Nghề Trang Điểm Cần Những Tố Chất Gì? – Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu
Nghề trang điểm cần tố chất gì để thành công? Trang điểm từ lâu vốn được xem là bộ môn nghệ thuật mà ở đó chuyên viên makeup là nghệ sĩ, cầm trong tay chiếc cọ thần kỳ có khả năng phù phép “vịt con xấu xí” trở thành thiên nga, biến khuôn mặt nhợt nhạt của cô gái trở nên sắc sảo, cuốn hút một cách tài tình. Để làm được điều đó, tố chất là thứ không thể thiếu. Vậy muốn học và làm nghề trang điểm, bạn cần sở hữu những tố chất đặc biệt nào? Hãy cùng Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu tìm hiểu thông qua bài viết sau nhé.
Nội Dung Chính
Người học nghề trang điểm cần tố chất gì?
Đam mê, lòng yêu thích bền bỉ đối với nghề makeup
Vì sao nói đam mê là tố chất cần có của người học nghề trang điểm? Theo chia sẻ từ chuyên gia makeup nổi tiếng Quách Ánh, nghề trang điểm không hề nhàn hạ như mọi người vẫn nghĩ, bởi công việc này đòi hỏi phải có sức khoẻ thật tốt, phải dậy sớm, có khi đứng 8 – 10 tiếng/ngày, bê cốp trang điểm rất nặng… Cô cho biết có lần chụp X-quang, bác sĩ bảo cột sống của cô bị cong vì hằng ngày đứng quá nhiều.
Chuyên gia trang điểm Quách Ánh khẳng định nghề trang điểm không hề nhàn nhã như mọi người vẫn lầm tưởng (Nguồn ảnh: cafebiz)
Không chỉ vậy, Quách Ánh còn giãi bày rằng đến bây giờ vẫn còn một số người chưa hình dung đúng về công việc trang điểm, không ít bậc phụ huynh cho rằng học hành không đến nơi đến chốn mới theo nghề makeup. Ngày trước, khi chọn công việc này, cô chưa nghĩ đến việc cần xã hội công nhận mà chỉ muốn gia đình, người thân thay đổi cách nhìn về mình.
Có thể thấy, với nghề trang điểm, đam mê, lòng yêu thích thật sự sẽ là động lực vô hình thúc đẩy bạn vượt lên những khó khăn, trở ngại để chạm tới đích đến thành công. Những thử thách đó không chỉ là quá trình khổ luyện tay nghề bền bỉ theo năm tháng, mà cả yêu cầu sức bền thể lực để chạy đua với thời gian và áp lực công việc, tinh thần thép để tiếp nhận mọi lời khen chê và cả định kiến phiến diện từ người khác…
Tâm hồn nhạy cảm, đôi mắt nhạy bén trước cái đẹp
Trang điểm không đơn giản là gầy vài nhát cọ, phẩy vài vệt phấn là hoàn thành một tác phẩm nghệ thuật đáng trầm trồ. Nếu chỉ biết sử dụng mỹ cụ, mỹ phẩm, bạn đơn thuần chỉ là một nghệ nhân. Nhưng để xứng tầm là makeup artist theo đúng nghĩa từ “artist”, bạn buộc phải có sự tinh nhạy trong khả năng cảm thụ nét đẹp sẵn có và khai phá cái đẹp tiềm ẩn.
Người theo nghề trang điểm cần có khả năng rung cảm trước cái đẹp và khai thác chúng (Nguồn ảnh: Internet)
Nói dễ hiểu hơn, một makeup artist thuộc thế hệ đàn anh cho biết ngoài yếu tố đam mê và kỹ thuật, chuyên viên trang điểm nên là người có đủ độ nhạy cảm để chỉ cần qua một lần tiếp xúc là hiểu đối tượng trang điểm của mình. Độ tinh tường đó thể hiện ở việc nhận ra không chỉ ưu khuyết điểm trên khuôn mặt, mà còn cả cá tính, phong cách và môi trường giao tiếp của cô ấy.
Đối với chuyên gia trang điểm Nam Trung, anh quan niệm: “Thay vì chăm chăm tìm những khuyết điểm trên gương mặt để khắc phục, tôi chú trọng vào nét riêng của họ, tìm cách tôn lên yếu tố đó. Mỗi gương mặt luôn có nét ẩn giấu riêng. Nhiệm vụ của tôi là nhìn vào họ và tìm ra nó”. Anh cũng cho biết cảm xúc là thứ không thể luyện tập được và bạn cần sống đúng với cảm xúc của mình nếu muốn trở thành makeup artist.
