Nghị luận về Thời trang và tuổi trẻ
Nội Dung Chính
Nghị luận về Thời trang và tuổi trẻ
Bài văn mẫu lớp 10
2
12.305
Tải về
Văn mẫu lớp 10: Nghị luận về Thời trang và tuổi trẻ vừa được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây nhé.
Nghị luận về Thời trang và tuổi trẻ
- Nghị luận về Thời trang và tuổi trẻ mẫu 1
- Nghị luận về Thời trang và tuổi trẻ mẫu 2
- Nghị luận về Thời trang và tuổi trẻ mẫu 3
- Nghị luận về Thời trang và tuổi trẻ mẫu 4
Nghị luận về Thời trang và tuổi trẻ mẫu 1
Một lần, ngày 20/11, chúng tôi đến thăm cô giáo chủ nhiệm. Được dịp đi chơi, lũ con gái diện những bộ quần áo thật đẹp, đủ kiểu dáng, màu sắc. Không còn trước sau như một” trong màu áo đồng phục. Nhìn những đứa học trò trò xinh xắn và rất diện, rất mốt, cô cười. Rồi cô kể cho chúng tôi nghe chuyện hơn hai mươi năm về trước, khi cô cũng trạc tuổi chúng tôi bây giờ. Từ quê lên thị xã học cấp ba, “tài sản” lớn nhất trong gói quần áo của cô là hai bộ đi học. Hai chiếc quần, một lành, một phải đeo phía sau đôi “ti vi”. Nghĩa là, đã sờn mông và vá bằng cách chần những đường chỉ thành hình chiếc tivi. Nghe cô kể lũ con gái chúng tôi tròn mắt rồi rũ ra cười. Tưởng cô chỉ kể lại cho vui để trêu chọc chúng tôi một tẹo. Tôi đem câu chuyện ấy kể với mẹ và bà, mẹ bảo ngay “Cô giáo kể thế là đúng còn gì, cô của con còn diện đấy, mẹ chẳng bao giờ biết đến quần áo mới, quanh năm mặc thừa…”. Còn bà thì chép miệng: “Bọn trẻ bây giờ sung sướng hơn thế hệ trước, ăn ngon, mặc đẹp hơn rất nhiều. Nhưng có nhiều cô “choai choai” thời trang và thiêu vải quá, khoe hết cả rốn với lưng…”. Mỗi khi nghe “các phụ huynh” nửa khen, nửa chê như thế, ta không khỏi nghĩ “các cụ lạc hậu”, lại vừa băn khoăn tự hỏi: Thế nào là ăn mặc hợp thời trang? Thế nào là “biết ăn mặc” để mình thấy đẹp mà mọi người cũng được vừa mắt?
Vậy thời trang là gì? Hằng ngày ta nghe các cô, các chị bảo nhau, người này “hợp thời trang, sành điệu, mô – đen”, người nọ “nhà quê”, “không biết ăn mặc”,… Trên đường đi học ta thấy cơ man là biểu hiệu thời trang trên phố. Thời trang túi, cặp, thời trang mũ, đồng hồ thời trang, tóc thời trang… Như vậy, theo nghĩa thông dụng nhất, thời trang có nghĩa là phong cách ăn mặc hoặc trang sức đẹp mắt, phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ đương thời, gây thiện cảm với đa số người xung quanh. Người lớn có “thời trang xe hơi”, “thời trang công sở”, “thời trang bà bầu”,… Bạn trẻ chúng ta có “thời trang xì tin”, ”thời trang 8X”, “thời trang 9X”, “thời trang điện thoại di động”… Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất ngày càng sung túc thì nhu cầu thời trang ngày càng mạnh mẽ. Nếu nghe kể hoặc xem phim tài liệu, phim truyện về thời ba cấp ở nước mình, ta sẽ thấy vừa buồn cười vừa thương cho “thời các cụ”, ăn mặc tuềnh toàng đơn điệu. Tất cả “đồng phục” kiểu áo sơ mi “kín cổng cao tường” hai gam màu trắng, xanh cơ bản, tóc con gái thì một kiểu tết đuôi dài đã vắt vẻo hai bên vai… Còn thời nay, bọn con gái “ăn diện hết chỗ nói”, ngày Quốc tế phụ nữ mùng 