Nghệ thuật thư pháp xưa và nay

Thư pháp là nét chữ sang, bao gồm cả thần thái bên ngoài và ý nghĩa cốt lõi bên trong, được coi là thú chơi tao nhã của những bậc văn nhân, nho sĩ. Trong văn tịch cổ nói thư pháp đã có từ hàng nghìn năm nay, du nhập vào Việt Nam cùng với chữ Hán, đồng hành qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn… và được đón nhận như sự tinh tuý, diệu kì của giá trị văn hóa.

Qua bao biến cố thăng trầm cùng lịch sử, ngày nay thời đại công nghệ hiện đại nhưng thư pháp vẫn luôn có sức sống nội tại riêng biệt. Vào mỗi độ Tết đến xuân về, lòng người lại bồi hồi, chộn rộn khi nghe tiếng thơ ngân nga, vang vọng trong tâm thức dội về: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bầy mực Tàu giấy đỏ/ Bên phố đông người qua…”.

thu2.jpg -0
Nghệ thuật thư pháp được nhiều người trẻ tiếp nối.

Mấy câu thơ của tác giả Vũ Đình Liên gieo vào kí ức của mỗi người một nỗi buồn man mác, xa xăm về những tháng ngày trong kí ức. Đó là thời tuổi thơ chỉ mong đến Tết được quây quần cùng gia đình, làng xóm bên nồi bánh chưng xanh, đến 20 giờ bên cạnh tivi 14in thuở có hai màu đen trắng, canh đến chương trình thơ Tết.

Bài thơ “Ông đồ” của Vũ Đình Liên như một món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi gia đình trong dịp đón Tết cổ truyền của người Việt. Hình ảnh ông đồ già bên mực Tàu, giấy đỏ để thảo nét chữ phượng múa, rồng bay bên con phố tấp nập người qua lại giữa tiết trời đông gió lạnh của ngày Tết đã nằm lòng trong tâm trí bao người. Biết bao mùa xuân đã trôi qua, kí ức tuổi thơ và hình ảnh về ông đồ thư pháp gói ghém gọn ghẽ trong những câu thơ đầy xúc cảm của tác giả Vũ Đình Liên qua giọng ngâm truyền cảm, lắng đọng của người nghệ sĩ cứ nhập nhòa ẩn hiện trong tâm trí mỗi chúng ta.

Ngày nay, khó có thể tìm thấy bóng dáng ông đồ già với dáng hình gầy guộc, tiếng nói từ tốn, chậm rãi. Giờ chỉ thấy hình ảnh những ông đồ trẻ thế hệ 7X, 8X, 9X, thậm chí có “ông đồ sinh viên”. Họ có dáng vẻ khoẻ khoắn và hiện đại, bên cạnh mực thơm, giấy thơm là chiếc điện thoại di động thông minh kết nối toàn cầu. Ông đồ trẻ vừa ngơi tay viết đã cầm chiếc smart phone lướt TikTok, Facebook, Zalo…

Thư pháp là chữ viết đạt một trình cao hơn được gọi là nghệ thuật. PGS, TS, nhà nghiên cứu di sản Trần Lâm Biền kể: Thư pháp ngày xưa là thú chơi chỉ dành cho người hiền tài đức độ, bậc nho sĩ khoa bảng, là thứ chữ thường chỉ có ở trong nhà những gia đình Nho học, trọng chữ nghĩa. Thú chơi chữ và xin chữ ngày xưa khác lắm, không phải là ai cũng có thể trở thành ông đồ. Ông đồ ngày xưa thường là các bậc cao niên trong làng, trong xã, đã có thời gian trải đời, có con mắt sắc sảo nhìn người. Bằng ấy năm ngoài việc rèn chữ, ông đồ còn phải sống đời đạo đức, ngay thẳng, để phúc lộc cho con cháu, và trường thọ cho bản thân. Ông đồ ngày xưa tuy có thể không giàu sang nhưng tuyệt đối không để bản thân bần hàn. Ông đồ sống an nhiên, tự tại, cuộc sống khiêm hạ kín đáo, không tranh giành hơn thua được mất, lấy chữ Nhẫn làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Để khi ông đặt bút viết chữ Phúc, Đức, Thọ, Tâm, Tài, Trí… sẽ ứng vận vào. Tướng hình là tướng tâm, tướng chữ cũng là tướng tâm. Nhìn tướng người biết tâm. Nhìn nét chữ biết nết người.

Nét chữ lúc bay bổng, nhẹ nhàng, lúc lại chắc chắn và dứt khoát như tính cách của ông đồ. Tưởng dễ mà thật khó, tưởng khó mà thật dễ. Cái dễ ở đây là ai cũng có thể đặt bút thảo chữ, nhưng cái khó là viết ra nét chữ có hồn cốt, có thông điệp, khiến người được chữ bị chìm ngợp và mê đắm hay không?!

