Nghiên cứu hàn lâm và hướng ứng dụng ở bậc học thạc sĩ ngành Kế toán

TÓM TẮT:

Đổi mới hoạt động nghiên cứu đối với
bậc học thạc sĩ theo 2 hướng: nghiên cứu hàn lâm và ứng dụng, là vấn đề rất cần
thiết trong giai đoạn hiện nay. Nghiên cứu hàn lâm có vai trò tạo ra tri thức
mới, trong khi nghiên cứu ứng dụng lại có vai trò quan trọng trong việc kết nối
giữa lý luận và thực tiễn. Hiện nay, các trường đại học kinh doanh trên thế
giới có xu thế đẩy mạnh công tác đào tạo thạc sĩ theo hướng ứng dụng để đáp ứng
nhu cầu của thị trường, gia tăng tính kết nối giữa nội dung đào tạo mang tính
lý luận với thực tiễn và nâng cao sự tương tác giữa trường đại học và cộng đồng
doanh nghiệp. Không nằm ngoài xu thế đó, bên cạnh chương trình đào tạo thạc sĩ
theo hướng nghiên cứu, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh là một trong
những trường đại học công lập đi tiên phong trong việc triển khai các chương
trình đào tạo thạc sĩ theo hướng ứng dụng, trong đó có chương trình thạc sĩ
ngành Kế toán theo hướng ứng dụng. Bài viết này chia sẻ quan điểm của nhóm tác
giả về nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng ở bậc học thạc sĩ ngành Kế
toán, nhằm mục đích phân biệt giữa nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng,
để từ đó góp phần định hướng trong việc giảng dạy các môn học về phương pháp
nghiên cứu và hướng dẫn luận văn thạc sĩ.

Từ khóa: Nghiên cứu hàn lâm, nghiên cứu
ứng dụng, chương trình thạc sĩ, ngành Kế toán.

1. Đặt vấn đề

Quyết định “Phê duyệt Khung cơ cấu hệ
thống giáo dục quốc dân” của Thủ tướng Chính phủ số 1981/ QĐ-TTg ban hành ngày
18/10/2016 đã xác định “giáo dục trình độ thạc sĩ có 2 định hướng: nghiên cứu
và ứng dụng, giáo dục trình độ tiến sĩ theo định hướng nghiên cứu”. Vì thế,
việc đổi mới hoạt động nghiên cứu khoa học đối với học viên cao học theo 2
hướng: nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng, là vấn đề rất cần thiết trong
giai đoạn hiện nay.

Nghiên cứu khoa học được định nghĩa là
một công việc sáng tạo được thực hiện một cách có hệ thống nhằm (1) bổ sung vào
kho tàng tri thức, bao gồm tri thức về con người, văn hóa, xã hội và (2) sử
dụng kho tàng tri thức này để đưa ra những ứng dụng mới (OECD, 2002, p.30). Từ định nghĩa này, có thể
phân chia nghiên cứu khoa học thành hai hướng: hướng hàn lâm và hướng ứng dụng.
Bài viết này chia sẻ quan điểm của nhóm tác giả về nghiên cứu hàn lâm và nghiên
cứu ứng dụng ở bậc học thạc sĩ ngành Kế toán, để từ đó có những định hướng đúng
trong vấn đề giảng dạy, nghiên cứu và hướng dẫn luận văn thạc sĩ theo hai hướng
hàn lâm và ứng dụng.

Thực tế hiện nay cho thấy, việc hướng
dẫn thực hiện luận văn thạc sĩ cho học viên chưa có sự phân định một cách rõ
ràng giữa hai hướng nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng và khi học viên
thực hiện các luận văn cũng chưa theo đúng một trong hai hướng trên. Một số
luận văn thực hiện vấn đề nghiên cứu quá rộng, nhưng cuối cùng đã không giải
quyết được vấn đề nghiên cứu một cách triệt để. Cách thức xử lý vấn đề, phương
pháp xử lý vấn đề, cách đưa ra giải pháp ở các luận văn vẫn còn thiếu cơ sở
khoa học. Một số luận văn thạc sĩ mặc dù bản chất là theo hướng ứng dụng nhưng
lại không đưa ra được các giải pháp mang tính chi tiết, không có kế hoạch và
cách thức thực hiện cụ thể, các giải pháp được đưa ra còn theo kiểu tự biên tự
diễn. Bên cạnh đó, một số luận văn về bản chất là theo hướng nghiên cứu hàn lâm
lại quá đi sâu vào các giải pháp, nhưng những giải pháp này lại không có cơ sở
khoa học và không gắn liền với các kết quả nghiên cứu trước đó. Qua đó, có thể
thấy nhu cầu cần thiết phải phân biệt và làm rõ nội dung giữa nghiên cứu hàn
lâm và nghiên cứu ứng dụng cho hai hướng đào tạo ở bậc học thạc sĩ. Bài viết
trình bày sự khác biệt giữa nghiên cứu hàn lâm và nghiên cứu ứng dụng ở bậc học
thạc sĩ ngành Kế toán với mục đích định hướng trong việc giảng dạy các môn học
về phương pháp nghiên cứu và hướng dẫn thực hiện luận văn thạc sĩ theo hai
hướng nghiên cứu hàn lâm và ứng dụng.

