Nghiên Cứu Từ Khóa – Hướng Dẫn Chi Tiết Cho Người Mới
5/5 – (2 votes)
Trong bài viết này mình sẽ chỉ cho bạn một cách chi tiết cách để nghiên cứu từ khóa (keyword research)
Trong hướng dẫn này mình sẽ chỉ cho bạn cách:
+ Tìm kiếm từ khóa
+ Chọn đúng từ khóa
+ Cách sử dụng công cụ nghiên cứu từ khóa
+ Cách lên kế hoạch triển khai từ khóa
Nếu bạn mong muốn tăng thứ hạng từ khóa của website thì nghiên cứu từ khóa là việc bạn phải làm.
Có rất nhiều phương pháp để thực hiện công việc này nhưng mình sẽ đưa cho bạn hướng dẫn đơn giản nhất dù cho bạn là người mới cũng có thể hiểu và làm được.
Chúng ta cùng bắt đầu nhé!
Nội Dung Chính
NGHIÊN CỨU TỪ KHÓA LÀ GÌ?
Nghiên cứu từ khóa là quá trình bạn tìm kiếm từ hoặc cụm từ mà khách hàng tiềm năng tìm kiếm trên các công cụ như Google, Youtube, Facebook,…
Tại sao việc nghiên cứu từ khóa lại quan trọng đối với SEO?
Keyword research (nghiên cứu từ khóa) có tác động tới tất cả các công việc xoay quanh SEO như:
+ Chủ đề bài viết
+ Công việc SEO Onpage
+ Chiến dịch Email Marketing để tiếp cận
+ Nội dung quảng cáo trên bài SEO
Đây là lý do việc nghiên cứu từ khóa là công việc đầu tiên trước khi làm bất cứ chiến dịch SEO nào.
Theo một số liệu thống kê nội dung trên internet từ Ahrefs cho thấy có tới 90.63% bài viết không có lưu lượng truy cập tự nhiên từ công cụ tìm kiếm.
Ảnh nguồn: Ahrefs
Nghiên cứu từ khóa như một cái la bàn giúp bạn biết được bạn đang đi đâu và bạn cần phải làm gì. Bạn sẽ trả lời được những câu hỏi:
+ Mức độ khó để xếp hạng với một từ khóa cụ thể?
+ Với mỗi từ khóa sẽ có bao nhiêu lưu lượng truy cập?
+ Người dùng tìm kiếm từ khóa có phải khách hàng tiềm năng?
Khi bạn làm công việc này bạn sẽ hiểu rõ được hơn khách hàng tiềm năng để đưa ra được các chiến dịch hiệu quả.
Trong Marketing chúng ta có nghiên cứu thị trường thì trong SEO chúng ta có nghiên cứu từ khóa cũng bởi vậy.
CÁCH NGHIÊN CỨU TỪ KHÓA SEO GOOGLE
Cách tìm ý tưởng từ khóa (Keyword ideas)
1. Đưa ra danh sách các ý tưởng về các chủ đề
Trước khi đưa ra ý tưởng bạn cần phải tự mình trả lời những câu hỏi sau:
+ Khách hàng của bạn hướng tới là ai?
+ Sản phẩm bạn cung cấp cho khách hàng là gì?
+ Nhu cầu của họ là gì?
+ Hành trình khách hàng ra sao?
Tiếp theo bạn sẽ đưa ra những chủ đề chính mà đối tượng khách hàng của bạn quan tâm.
Mình lấy ví dụ bạn làm cho công ty quảng cáo mảng digital marketing.
Một số chủ đề mình có thể viết ra đó là:
+ Mạng xã hội (Social media)
+ Email Marketing
+ SEO
+ Content Marketing
+ Viết Blog (Blogging)
+ Quảng cáo (Pay Per Click)
Đây là những chủ đề lớn nhưng đây chưa phải là từ khóa nhé!
Đừng quá quan trọng hóa hay mất quá nhiều thời gian vào việc tìm chủ đề nhé. Bạn nên dành ra khoảng 30 phút thôi.
2. Ở mỗi chủ đề bạn tìm những từ khóa liên quan
2.1. Sử dụng Google hoặc Youtube
Phần tự động gợi ý của thanh tìm kiếm Google.
Bạn gõ từ khóa vào thanh tìm kiếm sẽ hiển thị ra những từ khóa liên quan phía dưới.