8 tháng 3, ngày Nhà giáo 20 tháng 11 xuất hiện áo dài trắng thêu đủ sắc màu, tha thướt duyên dáng. Lúc đi dã ngoại lại có các kiểu, áo phông, áo lụa, áo tơ tằm, áo bó, áo chẽn, áo thụng rực rỡ khoe dáng. Kiểu tóc còn đa dạng hơn: ngắn có, dài có, tóc tỉa nửa ngắn nửa dài, mái bồng lượt sóng, tóc ép, tóc là, tóc uốn dấu hỏi, tóc uốn lọn vuốt keo… Đây là chưa kể đến “thời trang giày dép” của các chị em ngày nay. Mùa hè thì xăng đan, dép tông; xỏ ngón, guốc gỗ thời trang, mùa đông nào giày cao gót, giày thể thao, giày lười, giày bệt, cao hơn một chút thì sắm bốt ống cao, thấp, khóa khuy đủ loại… Đặc biệt, mấy năm gần đây, do nhập nhiều phim ảnh Hàn Quốc đã tạo cơ hội làm đẹp cho không ít bạn trẻ. Với tầng lớp xã hội có thu nhập và mức sống cao, thời trang còn là “hàng hiệu”, “hàng ngoại xịn”, đắt tiền, quý hiếm, thời thượng… Với lứa tuổi học đường, thế hệ trẻ của đất nước, chúng ta nên quan niệm thế nào là thời trang, sử dụng thời trang ra sao để vừa làm đẹp cho xã hội vừa phù hợp với điều kiện sống cho bản thân?
Có một số bạn thuộc gia đình khá giả, bố mẹ là công chức cao cấp hoặc có công ty kinh doanh phát đạt. Các bạn ấy ăn mặc “sành điệu”, ngoài giờ học khóa ở trường, các bạn thường mang những bộ quần áo jean, áo phông ngoại, màu sắc bắt mắt, kiểu dáng khỏe đẹp, trông rất dễ thương. Nhiều bạn khác có hoàn cảnh gia đình khó khăn hơn chỉ biết trầm trồ thán phục trước những “bộ cánh thời trang” làm nổi bật vẻ đẹp trẻ trung của chủ nhân chúng. Nhưng bỗng có một ngày, nhóm bạn khá giả đó muốn nổi bật thêm nữa, họ nhuộm tóc hung, vàng, tím, đỏ, tia tóc tém rồi vuốt keo ngược lên tua tủa như con nhím, bắt chước mấy người mẫu – ca sĩ phim Hàn Quốc, phim Mĩ… Bạn bè nhìn ngơ ngác, thầy, cô và nhà trường phản đối, mấy bác lao công lớn tuổi tỏ vẻ bất bình. Phải chăng đó là “thời trang” của tuổi trẻ hiện đại? Rõ ràng những “cách tân thời trang” đó giống như mấy nốt nhạc lạc điệu chói tai xen lẫn vào một bản hòa tấu trữ tình làm cho người thưởng thức bỗng giật mình rồi thất vọng ngao ngán.
Cũng có những bạn mặc giản dị, nhưng sạch sẽ, gọn gàng. Thỉnh thoảng, bị nhóm khán giả chê là “trông nhà quê quá”, “ăn mặc như ngố”. Nhưng đổi lại, các bạn ấy lại luôn là người “thời trang”, “mô đen” nhất trong các kì thi. Xem kết quả học tập của các bạn ấy luôn buộc người khác phải trầm trồ thán phục. Bên cạnh đó còn được bạn bè yêu quý bởi thái độ quan tâm, giúp đỡ tận tình đối với những người bạn vượt khó bên mình. Ta nhận thấy, những câu ca, tục ngữ: “Hơn nhau tấm áo manh quần…” hay “người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân” có thể hiểu theo cả hai khía cạnh, một mặt, cha ông ta đề cao sức của thời trang, trang phục hay là cái vỏ bọc vật chất của con người, nhưng mặt khác, cũng là một cách khẳng định vị thế độc lập của giá trị tình không bị che lấp bởi giá trị vật chất. Thực tế cho thấy, khi cái vỏ bọc vật nhất thời mất đi, cái đánh giá còn lại lưu giữ tôn vinh vẻ đẹp con người không đâu khác chính là phẩm chất lương thiện hay nhân cách tốt đẹp.
