Nghiên cứu khoa học kĩ thuật của học sinh – Cú hích cho chất lượng giáo dục trung học
Đó là minh chứng cho thấy ý nghĩa của hoạt động nghiên cứu khoa học quan trọng như thế nào đối với phát triển giáo dục trung học.Hoạt động nghiên cứu khoa học đối với học sinh phổ thông đã góp phần tích cực vào việc đổi mới hình thức tổ chức hoạt động dạy học; đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập, phát triển năng lực của học sinh; nâng cao chất lượng của đội ngũ giáo viên và chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.
Khu vực trưng bày các dự án dự thi cuộc thi KHKT cấp quốc gia
Tháng 3/2012, lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạođứng ra tổ chức Cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học toàn quốc tại 2 khu vực: Thừa Thiên-Huế (dành cho khu vực miền Trung -Tây Nguyên) và Hà Nội (dành cho học sinh Hà Nội và TP Hồ Chí Minh). Tại cuộc thi này, đề tài: “Xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng kĩ thuật chân không và năng lượng mặt trời phục vụ cho sinh hoạt” thuộc lĩnh vực Điện và Cơ khí của nhóm tác giả Trần Bách Trung (nhóm trưởng), Vũ Anh Vinh, Bùi Thị Quỳnh Trang, Trường chuyên Hà Nội – Amsterdam thực hiện đã đoạt giải Nhất.Nhóm được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử đi tham dự Hội thi quốc tế Intel ISEF tổ chức tại Pittsburgh, Hoa Kì từ ngày 12 đến 18/5/2012 với 1.549 thí sinh đến từ 68 quốc gia trên thế giới tham gia dự thi ở 17 lĩnh vực khoa học, kĩ thuật.
Intel ISEF là hội thi Khoa học kĩ thuật quốc tế hàng năm lớn nhất dành cho học sinh trung học (từ lớp 8 đến lớp 12). Mỗi năm có khoảng hơn 1500 học sinh trung học từ khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia giới thiệu kết quả ở 22 lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Để tham gia Intel ISEF, các thí sinh phải tham gia và được lựa chọn từ các hội thi KHKT ở các địa phương hoặc các quốc gia. Các hội thi địa phương hay quốc gia này phải tuân thủ một số quy định cơ bản của Intel ISEF và được gọi là các Hội thi Intel ISEF thành viên.
Intel ISEF kết nối và tạo điều kiện để những nhà khoa học trẻ tranh tài ở đấu trường quốc tế; tạo điều kiện cho học sinh gửi những đề tài nghiên cứu của mình đến các nhà khoa học trình độ cao để được đánh giá, nhận xét; cơ hội được tiếp cận với các nhà khoa học đã đoạt giải thưởng Nobel. Các em cũng được giao lưu học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm về các đề tài nghiên cứu với các bạn cùng lứa tuổi trên khắp năm châu một cách sâu hơn, rộng hơn trong tương lai.
Tại Lễ trao giải chính thức của Intel ISEF năm 2012đoàn Việt Nam đã được trao giải Nhất trong lĩnh vực Điện và Cơ khí. Đây những học sinh Việt Nam đầu tiên bước lên bục vinh quang của Intel ISEF, mang niềm tự hào về cho đất nước về nghiên cứu khoa học kĩ thuật của học sinh phổ thông trên đấu trường quốc tế.
Học sinh Việt Nam đoạt giải Nhất lĩnh vực tại Intel-ISEF năm 2012
Từ kết quả đã đạt được, năm 2013, Cuộc thi Khoa học kĩ thuật học sinh trung học (ViSEF) trở thành cuộc thi quốc gia dành cho học sinh trung học (từ lớp 8đến lớp 12), bên cạnh kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các môn văn hóa. Cũng từ đó, hằng năm Việt Nam đều cử 06 dự án tham dự Intel ISEF tại Hoa Kỳ.Kết quả dự thi của Việt Nam trong những năm qua tương đối tốt, là một trong khoảng 50% số quốc gia/vùng lãnh thổ có giải hằng năm: năm 2013 đoạt 02 giải Tư, năm 2014 đoạt 02 giải Tư và 01 giải đặc biệt của tổ chức Open Heart Ucraina, năm 2015 đoạt 01 giải Tư và 01 giải đặc biệt của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ.
