Ngày Tết bàn về nghi thức thờ cúng tổ tiên
Nhân dịp Xuân Quý Mão đang đến gần, để giúp đọc giả hiểu hơn về ý nghĩa của việc thờ cúng tổ tiên cũng như mâm ngũ quả trong ngày Tết, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Nghệ nhân trà đạo, nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Hoàng Anh Sướng xung quanh nội dung trên.
Thưa ông, việc thờ cúng tổ tiên của người Việt mang một ý nghĩa như thế nào, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán?
Tôi cho rằng, trong đời sống tâm linh người Việt nghi thức đẹp nhất là nghi thức thờ cúng tổ tiên. Người Việt Nam coi trọng việc thờ cúng tổ tiên là nguyên tắc, đạo đức làm người. Bằng việc thờ cúng tổ tiên, thế hệ trước làm gương cho thế hệ sau.
Nghi thức này thể hiện rõ tuệ giác “Không sinh không diệt”, “chết không phải là hết” của người Việt Nam. Nó biểu hiện rõ lòng tưởng nhớ, tri ân, biết ơn đến tổ tiên tâm linh, tổ tiên huyết thống. Người Việt Nam tin rằng thân xác này là thân xác tứ đại, nhưng linh hồn, thần thức và nghiệp vẫn còn. Vì niềm tin bất diệt ấy mà từ ngàn năm nay người Việt chúng ta dù nhà ở thành thị hay nông thôn, miền núi ngay cả người nghèo hay giàu thì chỗ trang trọng nhất trong ngôi nhà là nơi trưng bày bàn thờ gia tiên để những ngày tuần, tiết, ngày lễ, Tết thờ cúng gia tiên của mình.
Nhà nghiên cứu văn hóa tâm linh Hoàng Anh Sướng chia sẻ với các phật tử về ý nghĩa và cách thức thờ cúng tổ tiên
Đây là nghi thức rất đẹp, khi mà hàng ngày chúng ta thắp hương, dâng cúng tổ tiên của mình không chỉ đơn giản là một nghi thức để bày tỏ lòng tưởng nhở, biết ơn đến tổ tiên. Người Viêt Nam chúng ta quan niệm rằng, cây thì phải có cội, sông thì phải có nguồn. Đời sống hiện tại của chúng ta là cái cành, cái lá, còn tổ tiên chúng ta là gốc là nguồn, khi chúng ta kết nối được với nó thì chúng ta sẽ có tương lai vững chãi và việc thắp hương hàng ngày là cách kết nối với tổ tiên.
Vậy việc thờ cúng tổ tiên như thế nào cho đúng thưa ông?
Thiền sư Thích Nhất Hạnh có ý rất hay đó là đừng nghĩ là tổ tiên ở bên ngoài mình, cũng đừng nghĩ rằng tổ tiên đang ngự trên bàn thờ mình, mà chúng ta phải có tuệ giác tổ tiên đang ở bên trong cơ thể mình. Vì điều hiển nhiên là chúng ta đang mang trong mình những tế bào của cha mẹ mình. Ngay cả hình hài của mình cũng là hình hài của ông bà cha mẹ.
Khi mà mình thắp hương thì đó chính là cách kết nối với tổ tiên. Những việc mình làm như bao sái ban thờ, dâng hoa, trà thì chúng ta hãy dừng lại tất cả suy nghĩ, tập trung tâm ý của mình trong bao sái ban thờ, thay nước, pha trà, châm 01 nén nhang.
Khi châm 01 nén nhang bàn tay trái nên ôm bàn tay phải, về mặt hình tướng biểu hiện lòng kính trọng của người châm hương đến tổ tiên. Đồng thời, nó cũng là một cách để người châm hương tập trung toàn bộ tâm ý vào hành động châm hương của mình.
Khi châm hương bàn tay trái ôm tay phải. Ảnh từ nguồn VTV2
Khi mình tập trung làm điều đó, thì trong thiền có Niệm, có Định và khi đó Tuệ mới phát triển. Và khi Tâm hoàn toàn tĩnh lặng thì đó là cách kết nối tốt nhất với tổ tiên của mình.
Nhiều người hỏi tôi tại sao việc thắp hương trên bàn thờ bao giờ cũng phải thắp theo số lẻ: 1, 3, 5, tránh thắp số chẵn như 2, 4, 6… Và nên thắp bao nhiêu nén hương một lần?
