Nghiệm thu đề tài NCKH của giảng viên Khoa Kế toán

Thực hiện Quyết định số 192QĐ/ĐHKTKTCN của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật công nghiệp về việc thành lập các hội đồng nghiệm thu đề tài NCKH cấp cơ sở, ngày 8/6/2015, Khoa Kế toán đã tổ chức thành công hội nghị nghiệm thu các đề tài NCKH của giảng viên tại P805 – 456 Minh Khai – Hà Nội.

Để được nghiệm thu các đề tài NCKH này, theo quy định, các đề tài phải báo cáo Semina giữa kỳ vào tháng 3/2015 về tiến độ và tính khả thi của đề tài nghiên cứu. Đây cũng là dịp để chủ nhiệm đề tài nhận được các ý kiến đóng góp nhằm hoàn thành báo cáo nghiên cứu có chất lượng và đúng tiến độ Nhà trường giao. Bên cạnh đó, các chủ nhiệm đề tài phải đăng kết quả nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành trước khi tổ chức nghiệm thu chính thức.

Trong hội nghị nghiệm thu kết quả NCKH của giảng viên năm học 2014-2015, Khoa Kế toán có 10 đề tài. Hội nghị được tiến hành theo đúng quy trình nghiệm thu các đề tài NCKH đã quy định. Sau khi chủ nhiệm đề tài báo cáo nội dung, kết quả nghiên cứu, các thành viên Hội đồng đóng góp ý kiến thẳng thắn trên tinh thần xây dựng, trao đổi và học tập nhau cả về chuyên môn và phương pháp. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, các thành viên hội đồng và đại biểu đến dự cũng đã chỉ ra những vấn đề còn tồn tại, góp ý bổ sung để kết quả nghiên cứu của đề tài  đạt chất lượng cao hơn và đưa vào ứng dụng trong thực tế có hiệu quả hơn.

Danh sách các đề tài và kết quả nghiên cứu:

  1. Th.s Nguyễn Thị Tô Phượng – CN. Phan Thị Thu Hiền:“Kế toán công cụ tài chính phái sinh trong hoạt động phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp Việt Nam”

Đóng góp mới của đề tài:

  • Hệ thống hóa và phát triển các vấn đề lý thuyết liên quan đến công cụ tài chính phái sinh.
  • Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước phát triển trên thế giới về việc sử dụng công cụ tài chính phái sinh và rút ra bài học cho Việt Nam.
  • Điều tra khảo sát và đánh giá thực trạng sử dụng công cụ tài chính phái sinh cho mục đích phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp Việt Nam.
  • Xây dựng các giải pháp ngắn hạn và các giải pháp chiến lược nhằm hoàn thiện kế toán công cụ tài chính phái sinh để phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp Việt Nam.

2. Th.s Nguyễn Thị Ngọc Lan: “Nghiên cứu vận dụng phương pháp và hệ thống chỉ tiêu phân tích báo cáo tài chính trong các doanh nghiệp xây dựng”

Đóng góp mới của đề tài:

  • Hệ thống được các vấn đề lý luận cơ bản về phương pháp và hệ thống chỉ tiêu phân tích báo cáo tài chính trong các doanh nghiệp xây dựng.
  • Nghiên cứu thực trạng vận dụng phương pháp và hệ thống chỉ tiêu phân tích báo cáo tài chính trong các doanh nghiệp xây dựng, đánh giá thực tiễn sử dụng các hệ thống chỉ tiêu phân tích báo cáo tài chính tại các doanh nghiệp này.
  • Đề xuất 2 nhóm giải pháp về phương pháp và hệ thống chỉ tiêu phân tích báo cáo tài chính trong các DNXD và các điều kiện để thực hiện được các giải pháp trên.

3. TS. Phạm Thị Lụa: Nghiên cứu hoàn thiện hàng rào kỹ thuật cho hàng dệt may Việt Nam.

Đóng góp mới của đề tài:

  • Bổ sung, phát triển lý luận về hàng rào kỹ thuật đối với hàng dệt may.
  • Nghiên cứu kinh nghiệm xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với hàng dệt may của một số nước có nhiều điểm tương đồng và rút ra các bài học cho Việt Nam.
  • Phân tích, đánh giá về sự phù hợp của các hàng rào kỹ thuật đối với hàng dệt may Việt Nam thời gian qua.
  • Đề xuất quan điểm, giải pháp hoàn thiện hệ thống hàng rào kỹ thuật cho hàng dệt may của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

4. Th.s Hoàng Thị Phương Lan: “Tổ chức công tác kế toán tại các Trường Đại học ngoài công lập của Việt Nam”

Đóng góp mới của đề tài:

  • Hệ thống các nội dung hạch toán kế toán tại Trường Đại học ngoài công lập.
  • Khảo sát thực trạng về tổ chức công tác kế toán tại các trường Đại học ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội.
  • Đánh giá thực trạng công tác hạch toán kế toán tại các trường Đại học theo mô hình ngoài công lập.
  • Đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện công tác kế toán, quản lý tài chính có hiệu quả tại các trường Đại học theo mô hình ngoài công lập.

