Nghiên cứu hành động: cách tiếp cận trong nghiên cứu hành vi thông tin của người dùng tin | NGHIỆP VỤ THƯ VIỆN

Đặt vấn đề

Thực tế hiện nay cho thấy, các công trình nghiên cứu khoa học của nhiều tác giả đã đầu tư rất nhiều, nhưng kết quả nghiên cứu chưa thực sự đưa vào áp dụng hiệu quả trong bối cảnh của các thư viện (TV) và trung tâm thông tin (TTTT). Thực tế cho thấy, mục tiêu của các đề tài mong muốn hướng đến là giải quyết vấn đề đã và đang xảy ra trong các TV và TTTT. Những người làm thực tiễn như cán bộ quản lý, người làm thư viện (NLTV) mong muốn áp dụng những kết quả nghiên cứu, giải pháp, biện pháp đó ngay trong bối cảnh TV và TTTT của họ. Mặt khác, đề tài phải đảm bảo làm rõ cơ sở lý luận hay sáng tạo ra lý luận mới cho vấn đề mà các nhà nghiên cứu đang thực hiện. Hay nói khác hơn, những công trình, đề tài phải mang tính chất “nghiên cứu” hơn là “báo cáo tổng kết”. Điều này dẫn đến thực trạng có sự lãng phí trong chính kết quả nghiên cứu đã thực hiện, trong khi đầu tư thời gian, công sức, tài chính cho mỗi công trình nghiên cứu đáng kể. Chính vì vậy, giải quyết vấn đề này đòi hỏi nhà nghiên cứu phải nhận diện được bối cảnh mà họ đang nghiên cứu để xác định được loại hình, phương pháp nghiên cứu thực sự phù hợp, để những kết quả mà họ nghiên cứu có thể được áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả và kịp thời.

Nghiên cứu hành động là loại hình đã được đề cập từ lâu trong lịch sử nghiên cứu trên thế giới, trong nhiều lĩnh vực khoa học xã hội nhân văn, giáo dục, khoa học thông tin… Ở Việt Nam, nghiên cứu hành động ít được đề cập đến trong các công trình nghiên cứu khoa học lĩnh vực thư viện – thông tin nói chung, nghiên cứu người dùng tin, hành vi thông tin của người dùng tin nói riêng. Hiểu được nghiên cứu hành động là gì, cũng như hiểu được bản chất, yêu cầu và đặc điểm của nghiên cứu hành động sẽ giúp cho các nhà nghiên cứu, đặc biệt là NLTV có thể áp dụng một cách hiệu quả trong quá trình làm việc và nghiên cứu khoa học của mình. Đặc biệt, vận dụng nghiên cứu hành động trong nghiên cứu hành vi thông tin của người dùng tin sẽ góp phần giúp các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, NLTV có cách hiểu sâu sắc và toàn diện hơn về hành vi của người dùng tin đối với thông tin. Trên cơ sở đó góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ và hỗ trợ người dùng tin trong quá trình thoả mãn nhu cầu tin và hoàn thiện hơn chất lượng hành vi thông tin của người dùng tin.

Định nghĩa nghiên cứu hành động

Khái niệm “nghiên cứu hành động” được biết đến lần đầu tiên bởi Kurt Lewin, liên quan đến nghiên cứu của tác giả về các phương pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề xã hội [9]. Nghiên cứu hành động còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như nghiên cứu có sự tham gia, điều tra phối hợp, nghiên cứu tìm giải pháp, nghiên cứu hành động trong bối cảnh, nhưng tất cả các thuật ngữ trên đều có nội hàm cùng chủ đề. Nghiên cứu hành động là “nghiên cứu bằng cách hành động – một nhóm người xác định vấn đề, làm điều gì đó để giải quyết vấn đề đó, nhận thấy những nỗ lực của họ thành công như thế nào và nếu không hài lòng, họ sẽ tiếp tục thử lại lần nữa” [13].

Hay Kurt Lewin cho rằng, nghiên cứu hành động là “một nghiên cứu về điều kiện và ảnh hưởng của các hình thức khác nhau của hành động xã hội và nghiên cứu dẫn đến hành động xã hội”. Loại nghiên cứu này sử dụng “bước xoắn ốc”, mỗi bước trong đó là “bao gồm một chu trình lập kế hoạch, hành động và tìm hiểu thực tế về kết quả của các hành động” [9].