Thuở xưa, khi khoa học kỹ thuật còn chưa phát triển, mọi người sống trong quần thể xã hội thu nhỏ nên người cùng làng dễ biết gia cảnh của từng nhà và tính cách của từng người. Ngày đầu xuân năm mới, ước mơ có được một cuộc sống an vui đến với mình và gia đình nên ngày đấy người trẻ thì xin chữ Trí, chữ Tuệ, người trung niên thì xin chữ An, chữ Nhẫn, người lại mong muốn có chữ Phúc, chữ Đức, người già mong chữ Thọ. Ông đồ dáng vẻ thanh tao, nho nhã nhìn người đối diện biết họ đang cần chữ gì liền trải giấy mài mực, thảo chữ rồi tặng người đến xin. Người nhận chữ cảm ơn thầy đồ bằng con gà mái tơ, con cá tươi mới câu được ở bờ ao, đôi bánh chưng xanh, hay đơn giản chỉ là đấu gạo, hay dăm ba lạng thịt lợn tươi ngon, hoặc khoanh giò. Nếu nhà nào nghèo, cắt buồng chuối chín, hái vài quả bưởi mang đến tạ ơn thầy. Thầy đồ nhận lấy không chút lăn tăn, thậm chí trong nhà có gì ngon đem cho người xin chữ nghèo khó.

Năm tháng dần trôi, quy luật của tạo hóa, có sinh có diệt, những thầy đồ thuở xưa lần lượt về miền xa thẳm. Thời nay, thầy đồ hiện đại cũng khăn thếp, áo the, chân đi guốc mộc, cũng mực Tàu, giấy đỏ. Thầy đồ ngày nay rất “chiều” khách, vì khách hàng là thượng đế. Khách muốn “xin” chữ gì cũng được, miễn trả đủ tiền. Giấy khổ to thì tiền to, khổ nhỏ tiền nhỏ.

thuphap.jpg -0
Dịch vụ xin chữ đầu xuân trở nên thịnh hành vào dịp Tết.

Mà chữ hay được xin của thời nay lại là chữ Vượng, Tài, Quan, Lộc. Có hai thanh niên ăn vận lịch sự đi vào “quầy” ông đồ xin chữ rất lạ. Họ bảo: “Anh viết cho em chữ Điền đi, hết bao nhiêu tiền em gửi. Nhưng mà phải viết thật đẹp và thật to vào”. Hỏi ra mới biết hai người này kinh doanh bất động sản, họ muốn xin chữ Điền để mở rộng đất đai. “Thầy đồ” tươi cười bảo: “Để tôi viết cho hai cậu chữ Tài, chữ Vượng vì hai chữ này bao gồm có cả Điền trong đấy rồi”.

Hai cậu thanh niên nhất quyết không chịu: “Bảo thầy viết chữ gì thì thầy cứ viết chữ đấy, tài nhiều, tiền nhiều, kinh tế đang lạm phát, có tiền để đấy không làm gì thì cũng khó có thể giàu lớn được. Có Điền nhiều trong tay mới là thắng đậm”. Thầy đồ liền thốt lên hai từ: “Có ngay, có ngay” rồi nhanh tay hì hụi mài mực, khom người viết. Mọi người đi qua dừng lại xem, và chỉ ít phút sau, một người, hai người, ba người đều xin chữ: “Điền”. Khi chữ Điền bằng mực Tàu đen nổi trên nền giấy đỏ (màu đỏ màu may mắn), hai thanh niên thoả thuê ngắm chữ Điền vui vẻ cầm ra về.

Nhiều nam thanh nữ tú đến xin chữ Hỷ. Họ mong có đôi, có cặp. Thầy đồ già nói: “Thời đại ngày nay với thời đại ngày xưa khác nhau, thời xưa người cho chữ là người thông thạo chữ thánh hiền, hiểu rõ chữ Hán, chữ Nôm, sống một đời thanh liêm, đạo đức để cho chữ mình viết ra là truyền tải cả hồn cốt tinh tuý bên trong của chữ viết chữ quốc ngữ kiểu nét thảo. Thời nay, ai viết đẹp, có người chỉ biết chữ quốc ngữ cũng có thể khăn thếp áo the làm ông đồ. Nếu thời xưa cả cuộc đời ông đồ chỉ chú trọng rèn chữ thì ngày nay thư pháp chỉ là nghề phụ, làm vì đam mê hay làm để kiếm thêm thu nhập, còn gọi là nghề tay trái.

Họ viết những chữ: “An Khang”, “Thịnh vượng”, “Phú Quý”, “Tài Lộc”… Người xin đặt hàng inbox qua Facebook, Zalo, messenger. Họ thanh toán bằng chuyển khoản qua ngân hàng, và nhận chữ qua các shipper grap.

Tất nhiên, không phải ai cũng đặt hàng chữ qua kênh dịch vụ. Khi những giọt mưa xuân lất phất rơi, cây cối đâm lộc non chồi biếc, trong tiếng chuông chùa ngân vang và mùi nhang khói thơm nồng là những thầy đồ kê sạp chữ bên mé chùa. Những chữ ở trong không gian thanh tịnh dường như lại chứa đựng ước nguyện của con người mong một năm mới sắp tới với những điều tốt đẹp nhất sẽ đến. Một mùa xuân lung linh bên thềm với tiếng chim hót líu lo rộn ràng.