2. Nghiên cứu hàn lâm ở bậc học thạc sĩ

Nghiên cứu hàn lâm là nghiên cứu để
hình thành tri thức mới. Kết quả của nghiên cứu hàn lâm chủ yếu nhằm vào mục
đích trả lời cho các câu hỏi về bản chất lý thuyết của khoa học (Nguyễn Đình Thọ,
2016). Hay nói cách khác, nghiên cứu hàn lâm có mục đích xây dựng và kiểm định
các lý thuyết khoa học sử dụng để giải thích và dự báo các hiện tượng khoa học
(Kerlinger, 1986). Sự đóng góp của nghiên cứu hàn lâm vào kho tàng tri thức có
thể bao gồm việc đưa ra các khái niệm mới, đề xuất phương pháp nghiên cứu (cách
thức đo lường, xử lý, phân tích) mới, xây dựng một lý thuyết mới, kiểm định mô
hình mới…

Ở bậc học tiến sĩ, nghiên cứu sinh bắt
buộc phải thực hiện nghiên cứu hàn lâm. Nội dung luận án phải thể hiện những
điểm mới đã nêu trên để có những đóng góp về mặt lý luận. Yêu cầu về tính thực
tiễn ở luận án tiến sĩ sẽ không được cao như yêu cầu về tính hàn lâm, vì thế,
luận án tiến sĩ chỉ cần đưa ra được hàm ý thực tiễn mang tính định hướng, chứ
không cần phải đưa ra những giải pháp cụ thể. Ở bậc học thạc sĩ, học viên cũng
có thể chọn hướng nghiên cứu hàn lâm và yêu cầu của các luận văn thạc sĩ theo
hướng hàn lâm cũng bao gồm tính mới như yêu cầu của luận án tiến sĩ, tuy nhiên
các luận văn thạc sĩ theo hướng nghiên cứu hàn lâm có thể lặp lại các nghiên
cứu hàn lâm khác trên thế giới, nhưng cần phải có sự điều chỉnh cho phù hợp với
điều kiện Việt Nam.

Nghiên cứu hàn lâm ở bậc học thạc sĩ
đóng vai trò rất quan trọng. Thứ nhất, học viên theo học chương trình thạc sĩ
hướng nghiên cứu hàn lâm sẽ có bước chuẩn bị cho bậc học tiến sĩ sau này. Thứ
hai, học viên tốt nghiệp thạc sĩ hướng nghiên cứu cho dù không tiếp tục học lên
bậc tiến sĩ, nhưng với những kiến thức mà họ có được vẫn có thể vận dụng được
trong thực tiễn. Cần phải khẳng định rằng, nghiên cứu hàn lâm ở bậc học thạc sĩ
cũng có thể giúp học viên phát triển tư duy, nhằm giải quyết các vấn đề kinh
doanh tại các doanh nghiệp. Học viên theo học chương trình thạc sĩ theo hướng
hàn lâm có thể biết cách đọc những bài báo khoa học để lấy ý tưởng phục vụ cho
các quyết định kinh doanh của mình.

