Nghề bán cát thay lư hương “lên ngôi” dịp Tết
Đến hẹn lại lên, nắm bắt nhu cầu thay cát lư hương bàn thờ của người dân trong dịp Tết, nghề bán cát trắng lại vào mùa “ăn nên, làm ra”. Những ngày này, đi dọc các khu chợ ở Đà Nẵng như chợ Cồn, chợ Hòa Khánh, chợ Đống Đa… đều thấy cảnh nhiều chiếc xe đẩy, rồi nhiều bàn hay sạp nhỏ bày bán loại hàng đặc biệt này.
Gắn bó với nghề bán cát từ 5 năm nay, bà Nguyễn Thị Cúc (45 tuổi, quê Quảng Nam) cho biết, cả năm làm ruộng nên bà chỉ chờ mỗi khi Tết đến là kéo xe đi khắp các con đường ở Đà Nẵng để bán cát kiếm thêm thu nhập trang trải ngày cuối năm.
Cát phải thật trắng, thường được lấy chủ yếu từ vùng cát Hương An (Quảng Nam) nổi tiếng bởi sạch, hạt nhỏ. Trước đây, khi đưa ra thị trường tiêu thụ, cát phải trải qua nhiều công đoạn sàng lọc để loại bỏ tạp chất, không được để sót một cọng rác, sau đó đem phơi khô rồi mới đóng bao.
Gần Tết, nắm bắt nhu cầu thay cát lư hương của người dân, nghề bán cát trắng lại vào mùa “ăn nên, làm ra”.
Nhưng giờ, người bán cát “khỏe” hơn vì chỉ cần đến nhà máy hay các tiệm bán cát ở Quảng Nam mua loại cát trắng dùng làm kính về cho vào bao là được. Loại cát này trắng mịn, ít tạp chất, không ô nhiễm nên thu hút người mua.
“Tùy từng bao lớn, nhỏ mà có giá từ 10-20 ngàn đồng/bao. Mỗi xe đựng khoảng 250 lon, cát được cho sẵn vào bao nilon (mỗi bao từ 3-5 lon), giá bán lẻ là 2 ngàn đồng/lon. Trung bình một ngày tôi bán được khoảng 15-30 bao, tiền lời cũng được 50-150 ngàn đồng”, bà Cúc chia sẻ.
Còn bà Võ Thị Thủy (50 tuổi, quê thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) chia sẻ, công việc dù vất vả vì phải ngồi cả ngày “bán mặt” ngoài đường, song những mệt nhọc, vất vả được xua tan khi những bao cát vơi dần. Thỉnh thoảng, những người bán cát như bà lại ngồi đếm từng đồng tiền lẻ để nhẩm tính chuyện sắm Tết.
Dọc các khu chợ ở Đà Nẵng như chợ Cồn, chợ Hòa Khánh… đều thấy cảnh bày bán thứ đặc biệt này.
“Thời điểm đắt khách nhất là vào ngày 22 âm lịch, khi ai cũng sửa soạn bàn thờ sạch sẽ để đưa ông Táo về trời. Mấy ngày qua, tôi bán được khoảng 100 bao cát, tiền lời cũng được hơn 400.000 đồng. Ai trúng mánh, một mùa có thể có vài triệu tiêu Tết là chuyện thường”, bà Thủy nói.
Chọn mua cát về thay lư hương trên bàn thờ, bà Nguyễn Thị Ánh Minh (62 tuổi, trú quận Hải Châu) cho biết, năm nào cũng mua vài lon cát trắng để về thay lư hương với mong muốn thay đổi cái cũ, đón một năm mới với nhiều điều tốt lành, hưng thịnh.
“Cát để cho vào lư hương mang đậm sắc thái tâm linh. Mỗi gia đình mua ít nhất cũng một vài bao, năm nay nhà tôi mua 3 bao với giá 30 nghìn đồng. Có nhiều gia đình mua cả chục bao tùy vào số lượng lư hương trong nhà”, bà Minh nói.
Cát bán phải thật trắng, thường được lấy chủ yếu từ vùng cát Hương An (Quảng Nam) nổi tiếng bởi sạch, hạt nhỏ.
Có lẽ, nghề bán thứ đặc biệt này chỉ xuất hiện nhiều ở Quảng Nam – Đà Nẵng và những chiếc xe bò chở cát từ lâu là một nét văn hóa rất riêng của người dân ở nơi đây. Công việc của họ không chỉ là để mưu sinh mà còn mang ý nghĩa tâm linh, nhắc nhở mọi người nhớ đến cội nguồn vào ngày Tết.
Một số hình ảnh về công việc của người làm nghề bán cát thay lư hương tại Đà Nẵng:
Trước đây, khi đưa ra thị trường, cát phải trải qua nhiều công đoạn sàng lọc để loại bỏ tạp chất rồi mới được đóng bao.
Cuối năm, nông dân đi bán cát trắng kiếm tiền trang trải dịp Tết
Giờ đây, người bán cát chỉ cần đến tiệm tìm mua loại cát dùng làm kính về cho vào bao là bán được.
Một số nơi còn bán với số lượng lớn để dùng cho việc rải lên mộ vào dịp cuối năm.
Tùy từng bao lớn, nhỏ mà cát có giá từ 10-20 nghìn đồng/bao, giá bán lẻ là 2 nghìn đồng/lon.
Mùa Tết, nếu may mắn, người bán cát có thể thu về vài triệu để trang trải trong những ngày Tết.
Những chiếc xe bò chở cát từ lâu là một nét văn hóa rất riêng của người dân ở nơi đây.