Nghiên cứu khoa học là gì? Dân chủ, trách nhiệm và đạo đức trong hoạt động nghiên cứu khoa học
Nghiên cứu khoa học là gì? Bài viết chia sẻ về nội hàm của dân chủ, đạo đức, trách nhiệm trong thực tiễn; từ đó đề xuất những định hướng đổi mới để tăng cường dân chủ trách nhiệm và đạo đức trong hoạt động nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện nay.
Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn của Công ty luật Minh Khuê
>> Luật sư tư vấn pháp luật, gọi: 1900 6162
Nội Dung Chính
1. Nghiên cứu khoa học là gì?
Nghiên cứu khóa học là một hoạt động xã hội, hướng vào việc tìm kiếm những điều mà khoa học chưa biết: hoặc là phát hiện bản chất sự vật, phát triển nhận thức khoa học về thế giới; hoặc là sáng tạo phương pháp mới và phương tiện kĩ thuật mới để cải tạo thế giới.
2. Vì sao cần dân chủ, trách nhiệm và đạo đức trong nghiên cứu khoa học
Trong xã hội pháp quyền, hoạt động chân chính của công dân phải gắn “dân chủ với kỷ cương, pháp luật”, nghĩa là phải có sự thống nhất giữa quyền và nghĩa vụ của công dân. Phải có dân chủ cho công dân, bởi “quyền” mà ở đây được thể hiện ra là điều kiện để công dân làm chủ, đồng thời, là phương thức để huy động và phát huy mọi tiềm năng và nội lực vốn có của mỗi công dân để họ có thể phấn đấu cho xã hội. Song, nếu tuyệt đối hóa dân chủ trong xã hội, thì hệ quả sẽ dẫn đến vô trách nhiệm của công dân, làm rối loạn, thậm chí có thể dẫn đến xung đột xã hội. Chính vì vậy, mặt đối lập biện chứng của dân chủ là kỷ cương, đó chính là nghĩa vụ của công dân. Kỷ cương (nghĩa vụ) để giúp cho hoạt động dân chủ của công dân có trách nhiệm hơn, bảo đảm cho xã hội phát triển ổn định, có trật tự, tránh dẫn đến xung đột xã hội.
Tương tự như vậy, trong hoạt động nghiên cứu khoa học chân chính, cũng phải có sự thống nhất giữa quyền và nghĩa vụ của nhà khoa học, nghĩa là dân chủ phải đi đôi với trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Đối với nhà khoa học, quyền được hưởng của họ, đó chính là phải được bảo đảm dân chủ. Phải có dân chủ vì dân chủ là điều kiện đầu tiên và cơ bản nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa họcvà sự phát triển khoa học; đồng thời, là phương tiện quan trọng nhất để thu hút và phát huy trí tuệ, tiềm năng của mỗi nhà khoa học.
Dân chủ chỉ mới thể hiện “quyền được hưởng”, mới chỉ là lực đẩy từ bên ngoài. Song, sự phát triển khoa học còn đòi hỏi cần có sự cộng hưởng về “nghĩa vụ” của nhà khoa học, tức là sự cộng hưởng của các nhân tố bên trong nhà khoa học, đó chính là trách nhiệm và đạo đức của nhà khoa học. Trách nhiệm của nhà khoa học để đưa khoa học phát triển đúng hướng, bảo đảm cho sản phẩm khoa học thực sự phục vụ cho tiến bộ xã hội; còn đạo đức trong khoa học là điều kiện bảo đảm cho khoa học chân chính phát triển.
Vậy, dân chủ, trách nhiệm và đạo đức trong hoạt động nghiên cứu khoa học cần được hiểu như thế nào? Từ cách tiếp cận của mình, chúng tôi sẽ phân tích nội hàm và yêu cầu tương ứng của nó trong thực tiễn.
3. Nội dung dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học
Theo chúng tôi, để có được dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học, cần phải xem xét và xử lý hài hòa các yếu tố sau đây:
Thứ nhất, cần xây dựng và thực thi văn hóa ứng xử dân chủ trong nghiên cứu khoa học.
