Nghị định số 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp
Ngày 01/04/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp
Nghị định gồm 5 chương 35 điều quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp về doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp nhà nước, nhóm công ty, doanh nghiệp quốc phòng an ninh và công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước và được áp dụng với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 2 Luật Doanh nghiệp, Nghị định này quy định một số điểm mới cơ bản như sau:
1. Về doanh nghiệp nhà nước, nhóm công ty
Thứ nhất, Nghị định quy định về doanh nghiệp nhà nước và xác định tỷ lệ vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết do Nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp.
Thứ hai, Nghị định quy định việc sở hữu chéo giữa các công ty trong nhóm công ty như sau:
(1) Việc góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp theo quy định tại Khoản 3 Điều 195 Luật doanh nghiệp bao gồm trường hợp sau:
· Cùng góp vốn để thành lập doanh nghiệp mới.
· Cùng mua phần vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp đã thành lập.
· Cùng nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của các thành viên, cổ đông của doanh nghiệp đã thành lập.
(2) Doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn Nhà nước theo khoản 3 Điều 195 Luật Doanh nghiệp là doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên.
Thứ ba, Nghị định quy định cụ thể Ban kiểm soát, Kiểm soát viên tại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Nghĩa vụ của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên tại doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; Quy chế hoạt động của Ban kiểm soát, Kiểm soát viên; Cổ phần ưu đãi biểu quyết.
2. Về doanh nghiệp quốc phòng, an ninh
Điều 13 Nghị định quy định về điều kiện các định doanh nghiệp quốc phòng an ninh phải đảm bảo đồng thời các điều kiện, gồm: (1) Là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; (2) Có ngành, lĩnh vực và địa bàn hoạt động quy định tại Phụ lục 1 về Danh mục ngành, lĩnh vực hoặc địa bàn trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh kèm theo Nghị định số 47/2021/NĐ-CP; (3) Được Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao nhiệm vụ sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh hoặc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh bằng nguồn lực của Nhà nước hoặc nguồn lực của doanh nghiệp phù hợp với mục tiêu đầu tư, thành lập doanh nghiệp.
Nghị định quy định về chính sách đối với doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và người lao động tại doanh nghiệp quốc phòng an ninh, gồm: (1) Đượcmiễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất đối với diện tích đất được giao quản lý, sử dụng phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh phù hợp với quy định tại Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành: (2) Được Nhà nước đảm bảo các khoản chi phí; (3) Được Nhà nước cấp kinh phí cho việc duy trì, bảo dưỡng, sửa chữa vận hành các dây chuyền sản xuất quốc phòng, an ninh trong trường hợp tạm ngừng sản xuất mà không có khả năng tự bù đắp chi phí; (4) Được Nhà nước hỗ trợ 02 quỹ khen thưởng và phúc lợi bằng 02 tháng lương thực hiện trong trường hợp không đủ nguồn để trích lập; (5) Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí nhà trẻ, giáo dục tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục công lập; kinh phí y tế đối với những nơi do điều kiện đặc biệt phải duy trì bệnh xá; (6) Được tính khấu hao đối với những tài sản cố định là dây chuyền đầu tư sản xuất vũ khí, khí tài, trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ quốc phòng an ninh có vốn đầu tư lớn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Ngoài ra, người lao động trong doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được áp dụng các chế độ, chính sách theo khoản 2 Điều 16 Nghị định.
Nghị định quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp quốc phòng, an ninh, cơ cấu tổ chức và chức danh quản lý của doanh nghiệp, công nhận lại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh; Hồ sơ đề nghị công nhận lại doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và quy định cụ thể việc giao nhiệm vụ, đặt hàng sản phẩm, dịch vụ quốc phòng, an ninh và kiểm tra, giám sát doanh nghiệp quốc phòng, an ninh.
3. Về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước
Nghị định đã có nhiều thay đổi mới về công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước, cụ thể như sau:
Thứ nhất, sửa đổi quy định về phương tiện công bố thông tin theo khoản 2 điều 21 Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định về phương tiện báo cáo, công bố thông tin bao gồm: (1) Trang thông tin điện tử của doanh nghiệp; (2) Cổng hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu; (3) Cổng thông tin doanh nghiệp.