Như vậy, bạn nghĩ sao, giữa nhóm bạn khá giả và nhóm bạn giản dị kia? Ai là người hợp thời trang hơn, biết ăn mặc hơn? Thiết nghĩ, thời trang và tuổi trẻ chúng ta không chỉ có nghĩa là làm đẹp với hình thức trang phục thời thượng quan trọng hơn chính là thời trang phải phù hợp với hoàn cảnh sống của chính mình. Thời trang sẽ biến thành phản thời trang khi nó đi liền với thói đua học đòi, bắt chước, chạy theo những cái xa lạ với truyền thống cộng đồng hay gia đình. Và ngược lại, cái không thời trang lại khiến người xung quanh có thiện cảm, đánh giá cao khi ẩn giấu phía sau là một tâm hồn đẹp, sáng, biết yêu thương, chia sẻ và tính thần cầu tiến tích cực. Thời trang tóc nhuộm, đầu tém, áo hở rốn, trễ ngực khoe lưng… dù gây xáo động trầm trong “thiên hạ” nhưng chỉ là nhất thời rồi sẽ nhanh chóng bị thay thế bởi các loại thời trang khác “hoành tráng” hơn. Chỉ thời trang tinh thần lành mạnh sẽ mãi làm ấm lòng và nuôi dưỡng bền bỉ cuộc sống của con người.
Mặc dù vậy, mặc đẹp, làm đẹp để tuổi trẻ và thời trang luôn song hành với nhau góp phần tô điểm cho cuộc sống thêm tươi vui và sinh động, theo tôi vẫn luôn là điều lí tưởng cần hướng tới. Khi đất nước mình giàu, đương nhiên, việc tuổi trẻ sở hữu những trang phục thời trang đa dạng sắc màu kiểu dáng sẽ chứng tỏ thêm sự phồn vinh của đất nước. Và ngay cả khi đó thời trang vẫn cần tuổi trẻ dẫn dắt đi theo những gu thẩm mĩ được chọn lựa sao cho vừa hiện đại, vừa không quá xa lạ với truyền thông văn hóa dân tộc mình.
Nghị luận về Thời trang và tuổi trẻ mẫu 2
Người xưa có câu “người đẹp vì lụa”, điều đó khẳng định vai trò của trang phục vô cùng quan trọng trong việc thể hiện vẻ đẹp, nhân cách con người. Xã hội phát triển, vấn đề thời trang càng trở nên quan trọng đối với đời sống của mỗi người, nhất là giới trẻ.
Con người muốn tồn tại thì nhu cầu cơm ăn, áo mặc là nhu cầu vô cùng cần thiết. Ăn cho mình, ăn để duy trì sự sống, do đó ăn trước hết là vì nhu cầu của chính mình. Còn mặc cho người tức là trang phục trên người mình nhưng lại để cho người khác ngắm nhìn, thậm chí có thể làm khuôn mẫu cho những người xung quanh học tập.
Mặc đẹp không chỉ làm đẹp cho bản thân mà còn đem đến sự say mê, thích thú tạo nên thiện cảm cho người khác. Đồng thời thể hiện sự tôn trọng bản thân và mọi người xung quanh. Cũng chính vì thế mà dân gian có câu “ăn cho mình, mặc cho người”.
Nhưng mặc cũng không hẳn là cho người, vì mặc trước hết là cho chính mình, mặc để bảo vệ cơ thể, để làm đẹp cho bản thân, một người mặc đẹp bao giờ cũng được người khác ngưỡng mộ. Nó thể hiện gu thẩm mỹ và trình độ văn hóa của mỗi người, do đó nên hiểu mặc cho mình mà còn cho mọi người.