Xây dựng và thực thi văn hóa ứng xử dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học là một bộ phận cấu thành cơ bản của văn hóa dân chủ. Ở đây, cần phân định và làm rõ 4 nội dung: một là, văn hóa ứng xử là dân chủ giữa nhà khoa học với nhà khoa học (quan hệ bình đẳng, nhân văn); hai là, văn hóa ứng xử dân chủ giữa nhà khoa học với tập thể khoa học (quan hệ tương tác hai chiều tự do, lành mạnh, tích cực); ba là, văn hóa ứng xử dân chủ giữa nhà khoa học với nền chính trị (tức là, giữa khoa học và chính trị có mối quan hệ chặt chẽ, song lại có tính độc lập tương đối. Khoa học cung cấp cơ sở khoa học và lý luận cho chính trị; ngược lại, chính trị lại định định hướng cho khoa học. Phải xác định ranh giới tương đối giữa khoa học và chính trị); bốn là, văn hóa ứng xử dân chủ giữa nhà khoa học và nhà quản lý (nhà quản lý không thể làm thay nhà khoa học; ngược lại, nhà khoa học không thể tách rời, đối lập với nhà quản lý)
Thứ hai, cần dân chủ trong quy trình tổ chức nghiên cứu khoa học.
Ở nước ta, quá trình xác định (hình thành) nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đã mang tinh thần dân chủ bởi được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Dân chủ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học được biểu hiện tập trung ở việc tạo lập và nâng cao tính tự chủ của các tổ chức và của các nhà khoa học. Tự chủ trong nghiên cứu khoa học chính là nhằm tạo ra mối quan hệ dân chủ đầy trách nhiệm giữa chủ nhiệm đề tài với cơ quan chủ trì và cá nhân những người nghiên cứu trong đề tài; mối quan hệ giữa chủ nhiệm đề tài và cơ quan chủ trì đề tài. Hiện nay, mối quan hệ này còn chưa rõ ràng bởi thực tế, đã có đơn vị bỏ mặc chủ nhiệm đề tài hoạt động; có đơn vị can thiệp quá sâu vào công việc của đề tài (trong sắp xếp, tổ chức lực lượng nghiên cứu, trong việc điều phối kinh phí…).
Dân chủ trong việc đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các dự án, đề án, đề tài, chương trình… nghiên cứu khoa học phải mang tính khách quan, công tâm, (nghĩa là việc đánh giá, nghiệm thu ấy phải căn cứ vào nội dung của hợp đồng khoa học, bảo đảm tính khoa học, tính chính xác, tính hợp lý, tính thực tiễn… được dựa trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng khoa học chuyên ngành, do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về khoa học các cấp thành lập, quy định nhiệm vụ và quyền hạn).
Thứ ba, dân chủ trong bảo đảm lợi ích của cá nhân, tổ chức tham gia nghiên cứu khoa học.
Nghĩa là phải có sự hài hòa lợi ích (cá nhân có lợi ích gì; tập thể, xã hội có lợi ích gì) khi tham gia nghiên cứu khoa học và lợi ích đó phải được hưởng theo chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học.
Thứ tư, phải tạo lập môi trường cơ chế, chính sách để bảo đảm dân chủ trong nghiên cứu khoa học.
Cấu trúc của động lực cho nghiên cứu khoa học bao gồm 3 thành tố cơ bản: một là, đáp ứng nhiệm vụ chính trị; hai là, đáp ứng nhu cầu vật chất (thu nhập để nuôi sống bản thân, gia đình; mua sắm tiện nghi phục vụ sinh hoạt, phục vụ công việc sáng tạo…); ba là, đáp ứng nhu cầu tinh thần (sự khẳng định các phẩm chất cá nhân, sự đam mê nghề nghiệp…). Các thành tố đó có quan hệ biện chứng với nhau và dẫn đến các vị thế: tôn bồi, dung hòa hoặc triệt tiêu nhau. Khi động lực được cấu thành bởi cả ba thành tố, nghĩa là vừa đáp ứng nhiệm vụ chính trị, vừa có thu nhập cao và khẳng định được vị thế cá nhân (thì đó là rất lý tưởng). Ở đây, nhà khoa học sẽ đem hết tâm lực và trí lực để sáng tạo. Khi động lực chỉ được cấu thành bởi thành tố thứ nhất và thứ hai thì nhà khoa học sẽ mất đam mê, hào hứng.