Ngoài ra, Nghị định còn bổ sung quy định về trường hợp thời điểm thực hiện công bố thông tin trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định pháp luật, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin vào ngày làm việc đầu tiên ngay sau ngày nghỉ, ngày lễ kết thúc.
Thứ hai, loại bỏ quy định về ngôn ngữ công bố thông tin: Trước đó, tại điều 6 Nghị định 81/2015/NĐ-CP có quy định về ngôn ngữ công bố thông tin là tiếng Việt. Trường hợp quy định công bố thông tin bổ sung bằng ngôn ngữ khác, ngôn ngữ thực hiện công bố thông tin bao gồm tiếng Việt và ngôn ngữ khác theo quy định. Tuy nhiên, tại Nghị định 47/2021/NĐ-CP đã không còn quy định về ngôn ngữ thực hiện công bố thông tin.
Thứ ba, bổ sung quy định về thông tin công bố định kỳ của doanh nghiệp nhà nước: Tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 47/2021/NĐ-CP đã bổ sung quy định về thông tin công bố định kỳ đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
4. Về doanh nghiệp xã hội
Nghị định dành hẳn một chương về doanh nghiệp xã hội (DNXH), nêu rõ trách nhiệm của DNXH và chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN), thành viên, cổ đông của DNXH.
Cụ thể, Nghị định nêu rõ, trách nhiệm của DNXH phải duy trì mục tiêu xã hội, môi trường, mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư và nội dung khác ghi tại cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường trong suốt quá trình hoạt động. Trừ trường hợp chấm dứt mục tiêu xã hội, môi trường trước thời gian đã cam kết, DNXH phải hoàn lại toàn bộ các ưu đãi, khoản viện trợ, tài trợ mà DNXH đã tiếp nhận để thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường đã đăng ký nếu không thực hiện hoặc thực hiện đầy đủ cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường và mức lợi nhuận giữ lại để tái đầu tư.
Chủ DNTN, thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn và đối tượng có liên quan là cổ đông đối với công ty cổ phần, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc ở nhiệm kỳ hoặc thời gian có liên quan chịu trách nhiệm liên đới đối với các thiệt hại phát sinh trong trường hợp DNXH vi phạm các nội dung trên.
Điều kiện tiếp nhận viện trợ, tài trợ của DNXH là tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định của pháp luật về tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Đặc biệt, DNXH được tiếp nhận tài trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật để thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Nghị định cũng nêu rõ, cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được dùng toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ để chuyển đổi thành DNXH sau khi có văn bản chấp thuận của cơ quan đã cấp giấy phép thành lập cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, từ thiện. DNXH sau khi chuyển đổi kế thừa toàn bộ các quyền, lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ, gồm cả nợ thuế, hợp đồng lao động và các nghĩa vụ khác của cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện chấm dứt hoạt động kể từ ngày DNXH được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Hồ sơ, trình tự, thủ tục chuyển đổi từ Cơ sở bảo trợ xã hội, quỹ xã hội, quỹ từ thiện thành DNXH thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và quy định của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
Nghị định quy định, DNXH thực hiện chia, tách doanh nghiệp, hợp nhất, sáp nhập với DNXH hoặc doanh nghiệp khác theo quy định tương ứng của Luật Doanh nghiệp. Trường hợp chấm dứt mục tiêu xã hội, môi trường trước thời hạn đã cam kết và giải thể DNXH, số dư tài sản hoặc tài chính còn lại đối với nguồn tài sản, tài chính mà DNXH đã nhận phải trả lại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đã viện trợ, tài trợ, chuyển đổi cho các DNXH khác, tổ chức khác có mục tiêu xã hội tương tự, hoặc chuyển giao cho Nhà nước theo quy định của Bộ Luật dân sự.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể DNXH được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp và quy định của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
Nghị định 47/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký; thay thế và bãi bỏ Quyết định 35/2013/QĐ-TTg; Nghị định 81/2015/NĐ-CP; Nghị định 93/2015/NĐ-CP và Nghị định 96/2015/NĐ-CP của Chính phủ.