Vì thế mặc sao cho đẹp, sang trọng, đứng đắn, đúng với điều kiện, hoàn cảnh làm việc. Và điều quan trọng là mặc thế nào để hòa vào lối sống cộng đồng, làm đẹp cùng cộng đồng, xã hội và dân tộc, phù hợp với xu thế thời đại.
Hiện nay, giới trẻ là đối tượng nhạy bén thời trang nhất, nó là phần không thể thiếu đối với cuộc sống của họ. Nhưng thời trang của đối tượng này còn hay bị đưa ra tranh cãi. Với phong cách thời trang hài hòa, phù hợp giới tính, độ tuổi, và hoàn cảnh giao tiếp thường được mọi người ưa chuộng, được hưởng ứng, tán đồng. Có phong cách thời trang ăn mặc ấn tượng, bắt chước những thần tượng của mình, gây sự chú ý, làm nổi bật cá tính.
Tuy nhiên, hiện nay còn tồn tại phong cách ăn mặc thiếu văn hóa, bụi bặm, lập dị, hoặc quá hở hang khi ra đường, tới những nơi công cộng, công sở gây sự phản cảm, và đáng chú ý là phong cách này đang chiếm số lượng không nhỏ trong giới trẻ.
Xã hội, đường phố. Có ý kiến cho rằng: Nhìn người dân đi trên đường người ta có thể hiểu nền văn hóa, giáo dục của một đất nước, điều đó hoàn toàn đúng. Qua phong cách ăn mặc thời trang của giới trẻ, người ta có thể hiểu đất nước đó đang phát triển ở mức độ nào.
Do vậy khi lựa chọn thời trang cần chú ý tới phong cách thời trang sao cho phù hợp với hoàn cảnh, vóc dáng. Sao cho toát lên vẻ đẹp, sự trẻ trung năng động, cá tính, phù hợp với xu thế thời đại nhưng không đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.
Nghị luận về Thời trang và tuổi trẻ mẫu 3
Tục ngữ có câu “Cái răng, cái tóc là gốc con người”. Đầu tóc, vẻ bề ngoài, trang phục thể hiện được tính cách, văn hóa của một người. Chính vì vậy, việc lựa chọn trang phục đối với mỗi người là rất quan trọng, đặc biệt là trang phục của học sinh ngày nay.
Trang phục bao gồm quần áo, giày dép, túi xách và những phụ kiện đi kèm như vòng tay, vòng cổ,… Trang phục của học sinh là bộ quần áo đồng phục khi đi học; là những bộ quần áo đơn giản, hợp lứa tuổi khi ở nhà, đi chơi. Khi đến trường, học sinh mặc những tấm áo trắng với phù hiệu của trường, mặc quần âu tím than, gợi một vẻ trong sáng hay học sinh khoác trên mình bộ áo dài duyên dáng, cũng có trường đồng phục là những chiếc váy xếp, quần tây. Tuy không quá rực rỡ, nổ bật nhưng quần áo đồng phục vẫn rất đẹp. Còn khi ở nhà, đi chơi, những chiếc quần ngố, áo phông, sơ mi lại rất phù hợp. Trang phục không cầu kì mà vẫn đẹp.