Từ khóa càng được xếp phía trên càng nhiều lượt tìm kiếm
MẸO by Dizi: Sử dụng dấu “ * “ vào sát trước từ khóa bạn sẽ thấy được những cụm từ khóa liên quan phía trước.
Tham khảo thêm ở mục hình ảnh để xem những từ khóa đi kèm thêm với từ khóa chính.
Tham khảo phần tìm kiếm liên quan ở trang tìm kiếm của Google.
Bạn tìm kiếm một từ khóa rồi kéo xuống phần dưới cùng để xem nhé.
MẸO by Dizi: Bạn thử ấn vào bất kỳ từ khóa nào ở phần Searches related (Tìm kiếm liên quan) – Ví dụ ở đây mình ấn: “mạng xã hội việt nam”
Rồi bạn lại thực hiện tiếp theo tác kéo xuống phần dưới cùng để xem những từ khóa liên quan.
Cứ thế cứ thế bạn sẽ tìm được rất nhiều từ khóa liên quan đến chủ đề bạn mong muốn.
Bạn có thể sử dụng thêm phần gợi ý tự động của Youtube để thêm nhiều ý tưởng từ khóa hơn.
2.2. Sử dụng các diễn đàn lớn để tìm ý tưởng
Mặc dù tại Việt Nam hiện nay các diễn đàn không còn nhiều như ngày xưa nữa những vẫn còn một số tồn tại. Xu hướng bây giờ là các group trên Facebook.
Nhưng ở nước ngoài lại còn rất nhiều những diễn đàn như vậy.
Đây là nơi mà những người có cùng sở thích, đam mê, tìm tòi cùng một chủ đề cụ thể.
Cách dễ nhất để tìm kiếm diễn đàn có liên quan tới từ khóa bạn đang nghiên cứu thì bạn hãy tìm kiếm trên Google những cụm từ như:
“Forums” + “Từ khóa”
“Diễn đàn” + “Từ khóa”
“Cộng đồng” + “Từ khóa”
“Hội” + “Từ khóa”
“Nhóm” + “Từ khóa”
“Group” + “Từ khóa”
Ở đây bạn có thể tìm được rất rất nhiều từ khóa tiềm năng cũng như ý tưởng để có thể thêm vào danh sách từ khóa của bạn.
Bạn cũng sẽ tìm thấy những thắc mắc của đối tượng mà bạn nhắm tới ở trong những diễn đàn, hội nhóm này.
Công cụ nghiên cứu từ khóa
Công cụ phân tích từ khóa miễn phí
1. Google keyword planner
Google keyword planner là một nguồn từ khóa có độ tin cậy khá cao trên nền tảng số.
Lý do là bởi vì nguồn dữ liệu từ công cụ được thu thập từ chính Google
Để sử dụng được Google keyword planner bạn phải đăng ký một tài khoản Google Ads với chi phí tối thiểu cần thiết ban đầu là 160.000 vnđ.
Công cụ này sử dụng cho việc giúp bạn trong Google Ads nhưng vẫn có thể giúp bạn tìm kiếm ý tưởng từ khóa.
Ở đây bạn sẽ thấy được lượng tìm kiếm trung bình mỗi tháng của mỗi từ khóa.
2. Keyword tool io
Truy cập: https://keywordtool.io/
Công cụ Keyword tool sử dụng rất đơn giản như bạn tìm kiếm trên Google vậy
Ở công cụ này sẽ cho bạn rất nhiều gợi ý từ khóa để bạn phân tích.
Điểm hạn chế của bạn miễn phí là bạn chỉ xem được gợi ý từ khóa thôi.
MẸO by Dizi: Để phân tích kỹ hơn bạn sẽ lấy 1 từ khóa dài trong bản trên rồi tiếp tục tìm kiếm lần nữa. Lần này sẽ chi tiết hơn và nhiều gợi ý cụ thể hơn.
Ví dụ dưới đây mình lấy tiếp từ khóa “mạng xã hội việt nam” phía trên để phân tích tiếp. (Đây là cách để phân tích từ khóa liên quan)
3. Bạn có thể sử dụng Google gợi ý tự động (như cách phía trên lúc tìm ý tưởng từ khóa)
Công cụ phân tích từ khóa trả phí
1. Keyword tool io nhưng trả phí :))
Khi bạn sử dụng bản trả phí của công cụ keyword tool bạn sẽ nhận được rất nhiều chỉ số khác.
