Ngành đầu bếp thi khối nào? 9+ thông tin cập nhật mới nhất
Bạn đam mê và có nguyện vọng theo đuổi nghề đầu bếp? Bạn thắc mắc không biết ngành đầu bếp có học Đại học không? Thi khối nào? Học ở đâu tốt nhất? Bài viết này, Hoteljob.vn sẽ cùng bạn giải đáp!
Bạn có biết ngành đầu bếp thi khối nào? Học đầu bếp ở đâu tốt nhất?
Ngành đầu bếp có học Đại học không?
“Ngành đầu bếp có học Đại học không?” Hay “trường Đại học nào tại Việt Nam đào tạo ngành đầu bếp?”,… là 2 trong số rất nhiều câu hỏi có nội dung na ná nhau liên quan đến chủ đề lựa chọn nơi học ngành đầu bếp của không ít những bạn trẻ có nguyện vọng theo đuổi nghề này.
Tuy nhiên, có một sự thật mà không phải ai cũng biết là trên thực tế, “hiện nay, nghề bếp đang được đào tạo chuyên sâu tại nhiều trường cao đẳng, trung cấp và dạy nghề nhưng đối với bậc đại học thì chưa có” – chia sẻ của Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM.
Như vậy, tại Việt Nam hiện chưa có trường Đại học nào có mã ngành “nghề bếp” hay “đầu bếp” để tổ chức tuyển sinh hàng năm. Thay vào đó là những ngành, chuyên ngành như “Quản trị chế biến món ăn”, “Kỹ thuật chế biến món ăn”. Tuy nhiên, số lượng trường Đại học chính quy đào tạo là rất ít.
Mặt khác, nếu muốn, bạn có thể lựa chọn trường cao đẳng, trung cấp nghề hay các trung tâm đào tạo nghiệp vụ du lịch, khách sạn, các lớp dạy nấu ăn… để học với ưu điểm thời gian ngắn, cơ hội thực hành nhiều, được tiếp xúc thực tế, học hỏi kinh nghiệm, trang bị kỹ năng, tạo điều kiện để học viên sớm “hòa nhập” với công việc.
Ngành đầu bếp thi khối nào?
Như đã khẳng định trên đây, hiện không có trường Đại học nào đào tạo nghề bếp nên bạn không cần chọn khối thi. Chỉ cần có đam mê, có khả năng nấu ăn, kiên trì, nghị lực và chịu được áp lực công việc, cộng thêm một tí năng khiếu bẩm sinh là bạn hoàn toàn có đủ điều kiện để bước chân vào con đường theo đuổi sự nghiệp nghề đầu bếp.
Tuy nhiên, nếu vẫn muốn theo học Đại học để được công nhận thông qua bằng cấp, bạn cũng có thể theo học 1 trong 2 ngành sau:
– Đăng ký xét tuyển vào ngành Khoa học dinh dưỡng và ẩm thực hay Khoa học chế biến món ăn của trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM , chỉ tiêu: 85 mỗi ngành; xét tuyển theo khối A, A1, B và D7. Ngành học này đào tạo các khối kiến thức về dinh dưỡng người, kiểm nghiệm chất lượng thực phẩm, quản lý bếp ăn – nhà hàng, văn hóa ẩm thực và kỹ thuật chế biến món ăn. Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể làm việc tại các trung tâm dinh dưỡng; phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm; các bếp ăn nhà hàng, khách sạn; các công ty suất ăn công nghiệp hoặc dạy nấu ăn.
– Và ngành Quản trị chế biến món ăn hay Kỹ thuật chế biến món ăn được đào tạo tại khá nhiều cao đẳng, trung cấp, trung cấp nghề hiện nay cũng mang đến cho bạn nhiều kiến thức chuyên ngành và kỹ năng nghiệp vụ nghề.