Nhưng ngày nay, rất nhiều học sinh ăn mặc lố lăng, không phù hợp với lứa tuổi. Những bộ đồng phục giúp những học sinh dù giàu hay nghèo cũng trở nên bình đẳng. Thế nhưng, nhiều học sinh dù giàu hay nghèo vẫn muốn “chơi trội”, khi đến trường thì làm cho những bộ đồng phục trở nên “biến dị”. Những chiếc quần đồng phục được cắt sửa, bó sát vào cơ thể, những chiếc váy đồng phục thì được cắt cho thật ngắn. Rồi trên mặt những học sinh nào ấy nào là phấn son, tóc để xõa, lòa xòa, nhuộm xanh, nhuộm đỏ. Con trai thì vuốt tóc dựng ngược, trông như những cái đinh. Con gái đi giày cao gót, con trai đi dép tông, trông thật lố lăng, không giống như đang trong trường học,mà như một sàn diễn “thời trang”. Còn khi ở nhà, đi chơi, những bộ trang phục càng trở nên lố lăng hơn. Những nữ sinh “thùy mị” thì mặc những cái quần bó gấu, rách, hay những chiếc quần soóc siêu ngắn, những chiếc áo dây hở hang, trên mặt thì trang điểm thật đậm, chân đi những đôi guốc siêu cao. Còn nam sinh thì mặc những chiếc quần mài, rách, đôi khi còn có cả vết xăm trên người. Chắc hẳn, nhìn những người như vậy, ít ai nghĩ họ là học sinh, là lứa tuổi trong sáng.
Nguyên nhân của hiện tượng này thì có rất nhiều, công nghệ thông tin phát triển đồng nghĩa với việc con người tiếp xúc nhiều hơn với mạng thông tin. Học sinh cũng vậy, tiếp xúc với những điều tốt và cả xấu. Điều đó cũng ảnh hưởng không hề nhỏ tới cách ăn mặc của học sinh ngày nay. Có những cô cậu học trò muốn thể hiện mình đẹp, giỏi và muốn thể hiện “đẳng cấp”, họ đã đua đòi, học thói hư, tật xấu, ăn mặc sao cho thật mốt, sành điệu để trở thành “công chúa, hoàng tử” xinh đẹp. Họ không hiểu rằng ăn mặc như vậy tuy mốt nhưng rất lố lăng, không phù hợp với lứa tuổi. Có những người bị bạn bè lôi kéo, rủ rê nên đánh mất bản thân vào ăn chơi, lúc nào cũng đua đòi làm đẹp, sành điệu. Cách ăn mặc tưởng chừng là “đẹp” ấy lại đem lại rất nhiều tác hại… Trang phục phản ánh văn hóa, nhân cách của mỗi người. Đánh giá một người là học sinh ngoan giỏi đâu phải là đánh giá học lực mà đạo đức còn vô cùng quan trọng. Khi đến trường, mặc đồng phục chỉnh tề, trang nghiêm, đầu tóc gọn gàng; ở nhà, đi chơi ăn mặc đơn giản thì hẳn ai nhìn cũng thấy mến ta, có thiện cảm với ta, dù ta học lực chưa giỏi. Nhưng có người tuy học giỏi nhưng ăn mặc lố lăng, lôi thôi thì chẳng ai thấy thiện cảm, chỉ muốn tránh xa. Mình tưởng ăn mặc “hợp mốt” là người bị người ta chê, cảm thấy các cảm, không muốn giao lưu, tiếp xúc với mình. Vậy tại sao phải thật mốt? Nhìn học sinh như vậy, người ta sẽ đánh giá là kẻ có chữ nhưng không có văn hóa, hiểu thế nào. Hơn nữa, việc chạy theo mốt còn kém. Hết chạy theo mốt này, rồi mốt kia, biết bao nhiêu tiền cho vừa. Rồi việc chạy theo mốt khiến cho kinh tế gia đình tốn kém, tốn nhiều thời gian, không còn thời gian để học tập, việc học hành lơ là, giảm sút, vừa ảnh hưởng trực tiếp tới tương lai của bản thân, vừa khiến bố mẹ lo lắng, đau lòng. Là học sinh, hành động đó không thể chấp nhận được. Có những người khi đã xinh đẹp và sành điệu rồi thì trở nên kiêu kì, lúc nào cũng coi thường, chê bai người khác, nhiều khi nói những lời khiến mình trở thành kẻ hợm hĩnh, khiến người khác tổn thương, tránh xa mình. Thậm chí khi hết tiền mua đồ họ lại nghĩ đến việc trộm cắp tiền. Là học sinh, hành động đó là không thể chấp nhận được.