+ Lượng tìm kiếm trung bình mỗi tháng
+ Xu hướng tìm kiếm qua mỗi tháng
+ Chi phí quảng cáo trung bình cho mỗi từ khóa
+ Mức độ cạnh tranh của từ khóa
2. Công cụ Ahrefs
Công cụ Ahrefs này cực kì mạnh nếu bạn biết cách sử dụng đúng.
Đây là công cụ rất ngon trong việc nghiên cứu từ khóa.
Trong phần “Keywords Explorer” bạn sẽ có được rất rất nhiều dữ liệu trên mỗi từ khóa.
Ở phần keyword ideas bạn có thể tìm thấy rất nhiều lựa chọn để thuận lợi trong việc nghiên cứu từ khóa
Khi bạn càng ngày càng có nhiều dữ liệu về từ khóa thì bạn sẽ càng tiến đến gần hơn với một kế hoạch SEO đảm bảo về sau.
Còn rất nhiều những công cụ trả phí khác nhưng mình chỉ dùng những công cụ trên là thấy cũng đủ dùng rồi.
Ngoài ra bạn còn có thể tham khảo sử dụng các công cụ khác như:
ExplodingTopics
Ubersuggest
KWFinder
SEMrush
Moz
Keywords Everywhere
Wordtracker
Keyword Generator
Keyword Sheeter
Google Trends: Sử dụng để tìm kiếm những từ khóa theo mùa, theo tháng hoặc đang xu hướng hiện tại
AnswerThePublic: Sẽ đưa cho bạn rất nhiều ý tưởng chủ đề xung quanh từ khóa bạn tìm kiếm
Độ khó của từ khóa (Mức độ cạnh tranh)
Tại sao bạn lại cần phải quan tâm đến độ khó của từ khóa?
Nếu bạn chọn một từ khóa như “wifi” đối với một website mới toanh thì cực kỳ khó để xếp hạng trên trang 1 của công cụ tìm kiếm được.
1. Từ khóa dài thường ít cạnh tranh hơn
Ở một website mới thì nên tập trung vào từ khóa rất ít hoặc không có cạnh tranh.
Vì vậy bạn cần tập trung vào từ khóa dài (long tail keywords)
Vì sao?
Từ khóa sẽ thường được chia thành 3 dạng chính: (mình sẽ lấy dữ liệu theo công cụ keyword tool)
+ Từ khóa đơn: Thường sẽ là 1 từ. Ví dụ từ khóa “wifi” có độ cạnh tranh là 60. Lượng tìm kiếm là 18.000 mỗi tháng
+ Từ khóa ngắn (bổ nghĩa cho từ khóa đơn): Thường sẽ dưới 3 từ. Ví dụ từ khóa “wifi marketing” có độ cạnh tranh là 54. Lượng tìm kiếm là 1.300 mỗi tháng
+ Từ khóa dài (bổ nghĩa cho từ khóa ngắn): Thường sẽ trên 4 từ. Ví dụ từ khóa “wifi marketing là gì” có độ cạnh tranh là 22. Lượng tìm kiếm là 210 mỗi tháng
Mặc dù nói là bổ nghĩa nhưng ý định tìm kiếm (Search Intent) của người dùng hoàn toàn thay đổi tùy theo từ khóa. Hãy luôn để ý nhé!
Bạn nên bắt đầu với từ khóa có độ cạnh tranh thấp để lên dần thứ hạng nhé.
2. Mức độ uy tín của website ở trang đầu
Khi bạn muốn xếp hạng từ khóa nào đó thì bạn hãy xem độ uy tín website những đối thủ của bạn với từ khóa ở trang đầu tiên.
Với từ khóa như dưới đây để vượt mặt trang của Google là cực kỳ khó.
Việc nghiên cứu đối thủ bạn sẽ biết được thứ hạng mình sẽ lên được là bao nhiêu.
3. Độ khó từ khóa ở trong các công cụ
Như mình có mô tả chi tiết các công cụ nghiên cứu phía trên thì bạn có thể sử dụng: Google keyword planner, Keyword tool to hoặc Ahrefs để xem độ khó từ khóa.
Rất nhiều công cụ khác có thể xác định cho bạn được độ khó từ khóa.
