Nghiên cứu khoa học y tế của Việt Nam tiếp cận thế giới,góp phần nâng cao chăm sóc sức khoẻ nhân dân

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã nhấn mạnh như vậy tại Hội thảo tăng cường công tác quản lý khoa học công nghệ ngành y tế năm 2022 do Bộ Y tế tổ chức ngày 2/12 tại Hà Nội.

Nghiên cứu khoa học công nghệ y tế của Việt Nam tiếp cận thế giới, góp phần nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh: Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học ngành y tế đã tiến hành hàng loạt công trình nghiên cứu khoa học có giá trị góp phần vào công tác phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe nhân dân và tiếp cận trình độ khoa học công nghệ của thế giới… (Ảnh: Trần Minh).

Cùng dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Văn Truyền cùng đông đảo các nhà khoa học trong ngành y tế.

Mọi chính sách về phát triển khoa học y tế đều nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, nội dung được mở đầu trong Luật Bảo vệ sức khỏe nhân dân đã nêu rõ: “Sức khỏe là vốn quý nhất của con người, là một trong những điều cơ bản để con người sống hạnh phúc, là mục tiêu và là nhân tố quan trọng trong việc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội và bảo vệ Tổ quốc“, vì vậy, mọi chính sách về phát triển y tế nói chung và chính sách về phát triển khoa học y tế nói riêng đều nhằm mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Các thành tựu đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học của ngành y tế trải rộng trên các lĩnh vực bao gồm y tế dự phòng, lĩnh vực y tế công cộng – dân số; chẩn đoán, điều trị bệnh; nghiên cứu sản xuất thuốc và trang thiết bị y tế; xây dựng tiêu chuẩn – quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; nghiên cứu chính sách y tế và những thành tựu nổi bật khác…

Các nghiên cứu trong lĩnh vực chính sách y tế đã cung cấp số liệu, bằng chứng khoa học phục vụ đánh giá kết quả, hiệu quả các chủ trương, chính sách y tế đã thực hiện; làm cơ sở cho việc điều chỉnh, bổ sung, xây dựng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật; góp phần quan trọng vào xây dựng và ban hành, đánh giá các chính sách về dự phòng bệnh dịch, giảm tải bệnh viện, vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh tế y tế, bảo hiểm y tế, dân số – kế hoạch hóa gia đình…”- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Nghiên cứu khoa học công nghệ y tế của Việt Nam tiếp cận thế giới, góp phần nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân - Ảnh 2.

Các đại biểu dự hội thảo tăng cường công tác quản lý khoa học công nghệ ngành y tế năm 2022. (Ảnh: Trần Minh)

Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia là một trong các công cụ phục vụ quản lý nhà nước về đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa bởi vậy Bộ Y tế luôn quan tâm thực hiện công tác tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng đặc biệt là việc xây dựng các Tiêu chuẩn quốc gia, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các lĩnh vực: dược, dược liệu, vaccine sinh phẩm y tế, an toàn thực phẩm và môi trường y tế.

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, để đạt được những kết quả trên, Bộ Y tế đã chỉ đạo và điều hành hoạt động khoa học và công nghệ trên cơ sở bám sát, thực hiện các chỉ đạo của Đảng, của Chính phủ. Các nhiệm vụ được triển khai có giá trị khoa học, hiệu quả kinh tế, ý nghĩa xã hội, trực tiếp phục vụ nhu cầu thực tiễn phát triển ngành y tế.

Việt Nam làm chủ nhiều khoa học công nghệ tiên tiến trong y tế

Báo cáo cụ thể về thành quả nghiên cứu khoa học y tế, ông Nguyễn Ngô Quang – Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế nêu rõ: Từ 2015 đến nay, trong nước đã thực hiện 460 nhiệm vụ nghiên cứu phát triển thuốc mới, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng thuốc và vaccine, đặc biệt thuốc mới chiếm tỷ lệ cao nhất. Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam góp phần tạo cơ hội cho người bệnh tiếp cận thuốc, phương pháp điều trị mới.