Học sinh Việt Nam đoạt giải Tư lĩnh vực tại Intel-ISEF năm 2013
Học sinh Việt Nam đoạt giải Tư lĩnh vực tại Intel-ISEF năm 2014
Học sinh Việt Nam trên đường lên nhận giải Tưl ĩnh vực tại Intel-ISEF năm 2015
Đặc biệt, năm 2016 Việt Nam có 4 trong số 6 dự án tham dự đoạt giải Ba, chiếm tỷ lệ đoạt giải là 70% số dự án dự thi (trong khi đó tỷ lệ dự án đoạt giải của cuộc thi là 26%). So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, thành tích của Việt Nam năm nay có phần vượt trội hơn: Singapore đoạt 01 giải Ba và 01 giải Tư; Thái Lan đoạt 01 giải Nhì, 01 giải Ba; Malaysia đoạt 01 giải Ba. Để thấy được tương quan của Việt Nam, có thể kể đến kết quả của một số nước khác như sau: Úc đoạt 01 giải Ba, 04 giải Tư; Trung Quốc đoạt 02 giải Ba, 02 giải Tư; Hồng Kông đoạt 02 giải Ba, 01 giải Tư; Nhật Bản đoạt 01 giải Nhất, 02 giải Nhì; Hàn Quốc đoạt 01 giải Ba, 04 giải Tư; Nga đoạt 01 giải Nhì, 01 giải Ba; Italia đoạt 01 giải Tư; Pháp đoạt 01 giải Ba; Đức đoạt 01 giải Nhì, 03 giải Tư…
Đoàn học sinh Việt Nam đoạt 04 giải Ba lĩnh vực tại Intel-ISEF năm 2016
Không chỉ dừng lại ở việc đạt giải trên đấu trường Intel ISEF quốc tế, những học sinh đoạt giải quốc gia và quốc tế đã trở thành những sinh viên xuất sắc trong các trường đại học, học viện; nhiều em nhận được học bổng và đang học ở những trường đại học danh tiếng ở nước ngoài. Có học sinh nhưTrần Thị Diệu Liên, học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, giải Tư năm 2015 đã đoạt học bổng trị giá hơn 300.000 USD (gần 7 tỷ đồng) của Đại học Harvard-Hoa Kỳ.
Để có được kết quả cao trên đấu trường quốc tế, trước hết, cuộc thi ở phạm vi toàn quốc phải được tổ chức chu đáo. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chỉ đạo cụ thể việc triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học và tổ chức Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học hằng năm, trong đó chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trung học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trung học thuộc đại học, trường đại học tổ chức tuyên truyền rộng rãi mục đích, ý nghĩa của công tác nghiên cứu khoa học của học sinh trung học và các quy định, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Cuộc thi đến cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội. Trên cơ sở quy chế và các quy định, hướng dẫn về Cuộc thi hằng, các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trung học lập kế hoạch, tổ chức triển khai công tác nghiên cứu khoa học của học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, đặc điểm của địa phương, đối tượng học sinh, chương trình, nội dung dạy học của cơ sở giáo dục.
Cuộc thi ViSEF hàng năm đều thu hút, tập hợp được nhiều nhà khoa học từ các trường đại học, cao đẳng, học viện tham gia hướng dẫn, góp ý, chấm, chọn các dự án tham gia từ cuộc thi cấp tỉnh/thành phố đến cấp quốc gia. Nhiều trường đại học, các tổ chức khoa học và các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đã đến tham dự, trao giải và công bố tuyển thẳng vào bậc đại học của đơn vị mình đối với các thí sinh đạt giải.
Cuộc thi đã nhận được sự phối hợp của Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Liên hiệp các Hội Khoa học Kĩ thuật Việt Nam và Quỹ hỗ trợ sáng tạo kĩ thuật Việt Nam (Vifotec); Intel Việt Nam; Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh/thành phố đăng cai tổ chức. Các cơ quan thông tấn, báo chí quan tâm đưa tin phản ánh về hoạt động nghiên cứu khoa học và Cuộc thi khoa học kĩ thuật của học sinh trung học./.