Mặc dù chúng chỉ là số liệu tương đối nhưng nhìn chung cách xem này sẽ giúp bạn sắp xếp từ khóa nào sẽ viết bài trước, từ khóa nào sẽ để thời gian sau,…
LÊN KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI TỪ KHÓA
Lựa chọn từ khóa phù hợp
1. Độ lớn tìm kiếm (Search Volume)
Người dùng càng tìm kiếm nhiều về từ khóa thì bạn càng nhận được nhiều lưu lượng truy cập nếu xếp hạng cao trong công cụ tìm kiếm
Vậy như thế nào là độ lớn tìm kiếm “chuẩn”?
Cái này còn phụ thuộc vào lĩnh vực bạn mong muốn SEO. Không có con số nào gọi là đạt “chuẩn” cho tất cả mọi lĩnh vực ở đây cả.
Bạn cần phải xác định được độ lớn cao nhất và thấp nhất trong lĩnh vực của bạn là bao nhiêu.
Rồi từ đó xác định được độ lớn đạt “chuẩn” để lựa chọn từ khóa phù hợp.
2. Tỷ lệ truy cập tự nhiên (Organic CTR)
Không có gì ngạc nhiên khi lượng người dùng nhấp vào kết quả tìm kiếm không trả phí đang ngày càng giảm xuống. Bạn biết vì sao không?
Đó chính là đoạn trích nổi bật (Featured Snippets). Để nằm ở vị trí này bạn phải tối ưu SERPs (Search engine results page)
Hoặc đơn giản hơn là có quảng cáo xuất hiện ngay đầu tiên của kết quả tìm kiếm
Thường thì nếu bạn nằm trong top 3 bạn có thể sẽ có được 10-15% độ lớn tìm kiếm trung bình của một từ khóa.
Khi có cho mình từ khóa bạn cần phải kiểm tra xem:
+ Từ khóa đó đoạn trích nổi bật hay không?
+ Từ khóa đó có nội dung quảng cáo không?
3. Độ khó
Nếu bạn đang sở hữu một website hoàn toàn mới bạn nên tập trung vào những từ khóa có độ cạnh tranh thấp.
Khi website của bạn tăng dần độ uy tín thì mới tập trung vào những từ khóa có độ cạnh tranh cao hơn.
4. Chi phí quảng cáo (Cost per Click)
Mỗi một từ khóa sẽ có một lượng chi phí quảng cáo tượng đối.
Đây là chỉ số chỉ ra liệu người tìm kiếm có hành vi tiêu tiền trên nền tảng online không?
Cụ thể hơn đây là chi phí mà bạn phải bỏ ra cho một lượt truy cập khi chạy quảng cáo.
Nếu bạn thấy chỉ số này = 0 (n/a) tức là nên chuyển qua từ khóa khác để tập trung trước.
Đôi khi từ khóa có lượng tìm kiếm thấp nhưng chi phí quảng cáo (CPC) lại cao thì bạn vẫn nên chọn từ khóa này.
5. Phù hợp lĩnh vực
Bạn phải xác định rõ từ khóa nào người dùng sẽ tìm kiếm để từ đó trở thành khách hàng của bạn.
Ở bước này bạn cần phải nghiên cứu khách hàng sau đó vẽ lên chân dung khách hàng cụ thể.
Đây chính phần gắn liền với công việc khi đưa ra các ý tưởng về chủ đề từ khóa phía trên.
Ví dụ bạn làm dịch vụ quảng cáo Facebook thì không nên sử dụng từ khóa “dịch vụ viết báo” là vì vậy.
Bạn có thể sử dụng công cụ này để xác định từ khóa bạn đang chọn:
+ Có nhu cầu tìm kiếm đang đà tăng trưởng hay đang giảm dần
+ Có nhu cầu tìm kiếm theo tháng hay theo mùa
Tuy một số từ khóa có tiềm năng thấp nhưng theo dự kiến thì về sau này lại có xu hướng tăng cao thì bạn vẫn nên tập trung vào.
Sắp xếp từ khóa
Sau khi lên danh sách và lựa chọn từ khóa phù hợp bạn hãy sắp xếp chúng vào một nơi để có thể biết được từ khóa nào mình sẽ viết trước, từ nào viết sau.
Bạn có thể làm cụ thể hơn là thêm các chỉ số CPC và độ khó vào bên cạnh.