Bên cạnh đó, một số thành tựu nổi bật về khoa học công nghệ ngành y tế đã đóng góp cho sự phát triển của ngành, xã hội và kinh tế trong thời gian gần đây. Cụ thể:

Đối với lĩnh vực y tế dự phòng gồm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học điều chế một số sinh phẩm y học để phát hiện các yếu tố nguy cơ gây bệnh, nổi bật nhất là các nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm vaccine, đưa Việt Nam là một nước có thế mạnh về sản xuất vaccine trên thế giới.

Trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị nổi bật là các công trình, cụm công trình đạt giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ và nhiều giải thưởng khác trong các lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, huyết học và truyền máu, ung bướu, hô hấp, hồi sức cấp cứu… của các Nhà khoa học của Bệnh viện Bạch Mai, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện K Trung ương và nhiều đơn vị khác.

Về lĩnh vực nghiên cứu sản xuất thuốc, Phó Cục trưởng Nguyễn Ngô Quang cho biết, các nhà nghiên cứu khoa học y tế tiếp thu làm chủ công nghệ nghiên cứu sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme; phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền, nghiên cứu về biệt hóa tế bào gốc, kháng thể đơn dòng;

Nghiên cứu, khai thác nguồn dược liệu trong nước, bài thuốc cổ truyền tạo sản phẩm tốt có giá thành thấp; bảo tồn và phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm làm thuốc.

Nghiên cứu khoa học công nghệ y tế của Việt Nam tiếp cận thế giới, góp phần nâng cao chăm sóc sức khỏe nhân dân - Ảnh 3.

Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo Nguyễn Ngô Quang trình bày về hoạt động khoa học công nghệ ngành y tế thời gian qua. (Ảnh: Trần Minh)

Trong lĩnh vực nghiên cứu trang thiết bị y tế, Việt Nam đã nghiên cứu làm chủ một số công nghệ chế tạo sản phẩm công nghệ cao như máy siêu âm, X-quang, laze, sản xuất stent sử dụng trong tim mạch, thủy tinh thể trong nhãn khoa.

“Việc chuyển giao và ứng dụng thành công trong sản xuất máy thở phục vụ điều trị bệnh nhân COVID-19 khẳng định Việt Nam hoàn toàn làm chủ công nghệ tiên tiến trong nghiên cứu sản xuất một số trang thiết bị y tế công nghệ cao”- ông Nguyễn Ngô Quang nói.

Để tiếp tục tăng cường công tác khoa học và công nghệ nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, đáp ứng những đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn mới, triển khai thực hiện các quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Dược, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 95/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, tại hội thảo các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung:

  • Đánh giá thực trạng hoạt động khoa học và công nghệ ngành y tế giai đoạn 2010 đến nay;
  • Xây dựng kế hoạch tăng cường quản lý khoa học và công nghệ ngành y tế giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến 2030;
  • Góp ý xây dựng, hoàn thiện các văn bản quản lý khoa học và công nghệ áp dụng trong ngành y tế.

Để bảo đảm khía cạnh khoa học đặc biệt là khía cạnh đạo đức trong nghiên cứu, các đại biểu tham dự hội thảo đến từ các viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo, bệnh viện, doanh nghiệp trong cả nước đã nhất trí cao với việc các nghiên cứu y sinh học trên đối tượng con người cần được quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện bởi Bộ Y tế theo quy định tại điểm b, khoản 16, Điều 2 Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.

Sáng 2/12: Đã ghi nhận các ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 và BA.2.75Sáng 2/12: Đã ghi nhận các ca mắc COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 và BA.2.75

SKĐS – Thống kê của Bộ Y tế cho thấy ca mắc COVID-19 tăng nhẹ, tuy nhiên số bệnh nhân nặng đang thở oxy, thở máy giảm nhẹ; Ở nước ta, biến chủng Omicron đã chiếm ưu thế ở một số tỉnh, thành và đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5 và BA.2.75; phải tiếp tục đẩy nhanh tiêm chủng…