Như vậy, công việc sáng tạo sẽ mang nặng tính hành chính, các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ bị mòn dần đi. Khi động lực được cấu thành bởi thành tố thứ nhất và thứ ba, nhà khoa học sẽ kém sức thu hút trong sáng tạo. Khi động lực được cấu thành bởi thành tố thứ hai và thứ ba thì những sáng tạo của họ sẽ mất định hướng, hiệu quả của các sản phẩm sáng tạo không cao và lâu dần cả hai thành tố này đều mất vai trò động lực.
Bởi vậy, nhằm bảo đảm được dân chủ trong nghiên cứu khoa học thì phải tạo lập được môi trường, cơ chế, chính sách để kết nối, thống nhất được cả ba yếu tố cấu trúc của động lực cho nghiên cứu khoa học nêu trên.
Thứ năm, dân chủ trong hoạt động nghiên cứu khoa học còn phải được bảo đảm bằng xã hội hóa trong hoạt động nghiên cứu khoa học.
Đây là xu thế tất yếu trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ tư và là một chủ trương lớn, một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta. Xã hội hóa trong hoạt động khoa học chính là tăng cường khuyến khích các cá nhân, tổ chức kinh tế – xã hội tham gia, đầu tư vào nghiên cứu khoa học. Có như vậy, mới tạo ra cơ hội hoạt động, cơ hội phát triển và môi trường cạnh tranh lành mạnh trong thị trường khoa học. Trên thị trường đó, nhà khoa học có quyền giới thiệu, trao đổi các sản phẩm khoa học và chịu trách nhiệm về chất lượng của các sản phẩm khoa học của mình.
4. Trách nhiệm trong hoạt động nghiên cứu khoa học
Một là, phải cá thể hóa trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học.
Chủ thể hoạt động nghiên cứu khoa học phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động khoa học và công nghệ của mình, đặc biệt là phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩmnghiên cứu khoa học, về số liệu và cứ liệu được sử dụng để nghiên cứu, về phương pháp nghiên cứu, về công bố kết quả nghiên cứu, về áp dụng và chuyển giao kết quả nghiên cứu cũng như những hệ quả có thể có của việc công bố và chuyển giao đó. Ngoài ra, ở đây, còn phải được tự chủ về tài chính trong hoạt động nghiên cứu khoa học. Một thực tế, ở nước ta hiện nay, quyền chi tiêu kinh phí cho nghiên cứu khoa học lại không nằm ở nhà khoa học mà được quyết định bởi những người không nghiên cứu khoa học, do đó, đã dẫn đến tình trạng là nhà khoa học phải “ăn đong”, phải chạy theo người khác và hệ quả là, nhà khoa học không phải đầu tư vào tiến hành nghiên cứu khoa học thực sự, mà phải tập trung làm các thủ tục hành chính để thực hiện nghiên cứu khoa học.
Hai là, chủ thể nghiên cứu khoa học phải có trách nhiệm công dân của nhà khoa học.
Việc thừa nhận trách nhiệm công dân của chủ thể nghiên cứu khoa học đòi hỏi các nhà khoa học hay các cơ quan khoa học không phải chỉ vì trách nhiệm cá nhân mà tùy tiện đưa ra những phế phẩm khoa học. Trách nhiệm công dân ở đây là trách nhiệm tìm kiếm chân lý, đồng thời thấy được nghĩa vụ đối với xã hội, nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ Nhân dân, phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ những hoạt động văn hóa và nhân văn, giữ bí mật nhà nước về khoa học và công nghệ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội.
Ba là, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong nghiên cứu khoa học.