Nghiên cứu hành động được tiếp cận bởi nhiều ngành và hiểu theo nhiều cách khác nhau. Nghiên cứu hành động là một loại hình nghiên cứu phù hợp với NLTV và các bên tham gia nghiên cứu, được hiểu như một quá trình nghiên cứu một thực tiễn nhất định để cải thiện thực tiễn đó. Quá trình đó liên quan đến việc lập kế hoạch, hành động và thể hiện. Nó khác với hoạt động hàng ngày bởi vì nó có căn cứ rõ ràng trong một phương pháp có hệ thống và dựa trên nghiên cứu, bao gồm đánh giá [11].

Định nghĩa của Clark nhấn mạnh đến các thành tố của nghiên cứu hành động. Nghiên cứu hành động không chỉ như là một kỹ thuật để tham gia với các tổ chức, mà còn là một phương pháp thu thập thông tin không có sẵn và trên hết đó như là một chiến lược truyền bá tri thức [4].

Theo quan điểm của Farmer, nghiên cứu hành động là phương tiện mà các chuyên gia TV sử dụng nhằm phân tích tình huống và xác định những gì cần thực hiện để giải quyết vấn đề [6].

Với nhiều cách định nghĩa khác nhau, có thể hiểu một cách đơn giản, nghiên cứu hành động thực chất là sự kết hợp giữa nghiên cứu và hành động, trong đó hành động đem đến thay đổi trong cộng đồng, tổ chức hoặc một chương trình nào đó, nghiên cứu là nâng cao sự hiểu biết cộng đồng. Cả hành động và nghiên cứu là hai hoạt động diễn ra đồng thời và là chu trình được lặp đi, lặp lại để đạt được mục tiêu cải thiện hiệu quả tình trạng của tổ chức. Đó chính là sự phản ánh những dữ liệu thực tế đã được thu thập chủ yếu bằng phương pháp quan sát và các phương pháp khác thông qua những hành động nhằm mục đích cải thiện hoàn cảnh nào đó.

Chẳng hạn, đối với hành vi thông tin của người dùng tin, NLTV chính là người quan sát biểu hiện của quá trình tìm tin, biểu hiện hành vi thông tin của người dùng tin đối với hệ thống tìm tin. Trên cơ sở những dữ liệu đã thu thập được để có sự điều chỉnh và cải thiện tình trạng hỗ trợ người dùng tin, hay các biện pháp cải thiện hệ thống tìm tin trong TV và TTTT. Như vậy, trong bối cảnh đó, nghiên cứu hành động đã hướng đến mục tiêu chính là cải thiện chất lượng hành vi thông tin của người dùng tin trong TV.

Đặc điểm và thành phần của nghiên cứu hành động

Morrison và Lilford đã tóm tắt những đặc điểm chính của nghiên cứu hành động với 5 nguyên lý chính. Nguyên lý đầu tiên, là lập kế hoạch linh hoạt, có nghĩa là nội dung chi tiết và hướng dẫn của một dự án nghiên cứu không được xác định ngay từ đầu, mà được xem xét liên tục trong suốt quá trình làm việc. Nguyên lý thứ hai, là chu kỳ lặp đi lặp lại, có nghĩa là các hoạt động nghiên cứu được thực hiện như một quá trình tuần hoàn của việc xem xét vấn đề là gì, hành động và phản ánh. Nguyên lý này xem các nhà nghiên cứu như là một người thực hiện hoặc nhân tố thay đổi, là người làm việc để thực hiện nghiên cứu. Quá trình này đòi hỏi các cuộc đối thoại liên tục với tất cả các bên quan tâm. Nguyên lý thứ ba, là ý nghĩa chủ quan, nhấn mạnh các tình huống và ý nghĩa chủ quan của những người liên quan đến các vấn đề đang được nghiên cứu. Nguyên lý này nhấn mạnh đến yếu tố mục tiêu của các dự án nghiên cứu. Các dự án nghiên cứu phải đặt ra mục tiêu nhằm thay đổi thực trạng tốt hơn trong suốt quá trình nghiên cứu. Nguyên lý thứ tư, là cải thiện đồng thời, trong đó nhấn mạnh đồng thời rằng các dự án nghiên cứu phải được đặt ra để thay đổi tình hình vấn đề cho tốt hơn trong quá trình nghiên cứu; sau đó sử dụng ngay lập tức các dữ liệu và điều chỉnh các chương trình nghiên cứu. Điều này có nghĩa là nghiên cứu hành động cũng là một cách can thiệp để giải quyết một vấn đề, chứ không chỉ là một cách tiếp cận để nghiên cứu. Các nhà nghiên cứu – là người thực hiện – góp phần vào những thay đổi này. Nguyên lý thứ năm, là bối cảnh độc đáo. Điểm này nhấn mạnh sự cần thiết phải tính đến sự phức tạp, tính chất độc đáo và luôn thay đổi của bối cảnh xã hội, mà trong đó cuộc nghiên cứu được tiến hành [12].