Đối với các học viên cao học ngành Kế
toán theo hướng nghiên cứu hàn lâm, sau khi học xong bậc học này, học viên có
thể đọc được các bài nghiên cứu để lấy ý tưởng giải quyết những vấn đề liên
quan đến mảng kế toán trong thực tiễn. Ví dụ, các học viên cao học có thể tìm
đọc các bài báo trên các tạp chí học thuật, nhằm tìm ra các nhân tố thúc đẩy sự
hài lòng của nhân viên công ty XYZ trong quá trình phát triển hệ thống chi phí dựa
trên mức độ hoạt động (ABC), những nhân tố nào tác động đến mức độ tham gia của
nhân viên công ty B vào trong quá trình lập dự toán ngân sách (budget
participation), những nhân tố nào giúp làm giảm xung đột ở công ty M khi điều
chỉnh hoặc triển khai một hệ thống kiểm soát quản lý (management control
systems), bằng cách nào để phát huy hơn nữa sự hoài nghi nghề nghiệp (professional skepticism) và với sự xúc
tác nào thì sự hoài nghi nghề nghiệp có thể giúp công ty kiểm toán X tăng khả
năng tìm ra sai phạm nhằm giảm rủi ro kiểm toán…

Tuy nhiên, học viên thạc sĩ ngành Kế
toán theo hướng hàn lâm vẫn có thể gặp khó khăn, bởi vì trong quá trình thực
hiện luận văn thạc sĩ họ tập trung nhiều vào phát triển những điểm mới về mặt
lý luận, ưu tiên tính hàn lâm trong luận văn và luận văn chỉ cần đưa ra những
hàm ý về mặt quản lý, không cần phải đưa ra những giải pháp cụ thể. Do đó, khi
triển khai những ý tưởng khi đọc những bài báo nghiên cứu hàn lâm vào thực tiễn
doanh nghiệp, họ có thể gặp nhiều khó khăn. Mặc dù các doanh nghiệp có thể có
những vấn đề kinh doanh giống nhau, nhưng giải pháp ở từng doanh nghiệp cụ thể
thì không thể giống nhau hoàn toàn, do đó không thể triển khai toàn bộ các ý
tưởng từ các nghiên cứu hàn lâm vào thực tế trong những điều kiện giới hạn khác
nhau giữa các doanh nghiệp về ngân sách, quy mô, thời gian,… Do đó, phương pháp
nghiên cứu ứng dụng để giải quyết các vấn đề kinh doanh trong thực tiễn hoạt
động ở các doanh nghiệp là rất cần thiết.

3. Nghiên cứu ứng dụng ở bậc học thạc

Nghiên cứu ứng dụng là nghiên cứu để
giải quyết một vấn đề cụ thể trong thực tiễn. Nghiên cứu theo định hướng ứng
dụng mang tính thị trường hơn nghiên cứu theo định hướng hàn lâm. Nghiên cứu
ứng dụng trong kinh doanh là nghiên cứu tập trung cụ thể vào việc thiết kế
những giải pháp, chính sách của doanh nghiệp và những chính sách giải pháp này
đã được kiểm chứng và được dẫn dắt bởi lý thuyết (van Aken và cộng sự, 2012).

Có thể thấy có quan điểm của một bộ
phận cộng đồng doanh nghiệp về vai trò của lý thuyết trong giải quyết các vấn
đề kinh doanh. Họ có thể đánh giá cao vai trò của kinh nghiệm mà xem nhẹ vai
trò của lý thuyết. Khá nhiều doanh nhân khi đưa ra quyết định kinh doanh phần
lớn vẫn dựa vào kinh nghiệm. Các quyết định của họ có thể mang tính cảm tính và
thiếu sự ủng hộ của hệ thống lý luận. Học viên, nghiên cứu sinh đôi khi cũng
nhầm lẫn khi cho rằng lý thuyết và thực tiễn là khác nhau một trời một vực. Tuy
nhiên, sau khi đã thực hiện việc nghiên cứu ứng dụng một cách đúng đắn, học
viên sẽ nhận thấy giữa lý thuyết và thực tiễn phải đi song song với nhau và
phải có mối quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Một điểm cần phải nhấn mạnh là sự
thành công trong thực tiễn phải được dẫn dắt và ủng hộ bởi một lý thuyết tốt.
Bác Hồ đã nói: “Thực tiễn mà không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù
quáng”, bởi lẽ thực tiễn nếu thiếu sự giải thích bởi lý thuyết thì thực tiễn sẽ
không có sự thuyết phục và không đạt hiệu quả.