Do những từ khóa bên dưới có CPC và độ khó tương tự nhau nên mình không cho vào.
Sau khi lên danh sách từ khóa, bạn hãy lên một lịch lên bài viết để biết được ngày nào sẽ viết từ khóa nào.
Kỹ năng và chiến lược nâng cao
1. Xây dựng nội dung đa nền tảng
Trong trường hợp bạn có từ khóa đã lên Top 3 trên công cụ tìm kiếm Google.
Đến đây bạn có tối ưu thêm được gì nữa không? Có chứ!
Lấy ví dụ bạn lên Top từ khóa: “Keyword research”
Nhưng nếu bạn làm thêm video Youtube bạn sẽ được lên Top thêm một nền tảng khác.
Bạn sẽ lấy được thêm lưu lượng truy cập ở video này.
Sau khi viết bài lên Top rồi, bạn có thể đăng trên các nền tảng uy tín khác như: Facebook, Instagram, LinkedIn, Twitter,..
2. Sử dụng the google search console
Đầu tiên bạn vào công cụ Google search console rồi chọn mục Performance.
Sau đó bạn sắp xếp lượt hiển thị (Impressions) cao nhất xuống thấp nhất.
Bạn hãy để ý đến những từ khóa có lượt click thấp.
Sau đó hãy tối ưu lại bài viết cũ hoặc viết một bài viết mới liên quan tới từ khóa đó.
Công cụ này sẽ cho bạn thấy những từ khóa nào người dùng tìm kiếm sẽ hiển thị ra website của bạn.
3. Tối ưu nội dung theo từ khóa liên quan, ý nghĩa tương đồng
Việc tối ưu từ khóa chính là điều cần phải làm.
Nhưng bạn hãy để ý tối ưu thêm những từ khóa liên quan, ý nghĩa tương đồng hay những câu hỏi liên quan tới từ khóa đó.
Một bài viết không chỉ vào bởi một từ khóa mà nó lấy lưu lượng truy cập từ rất rất nhiều từ khóa.
Bạn có thể lấy những từ khóa tương tự này bằng những công cụ phân tích từ khóa phía trên nhé.
Ở hình trên với 1 trang đã có rất nhiều từ khóa liên quan với nhau tìm kiếm ra.
4. Phân tích từ khóa theo ý định tìm kiếm
Ý định tìm kiếm (Search Intent) – đây là một thuật ngữ quan trọng trong SEO
Thông tin gì mà người dùng tìm kiếm khi gõ một từ khóa?
Họ muốn mua thứ gì? Họ muốn tìm hiểu sản phẩm? Họ muốn tìm hiểu thêm thông tin? Hay họ muốn vào một trang web cụ thể?
Bạn cần phải hiểu rõ ý định tìm kiếm của người dùng là gì để có nội dung phù hợp.
Ảnh nguồn: Backlinko
Ví dụ việc sử dụng từ khóa thông tin có thể không phải ý định của người dùng là mua một sản phẩm nào đó.
Nhưng lượng truy cập đối với những loại từ khóa này là cực kỳ lớn.
Nếu bạn thu được lượng truy cập này thì thương hiệu của bạn sẽ ngày càng uy tín hơn nhiều đó.
Tóm lại là
Mình hy vọng là bạn có thể hiểu và ứng dụng được từ những chia sẻ của mình về cách nghiên cứu từ khóa.
Mình muốn hỏi bạn:
+ Website bạn đang kinh doanh lĩnh vực gì?
+ Bạn đang nghiên cứu từ khóa công cụ nào?
+ Bạn đang tập trung sản xuất nội dung cho loại từ khóa nào?
+ Bạn đang có thắc mắc nào về hướng dẫn phía trên không?
Mình rất vui khi bạn đã đọc tới đây. Chúc bạn có được một bộ từ khóa như ý.
Mình sẽ trở lại với những bài viết hay hơn.
From Cường Dizi.
Facebook: https://www.facebook.com/CuongNC.Digital/
Fanpage: https://www.facebook.com/CuongDigitalPage/
Nguồn tham khảo:
https://moz.com/beginners-guide-to-seo/keyword-research
https://ahrefs.com/blog/keyword-research/
https://blog.hubspot.com/marketing/how-to-do-keyword-research-ht
https://backlinko.com/keyword-research
Spread the love ♥