Nghị quyết của Quốc hội: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân

Nghị quyết của Quốc hội: Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân - Ảnh 1.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất dệt may bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19, cần được “tiếp sức” để vượt qua khó khăn – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đó là một trong những nội dung được nêu tại nghị quyết vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành về một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Cụ thể, giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 không quá 200 tỉ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019.

Không áp dụng tiêu chí doanh thu năm 2021 giảm so với doanh thu năm 2019 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách trong kỳ tính thuế năm 2020, năm 2021.

Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý 3 và quý 4-2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch COVID-19 trong năm 2021 do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định. 

Không áp dụng việc miễn thuế đối với các khoản thu nhập, doanh thu từ cung cấp sản phẩm và dịch vụ phần mềm; sản phẩm và dịch vụ nội dung thông tin số về giải trí, trò chơi điện tử, phim số, ảnh số, nhạc số; quảng cáo số.

Nghị quyết cũng giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1-11-2021 đến hết ngày 31-12-2021 đối với một số hàng hóa, dịch vụ. 

Cụ thể, dịch vụ vận tải đường sắt, đường thủy, hàng không, đường bộ khác; dịch vụ lưu trú; ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch;

Sản phẩm và dịch vụ xuất bản; dịch vụ điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; tác phẩm nghệ thuật và dịch vụ sáng tác, nghệ thuật, giải trí; dịch vụ của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; dịch vụ thể thao, vui chơi và giải trí. 

Hàng hóa, dịch vụ không bao gồm phần mềm xuất bản và các hàng hóa, dịch vụ sản xuất, kinh doanh theo hình thức trực tuyến.

Mặt khác, miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 của các khoản nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Không áp dụng quy định tại khoản này đối với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.

Nghị quyết giao Chính phủ có trách nhiệm triển khai để người tiêu dùng được thụ hưởng lợi ích từ việc giảm thuế giá trị gia tăng.

Ngoài ra, Chính phủ tiếp tục rà soát, thực hiện các giải pháp theo thẩm quyền để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức giảm chi phí đầu vào; nghiên cứu phương án hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp dựa trên chi phí lao động, phương án sử dụng ngân sách cấp bù lãi suất tiền vay cho doanh nghiệp, tổ chức bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19 để phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Chính phủ hướng dẫn thi hành nghị quyết này. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, Kiểm toán Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện nghị quyết.

Theo nghị quyết, tùy thuộc vào phương pháp tính thuế, mức giảm thuế giá trị gia tăng được áp dụng như sau:

– Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng;

– Doanh nghiệp, tổ chức tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỉ lệ phần trăm trên doanh thu sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản này được giảm 30% mức tỉ lệ phần trăm để tính thuế giá trị gia tăng.

Dành nguồn cải cách tiền lương còn dư cho chống dịch, việc tăng lương năm 2022 khó khả thi Dành nguồn cải cách tiền lương còn dư cho chống dịch, việc tăng lương năm 2022 khó khả thi

TTO – Nguồn cải cách tiền lương còn dư sẽ được dùng cho phòng chống dịch COVID-19, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội đánh giá việc điều chỉnh tăng lương cơ sở từ 1-7-2022 là khó khả thi.