Nhấn mạnh đến yếu tố cấu thành của nghiên cứu hành động, Borgia và Schuler đã mô tả các thành phần của nghiên cứu hành động tương ứng với 5C, bao gồm:

– Cam kết (Commitment):Các bên tham gia nghiên cứu hành động cam kết về mặt thời gian bởi lẽ các nhà nghiên cứu phải mất thời gian để phối hợp với các bên liên quan suy nghĩ về các thay đổi, thử cách tiếp cận mới, thu thập dữ liệu và diễn giải kết quả…

– Phối hợp (Collaboration): Trong nghiên cứu hành động, đòi hòi tất cả các bên liên quan phải có sự tương quan nhau về ý tưởng, đề nghị hay bất kỳ điều gì dẫn đến thành công của thay đổi.

– Quan tâm (Concern):Trong quá trình nghiên cứu, các bên liên quan sẽ xây dựng nhóm nghiên cứu tin tưởng lẫn nhau và tin tưởng vào giá trị của dự án.

– Đánh giá (Consideration):Thành tố này đòi hỏi sự tập trung và đánh giá cẩn thận như một nghiên cứu tìm kiếm mẫu và mối quan hệ, tạo nên ý nghĩa trong cuộc điều tra.

– Thay đổi (Change):Thay đổi là tiếp tục và đó là thành tố quan trọng trong duy trì hiệu quả của con người [3].

Trong nghiên cứu nhu cầu người dùng tin, Wilson và Streatfield [14] đã mô hình hoá quy trình nghiên cứu hành động với những thành tố cấu thành. Tác giả cho rằng nghiên cứu hành động có một số khác biệt cơ bản so với nghiên cứu cơ bản. Sự khác biệt này thể hiện ở các giai đoạn trong quá trình nghiên cứu hành động. Sự khác biệt đầu tiên chính là xác định vấn đề. Trong nghiên cứu hành động, nhận diện, xác định vấn đề nghiên cứu là quá trình được thực hiện bởi nhà nghiên cứu và những người làm công tác thực tiễn như cán bộ quản lý, NLTV. Hay nói cách khác, đó là quy trình hợp tác để xác định vấn đề trước khi thực hiện nghiên cứu hành động. Một sự khác biệt khác đó là quá trình áp dụng và đánh giá được xây dựng thông qua giai đoạn cải biến, điều chỉnh và thử nghiệm vào thực tiễn. Điều này có nghĩa là kết quả nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn của từng TV và TTTT. Sau đó, dựa trên sự phản hồi, đánh giá các kết quả nghiên cứu được áp dụng đó, các nhà nghiên cứu tiếp tục điều chỉnh và cải biến phù hợp với điều kiện thực tế của TV và TTTT.

Như vậy, khi phân tích đặc điểm, thành phần của nghiên cứu hành động trong mối liên hệ với nghiên cứu hành vi thông tin, thì nghiên cứu hành động được xem như một hình thức giải quyết vấn đề của chính TV và TTTT, trong đó nhà nghiên cứu giữ vai trò là người cố vấn, tư vấn cho TV và TTTT đó để tìm giải pháp phù hợp. Trong trường hợp nhà nghiên cứu là NLTV trong chính TV và TTTT đó thì các quá trình nghiên cứu hành động diễn ra thuận lợi hơn so với nhà nghiên cứu bên ngoài TV và TTTT. Bởi lẽ, NLTV chính là người am hiểu sâu sắc nhất về thực trạng đang diễn ra trong hoạt động thực tiễn của mình và mong muốn tìm giải pháp khắc phục và cải thiện tình hình. Trong khi đó, đối với nhà nghiên cứu bên ngoài TV và TTTT đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả giữa nhà nghiên cứu với NLTV, cán bộ quản lý nói riêng và các bên liên quan. Chính vì vậy, ngoài những yêu cầu cơ bản của nhà nghiên cứu, thì kỹ năng giao tiếp và khả năng thuyết phục của các nhà nghiên cứu đối với các nhà quản lý TV và TTTT để cùng thực hiện nghiên cứu là những yêu cầu quan trọng và cần thiết.

