Nghiên cứu hoàn thiện quy trình tuyển chọn, nhân nuôi; xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm trong chăn nuôi heo rừng, bò sữa, bò thịt tại khu vực Tây Nguyên – Cổng thông t

Cập nhật vào: Thứ hai – 19/12/2022 00:01
Cỡ chữ
Nhỏ 
Lớn

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên cũng đang đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình chăn nuôi trọng điểm, tập trung chỉ đạo thực hiện chương trình cải tạo đàn bò, chủ yếu là thực hiện đại trà đàn bò lai, trồng cỏ chăn nuôi trâu, bò. Chăn nuôi bò sữa, bò thịt ở Tây Nguyên là thành phần không thể thiếu để phát triển kinh tế vùng. Áp dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo, cấy chuyển phôi bò nói riêng và công nghệ sinh sản nói chung vào chăn nuôi, giúp nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò, cũng là cách nâng cao mức thu nhập của người dân một cách bền vững. Một số địa phương cũng phát triển chăn nuôi heo rừng lai cho thu nhập khá cao. Heo rừng gốc Tây Nguyên là loại heo rừng có chất lượng thịt rất ngon và được ưa chuộng.

Việc tiếp tục thực hiện các nghiên cứu để ổn định được giống; hoàn thiện quy trình thu nhận tinh, tạo phôi in vitro và lưu giữ nguồn tinh, phôi heo rừng có nguồn gốc Tây Nguyên; phát triển chăn nuôi heo rừng lai thương phẩm, tạo được một giống heo rừng lai có nguồn gốc từ heo rừng Tây Nguyên đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn sản xuất là rất cần thiết. Vì thế, nhóm nghiên cứu tại Viện sinh học Nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu hoàn thiện quy trình tuyển chọn, nhân nuôi; xây dựng mô hình chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm trong chăn nuôi heo rừng, bò sữa, bò thịt tại khu vực Tây Nguyên”. Đề tài do PGS. TS. Hoàng Nghĩa Sơn làm chủ nhiệm, được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020.

Mục tiêu của đề tài là tuyển chọn, ổn định được giống heo rừng thuần và phát triển công nghệ chăn nuôi heo rừng lai thương phẩm. Xây dựng trang trại chăn nuôi và thương hiệu thịt heo rừng có nguồn gốc Tây Nguyên. Bảo vệ nguồn gen heo rừng cấp độ phòng thí nghiệm và trong tự nhiên. Cải tạo và nâng cao chất lượng đàn bò thịt và sữa tại một số vùng thuộc biên giới của tỉnh Đắk Nông phục vụ phát triển kinh tế gắn liền với an ninh quốc phòng thông qua việc hoàn thiện công nghệ thụ tinh nhân tạo và công nghệ phôi bò.

Đề tài đã hoàn thành Quy trình tuyển chọn, ổn định giống heo rừng thuần; Quy trình chăn nuôi heo rừng lai thương phẩm; Quy trình thu nhận, lưu giữ nguồn tinh heo rừng; Quy trình tạo phôi heo rừng in vitro; và Quy trình sử dụng hóc môn sinh sản điều khiển động dục cho đàn bò sữa và bò lai hướng thịt để nâng cao năng suất sinh sản đàn bò. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được Mô hình trang trại nuôi heo rừng thuần, nuôi heo rừng lai thương phẩm kiêm hệ thống nhà hàng tiêu thụ sản phẩm tại Đắk Nông với số lượng heo rừng thuần 30 con và trên 100 con heo lai. Ngoài ra, mô hình bảo tồn heo rừng Tây nguyên trong tự nhiên và 3 Mô hình nuôi bò sữa nông hộ tại Đức Trọng, Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng cũng đã hình thành. Đề tài đã xây dựng 10 Mô hình trang trại nuôi bò lai hướng thịt của các đồn biên phòng thuộc Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng và 3 mô hình nông hộ nuôi bò lai hướng thịt tại các huyện biên giới tỉnh Đắk Nông. Kết quả nghiên cứu đã chuyển giao 14 bò đực, 5 bò cái lai Brahman cho Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Đắk Nông và chuyển giao 6 con bò đực lai Brahman cho các hộ dân sát biên giới.

Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17941/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

N.P.D (NASATI)