Do đó, nghiên cứu ứng dụng cần phải có
quan hệ chặt chẽ với hệ thống cơ sở lý luận. Có thể minh họa qua ví dụ sau. Giả
sử ở một tập đoàn X trong ngành hàng tiêu dùng nhanh có một vấn đề về kế toán
đó là nhân viên không hài lòng trong các hoạt động về dự toán ngân sách của tập
đoàn, thể hiện qua các triệu chứng như chống đối, căng thẳng quá mức trong tổ chức…
Nhà quản trị sẽ phải tìm hiểu những yếu tố nào đã ảnh hưởng đến vấn đề này.
Trước tiên họ sẽ kiểm tra hệ thống cơ sở lý luận ở các tạp chí kế toán trên thế
giới và sau đó nhận thấy có n yếu tố tác động đến mức độ hài lòng của nhân viên
về các hoạt động dự toán ngân sách (biến y), ví dụ như sự khó khăn quá mức về
các mục tiêu của dự toán ngân sách (budget difficulty), sự không rõ ràng trong
việc phân chia trách nhiệm (role ambiguity), mục tiêu của dự toán ngân sách
thiếu sự giải thích rõ ràng (budget goal clarity), cảm nhận áp lực từ cấp trên
(budget pressure by superior),… Tiếp theo đó, nhà quản trị sẽ rà soát lại một
lần nữa xem ở trong ngành hàng tiêu dùng nhanh thì yếu tố nào là quan trọng
nhất tác động đến việc dự toán ngân sách x1- xk, sau đó rà soát lại ở Việt Nam
thì sẽ thu hẹp các yếu tố từ x1-xk, sau đó phân tích cụ thể vào trong tập đoàn
X để xác định biến nào là quan trọng nhất. Điều này có thể thực hiện qua nghiên
cứu đề xuất những giải pháp chính sách cho tập đoàn với thiết kế nghiên cứu có
sự ủng hộ bởi lý thuyết (theory informed). Học viên còn có thể phương pháp định
tính để khám phá xem có còn yếu tố nào khác tác động đến biến y hay không, học
viên có thể đưa thêm biến xk, xk,… sau đó sẽ thực hiện nghiên cứu định lượng để
kiểm định mức độ ảnh hưởng của các biến ở trên cùng với biến xk và xk với biến
y. Như vậy, nghiên cứu này không thể áp dụng cho toàn bộ thị trường Việt Nam
nhưng lại có thể áp dụng cho tập đoàn X.

4. Quy trình nghiên cứu theo hướng hàn
lâm và hướng ứng dụng

Theo van Aken và cộng sự (2012), quy
trình nghiên cứu theo hướng hàn lâm là quy trình thực nghiệm (empirical cycle)
và quy trình nghiên cứu theo hướng ứng dụng là quy trình giải quyết vấn đề
(problem solving cycle). Quy trình thực nghiệm bắt đầu bằng việc quan sát (observation),
xây dựng lý thuyết dựa trên quy luật có được từ quan sát theo phương pháp quy
nạp (induction), xây dựng các giả thuyết bằng phương pháp suy diễn (induction)
để kiểm định lý thuyết, thực hiện việc kiểm định các giả thuyết (testing of
hypotheses) và sau cùng là đánh giá kết quả thu được (evaluation). Quy trình
giải quyết vấn đề là một chuỗi các hoạt động xoay xung quanh vấn đề nghiên cứu,
bao gồm xác định vấn đề (problem definition), phân tích và chẩn đoán (analysis
and diagnosis), thiết kế giải pháp (soluton design), thực thi giải pháp
(intervention) và học hỏi và đánh giá (learning and evaluation).

Nhóm tác giả qua đó đề xuất quy trình
nghiên cứu hàn lâm và ứng dụng điển hình ở bậc học thạc sĩ như sau:

Đối với
nghiên cứu hàn lâm, học viên phải:

(1) Khảo
sát lý thuyết để xác định khe hổng nghiên cứu, bao gồm rà soát những nghiên cứu
trước, đánh giá những gì mà các nghiên cứu trước đã làm được và chưa làm được,
từ đó xác định khe hổng nghiên cứu. Yêu cầu đối với khe hổng nghiên cứu là phải
tồn tại và quan trọng.

(2) Trình
bày lý thuyết nền tảng, mô hình nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu. Các giả
thuyết nghiên cứu cần phải được biện luận với sự ủng hộ của lý thuyết nền tảng.

(3) Trình
bày phương pháp thu thập và phân tích dữ liệu cũng như kết quả phân tích dữ
liệu.

(4) Đưa
ra hàm ý lý thuyết và hàm ý quản lý mang tính định hướng từ kết quả nghiên cứu
của đề tài. Học viên không cần phải đưa ra giải pháp cụ thể đối với đề tài theo
hướng hàn lâm.

