Nghề xây dựng khó xin việc

Từ một kỹ sư xây dựng, anh Tâm giờ chuyển sang bán sim số đẹp sau nhiều ngày không nhận được hồi âm nào từ nhà tuyển dụng. 

Đã 6 tháng, anh Tâm ở quận 6, TP HCM chưa nhận được đồng lương nào từ công ty chuyên về xây dựng dân dụng và công nghiệp – nơi anh gắn bó 2 năm nay. Thời gian qua, rất nhiều công trình bàn giao cho đối tác nhưng khách hàng cứ trì hoãn thanh toán, đẩy công nợ lên xấp xỉ 2 tỷ đồng. “Công ty không có vốn xoay sở trong khi hợp đồng mới cũng chẳng bao nhiêu nên tình hình tài chính rất eo hẹp”, anh lý giải chuyện bị nợ lương khoảng 70 triệu đồng.

Lãnh đạo công ty hứa trả dần trong thời gian tới nhưng kỹ sư 26 tuổi tốt nghiệp Đại học Bách khoa TP HCM vẫn quyết định mang hồ sơ đi xin việc nơi khác. “Cả tháng nay, tôi chưa được hồi âm nào dù rải đơn khắp nơi. Giờ một kỹ sư xây dựng tốt nghiệp loại khá, có kinh nghiệm cũng không dễ dàng tìm được việc như khi mới ra trường”, anh cho hay.

Hiện tại anh góp vốn với bạn bè chuyển sang mở cửa hàng bán điện thoại di động, kinh doanh sim số đẹp vì cho rằng hầu như công ty xây dựng nào cũng khó khăn do thị trường địa ốc chưa khởi sắc nên tạm rời nghề này vài năm.

nhao1-1375065000_500x0.jpg

Các công trình hiện tạm ngừng hoặc thi công chậm nên nhu cầu tuyển dụng ngành trong xây dựng giảm hẳn. Ảnh: Ngọc Tuyên

Anh Đạt, 27 tuổi ở quận Bình Tân định rời Sài Gòn sau khi ông chủ công ty thông báo “hết tiền chi trả lương cho nhân viên”. Thông báo phát đi hồi tháng 5 và đến giờ nơi này chẳng còn mấy người lao động ở lại. Anh cùng nhiều nhân sự các phòng ban vẫn còn bị nợ lương, mỗi người xấp xỉ 20 triệu đồng. Hiện công ty này hầu như không có dự án mới mà chỉ hoàn tất một số hợp đồng cũ nên nhân viên không có việc để làm.

Hai tuần nữa, anh Đạt sẽ chuyển về quê vợ sắp cưới ở Nha Trang để mở một tiệm buôn bán nhỏ, chứ không tiếp tục trụ lại TP HCM. “Một số người bạn của tôi làm xây dựng đang chạy vạy khắp nơi xin việc nhưng khó quá. Nghề này không còn ở thời hoàng kim như trước nên chỉ những người thực sự giỏi mới mong trụ lại được. Nhiều anh em quen biết nhau lập thành nhóm để sửa chữa nhà cho các hộ dân hay thiết kế bản vẽ khi có yêu cầu”, anh chia sẻ.

Còn anh Phong, ở quận Bình Thạnh buộc phải chấp nhận công việc với mức lương chỉ có 10 triệu đồng một tháng, dù đã có bằng cao học. Vị trí giám sát công trình ở một công ty xây dựng trụ sở ở Bình Thạnh nhiều lúc buộc anh phải làm đêm nhưng thu nhập không cải thiện hơn bao nhiêu.

Anh kể, những lúc đổ bê tông vào 24h hay 2-3h sáng, anh phải có mặt để kiểm tra, giám sát tiến độ công trình. Công việc này đòi hỏi sức khỏe để chịu được cường độ làm việc. “Trong nhóm tôi có 3 người nhưng giờ đã nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực mà lương thì 2 năm nay không tăng được đồng nào”, anh chia sẻ. Anh dự định làm thêm 1-2 năm nữa rồi tìm hướng khác, có thể là dạy học vì đến 30 tuổi, sức khỏe không còn đủ tốt để làm công việc này. Ngoài ra, do tình hình khó khăn chung của thị trường địa ốc, xây dựng nên dù có làm ở công ty nào cũng không tránh khỏi thiệt thòi này nọ.

“Đáng lẽ với bằng cấp, chuyên môn có được, tôi có thể nhận mức lương hàng chục triệu đồng trở lên. Nhưng tôi cũng may mắn hơn nhiều anh em khác là vẫn có việc làm hàng ngày, chứ không tới mức thất nghiệp”, anh Phong nói.

Có thâm niên 16 năm, chị Bình, 40 tuổi ở quận Tân Phú cũng ám ảnh chuyện đi xin việc trong thời buổi này. Công ty chị mới cắt giảm 30-40% nhân sự vì dự án ngày càng ít nên không thể “nuôi” nổi số lượng nhân viên như trước đây. Chị nói: “Giờ tuổi tác không còn trẻ, nếu có xin được việc thì vị trí và lương cũng không thể như chỗ hiện tại”.

Chị còn nhận thiết kế bản vẽ dân dụng để kiếm thêm thu nhập. Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với 5 năm trước, thu nhập hàng tháng của chị vài chục triệu là bình thường. Các công trình xây dựng mọc lên như nấm và xây dựng được coi là nghề thời thượng. “Nhưng giờ đây tìm việc trong ngành xây dựng còn khó hơn dạng lao động phổ thông”, chị chia sẻ.

Theo Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP HCM, các nhóm ngành nghề kỹ thuật có nhu cầu tìm việc tăng đột biến trong tháng 7 là kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng, điện – điện lạnh – điện công nghiệp, công nghệ thực phẩm.

Ngoài nguyên nhân do sinh viên các trường đại học, cao đẳng tốt nghiệp ra trường, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm cho rằng hiện nay các công trình xây dựng tạm ngừng hoặc thi công chậm nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho ngành kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tìm việc khó khăn nên một số người có khuynh hướng tự lập nhóm hay đội xây dựng để sửa chữa nhà dân vì từ đây đến cuối năm có thể người dân có nhu cầu sửa sang nhà cửa. 20-30% lượng người còn lại vẫn kiên trì tìm kiếm công việc tại các cơ quan hay tập đoàn xây dựng. Tuy vậy, theo ông Tuấn, nhu cầu tuyển dụng ngành xây dựng không phải giảm hẳn và dự báo sẽ phục hồi trở lại vào năm 2015, khi thị trường địa ốc đã qua giai đoạn khó khăn. 

Chia sẻ với VnExpress.net, đại diện mạng tuyển dụng trực tuyến ở quận Tân Phú thống kê trong 30 ngày gần đây, người có nhu cầu tìm việc trong ngành xây dựng là 23 hồ sơ, nhưng không một doanh nghiệp nào muốn tuyển người.

Còn lãnh đạo một trang tìm việc khác ở quận Bình Thạnh cho hay, nhu cầu tìm việc của ngành kiến trúc – kỹ thuật công trình xây dựng tăng 10% so với tháng trước và tăng tới 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, số doanh nghiệp đăng tuyển giảm 5% so với tháng 6 và hạ 10% so với cùng kỳ.

Phương Mai