Nghiên cứu các mô hình giáo dục nghề nghiệp trong doanh nghiệp – Cổng thông tin Khoa học và Công nghệ
Cập nhật vào: Thứ sáu – 18/11/2022 00:05
Cỡ chữ
Khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, các nhà đầu tư nước ngoài mang theo công nghệ tiên tiến đang chọn Việt Nam như điểm đến hấp dẫn cho đầu tư. Vì vậy, nhu cầu nhân lực có trình độ, kỹ năng vận hành các dây chuyền kỹ thuật công nghệ tiên tiến đang ngày càng trở nên cấp thiết, nhất là trong thời đại công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nhân lực có trình độ cao. công nhân kỹ thuật bậc cao, doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong khâu tuyển dụng, vẫn còn khoảng cách lớn giữa đào tạo và sử dụng lao động (30-40% lao động đã qua đào tạo sau khi được doanh nghiệp (DN) tuyển dụng phải đào tạo lại)…
Một trong những nguyên nhân là chương trình, giáo trình đào tạo nghề hiện nay của Việt Nam chưa được cập nhật và bắt kịp với những thay đổi công nghệ thực tế tại các doanh nghiệp; trang thiết bị, máy móc của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) còn thiếu, lạc hậu, chưa kịp thay đổi so với trang thiết bị của doanh nghiệp và sự thay đổi của công nghệ, trong khi Nhà nước chưa có chế tài bắt buộc doanh nghiệp phải tham gia giáo dục nghề nghiệp. Xuất phát từ lý do trên, năm 2019, nhóm nghiên cứu của PGS. TS. Cao Văn Sâm tại Hiệp hội giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội việt Nam đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu các mô hình giáo dục nghề nghiệp trong doanh nghiệp”.
Đề tài nhằm mục tiêu đề xuất các mô hình giáo dục nghề nghiệp trong doanh nghiệp và giải pháp phát triển các mô hình này nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong doanh nhiệp và cho xã hội.
Qua quá trình nghiên cứu đề tài đã hệ thống hóa được các khái niệm, bản chất, xây dựng được khung phân tích mô hình GDNN trong DN, chỉ ra các thành tố cơ bản có tác động đến GDNN trong DN cũng như đưa ra một số kinh nghiệm quốc tế trong việc thực hiện GDNN trong DN và sự liên kết vớ các cơ sở GDNN. Thực trạng về mô hình GDNN trong DN với những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân trong quá trình thực hiện cũng đã được phân tích, làm rõ trong đề tài, từ đó đề xuất những giải pháp khắc phục cũng như phát triển mô hình GDNN trong DN.
Hệ thống thông tin thị trường lao động (TTLĐ) được coi là công cụ quan trọng để điều tiết cung- cầu trong thị trường lao động và gắn kết đào tạo và sử dụng lao động trong thời đại công nghệ 4.0. Do đó hệ thống thông tin này cần được thiết lập cả ở cấp trung ương và cấp địa phương, với những chỉ tiêu thống nhất. Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, thông tin về “cung” cần thống nhất các chỉ tiêu về tuyển sinh, về ngành nghề đào tạo, về “chuẩn đầu ra” đối với từng nghề ở từng cấp trình độ… Thông tin về “cầu” cần thống nhất được các chỉ tiêu về các tiêu chuẩn, kỹ năng nghề nghiệp doanh nghiệp cần đối với một nghề. Các thông tin này cần được kết nối, cần được chia sẻ.
Để thực hiện có hiệu quả công tác GDNN trong DN, trước hết cần thực hiện các giải pháp đồng bộ bắt đầu từ đổi mới tư duy của Doanh nghiệp và các ngành các cấp GDNN trong DN; về công tác tư vấn và hướng nghiệp trong các trường THCS và THPT giúp học sinh biết cách đánh giá đúng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với sở thích, khả năng của bản thân. Tiếp đến các mô hình GDNN trong DN cần chủ động và đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người sử dụng. Cùng với đó, cần thực hiện các phương thức để thúc đẩy trách nhiệm và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp trong đào tạo nghề – đây là 1 trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công cho định hướng phát triển hệ thống GDNN mở và linh hoạt đồng thời với những đổi mới mạnh mẽ về chính sách đối với cả 3 bên là người học, cơ sở GDNN và doanh nghiệp có nhiều chính sách ưu đãi, tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích người học, đồng thời giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở GDNN trong DN, cũng như quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với hoạt động GDNN.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 17714/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
N.P.D (NASATI)