Theo tôi hiểu, cổ nhân quan niệm rằng, số lẻ là dương nên nó phù hợp hơn với tổ tiên (người dương thắp cho người âm). Còn thắp 1, 3 hay 5 nén thì tùy mỗi người. Tuy nhiên, theo tôi, hàng ngày chúng ta không nên thắp nhiều hương. Riêng mình, chỉ thắp mỗi bát hương 1 nén. Có một điều cần chú ý là khi thắp hương, mình phải để hương sao cho thật thẳng, tránh để hương bị nghiêng, siêu đổ khiến đốm lửa giữa các nén hương không đều nhau, làm hương bị tắt lửa, hương tàn rơi xuống đồ lễ vật có thể gây gây hỏa hoạn.
Trong những lễ vật dâng cúng tổ tiên của mình thì các cụ xưa chỉ ra có 5 thứ lễ vật mà chúng ta dâng cúng tổ tiên hàng ngày đó là hương, hoa, trà, quả, thực.
Mùi thơm của hương và làn khói của nó giúp tâm định và giúp kết nối với tổ tiên. Ngày 31/12/2022 vừa rồi tôi có buổi nói chuyện tại Khu sinh hoạt cộng đồng Trung tâm thương mại Vincom Center Landmark 81,TP. Hồ Chí Minh có người hỏi tôi sao cúng gia tiên lại có cả trà. Trà là thức uống, là lễ vật mà các cụ xưa đã có từ ngàn năm nên dâng trà cúng gia tiên là thức uống không thể thiếu, tuy nhiên chúng ta có thể thay thế bằng chén nước cũng được. Việc này chúng ta có thể làm hàng ngày đặc biệt là ngày Tết là ngày quan trọng nhất của năm. Trong ngày Tết có 3 ngày lễ quan trọng nhất.
Vậy thưa ông, 3 ngày lễ quan trọng trong ngày Tết là gì và lễ vật thờ cúng tổ tiên cần có những gì?
Đầu tiên là lễ ông Công – ông Táo, cúng Tất niên và Giao thừa. Người Việt có niềm tin là ngoài tổ tiên ra còn có các vị thần linh, Thổ công, Thổ địa, Thổ thần. Những vị thần quản lý, giám sát ngôi nhà của chúng ta sống hàng ngày
Đây không chỉ là những vị thần linh mà còn là những vị giám khảo rất trung thực quan sát những việc hàng ngày của chủ nhà và đến ngày 23 tháng 12 âm lịch hàng năm, các vị quan thần linh về với trời và tâu với trời những việc chúng ta làm trong một năm qua.
Các vị quan thần linh chính là những vị định nghiệp cho chúng ta trong một năm. Niềm tin như vậy nó giúp chúng ta hàng ngày điều chỉnh những hành vi lời nói suy nghĩ của mình, được như vậy sẽ tạo cho chúng ta nghiệp rất tốt, tạo cho chúng ta phúc đức càng lớn.
Trong lễ cúng ông Công – ông Táo, một thứ không thể thiếu đó là cá chép, cá chép này bắt nguồn điển tích cá chép hóa rồng. Người Việt Nam nói riêng và người phương Đông nói chung rất quan tâm đến quân bình âm dương. 3 vị thần cai quản có thần Bếp chủ về về lửa (là dương), ông Địa chủ về âm và cá chép làm quân bình âm dương. Âm dương hài hòa giúp chúng ta sung túc và đây là điều rất quan trọng, đó cũng là lý do mà dùng cá chép để cúng ông Công – ông Táo.
Sau lễ cúng ông Công – ông Táo, chúng ta có lễ tạ tổ tiên vào chiều 30/12 âm lịch (chiều 30 Tết). Theo tục lệ, vào chiều 30 các gia đình sẽ đi ra ngoài mộ tổ tiên để thắp hương và mời các tổ tiên về dự Tết với mình.
Đây là phong tục rất hay, đó không chỉ là cách giúp mọi người tưởng nhớ đến tổ tiên và nó còn là cách kết nối. Tổ tiên ông bà cha mẹ chính là quá khứ của chúng ta, chúng ta chính là hiện tại, con cái là tương lai của chúng ta.
Ngày Tết cổ truyền để dâng cúng tổ tiên chúng ta có hương, hoa, trà, quả, thực. Thực thông thường các gia đình làm mâm cơm, còn quả là mâm ngũ quả. Mâm ngũ quả là 5 thứ quả biểu tượng cho 5 màu sắc, 5 màu sắc này biểu tượng cho thuyết ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.