Makeup artist “mát tay” là người có khả năng phát hiện ra nét riêng và tìm cách tôn lên yếu tố đó (Nguồn ảnh: Elle)
Kiên nhẫn, tỉ mỉ, khéo léo
Một khuôn mặt được tô vẽ hoàn chỉnh là sự kết hợp hoàn hảo của từng đường nét, là sự chỉn chu trong cách phối màu trên tất cả mọi bộ phận trên gương mặt, vì thế đòi hỏi sự trau chuốt, chăm chút trên từng nét cọ. Thiếu kiên nhẫn, hấp tấp sẽ khiến lớp makeup bị qua loa, dễ mắc sai sót, dẫn đến khách hàng không hài lòng với thành phẩm cuối cùng.
Sự kiên nhẫn, khéo léo không chỉ thể hiện ở kỹ thuật chuyên môn mà còn cả ở kỹ năng mềm trong giao tiếp. Trong lĩnh vực hướng đến sự hoàn thiện như trang điểm, bạn sẽ có dịp tiếp xúc với những khách hàng cực kỳ khó tính, yêu cầu cao, thậm chí đưa ra lời nhận xét khó nghe. Để đối phó với những tình huống này, bạn cần biết cách lắng nghe, tiếp thu góp ý, uyển chuyển trong lời nói để thuyết phục khách hàng đồng tình với giải pháp trang điểm mình đưa ra…
Một khuôn mặt được makeup chỉn chu không có chỗ cho sự khinh suất, nóng vội (Nguồn ảnh: Internet)
Háo hức học hỏi cái mới trong trang điểm
Quan niệm về cái đẹp luôn thay đổi, thị hiếu khách hàng cũng chẳng đứng yên. Vì thế, người theo nghề trang điểm cần mạnh dạn phá bỏ rào cản tâm lý khi tiếp nhận cái mới. Am hiểu những trào lưu thời thượng, chủ động hoà mình vào gu thẩm mỹ đương đại là cách để bạn học hỏi cái mới, vận dụng vào công việc thường ngày nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Cũng như thời trang, xu hướng trang điểm dịch chuyển theo hình xoắn ốc để quay về điểm cũ nhưng sẽ được nâng cấp về kỹ xảo và công nghệ. Nếu bạn tự đóng khung chính mình vào khuôn khổ cứng nhắc, ngại đón nhận xu hướng trang điểm mới, lười nâng cao tay nghề và đa dạng hoá layout thì sức sáng tạo của bạn sẽ bị giới hạn và thụt lùi so với đối thủ.
Thiếu chủ động nắm bắt cái mới, tay nghề trang điểm của bạn sẽ “tụt hậu” theo thời gian (Nguồn ảnh: Internet)
Tác phong chuyên nghiệp
Khác với đam mê hay độ nhạy cảm xúc, tác phong chuyên nghiệp là thứ có thể học được, thể hiện ở diện mạo chỉn chu khi tiếp xúc với khách hàng (đầu tư vào ngoại hình là cách tạo niềm tin ở khách hàng), ở ý thức đúng hẹn, ở việc tìm hiểu kỹ khách hàng trước khi bắt tay vào làm…
Bàn về thái độ chuyên nghiệp, chuyên gia trang điểm Lý Trường Giới cho biết: “Để tạo sự tin tưởng cho khách hàng, tác phong làm việc rất quan trọng. Tôi luôn đúng giờ, thà mình đến sớm hơn khách 5 – 10 phút. Trước khi làm việc với ai lần đầu, tôi luôn tìm hiểu kỹ về họ, xem gương mặt ra sao, phù hợp với layout nào, kiểu tóc sao cho phù hợp, biết gu họ thích gì để mình đáp ứng điều họ muốn. Đặc biệt luôn vui vẻ để không khí thật thoải mái”.
Chuyên gia makeup Lý Trường Giới khẳng định tác phong chuyên nghiệp là yếu tố rất quan trọng trong nghề trang điểm (Nguồn ảnh: Internet)
Kiến thức, kỹ năng trang điểm là nền tảng
Ngoài các tố chất thuộc về tính cách thì kiến thức, kỹ năng chính là then chốt để bạn làm nghề. Kỹ thuật trong nghề trang điểm bao gồm kỹ thuật tán nền bằng cọ, kỹ thuật che khuyết điểm trên da, kỹ thuật tạo khối, kỹ thuật vẽ chân mày/tạo hiệu ứng màu sắc cho chân mày, kỹ thuật dán lông mi, kỹ thuật tán màu mắt…
Không chỉ vậy, mỗi khuôn mặt sẽ có phương pháp xử lý riêng biệt, chỉ người có kiến thức chuyên môn mới biết cách. Ví dụ như cách phân biệt hình dáng khuôn mặt, nhận biết tông da, xác định tình trạng da… Những kiến thức này là tiền đề giúp bạn đưa ra giải pháp trang điểm phù hợp nhất cho khách hàng.