5. TS. Đinh Thị Kim Xuyến – Th.s Lê Mạnh Thắng: “Nghiên cứu tình trạng việc làm sau tốt nghiệp của sinh viên Ngành Kế toán, Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp”

Đóng góp mới của đề tài:

  • Khái quát được tình hình cung – cầu lao động ngành Kế toán trên thị trường.
  • Khảo sát và xác định được tình hình có việc làm, tỉ lệ thất nghiệp của sinh viên ngành Kế toán của Trường và nguyên nhân thất nghiệp
  • Đề xuất được những giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực ngành Kế toán, nâng cao khả năng tìm việc, tăng cường tính gắn bó với công việc của nhóm sinh viên ngành Kế toán của Trường sau khi tốt nghiệp.

6. Th.s Trần Thị Thanh Thúy: “Hoàn thiện hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính trong các doanh nghiệp thương mại tại Nam Định”

Đóng góp mới của đề tài:

  • Hoàn thiện nội dung phân tích khái quát tình hình tài chính: bổ sung thêm phân tích báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
  •  Điều chỉnh thống nhất và phù hợp về tên gọi, cách tính toán các chỉ tiêu phân tích tài chính đánh giá về khả năng thanh toán.
  • Bổ sung và hoàn thiện một số chỉ tiêu phân tích tài chính về hiệu suất và hiệu quả hoạt động kinh doanh thương mại.
  • Lựa chọn được hệ thống chỉ tiêu phân tích tài chính phù hợp trong các doanh  nghiệp thương mại tại Nam Định.

            7. Th.s Nguyễn Thị Thu Hằng: “Hoàn thiện kế toán quản trị chi phí sản xuất sản phẩm tại các Công ty cổ phần may mặc trên địa bàn Hà Nội”

   Đóng góp mới của đề tài:

  • Luận giải những vấn đề cơ bản về kế toán quản trị chi phí đối với các doanh nghiệp may mặc.
  • Đánh giá thực trạng tổ chức kế toán quản trị chi phí sản xuất sản phẩm tại các Công ty cổ phần may mặc trên địa bàn Hà Nội.
  • Đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác kế toán quản trị chi phí sản xuất sản phẩm may mặc tại các doanh nghiệp này.

8. Th.s Ngô Bỉnh Duy: Nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn tại các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Đóng góp mới của đề tài:

  • Hệ thống hóa các vấn đề cơ bản về vốn, huy động và sử dụng vốn.
  • Khảo sát và đánh giá thực trạng hoạt động huy động và sử dụng vốn tại các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ ở Nam Định.
  • Kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn tại các doanh nghiệp sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ.

9. Th.s Trần Thị Thắm: Kế toán thu, chi và kết quả hoạt động dịch vụ tại các công ty trực thuộc các Trường Đại học công lập khối kỹ thuật – Thực trạng và giải pháp.

Đóng góp mới của đề tài:

  • Hệ thống hóa các vấn đề liên quan đến lý luận về về kế toán thu, chi và kết quả hoạt động dịch tại các công ty trực thuộc các trường đại học công lập.
  • Nghiên cứu, đánh giá thực trạng kế toán thu, chi và kết quả hoạt động dịch vụ tại các công ty trực thuộc các trường đại học công lập khối kỹ thuật Việt nam.
  • Đề xuất giải pháp về công tác kế toán thu, chi phù hợp với thực tiễn của các công ty trực thuộc các trường đại học công lập khối kỹ thuật theo cơ chế tự chủ, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

10. Th.s Hoàng Thu Hiền: Xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí trong các công ty cổ phần chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam.

Đóng góp mới của đề tài:

  • Luận giải và làm rõ mô hình kế toán quản trị chi phí.
  • Khảo sát và đánh giá thực trạng kế toán quản trị chi phí hiện đang được tổ chức và vận dụng tại các công ty cổ phần chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam.
  • Xây dựng mô hình kế toán quản trị chi phí với các yếu tố cấu thành, các nội dung của mô hình phù hợp với đặc thù của các công ty cổ phần chuyên kinh doanh nội dung số của Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu của các đề tài có thể được dùng làm tài liệu bổ ích cho những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, là tài liệu học tập thiết thực cho sinh viên  khối ngành Kinh tế nói chung và sinh viên ngành kế toán nói riêng; là tài liệu tham khảo cho các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp.

            Một số hình ảnh buổi nghiệm thu đề tài:

Khoa Kế toán