Các giai đoạn của nghiên cứu hành động và ứng dụng nghiên cứu hành động trong nghiên cứu hành vi thông tin

Nghiên cứu hành động trong nghiên cứu hành vi thông tin rất ít được đề cập đến trong các đề tài, công trình nghiên cứu trước đây. Chính vì vậy, việc phân tích các giai đoạn trong nghiên cứu hành động nói chung sẽ giúp NLTV, nhà nghiên cứu có thể vận dụng vào trong hoạt động nghiên cứu của mình linh hoạt và phù hợp. Creswell phân tích quy trình nghiên cứu hành động gồm có 8 bước. Các bước này có thể được áp dụng tương ứng trong nghiên cứu hành vi thông tin của người dùng tin.

Bước 1: Xác định tính cần thiết và vai trò của nghiên cứu hành động.

Bước 2: Xác định vấn đề nghiên cứu.

Bước 3: Xác định các nguồn để giải quyết vấn đề.

Bước 4: Xác định thông tin cần thiết.

Bước 5: Tiến hành thu thập dữ liệu.

Bước 6: Phân tích dữ liệu.

Bước 7: Phát triển kế hoạch hành động.

Bước 8: Thực hiện kế hoạch và phản ánh [5].

Stephen Kemmis [8] đã phát triển một mô hình đơn giản về bản chất chu kỳ của quá trình nghiên cứu hành động điển hình và được thể hiện bằng mô hình bên dưới. Mỗi chu kỳ có bốn bước: lập kế hoạch, hành động, quan sát, phản ánh. Phân tích mô hình này cho thấy, ở chu kỳ thứ nhất, từ lập kế hoạch cho đến hành động, quan sát, phản ánh và quay lại là lập kế hoạch và các bước tiếp diễn cho đến khi quá trình phản ánh đạt hiệu quả và thành công. Sau đó, ở chu kỳ thứ 2, quá trình lập kế hoạch lại được diễn ra cùng với các bước tương tự chu kỳ thứ nhất. Như vậy, với mô hình này bản chất của chu kỳ được thể hiện rất rõ trong nghiên cứu hành động.

alt

Hình 1. Mô hình nghiên cứu hành động

Có rất nhiều loại hình, phương pháp nghiên cứu khác nhau đã được vận dụng trong nghiên cứu người dùng tin nói chung, hành vi thông tin nói riêng. Ứng dụng nghiên cứu hành động trong nghiên cứu người dùng tin mang đến một số lợi ích nhất định, đặc biệt, đối với hoạt động nghiên cứu hành vi người dùng tin.

Nghiên cứu hành động sẽ giúp các nhà quản lý nhìn nhận được những vấn đề còn đang tồn tại trong bối cảnh TV và TTTT của họ dưới cách tiếp cận khách quan của nhà nghiên cứu và cách tiếp cận chủ quan của chính cán bộ quản lý, NLTV. Chẳng hạn, đối với hoạt động hỗ trợ người dùng tin, khi người dùng tin thể hiện hành vi thông tin của họ (thông qua quá trình thể hiện nhu cầu, tìm kiếm thông tin qua các nguồn khác nhau, lựa chọn cách thức, hệ thống tìm tin và sử dụng thông tin) thì TV và TTTT có thể hiểu được những biểu hiện về nhu cầu của người dùng tin qua hành vi mà họ tương tác.

Bên cạnh đó, nghiên cứu hành động giúp các chuyên gia thông tin, NLTV có thể hiểu nhiều hơn về những vấn đề giao tiếp với người dùng tin, đặc biệt là người dùng tin tiềm năng. Rõ ràng, khi người dùng tin có biểu hiện ít sử dụng TV là nơi cung cấp thông tin chủ yếu của họ vì một số lý do nhất định, thì trong hoàn cảnh này, NLTV chính phải tiến hành nghiên cứu và nhận diện những nguyên nhân của thực trạng, từ đó phối hợp với các NLTV khác, các bên liên quan, người dùng tin và lập kế hoạch hành động. Trong giai đoạn đó, NLTV giữ vai trò là người chủ động tiếp cận và tạo tác nhân can thiệp vào hành vi thông tin của họ bằng cách trao đổi, tư vấn, hỗ trợ người dùng tin thể hiện hành vi của mình.

