàn còn góp phần cải tạo môi trường, là sự khởi đầu cho nền nông nghiệp sinh thái theo hướng chuyên môn hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, sản xuất rau an toàn tại địa phương cũng tồn tại một số rủi ro như rủi ro về thời tiết, sâu bệnh hại, rủi ro về vốn, giá cả, thị trường…Trong những năm gần đây, thời tiết không ổn định đã gây khó khăn cho người dân trong việc ươm giống, phòng trừ sâu bệnh do đó sản phẩm đầu ra xấu, ảnh hưởng tới giá bán của người dân. Sâu bệnh làm cho cây trồng sinh trưởng và phát triển kém, năng suất, chất lượng giảm. Sâu bệnh còn làm tăng chi phí sản xuất như chi phí thuốc BVTV, tiền công chăm sóc, xử lý sâu bệnh. Chính vì vậy, chi phí đầu vào và giá cả đầu ra luôn là nỗi lo của các nông hộ, đây cũng là một rủi ro rất lớn luôn có khả năng xảy ra, ảnh hưởng đến thu nhập của các hộ gia đình. Ngoài ra, thiếu kỹ thuật sản xuất, thiếu vốn, mùa màng thất bát cũng là những rủi ro tuy không được đánh giá cao nhưng nó vẫn có khả năng xảy ra. Những rủi ro này góp phần cản trở người nông dân trong việc áp dụng những kỹ thuật mới vào hoạt động sản xuất rau an toàn hiện nay.
Khi xảy ra rủi ro về thời tiết như mưa nhiều, sương muối, hầu hết các hộ đều có những biện pháp dự phòng nhưng chủ yếu ở mức đơn giản như làm giàn, rào chắn, phủ ni lông…Đối với rủi ro sâu bệnh, ứng phó chủ yếu của các hộ là thay đổi thuốc để tránh hiện tượng sâu kháng thuốc. Tỷ lệ hộ tăng cường phun thuốc bảo vệ thực vật rất thấp vì do đặc trưng của vùng sản xuất rau an toàn trọng điểm, quy mô lớn. Đồng thời giải pháp sử dụng biện pháp sinh học cũng được ít hộ lựa chọn với lý do phức tạp, chi phí một số loại chế phẩm sinh học cao hơn so với thuốc bảo vệ thực vật và không đạt hiệu quả nhanh như sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Với rủi ro chi phí đầu vào tăng, hầu hết nông hộ phải chấp nhận, ít có biện pháp khắc phục vì phụ thuộc vào thị trường. Với rủi ro giá đầu ra quá bấp bênh, hầu hết các hộ đều lựa chọn giải pháp chịu lỗ vẫn bán ra thị trường vì các giải pháp khác như chờ tăng giá hay tìm hướng đi mới cho sản phẩm không thực hiện được.
Có thể nói, rủi ro luôn tồn tại một cách khách quan trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của con người, đặc biệt là đối với sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất rau an toàn nói riêng. Rủi ro xảy ra tác động trực tiếp hay gián tiếp đến đời sống của các hộ nông dân. Tuy nhiên mức độ tác động tùy thuộc vào mỗi loại rủi ro và cường độ của rủi ro đó. Vì vậy, các hộ nông dân cần được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết để ra các quyết định sản xuất đúng, kịp thời nhằm phòng tránh rủi ro và đảm bảo khắc phục được hậu quả khi rủi ro xảy ra.
Một số hình ảnh đi thực địa của đề tài:
Nguyễn Thị Thu Hà- Khoa KHXH