Nghề săn loại động vật phá hoại mùa màng kiếm 2-3 triệu mỗi ngày ở Nghệ An


Người dân đi săn bắt chuột ở huyện Yên Thành, Nghệ An.

Những ngày này, cơ sở thu mua chuột của anh Cung Đình Thân (xóm 1 – Thọ Bằng,  xã Đức Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) luôn tất bật người dân đến để nhập chuột. Anh Thân cho biết, trung bình mỗi ngày anh nhập trên 1 tấn chuột rồi đem đi các tỉnh phía Bắc để tiêu thụ.

Trước đây, Thọ Bằng được biết đến là “làng thịt chuột” nổi tiếng cả vùng quê lúa Yên Thành. Từ suy nghĩ của người dân săn bắt chuột để giảm thiểu sự phá hoại mùa màng, hoa màu, sau một thời gian, chuột săn bắt về được người dân bày bán, thu hút sự quan tâm của nhiều người dân địa phương. Món thịt chuột dần trở thành món ăn ”khoái khẩu”. Nhờ đó, không ít gia đình ở Thọ Bằng đã đổi đời nhờ loài vật phá hoại này.

Sau một đêm đi săn chuột trở về, anh Cung Đình Mậu (SN 1978, xóm 1 Thọ Bằng, xã Đức Thành) trở về nhập cho cơ sở thu mua hơn 100kg chuột, trừ chi phí, xăng xe anh được hơn 3 triệu đồng.

“Săn chuột đã có từ lâu ở địa phương, những vùng nào có chuột chúng tôi đều tìm đến để đánh bắt và được người dân ở nơi đó rất ủng hộ để tránh chuột phá hoại mùa màng, hoa màu. Trước đây, đi săn chuột về chúng tôi bày bán tại chỗ, nhưng nay có cơ sở thu mua nên rất thuận tiện, cứ có chuột về lại đem đến để nhập rồi cầm tiền bỏ túi”, anh Mậu cười nói.



Chuột đi săn bắt về được đưa đến nhập cho các cơ sở thu mua. 

Tại Thọ Bằng, tranh thủ lúc nông nhàn, đến nay có cả trăm người dân đã sắm các dụng cụ bắt chuột (bẫy, lồng…) và đi săn bắt ở khắp mọi nơi. Không khí cả làng quê này lúc nào cũng tất bật.

Theo một người dân địa phương, từ việc săn bắt chuột về để làm thức ăn, nay việc này đã trở thành thường xuyên. ”Ở vùng quê lúa này, lo việc mùa màng xong xuôi, chúng tôi thường đi săn bắt chuột rồi nhập cho các cơ sở thu mua trên địa bàn để lo tiền cho các con ăn học, chi tiêu trong gia đình”, người này chia sẻ.





Mỗi ngày các cơ sở ở xã Đức Thành (Yên Thành) thu mua cả tấn chuột.

Còn theo các chủ cơ sở thu mua chuột đồng, có ngày cả tấn chuột được người dân khắp mọi nơi như Yên Thành, Diễn Châu… mang đến để bán. “Chuột mua trong ngày sẽ được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Bắc ngay trong ngày. Ngoài ra, khi người dân có nhu cầu, chúng tôi làm thịt ngay tại chỗ để bán”.




Ông Cung Đình Hoàn (Bí thư Chi bộ xóm 1, xã Đức Thành) cho biết, toàn xóm có 327 hộ với trên 1.100 nhân khẩu, lúc nào cũng có gần 100 người thường xuyên đi săn bắt chuột. Trên địa bàn xóm hiện có 3 cơ sở thu mua chuột, trung bình mỗi cơ sở nhập trung bình từ 5 tạ đến 1 tấn chuột/ngày.

“Nghề săn bắt chuột đồng có từ khi nào chúng tôi không nhớ nữa. Trước đây bà con dùng các công cụ thô sơ đi bắt chuột và chỉ bán tại địa phương. Hiện nay, người dân đã mở rộng vùng săn bắt, bằng các loại bẫy, lồng hiện đại hơn. Nhờ đó, nhiều hộ dân trong xóm đã có thu nhập khấm khá, phát triển kinh tế gia đình”, ông Hoàn cho hay.



Người dân chuẩn bị lồng để đi săn bắt chuột.

“Tại làng Thọ Bằng, việc đi săn chuột đã có từ lâu đời. Thông thường bà con tận dụng thời gian rảnh rỗi, nông nhàn rủ nhau đi bắt chuột. Mặc dù không phải là nghề chính nhưng chúng tôi cũng khuyến khích bà con tham gia săn bắt chuột, vừa bảo vệ hoa màu, mùa màng; lại vừa phòng chống dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh, môi trường sống. Đặc biệt, việc săn bắt chuột đã giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập để từng ngày cải thiện cuộc sống tốt hơn”, một lãnh đạo UBND xã Đức Thành cho biết.

Bảo Trâm