Ngành nông dược Việt Nam: Nhập khẩu thống lĩnh

Nhìn chung, giá trị thị trường thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ở Việt Nam đạt khoảng 800 triệu USD trong năm 2015 và mức tăng trưởng kép trong giai đoạn 2016-2020 dự báo đạt 6,8%/năm. Cả nước hiện tại có trên 300 DN thuốc BVTV và nhà máy chế biến thuốc, tuy vậy, năng lực sản xuất nội địa hiện chỉ đáp ứng được khoảng 30.000 – 40.000 tấn/năm, rất thấp nếu so với nhu cầu thuốc BVTV hàng năm của Việt Nam (khoảng 165.000-170.000 tấn/năm).

Ảnh minh họa

Rõ ràng, nếu tính chung toàn thị trường nông dược Việt Nam, sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc chiếm khoảng 40% tổng nguồn cung và phân phối thông qua kênh bán hàng của hàng trăm DN, đại lý nhỏ. Phần còn lại của miếng bánh thị phần tập trung vào các công ty nước ngoài như Syngenta (phân phối sản phẩm qua Lộc Trời và VFG), Bayer hay các công ty sản xuất trong nước có lịch sử hoạt động lâu đời tại Việt Nam (HAI, SPC).

Về phía cầu, do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, ngành nông dược ghi nhận mức giảm 8% về nhu cầu sản lượng trong năm 2015. Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy trong 7 tháng đầu năm, diện tích gieo trồng giảm 7% so với cùng kỳ do diện tích đất trồng trọt bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt.

Tuy vậy, nhìn về triển vọng nhu cầu các sản phẩm đầu vào của ngành nông nghiệp nửa cuối năm 2016 và năm 2017, diễn biến khô hạn chấm dứt sẽ giúp hoạt động sản xuất trồng trọt của nhiều khu vực trọng điểm gồm Đồng bằng sông Cửu Long và Đồng bằng sông Hồng phục hồi trở lại.

Hiện tại, trong số những DN trong nước hoạt động trong lĩnh vực này chỉ có CTCP Khử trùng Việt Nam (VFG) tăng trưởng ổn định nhờ mở rộng thị phần khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với tổng diện tích gồm 3,96 triệu ha đất nông nghiệp, cung cấp một nửa sản lượng lương thực cho cả nước. Do đó, đây cũng là thị trường chính của nhiều DN hoạt động trong ngành nông dược.

Đối với VFG, thị trường phía Nam đóng góp trên 75% về doanh thu và 79% về lợi nhuận. Tuy nhiên, khu vực này cũng chịu tác động nặng nề của hạn hán và xâm nhập mặn trong nửa đầu năm 2016, dẫn đến nhu cầu về các sản phẩm đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu giảm mạnh.

Như vậy, trong bối cảnh khó khăn chung của ngành và áp lực cạnh tranh lớn từ Trung Quốc, việc VFG vẫn giữ được đà tăng trưởng là một tín hiệu đáng khích lệ. Có điều, VFG cũng như những DN nội địa khác có thể tồn tại và phát triển trong thời gian tới, nhất là cạnh tranh với các sản phẩm của Trung Quốc hay không vẫn là một dấu hỏi chưa có câu trả lời…