Mỗi chúng ta, là học sinh, đã có ý thức, suy nghĩ hiểu biết, phải luôn biết cách chọn trang phục. Trang phục phải phù hợp với lứa tuổi, thể hiện sự trong sáng của tuổi học trò và phải phù hợp với kinh tế gia đình. Mỗi người phải biết suy xét thật kĩ trước khi lựa chọn, mua trang phục. Học sinh không nên đua đòi, chạy theo mốt này, mốt nọ, phải có suy nghĩ đúng đắn về trang phục. Hơn nữa, nhà trường cần phải nghiêm ngặt hơn trong việc quản lí học sinh về trang phục, nhân cách. Gia đình cũng cần quan tâm hơn về cách ăn mặc của con cái. Hãy ăn mặc thật đơn giản, phù hợp mà lại thật đẹp, các bạn nhé!
Mặc trang phục là để cho người khác ngắm, nhưng với cách ăn mặc lố lăng thì không ai muốn ngắm, đặc biệt là ở lứa tuổi học đường ngày nay. Tự tin, trong sáng và văn hóa là những gì ta nhận được khi ta ăn mặc thật đẹp, phù hợp với lứa tuổi. Hơn nữa, còn được mọi người yêu mến, ngắm nhìn. Chính vì vậy, mỗi học sinh chúng ta hãy luôn mặc thật phù hợp với mình, không nên đua đòi, chạy theo mốt mới.
Nghị luận về Thời trang và tuổi trẻ mẫu 4
Trang phục luôn là vũ khí thể hiện cái tôi cá nhân của mỗi người. Người xưa có câu: “Người đẹp vì lụa”. Bởi vậy mà vấn đề thời trang luôn được mọi người quan tâm ở cả hai giới. Ngày nay cả phụ nữ cũng như cánh mày râu đều rất chú ý đến hình thức, vẻ bề ngoài. Chính vì vậy mà thời trang chưa bao giờ là hết chuyện để bàn tán.
Định nghĩa thời trang rất rộng. Nó được coi là một ngành công nghiệp hiện rất mới và có tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Có thể hiểu đơn giản, thời trang bao gồm phong cách trang phục, sự kết hợp giữa quần áo, giày dép và những phụ kiện đi kèm. Thời trang ngày nay không chỉ với mục đích đơn giản là “mặc”, mà nó còn dùng để thể hiện nhân cách cũng như lối sống của người đó. Bởi khi ngành thời trang đang phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay, việc lựa chọn trang phục ra ngoài rất cần thiết. Có rất nhiều loại trang phục để giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn tốt nhất vừa phù hợp với túi tiền vừa phù hợp với hoàn cảnh, cũng như nơi mình muốn đến. Chính vì vậy mà cách lựa chọn trang phục không chỉ thể hiện con mắt thẩm mĩ, gu thời trang mà còn là cách suy nghĩ, nếp sống của người đó. Thời trang có rất nhiều loại, có thể là đi học, đi chơi, đi làm hay đơn giản là ở nhà. Nhu cầu mặc đẹp của người tiêu dùng ngày càng gia tăng. Tuy nhiên việc đánh giá thế nào là thời trang thì không hẳn ai cũng nhận định đúng. Rất nhiều người cho rằng, ăn mặc thời trang là phải theo xu hướng, theo trào lưu, liên tục “update” những mẫu mã mới trên thị trường.