Hình 1: Quy trình thực nghiệm và quy trình giải quyết vấn đề
Nguồn: Van Aken và cộng sự, 2012, trg. 11 – 12

Hình 1: Quy trình thực nghiệm và quy trình giải quyết vấn đềNguồn: Van Aken và cộng sự, 2012, trg. 11 – 12

Đối với nghiên cứu ứng dụng, theo WSU
(2016), học viên cần phải:

(1) Nhận
ra vấn đề trung tâm (central problem) từ các triệu chứng (symptoms) mà học viên
có thể quan sát được. Yêu cầu được đặt ra là vấn đề kinh doanh phải có thực,
không phải là vấn đề cảm tính (perception problem), vấn đề mặc định từ trước
(predetermined problem) hay là vấn đề liên quan đến mục tiêu bất khả thi
(target problem). Học viên phải thu thập và phân tích dữ liệu thứ cấp và sơ cấp
để chứng minh vấn đề trung tâm là tồn tại và quan trọng.

(2) Khảo
sát lý thuyết để liệt kê các nguyên nhân có thể có dẫn đến vấn đề trung tâm
(possible causes of the central problem). Học viên không cần biện luận cho các
giả thuyết về mối quan hệ giữa nguyên nhân của vấn đề nghiên cứu với vấn đề
nghiên cứu như trong các đề tài theo hướng hàn lâm.

(3) Kiểm
định nguyên nhân thực sự của vấn đề trong bối cảnh của doanh nghiệp dựa trên
việc thu thập và phân tích dữ liệu của doanh nghiệp.

(4) Xây
dựng, thiết kế giải pháp cụ thể cho doanh nghiệp để giải quyết vấn đề dựa trên
phân tích các điều kiện thực tế của doanh nghiệp. Tất cả các giải pháp phải
được sự ủng hộ và dẫn dắt bởi lý thuyết. Bước thực thi giải pháp, học hỏi và
đánh giá sau khi thực thi là bước tiếp sau không cần phải trình bày trong luận
văn thạc sĩ ứng dụng.

4. Bàn luận và kết luận

Tác giả cho rằng các đề tài theo hướng
hàn lâm cần phải tập trung vào tính mới nhằm tạo ra tri thức, tập trung đóng
góp cho hệ thống cơ sở lý luận, không cần tập trung vào việc đưa ra giải pháp
cụ thể. Đề tài phải có tính mới trên ít nhất các khía cạnh sau: khái niệm,
thang đo, phương pháp, mô hình. Ngược lại, các đề tài theo hướng ứng dụng cần
đi sâu vào nhận diện vấn đề về kế toán ở một doanh nghiệp cụ thể, sử dụng hệ
thống cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu phù hợp để thu thập dữ liệu nhằm
xác định vấn đề, tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp cụ thể đối với doanh
nghiệp. Luận văn thạc sĩ theo hướng ứng dụng sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết
một vấn đề kinh doanh nhỏ nhưng mang tính chất chuyên sâu. Tuy nhiên, cần lưu ý
rằng, đề tài thạc sĩ theo hướng ứng dụng ở bậc học thạc sĩ ngành Kế toán không
phải là lập báo cáo tài chính hợp nhất cho tập đoàn X, tổ chức hạch toán kế
toán ở công ty Y, cách lập báo cáo thuế cho công ty Z, cách lập dự toán ngân
sách cho công ty T… Những vấn đề này chỉ dừng lại ở cấp độ bài tập thực hành
mang tính tác nghiệp ở trong các môn học có liên quan của bậc học đại học hoặc
bậc học thạc sĩ mà thôi.

Ngoài ra, học viên chọn đề tài theo
hướng ứng dụng cần được yêu cầu phải làm việc trong một doanh nghiệp hoặc tiếp
cận được với một doanh nghiệp trong thực tế. Một số học viên có thể thực hiện
cùng một đề tài để giải quyết cùng một vấn đề về kế toán, nhưng những học viên
này phải làm đề tài ở các công ty khác nhau. Theo van Aken và cộng sự (2012),
việc chọn đề tài phù hợp khi thực hiện luận văn thạc sĩ theo hướng ứng dụng
phải dựa vào (1) vấn đề kinh doanh cụ thể có thực ở doanh nghiệp mà học viên tự
nhận diện ra chứ không phải là một nhiệm vụ phải đưa ra giải pháp cho một vấn
đề của ai đó, (2) phải có được sự ủng hộ của doanh nghiệp với người phụ trách chịu
trách nhiệm về vấn đề mà học viên đang nghiên cứu, (3) phải tiếp cận được với
dữ liệu phục vụ nghiên cứu, (4) việc giải quyết vấn đề mang tính khả thi trong
thời gian thực hiện luận văn, (4) vấn đề phải phù hợp với doanh nghiệp.

