Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và xét nghiệm ở trẻ thừa cân béo phì từ 6-14 tuổi tại các Trường tiểu học, Trung học cơ sở thị xã Cao Bằng – Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng

Chủ nhiệm đề tài: ThS, Bs Mã Hồng Lam

Đơn vị thực hiện: Trường Trung cấp y tế tỉnh Cao Bằng

Thời gian thực hiện: 2009-2010

I. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, cùng với sự thay đổi của nền kinh tế, bên cạnh tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn khá cao thì tỷ lệ trẻ em thừa cân và béo phì lại có xu hướng gia tăng. Trẻ em bị béo phì là vấn đề quan trọng, không chỉ liên quan tới tình trạng dinh dưỡng hiện tại mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe lâu dài và tuổi thọ, béo phì ở trẻ em là yếu tố nguy cơ cho béo phì ở trẻ lớn, tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong. Tuy đã có nhiều đề tài nghiên cứu về suy dinh dưỡng và phòng chống suy dinh dưỡng, nhưng lại chưa có nghiên cứu nào tìm hiểu về tỷ lệ béo phì ở tỉnh ta, vì vậy công tác tuyên truyền phổ biến cho nhân dân về tác hại của bép phì và cách phòng bệnh còn hạn chế, từ thực tế trên, Trường Trung cấp y tế tỉnh thực hiện đề tài “Nghiên cứu đặc điểm lâm sàng và xét nghiệm ở trẻ thừa cân béo phì từ 6-14 tuổi tại các trường tiểu học và trung học cơ sở Thị xã Cao Bằng”.

II. Mục tiêu

– Xác định nguyên nhân gây bệnh béo phì ở trẻ từ 6-14 tuổi tại các trường tiểu học và trung học cơ sở Thị xã Cao Bằng;

– Đề xuất các giải pháp điều trị và phòng chống béo phì.

III. Kết quả nghiên cứu

1. Kết quả nghiên cứu đặc điểm lâm sàng

Qua 18 tháng triển khai nghiên cứu, đề tài cơ bản đạt mục tiêu đề ra. Kết quả, đề tài đã nghiên cứu 5640 trẻ từ 6-14 tuổi tại các trường tiểu học và trung học phổ thông cho thấy có 61 trẻ bị béo phì chiếm tỷ lệ là 1,08%, trong đó, trẻ nam 45 em (chiếm 73,7%), trẻ nữ 16 em (chiếm 26,3%).

– Tỷ lệ béo phì gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 6-10, chiếm 81,8%, trong đó, trẻ nam gặp nhiều hơn trẻ nữ.

– Về mức độ béo phì, chủ yếu trẻ bị béo phì độ 1, chiếm 73,8%, độ 2 chiếm 24,6%, độ 3 chỉ chiếm 1,6%. Các nghiên cứu đã cảnh báo béo phì nặng gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe như rối loạn tâm thần, ngừng thở khi ngủ, tăng insulin máu.

– Tuổi bắt đầu xuất hiện béo phì chủ yếu gặp sau 6 tuổi, chiếm 73,8%. Trong khuôn khổ nghiên cứu của đề tài có 26,2% trẻ xuất hiện béo phì sớm, nguyên nhân là do sai lầm trong chế độ ăn của trẻ như: cho ăn bột sớm, cung cấp năng lượng vượt quá nhu cầu, các yếu tố khác là di truyền, cân nặng lúc đẻ cao. Khi tình trạng béo phì tồn tại tới tuổi vị thành viên thì khả năng trở thành béo phì ở người lớn rất cao, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch, ung thư đại tràng, bệnh tim mạch và đái tháo đường cũng tăng.

– Vị trí béo ở mặt, gốc chi là 39,4%, béo ở thân, gốc chi là 32,8%, 27,8% trẻ có biểu hiện béo toàn thân tức là béo ở mặt, thân, gốc chi và ngọn chi.

– Trẻ béo phì có biểu hiện tăng huyết áp là 4,92%. Trẻ béo phì có huyết áp tâm thu và tâm trương cao hơn trẻ không béo. Việc tăng huyết áp sớm sẽ có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Có 34,4% trẻ có biểu hiện tăng cholesterol và 6,5% tăng Triglyceride.

– Chiều cao của trẻ béo phì: Có 45,9% trẻ có chiều cao thấp dưới -1 SD, 41% trẻ có chiều cao bình thường theo tuổi và có 13,1% trẻ có chiều cao hớn hơn +1 SD. Không có sự khác nhau về tỷ lệ tăng hay giảm chiều cao giữa trẻ nam và trẻ nữ. Nguyên nhân của tăng chiều cao là do sự tác động của các yếu tố nội tiết và dinh dưỡng

2. Giải pháp phòng chống, điều trị bệnh béo phì

– Tăng cường truyền thông giáo dục sức khỏe, phải theo dõi tăng trưởng để phát hiện sớm những thay đổi bất thường về phát triển của trẻ.

– Điều trị béo phì: Cơ thể em là cơ thể đang phát triển và tăng trưởng, vì vậy trong điều trị béo phì ở trẻ em không được đặt ra vấn đề giảm cân, mà là giảm tốc độ tăng cân hay tránh tăng cân để đảm bảo sự phát triển chiều cao, không nên bắt trẻ nhịn đói. Nguyên tắc chính điều trị béo phì ở trẻ là điều chỉnh chế độ ăn hợp lý kết hợp với hoạt động thể lực.

– Xây dựng khẩu phần ăn hợp lý cho trẻ.

– Giải phóng phòng ngừa béo phì:

Đối với trẻ nhỏ: Chủ yếu là vấn đề nuôi dưỡng, nuôi con bằng sữa mẹ ít có nguy cơ béo phì hơn nuôi bằng sữa bò. Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý, tạo thói quen ăn rau từ nhỏ, không cho trẻ ăn quá ngọt, uống nước ngọt thường xuyên.

Đối với trẻ lớn: Giáo dục cho trẻ nếp sống lành mạnh, ăn uống hợp lý, năng vận động và luyện tập thể dục thể thao. Không nên cho nhiều dầu, mỡ và đường khi chế biến thức ăn cho trẻ, khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh, không ăn thường xuyên các thức ăn xào, rán, bánh kẹo, nước ngọt….

– Thường xuyên theo dõi cân nặng và chiều của của trẻ để có thể can thiệp kịp thời tránh dẫn đến béo phì./.