Nghịch lý bác sĩ chuyên khoa nhiều hơn bác sĩ đa khoa ở TPHCM
–
Thứ hai, 21/02/2022 14:17 (GMT+7)
TPHCM – Ngành y tế Thành phố đang đối mặt thách thức là số lượng bác sĩ chuyên khoa luôn cao hơn nhiều so với bác sĩ đa khoa. Việc này khiến hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở gặp nhiều khó khăn, khó phát triển, dễ dẫn đến quá tải bệnh viện cùng nhiều hệ lụy khác.
Sinh viên y khoa về tuyến y tế cơ sở thực tập. Ảnh: Nguyễn Ly
“Cánh chim” của ngành y lệch hẳn về một phía
Vấn đề vực dậy mạng lưới y tế cơ sở được nhiều đại biểu đặt vấn đề tại buổi lãnh đạo thành phố gặp mặt các giáo sư, phó giáo sư, thầy thuốc tiêu biểu trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn TPHCM ngày 21.2.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hoạt động khám chữa bệnh hiện nay trên địa bàn TPHCM đang tập trung nhiều vào các hoạt động khám chữa bệnh chuyên khoa sâu tại các bệnh viện.
Người dân tập trung đông đến các bệnh viện khiến cho lực lượng nhân viên y tế cũng tập trung về đây công tác cũng như định hướng học tập theo các chuyên khoa sâu làm cho “cánh chim” của ngành lệch hẳn về một phía. Trong khi lĩnh vực chăm sóc ban đầu tại y tế cơ sở, gần dân, dễ tiếp cận, giải quyết phần lớn vấn đề sức khỏe của cộng đồng lại ít được người dân quan tâm.
Từ đó, ông Nguyễn Thanh Hiệp cho rằng cần đẩy mạnh đào tạo bác sĩ thực hành tổng quát, mở rộng chương trình đào tạo cử nhân cấp cứu ngoài bệnh viện (paramedic). Đồng thời, mở rộng chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa y học gia đình.
Bác sĩ Trạm y tế thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: Nguyễn Ly
GS.TS Lê Hoàng Ninh – nguyên Viện trưởng Viện Y tế công cộng TPHCM đưa ra số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): 70-80% nhu cầu của người dân là y tế cơ sở, chỉ 20-30% là y tế chuyên khoa. Trong khi ở Mỹ, có 1 triệu bác sĩ thì gần 50% là bác sĩ tổng quát, ở Việt Nam số bác sĩ tổng quát rất ít.
“Theo tỉ lệ trên cứ 100 người bệnh thì có từ 70-80 người cần chăm sóc tổng quát, nghĩa là không cần tới bệnh viện. Do chúng ta không có nguồn lực này, dẫn đến sự vỡ trận, quá tải ở tuyến trên. Nếu không phát triển được y tế cơ sở thì những đề án chương trình để giải quyết sự quá tải chỉ mang tính đối phó chứ không giải quyết căn cơ sự quá tải” – ông Ninh nói.
PGS Trần Diệp Tuấn – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược TPHCM cho rằng, để có được tuyến y tế cơ sở đủ mạnh, ngành y tế ngay từ đầu cần đặt hàng ngành giáo dục về hệ thống y tế mà mình mong muốn.
“Nếu được đặt hàng với con số cụ thể như một năm cần 5 bác sĩ tim mạch, 10 bác sĩ hô hấp… thì ngành giáo dục sẽ đào tạo như yêu cầu. Phần đông còn lại, chúng ta sẽ đào tạo theo nguyên lý y học gia đình, phần lớn phục vụ y tế cơ sở và được tạo điều kiện thăng tiến, học thêm các chuyên khoa sâu” – ông Trần Diệp Tuấn nói.
Đa số đều muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa
Ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, TPHCM tồn tại nghịch lý về công tác đào tạo nhân lực y tế và cần có lời giải. Đó là số lượng bác sĩ chuyên khoa luôn cao hơn nhiều so với bác sĩ thực hành tổng quát (bác sĩ đa khoa). Hiện đa số bác sĩ mới tốt nghiệp và trong quá trình làm việc đều muốn trở thành bác sĩ chuyên khoa.
Thực trạng này khiến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở gặp nhiều khó khăn và khó để phát triển, dễ dẫn đến quá tải bệnh viện cùng nhiều hệ lụy khác. Ngoài ra, nhiều loại hình nhân viên tế chưa được cơ sở y khoa đào tạo hoặc đào tạo không đủ số lượng so với nhu cầu thực tế.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trước vấn đề trên, ông Tăng Chí Thượng cho biết, ngành y tế đã triển khai thí điểm đưa bác sĩ y khoa về thực hành tại các trạm y tế, đan xen với thực hành tại bệnh viện dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ tại bệnh viện đa khoa hạng I. Trong đợt thí điểm đầu tiên, TPHCM đã có 297 bác sĩ trẻ, mới tốt nghiệp của Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch đăng ký tham gia.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, với tính chất là thành phố lớn, đô thị đặc biệt, ngành y tế của địa phương cần được so sánh với các đô thị lớn, các nước phát triển trên thế giới để phấn đấu. Trong đó, mục tiêu trước mắt và lâu dài của TPHCM là nâng cao công tác đào tạo nhân lực y tế để phổ cập hóa tri thức y học tiến bộ trên thế giới.
Đối với những bất cập, khó khăn của hệ thống y tế cơ sở được các đại biểu nêu ra, ông Phan Văn Mãi cho biết, UBND thành phố sẽ ngồi lại cùng cơ quan chức năng để tìm lời giải cho các nghịch lý bằng sự hợp lý.