Khi nói đến trách nhiệm của “đầu đàn” trong nghiên cứu khoa học, chính là muốn nói đến mối quan hệ giữa tính đầu đàn và tính dân chủ trong nghiên cứu khoa học. Quá trình nghiên cứu khoa học còn có tính đa nguyên. Tính đa nguyên của quá trình nghiên cứu khoa học là một trong những đặc trưng về lượng của nó. Tính đa nguyên của quá trình nghiên cứu khoa học được thể hiện ở quá trình nghiên cứu khoa học được thực hiện không phải chỉ bởi một cá nhân nhà khoa học nào đó mà là một quá trình nhiều chủ thể tham gia. Song tính đa nguyên trong nghiên cứu khoa học không những không loại trừ mà còn bao chứa cả tính đầu đàn trong đó như một thành tố tất yếu của đa nguyên trong khoa học.
Với những đức tính và năng lực đặc biệt, những nhà khoa học đầu đàn đã tiên phong, tạo ra phương hướng, mục tiêu mới mẻ cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Do vậy, nhắc đến dân chủ trong nghiên cứu khoa học, không nên nhấn mạnh đến nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số. Đó là vì chân lý khoa học nhiều khi không thuộc về đa số.
5. Đạo đức nghề nghiệp trong nghiên cứu khoa học
Nhìn chung, hoạt động nghiên cứu khoa học, như đã phân tích ở trên có những đặc thù, có những yêu cầu riêng biệt. Là nhà khoa học, là người lấy nghiên cứu khoa học làm sự nghiệp suốt đời, nghĩa là phải đáp ứng được những đòi hỏi của hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong đó, cần yêu cầu về năng lực, một số đức tính của hoạt động nghiên cứu khoa học đối với nhà khoa học như sau:
(1) Có năng lực tư duy trừu tượng, biết thực hiện thao tác khái quát, trừu tượng một cách thành thạo, đi từ cái riêng đến cái chung, từ hiện tượng đến bản chất, từ bản chất cấp I đến bản chất cấp II ngày càng đi sâu vào bản chất sự vật, phản ánh ngày càng đầy đủ hơn, chính xác hơn thế giới hiện thực khách quan.
(2) Có sự nhạy cảm khoa học (khả năng trực giác cao) để phát hiện “cái mới”, những yếu tố mới, những thuộc tính mới, những vấn đề mới, những quy luật mới trong thực tiễn.
(3) Có năng lực tư duy logic, có khả năng thuyết phục trên cơ sở đưa ra những chứng cứ xác đáng đề ra những giả thuyết, tìm tòi những luận chứng, luận cứ để từ những giả thuyết xây dựng nên những lý thuyết.
(4) Có đức tính cần cù, tỉ mỉ, chu đáo, chính xác, trung thực, dũng cảm, không vụ lợi, sẵn sàng hy sinh vì khoa học, khiêm tốn, sẵn sàng lắng nghe và tiếp thu những phản biện có căn cứ để điều chỉnh định hướng nghiên cứu khoa học của mình.
Khi nói đến đạo đức nghề nghiệp của nhà khoa học thì điều quan trọng là phải dũng cảm trên con đường gian khổ đầy những thách thức và rủi ro trí tuệ để tiến gần tới chân lý. nhà khoa học chân chính là phải kiên quyết đấu tranh với cái sai, đồng thời phải biết và dám bảo vệ cái đúng, cần dũng cảm tự bảo vệ chân lý khoa học. Trong phần đầu Bộ Tư bản của mình, Marx đã từng tuyên bố rằng, ông chỉ lắng nghe những ý kiến phê phán có tính khoa học và xây dựng còn các loại ý kiến khác thì Marx sẽ ứng xử như câu nói của một nhà thơ nổi tiếng là “Đường ta ta cứ đi ai nói gì cũng mặc”.
Như vậy, khi nói đến đạo đức nghề nghiệp của nhà khoa học thì việc tuyên truyền pháp luật và nâng cao đạo đức nghề nghiệp của các nhà khoa học là rất cần thiết.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900 6162 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Luật Minh Khuê – Sưu tầm & biên tập