Người Việt ta có tâm thức trần sao âm vậy, nên nhìn vào mâm cơm cúng gia tiên ngày Tết ta có thể biết được phần nào sở thích của ông bà ngày xưa thích ăn món gì… nhưng trong tất cả các lễ vật đó không thể thiếu được bánh trưng. Tùy theo điều kiện tài chính, hoàn cảnh thì mỗi gia đình có mâm cơm khác nhau nhưng chung lại gia đình nào cũng cố gắng làm mâm cơm ngon nhất, đầy đủ nhất để dâng cúng tổ tiên của mình.
Thêm vào đó, nhiều gia đình hướng phật lại có câu hỏi cúng chay hay mặn? tuy nhiên theo tôi cúng chay hay mặn tùy theo căn cơ của mỗi người. Những người có tiềm thức về đạo Phật, giác ngộ đạo Phật rồi việc cúng chay là rất nên.
Theo quan niệm của đạo Phật, tất cả các chúng sinh trong vũ trụ đều có sinh mạng giống nhau, chúng ta cúng chay là không sát sinh và một điều hiển nhiên nếu tìm hiểu sâu thì tổ tiên, ông bà cha mẹ khi mất đi thì thân xác tan vào đất chỉ còn thần thức thôi, làm sao có thân xác vật lý để hưởng thụ thức ăn đó được.
Nên khi chúng ta làm món ăn cũng chỉ là để tưởng nhớ đến tổ tiên của mình, nếu tổ tiên có chứng thì cũng chỉ bằng tâm thức chứ làm gì có miệng, lưỡi, dạ dày để tiêu hóa. Còn nếu gia đình nào chưa có giác ngộ đạo Phật thì cúng mặn cũng không vấn đề gì.
Nhưng với tôi, quan trọng nhất trong mâm cơm cúng ngày Tết cũng như ngày thường các cụ nói “Lễ nghi quan trọng nhất là ở cái tâm”. Cá nhân tôi thấy rằng, cái bàn thờ linh thiêng nhất, trang trọng nhất chính là cái tâm. Cái “thức ăn” để mình cúng dường tổ tiên của mình, trời, phật không gì ngoài cái tâm.
Đối với tôi, bàn thờ thứ nhất là bàn thờ tâm: Thanh tịnh, hướng thiện, tâm chứa đựng trí tuệ đầy bát nhã.
Thức ăn mà tổ tiên chứng định chính là hương của niệm, hương của định, hương của tuệ, hương của giải thoát và hương của giải thoát tri kiến hương. Đây là 5 thứ hương quý giá nhất mà phật tử có thể dâng cúng lên trời, phật và tổ tiên của chúng ta.
Tổ tiên chúng ta tồn tại dưới dạng năng lượng lên rất cần những năng lượng tích cực mà chúng ta dâng cúng, vì thế “có cần mua nhiều hoa, nhiều quả, nhiều đồ ăn?”. Như tôi trao đổi ở trên thì phải tùy theo hoàn cảnh mỗi gia đình, tuy nhiên những thứ/vật mà chúng ta dâng cúng phải là thứ thật tươi và sạch. Tôi lấy ví dụ, chén nước thì cũng cần phải rửa sạch chén, bình hoa trên ban thờ thấy héo thì phải bỏ đi…
Nhiều người quan niệm rằng mỗi năm chỉ “bao sái” bàn thờ một lần sau khi tiễn ông Công – ông Táo về trời. Theo ông quan niệm này có đúng không?
Chúng ta không nhất thiết phải chờ cuối năm mới “bao sái” bàn thờ. Bàn thờ cũng có thể thường xuyên bao sái, không nên để bàn thờ bụi, bẩn. Trong quá trình bao sái chúng ta thực hành chánh niệm, khoan thai, không vội vã, dùng khăn sạch riêng để lau ban thờ, dùng nước sạch, nước thơm hoặc dùng rượu gừng lau lại sau khi lau bàn thờ bằng nước sạch. Tâm phải tịnh không nghĩ ngợi việc khác trong quá trình bao sái ban thờ.
Trong quá trình lau, bao sái ban thờ, các cụ ngày xưa cũng kiêng kị dịch chuyển bát hương, nên một tay chúng ta lau một tay chúng ta giữ bát hương, để tránh ảnh hưởng đến chân khí trong gia đình.
Bàn thờ là nơi linh thiêng nhất, trang nghiêm nhất, thanh tịnh nhất nên mình đừng để cho nó bẩn.
Xin cảm ơn ông!