Việc trang bị phương pháp nghiên cứu
cho học viên trước khi viết luận văn thạc sĩ theo hướng ứng dụng rất quan
trọng. Học viên cần phải cần phải nắm vững các mảng kiến thức chức năng gắn
liền với mảng nghiên cứu, cũng như phương pháp nghiên cứu về định tính, định
lượng và một số kỹ thuật thu thập và phân tích dữ liệu. Về mặt kỹ thuật, học
viên phải nắm các kỹ thuật cơ bản về định tính, ví dụ như: phỏng vấn sâu, thảo
luận nhóm,… Về định lượng, phải nắm kỹ thuật thu thập các phiếu điều tra. Nếu
học viên nắm được các kỹ thuật trên thì sau này sẽ có khả năng thực hiện tốt
nghiên cứu ứng dụng để giải quyết các vấn đề kinh doanh nói chung cũng như kế
toán nói riêng một cách có hiệu quả. Họ có thể tư vấn cho doanh nghiệp một cách
bài bản, khoa học, đưa ra giải pháp cụ thể từ đó có đóng góp cho doanh nghiệp ■

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Nguyên gốc văn bản tiếng Anh như sau:
Researchcomprises “Creative work undertaken on a systematic basis in order
to increase the stock ofknowledge, including knowledge of humans, culture and
society, and the use of this stock of knowledge to devise new
applications” (OECD, 2002, p.30).

2Trong bài tham luận này nhóm tác giả
chỉ đưa ví dụ về nghiên cứu hàn lâm mang tính thực nghiệm và theo trường phái
thực chứng (empirical positivistic research).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Kerlinger, F. N. (1986). Foundations
of Behavioral Research. 3rd edition. Orlando: Holt, Rinehart and Winston.

2. Nguyễn Đình Thọ (2016), Phương pháp
tập mờ fsQCA và nghiên cứu khoa học kinh doanh tại Việt Nam, NXB Kinh tế TP. Hồ
Chí Minh.

3. OECD (2002). Frascati Manual:
Proposed Standard Practice for Surveys on Research and Experimental
Development, 6th edition. Retrieved 13 September 2016 from
www.oecd.org/sti/frascatimanual

4. Quyết định số1981/QĐ-TTg – Phê duyệt
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, Hà Nội, ngày 18/10/2016.

5. van Aken, J., Berends, H., & Van
der Bij, H. (2012).Problem Solving in Organizations: A Methodological Handbook
for Business and Management Students. 2nd edition. Cambridge University Press.

6.WSU (2016), Learning Guide – Business
Project – Unit Code: 200289 (Q4 2016) – Master of Business Administration
Program, Western Sydney University, [Giảng viên: Nguyễn Phong Nguyên và Cindy
Nguyễn].

ACADEMIC RESEARCH AND APPLIED RESEARCH

IN POSTGRADUATE ACCOUNTING STUDY


PhD. NGUYEN PHONG NGUYEN

Department of Research Administration –
International Relations,

University of Economics Ho Chi Minh
City

● PhD. DOAN NGOC QUE

School of Accounting, University of
Economics Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

Enhancing research activities in the
masters study, following both academic and applied streams, is an existing and
critical issue of higher education institutions. Academic research has an
important role in generating new knowledge while applied research acts as a
connection between theory and practice. Todays business schools tend to promote
more professional/ applied master programs with more industry orientation,
following increasing labor market demands, strengthening the links between
their study programs and real practice as well as enhancing the
university-industry interactions. Apart from that trend, besides its academic
research-oriented stream in the master’s program, the University of Economics
of Ho Chi Minh City is among few public universities pioneering the applied
research stream in the masters program, including the applied research stream
in the masters program in accounting. This paper shares our perspectives on
academic research and applied research in the masters study within the
accounting discipline. The purpose is to distinguish academic research and
applied research in order to develop research method units in the curriculum
and enhance the quality of master the sis supervision.

Keywords: Academic research, applied
research, masters program, accounting major.