Hơn nữa, nhận thức về vấn đề đang tồn tại trong giao tiếp thông tin của cả những người làm thực tiễn, chuyên gia thông tin, nhà nghiên cứu, cũng là một trong những lợi ích mà tiếp cận nghiên cứu hành động mang đến. Đặc biệt, nghiên cứu hành động nhằm cải thiện tình trạng và thay đổi của tổ chức theo chiều hướng tốt hơn.

 Ngoài ra, nghiên cứu hành động có thể đánh giá được mức độ quan tâm của NLTV về công việc mà họ đang thực hiện và cảm nhận về đóng góp của họ trong công việc đó. Tiếp cận nghiên cứu hành động còn cung cấp phương thức để hiểu được quan điểm của NLTV liên quan đến vấn đề thực tiễn.

Nghiên cứu hành động còn mang ý nghĩa là phương pháp khắc phục các vấn đề trong những trường hợp cụ thể hay cải thiện thực trạng, như là phương pháp đào tạo tại chỗ cho NLTV những kỹ năng chuyên môn, nâng cao ý thức tự giác và trách nhiệm đối với công việc; phương pháp tiếp cận cải biến và bổ sung trong hỗ trợ phục vụ người dùng tin trong TV; phương pháp cải thiện tình trạng giao tiếp còn hạn chế giữa NLTV với các nhà nghiên cứu và phương pháp khắc phục các thất bại trong nghiên cứu truyền thống, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp.

Đối với nghiên cứu hành vi thông tin của người dùng tin, NLTV giữ vai trò là nhà nghiên cứu; người dùng tin là người tiếp nhận lợi ích từ những thay đổi trong nghiên cứu hành động. Khi đó vai trò của NLTV được thể hiện và mang đến những lợi ích khác nhau. Trước hết, NLTV điều tra thực trạng làm việc của chính họ theo cách thức mới, nhìn nhận sâu sắc hơn những gì mà NLTV, người dùng tin đã làm và những thất bại mà họ gặp phải trong thực tế. Bên cạnh đó, NLTV phát triển kiến thức sâu sắc hơn về người dùng tin, vai trò của họ trong đào tạo, huấn luyện NLTV khác và người dùng tin. Hơn nữa, NLTV được xem như thành viên tham gia tương đương với nhà nghiên cứu trong việc quyết định những gì cần làm là tốt nhất và những gì cần cải thiện trong chính môi trường làm việc của họ. Trong hầu hết các trường hợp nghiên cứu, NLTV thường phối hợp với nhau để cùng đề xuất các giải pháp đối với những vấn đề đã được xác định. Đặc biệt, NLTV thường cam kết nghiên cứu hành động bởi lẽ họ xác định được những vấn đề cần thay đổi và đối với NLTV, phát triển nghề nghiệp, cải thiện TV và TTTT là những khía cạnh chính đối với bất kỳ NLTV nào trong quá trình thực hiện nghiên cứu hành động.

Mặc dù vậy, khi tiến hành nghiên cứu hành động, các nhà nghiên cứu cũng có thể gặp một số khó khăn nhất định. Ví dụ, ở giai đoạn xác định vấn đề nghiên cứu, nhà nghiên cứu đưa ra vấn đề nhưng không nhận được sự đồng thuận của cán bộ quản lý cũng như NLTV, các bên liên quan. Hay giai đoạn xác định, phân tích các nguyên nhân của những hạn chế mà TV và TTTT đang gặp phải. Sự khác biệt về quan điểm của nhà nghiên cứu, nhà quản lý, NLTV sẽ gây cản trở quá trình nghiên cứu và đề xuất giải pháp. Chẳng hạn, đối với nhà nghiên cứu, nguyên nhân chính của vấn đề xuất phát từ chính TV và TTTT, trong khi người cán bộ quản lý TV lại cho rằng môi trường bên ngoài mới chính là nguyên nhân của những hạn chế đó. Tuy nhiên, những khó khăn này không ảnh hưởng nhiều đến việc thực hiện nghiên cứu hành động, ngược lại nó có thể là tác nhân thúc đẩy sự phát triển và hoàn thiện hơn, hay cụ thể là tác nhân giúp cải thiện mối quan hệ giữa các nhà nghiên cứu, NLTV, người dùng tin với nhau.