Có người còn cho rằng “thời trang” là phải giống với thần tượng, ngôi sao nào đó. Nhưng theo tôi, những ý kiến trên đều là sai lầm. Đối với tôi thời trang phải đi liền với sự phù hợp. Bởi vóc dáng mỗi người là không giống nhau, ta không thể chạy theo xu hướng nào đó được. Bởi xu hướng luôn thay đổi từng ngày. Nếu chạy theo xu hướng không những hao tốn tiền bạc mà còn có thể dẫn tới khi mặc không thoải mái. Với tôi, trang phục phải đem đến sự thoải mái cũng như tự tin cho người mặc. Và quan trọng nhất đó là phải phù hợp với nơi mà mình muốn đến. Chẳng hạn đi làm, ta không thể mặc những bộ đồ ngủ ở nhà. Hay đi học thì không thể mặc những bộ cánh quá hở hang, lòe loẹt lố bịch. Bởi mặc phù hợp không chỉ tôn trọng bản thân mà còn tôn trọng người đối diện nữa. Chắn có lẽ chẳng bao giờ bạn muốn mình là trung tâm của mọi ánh nhìn cũng như lời bàn tán chỉ vì bạn mặc không phù hợp khi đến trường hoặc nơi công sở. Trang phục phù hợp rồi nhưng cũng cần phải đảm bảo sự hòa nhập với lối sống cộng đồng. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn lịch sử đều có những cách nhìn nhận về cái đẹp riêng. Người phụ nữ Việt Nam xưa là áo bà ba, áo dài thướt tha. Nhưng với ngày nay, xu thế hội nhập cũng như tính chất công việc hoạt động thường ngày, họ không thể ngày nào cũng mặc áo dài cho được. Xu hướng bình đẳng giới nên người phụ nữ cũng có rất nhiều người tham gia lao động những công việc nặng nhọc. Nếu như họ mặc những trang phục đó sẽ rất bất tiện khi làm việc. Bởi vậy mà trang phục cũng cần hòa nhập với thời thế. Nói như vậy không phải là ta loại bỏ những trang phục truyền thống của dân tộc. Ngày nay, áo dài thường được dùng để mặc vào những dịp trọng đại, mít tinh, kỉ niệm, ngày lễ lớn. Điều này rất phù hợp với tình hình phát triển chung của xã hội. Trang phục sẽ làm đẹp cho những người biết lựa chọn nó một cách phù hợp. Không ai ép bạn phải mặc cái này, phải mặc cái kia. mà đều là do bạn tự lựa chọn và quyết định. Chính vì thế, để mình được đẹp hơn không những trong mắt mình mà còn đối với người khác hãy khéo léo lựa chọn trang phục sao cho phù hợp nhất với vóc dáng, túi tiền, hoàn cảnh, nơi mà ta sẽ đến. Tôi thường hay chọn những trang phục đa năng. Chúng vừa có thể mặc khi đi học, đi làm và đi chơi. Như vậy vừa không tốn công sức lựa chọn vừa tiết kiệm được một khoản tiền để sử dụng vào những việc khác. Nên nhớ, trang phục chỉ là công cụ để giúp bạn tự tin hơn chính vì thế mà đừng tốn quá nhiều thời gian và tiền bạc cho nó. Bởi nếu chỉ có vẻ ngoài hào nhoáng, bạn sẽ chẳn thành công lâu dài trong sự nghiệp của bạn được đâu. Hãy dành những thời gian đó vào việc có ích hơn. Tôi thấy rất nhiều người bạn của tôi ngày ngày dành thời gian để mua sắm trang phục, quàn áo, giày dép, phụ kiện….. Thật là lãng phí thời gian. Bạn nên nhớ rằng, thời gian rất công bằng, không ai hơn ai hoặc kém ai một giây một tích tắc nào cả. Nhiệm vụ của bạn là sử dụng nó sao cho hiệu quả nhất. Đừng để nó trôi qua một cách vô ích. Nếu trong tủ đồ của bạn còn quá nhiều thứ chưa dùng đến, thì bạn đừng mua sắm thêm nữa. Hãy sử dụng hết những gì mình đã có. Như vậy vừa tiết kiêm được cả thời gian và tiền bạc. Tiện đây, tôi cũng muốn nói một chút về văn hóa ăn mặc thời nay cuả giới trẻ. Vì xu hướng hội nhập với thế giới mà giới trẻ lại rất nhạy cảm với những nền văn há du nhập vào Việt Nam. Suy nhĩ còn non nớt thiếu chín chắn, họ vẫn chưa biết đánh giá một cách rạch ròi như thế nào là phù hợp. Nhiều bạn trẻ ăn mặc quá “phóng khoáng” đến mức lố lăng. Nào là xu hướng khoe nội y hay thời trang không ngại thời tiết. Ngoài trời nhiệt độ dưới mười độ C vậy mà một số bạn vẫn thản nhiên mặc những bộ cánh hở hang, ngắn cũn. Chưa kể đến việc vào chùa là nơi thanh tịch, rất nhiều bạn ăn mặc lố bịch, thiếu văn hóa. Tôi không hiểu họ thấy đẹp ở đâu nhưng sự không phù hợp với nền văn hóa nước nhà là ta có thể thấy rõ. Người Việt Nam mang vẻ đẹp Á Đông, phong cách ăn mặc là nền nã kín đáo, chỉ vài thành phần nhỏ tôi kể trên cũng đã thấy được một bộ phận giới trẻ ngày nay đang làm mất dần đi vẻ đẹp văn hóa dân tộc. Hội nhập quá đà thành hòa tan.
