Ngày Xuân thăm khu tưởng niệm bác sĩ Y-éc-xanh
Rất nhiều thành phố ở nước ta ngày nay đã đặt tên ông cho các đường phố, trường học, viện nghiên cứu, vườn hoa. Riêng ở Khánh Hòa, bên cạnh Bảo tàng Y-éc-xanh và các đường phố, trường học mang tên bác sĩ Y-éc-xanh, đây còn là nơi lưu giữ phần mộ của bác sĩ Y-éc-xanh tại khu tưởng niệm Suối Dầu và được chính quyền, nhân dân giữ gìn, chăm sóc với tất cả sự trân trọng, yêu quý.
Bác sĩ Y-éc-xanh sinh năm 1863, vốn là người Pháp di cư sang Thụy Sĩ. Năm 1891, sau khi đi nhiều nơi trên thế giới, cuối cùng ông chọn vùng đất Nha Trang (Khánh Hòa) nắng ấm là nơi dừng chân để sinh sống và nghiên cứu khoa học. Ông đã dựng một ngôi nhà gỗ ở Xóm Cồn, mở phòng khám chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo. Người dân yêu quý, thân mật gọi bác sĩ theo cách gọi của người Việt Nam là ông Năm.
Ngoài những đóng góp, nghiên cứu quan trọng cho y học thế giới, đối với nhân dân Nha Trang (Khánh Hòa), bác sĩ Y-éc-xanh còn có nhiều công lao trong việc chăm sóc, chữa bệnh, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp. Ông cũng là người đầu tiên khai phá con đường lên Ðà Lạt và đặt nền tảng để xây dựng lên thành phố nghỉ dưỡng nổi tiếng từ những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Năm 1943, khi ông mất, hàng chục nghìn nhân dân địa phương và nhiều vùng lân cận đã thương tiếc, đến viếng và đưa tiễn ông.
Hiện nay, mộ phần của bác sĩ Y-éc-xanh nằm ở xã Suối Dầu, huyện Diên Khánh, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 20 km về phía nam, nằm trên quốc lộ 1A theo như di chúc ông để lại. Ðây cũng là nơi ông từng ở và nghiên cứu trong nhiều năm cho đến tận cuối đời. Từ ngoài đường vào theo bản chỉ dẫn, đến ngôi mộ ông chừng 800 m, đường khá rộng, hai bên có những cây phượng tán phủ rộng che mát. Ngôi mộ của ông nằm trên đỉnh đồi nhỏ và từ dưới đồi đi lên chừng 50 m, đường đi lên làm bằng bậc đá chẻ, hai bên là rừng cây lâu năm, rậm rạp, dây leo chằng chịt.
Lên đến gần đỉnh đồi, có hàng ghế đá dọc theo lối đi, có nhà chờ để khách nghỉ chân. Ngôi mộ của bác sĩ Y-éc-xanh khá bình dị, nhỏ bé, hướng về phía biển, khiêm tốn như cuộc đời nghiên cứu khoa học lặng lẽ của ông khi quyết định gắn bó với Việt Nam và chọn nơi này là quê hương cho đến cuối đời mình. Trên bia mộ ghi ngày tháng năm sinh, năm mất của ông bằng hai dòng chữ Việt – Pháp, cuối tấm bia đề chữ: “Ân nhân và Nhà Nhân đạo được nhân dân Việt Nam tôn kính”.
Không gian khu mộ phần và tưởng niệm bác sĩ Y-éc-xanh yên bình và tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió xào xạc và chim muông ríu rít, không khí mát mẻ quanh năm. Từ trên đồi nhìn xuống, xa xa là những cánh đồng mía bao bọc, nhấp nhô, ngút ngàn mầu xanh. Có lẽ cũng vì yêu mến cuộc sống, con người và cảnh quan nơi này mà sinh thời, năm 1896, ông đã giải thích trong thư gửi bạn về quyết định chọn nơi đây để sinh sống và làm việc: ” Hãy đến đây với tôi, ông sẽ biết ở đây thú vị như thế nào, thời tiết không nóng nhiều, cũng không lạnh lắm, một khung cảnh thanh bình tuyệt đối và nhiều công việc cần làm”.
Hằng năm, vào những ngày lễ, Tết, nhân dân địa phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm viếng khu tưởng niệm bác sĩ Y-éc-xanh khá đông. Cách mộ ông chừng một cây số theo quốc lộ về hướng bắc, có chùa Linh Sơn. Sau khi thăm mộ, trên đường về, du khách thường ghé chùa vãng cảnh, hoàn tất một chuyến du lịch nhiều ý nghĩa.
ÐỨC QUANG
(Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Khánh Hòa)