Tóm lại, liên hệ với nghiên cứu hành vi thông tin của người dùng tin cho thấy, khi vận dụng nghiên cứu hành động, đặc biệt là tính chu kỳ của nghiên cứu hành động sẽ giúp cho NLTV, nhà nghiên cứu liên tục tìm giải pháp cho các vấn đề tồn tại trong hành vi người dùng tin. Những kế hoạch, hành động được thực hiện trong nghiên cứu sẽ góp phần cải biến và hoàn thiện chất lượng phục vụ người dùng tin, hoàn thiện hệ thống tìm tin, sản phẩm, dịch vụ, nhân tố con người và nâng cao chất lượng hành vi thông tin. Nghiên cứu hành động trong bối cảnh này được thực hiện như một chu trình xoay vòng từ khi xác định vấn đề, lập kế hoạch, thực hiện, đánh giá… cho đến việc xác định lại vấn đề nếu chưa phù hợp và cải thiện dần dần, toàn bộ thực trạng, đảm bảo tính liên tục trong tiến trình tiếp nối và tuần hoàn của nghiên cứu hành động. Nhìn chung, nghiên cứu hành động phù hợp với hầu hết các đối tượng, các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, hay bất kỳ tổ chức nào, bao gồm cả TV và TTTT mong muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Tran Thi Thu Hien. Why is action research suitable for education? // VNU Journal of Science, Foreign Languages. – 2009. -No. 25. – P. 97-106.

2. Bates, M.J. Information behavior // Encyclopedia of Library and Information Sciences. – 2010. – P. 2381-2391.

3. Borgia, E.T. and Schuler, D. Action research in early chilhood education. – Urbana- Champaign: University of Illinois, 1996.

4. Clark, P. A. Action research and organizational change // Documentation. – 1972. -No. 55 (3). – P. 249-270.

5. Creswell, J. W. Educational research, planning, conducting and evaluating quantitative and qualitative research. – Prentice Hall, New Jersey, 2005.

6. Farmer, L.S.J. How to Conduct Action Research: A Guide for Library Media Specialists. Chicago, IL: American Library Association, 2003.

7. Ilaria Moroni. Action Research in the Library: Method, Experiences and a Significant Case. – JLIS.it, 2011. – Vol. 2. – 24 p.

8. Kemmis, S. Improving education through action research in Zuber-Skerrit Ortrun: Action research in Higher Education. – Brisbane: Griffith University, 1991.

9. Kurt Lewin. Action research and minority problems // Journal of Social Issues 2. -1946. – No. 34.

10. Ladkin, D. Action Research, Qualitative Research Practice. – London: SAGE publications, 2007.

11. Lesley Farmer andIvanka Stricevic. Using research to promote literacy and reading in libraries: Guidelines for librarians // IFLA Professional Report. – 2011. – No. 125. – 27 p.

12. Morrison, B. andLilford, R. How Can Action Research Apply to Health Services? // Qualitative Health Research. – 2001. – No. 11. – P. 436-449.

13. O’Brien, R. Um exame da abordagem metodológica da pesquisa ação (An  overview of the Methodological Approach of Action Research). – Brazil: Universidade Federal da Paraíba. (English version). Http://www.web.ca/~robrien/papers/arfinal.html. Accessed 20/01/2002.

14. Wilson, T.D. andStreatfield D.R. Action research and users’ needs, The 4th International Research Forum in Information Science. Proceedings. – 1982. – P. 51-70.

15. Wilson, T.D. Human information behavior // Informing Science. – 2000. – No. 3(2). – P. 49-55.

16. Wilson, T.D. Information behavior: an interdisciplinary perspective // Information Processing & Management. – 1997. -No. 33 (4). – P. 551-572.

17. Wilson, T.D. The cognitive approach to information-seeking behavior and information use // Social Science Information Studies. – 1984. – No. 4. -P. 197-204.

__________________

ThS. Bùi Hà Phương

Khoa Thư viện – Thông tin học, trường ĐH KHXH&NV Tp. HCM

Nguồn: Tạp chí Thư viện Việt Nam. – 2015. – Số 5. – Tr. 26-31.