Thời trang là một vũ khí, một công cụ đắc lực thể hiện nhân cách, lối sống và văn hóa dân tộc. Thời trang phát triển theo sự phát triển của xã hội hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta nên biết lựa chọn sao cho phù hợp với bản thân, với môi trường học tập và làm việc. Hãy để cho trang phục làm đẹp thêm cho chúng ta. Đừng để trang phục làm người đối diện hiểu lầm về nhân cách cũng như con người của bản thân mình.
————————–
Nghị luận về Thời trang và tuổi trẻ vừa được VnDoc.com gửi tới bạn đọc. Bài viết được tổng hợp gồm có 3 mẫu bài văn. Qua bài viết bạn đọc có thể thấy được rằng việc lựa chọn trang phục đối với mỗi người là rất quan trọng, đặc biệt là trang phục của học sinh ngày nay. Vai trò của trang phục vô cùng quan trọng trong việc thể hiện vẻ đẹp, nhân cách con người. Xã hội phát triển, vấn đề thời trang càng trở nên quan trọng đối với đời sống của mỗi người, nhất là giới trẻ. Mặc cho người tức là trang phục trên người mình nhưng lại để cho người khác ngắm nhìn, thậm chí có thể làm khuôn mẫu cho những người xung quanh học tập. Mặc đẹp không chỉ làm đẹp cho bản thân mà còn đem đến sự say mê, thích thú tạo nên thiện cảm cho người khác. Đồng thời thể hiện sự tôn trọng bản thân và mọi người xung quanh. Nhưng mặc cũng không hẳn là cho người, vì mặc trước hết là cho chính mình, mặc để bảo vệ cơ thể, để làm đẹp cho bản thân, một người mặc đẹp bao giờ cũng được người khác ngưỡng mộ. Mặc sao cho đẹp, sang trọng, đứng đắn, đúng với điều kiện, hoàn cảnh làm việc. Và điều quan trọng là mặc thế nào để hòa vào lối sống cộng đồng. Hiện nay còn tồn tại phong cách ăn mặc thiếu văn hóa, bụi bặm, lập dị, hoặc quá hở hang khi ra đường, tới những nơi công cộng, công sở gây sự phản cảm. Chính vì vậy khi lựa chọn thời trang cần chú ý tới phong cách thời trang sao cho phù hợp với hoàn cảnh, vóc dáng. Mong rằng qua bài viết bạn đọc có tài liệu để học tập nhé.
Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 10: Nghị luận về Thời trang và tuổi trẻ. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài học rồi đúng không ạ? Hi vọng qua bài viết bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 10 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 10.
Để giúp bạn đọc có thể giải đáp được những thắc mắc và trả lời được những câu hỏi khó trong quá trình học tập. VnDoc.com mời bạn đọc cùng đặt câu hỏi tại mục hỏi đáp học tập. Chúng tôi sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất nhé.
Bài tiếp theo: Nghị luận xã hội về câu “Tránh voi chẳng xấu mặt nào” và “Im lặng là vàng”
2
12.305
-
Chia sẻ bởi:
Nguyễn Nam Hoài
-
Nhóm:
Sưu tầm
Tải về
Bản in
Tham khảo thêm
-
Nghị luận nêu con người không có tri thức thì sẽ ra sao