Thiếu kiến thức nền tảng, bạn khó thích ứng với nhiều đối tượng khách hàng và layout trang điểm khác nhau (Nguồn ảnh: Internet)
Đặc biệt, rất nhiều chuyên gia makeup nổi tiếng khẳng định nghề trang điểm còn đòi hỏi kiến thức cơ bản về hình khối, mảng màu trong hội hoạ, điêu khắc để biết cách sử dụng màu sắc, ánh sáng, đường nét nhằm tôn bật lên vẻ đẹp và khí chất của người được trang điểm.
Cần thừa nhận rằng có những bạn may mắn được trời phú cho đôi tay khéo léo, năng khiếu cảm thụ trọn vẹn cái đẹp, tư duy tốt về màu sắc, sáng tạo hình khối… nên học nhanh, hiểu nhanh. Tuy nhiên, trăm hay không bằng tay quen. Nếu bạn là người vụng đường tô vẽ hoặc khả năng tiếp thu chậm hơn các bạn khác thì hãy chăm chỉ luyện tập để thành thạo hơn theo thời gian.
Một điều cần lưu ý là chỉ khi có kỹ thuật làm nghề hoàn thiện, bạn mới có thể thích ứng với mọi “đề bài” khách hàng đặt ra. Kỹ thuật là nền tảng giúp bạn sáng tạo nên dấu ấn cá nhân – yếu tố sống còn khi gầy dựng thương hiệu. Chắc kiến thức, vững tay nghề, cộng với vốn sống phong phú, tâm hồn rung cảm mãnh liệt trước cái đẹp, bạn mới đủ sức sáng tạo ra phong cách độc nhất vô nhị và tiên phong tạo ra xu hướng.
Chỉ khi chắc tay nghề, bạn mới có thể tạo ra thành phẩm theo đúng tinh thần sáng tạo bay bổng của mình (Nguồn ảnh: Internet)
Bên cạnh tố chất, các hành trang khác khi học makeup là gì?
Bên cạnh một số tố chất thiên về tính cách, bản năng, khi học nghề trang điểm, bạn cần chuẩn bị một số hành trang cần thiết khác như tham gia một khoá học trang điểm chuyên nghiệp cùng giảng viên giàu kinh nghiệm, bộ dụng cụ trang điểm chuyên dụng để thực hành, chi phí phát sinh trong quá trình học…
Cốp đựng đồ trang điểm thường bao gồm bộ cọ đầy đủ, kem lót, kem nền, phấn phủ, phấn má, son môi, mascara, lông mi giả… Mỹ cụ khi học trang điểm cũng quan trọng như bút viết khi học chữ vậy. Hãy đầu tư bộ dụng cụ trang điểm hoàn chỉnh, chuyên nghiệp để thoải mái thực hành trên lớp và tại nhà.
Bộ cọ trang điểm là thứ không thể thiếu với người học makeup (Nguồn ảnh: Internet)
Lưu ý khi tham gia khoá học trang điểm chuyên nghiệp, bạn cần dành thời gian tìm hiểu về thông tin giảng viên đứng lớp, giáo trình, học phí, địa điểm, cơ sở vật chất, thời gian đào tạo, chứng chỉ nhận được sau tốt nghiệp… Chọn đúng môi trường đào tạo chất lượng, uy tín đồng nghĩa với việc bạn đã có lợi thế rất lớn ngay từ đầu.
Chăm Sóc Sắc Đẹp Á Âu vừa cùng bạn tìm hiểu bài viết “Nghề trang điểm cần tố chất gì?”. Thật ra không ai sinh ra cũng đều sở hữu mọi tố chất phù hợp với nghề trang điểm. Có những thứ bắt buộc bạn phải đầu tư thời gian, chăm chỉ rèn luyện thì mới cải thiện. Hy vọng qua những thông tin trên, cùng với lòng đam mê sẵn có và tinh thần không ngại khó, bạn sẽ càng nỗ lực nhiều hơn để theo đuổi nghề trang điểm một cách đúng hướng.
Để được tư vấn cụ thể hơn về nghề trang điểm và khoá học Chuyên Viên Trang Điểm tại Hướng Nghiệp Á Âu, hãy điền vào form đăng ký bên dưới hoặc gọi đến tổng đài miễn phí 1800 6148 bạn nhé.
☆
☆
☆
☆
☆
Điểm: 4.6 (44 bình chọn)
Cảm ơn đã bình chọn!