>>> Tham khảo danh sách các trường, trung tâm đào tạo nghề bếp chuyên nghiệp
Hiện chưa có trường đào tạo nào tại Việt Nam có mã ngành “nghề bếp”
Điều kiện để theo học ngành đầu bếp
Theo cách nói dân gian, đầu bếp là lĩnh vực học nghề, là “nghề dạy nghề” hay “cầm tay chỉ việc”,…Vì vậy, nếu đam mê và có nguyện vọng theo học, bạn không nhất thiết phải trải qua trường lớp đào tạo chính quy, mà chỉ cần thỏa mãn các điều kiện cần và đủ sau đây:
– Đủ 14 tuổi, Đủ sức khỏe
Theo Khoản 1, Điều 61 của Bộ Luật lao động năm 2012 về Học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì: “…Người học nghề, tập nghề trong trường hợp này phải đủ 14 tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu của nghề, trừ một số nghề do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định….”. Như vậy, chỉ cần bạn đủ 14 tuổi là có thể theo học nghề tại doanh nghiệp, bao gồm nghề bếp. Trường hợp học nghề tại các trường, trung tâm đào tạo nghề thì đối tượng tuyển sinh phải từ đủ 15 tuổi trở lên, có trình độ học vấn và sức khỏe phù hợp với ngành nghề theo học (theo Khoản 1, Điều 3, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014 và Điều 15, Thông tư 42/2015/TT-BLĐTBXH).
Ngoài ra, để theo đuổi nghề đầu bếp, bạn cũng cần phải có thể lực tốt, có sức khỏe, sự khỏe mạnh, không mắc các bệnh truyền nhiễm, các bệnh ngoài da,…
Đầu bếp là lĩnh vực học nghề, tức nghề dạy nghề
– Có niềm đam mê, sự quyết tâm và lòng yêu nghề
Đầu bếp hay bất kì ngành dịch vụ nào cũng chứa đựng cường độ và áp lực công việc rất lớn. Hằng ngày phục vụ hàng trăm, hàng nghìn khách hàng với những nhu cầu và sở thích khác nhau, đòi hỏi bạn phải có sự kiên nhẫn, tính toán và sáng tạo vượt bậc. Chỉ khi có niềm đam mê, sự quyết tâm và lòng yêu nghề thì bạn mới có thể vượt qua những khó khăn, thử thách trong công việc.
– Không ngừng học hỏi và nỗ lực hết mình
Học hỏi để tiếp thu, nỗ lực để đạt được thành tựu là những yếu tố không thể thiếu nếu muốn theo đuổi nghề đầu bếp. Có kiến thức, tài năng thôi chưa đủ, một đầu bếp giỏi là người luôn cố gắng học hỏi mọi lúc, mọi nơi, từ mọi người để tích lũy kinh nghiệm, vốn sống và thể hiện chúng qua những món ăn của chính mình. Một món ăn ngon không chỉ nhờ hương vị, mà còn phụ thuộc vào cái hồn tác giả gửi gắm và sự cảm nhận chủ quan của thực khách.
– Có ước mơ và ý chí cầu tiến
Bất cứ mọi ngành nghề, bạn chỉ thực sự phát triển nếu bạn có ước mơ, niềm đam mê, sự yêu nghề và ý chí cầu tiến cao trong công việc. Chỉ khi bạn có quyết tâm vươn lên, phát triển với nghề thì bạn mới thực sự nỗ lực, phấn đấu hết mình để đạt được mục tiêu đã đề ra.
Nghề đầu bếp cần người có sức khỏe, cầu tiến và đam mê theo đuổi sự thành công
Tương lai và mức lương nghề đầu bếp
Nhìn chung, nghề đầu bếp vẫn đang và sẽ cực kỳ có triển vọng phát triển, cùng với sự phát triển của ngành dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống và giải trí. Trên thực tế, đến 99% học viên nghề đầu bếp sau khi tốt nghiệp đều có việc làm. Đây là một nghề dễ học, dễ tìm việc nhưng đòi hỏi sự kiên trì, niềm đam mê và tình yêu với nghề khá lớn.
Hơn nữa, theo dự kiến, trong nhiều năm tới, nghề đầu bếp sẽ tiếp tục nằm trong Top những nghề nghiệp có tương lai tương sáng nhất với nhiều triển vọng: lương tốt, cân bằng cuộc sống tốt và triển vọng phát triển sự nghiệp tốt.
Theo tìm hiểu của Hoteljob.vn, mức thu nhập bình quân của một Bếp trưởng điều hành tại các khách sạn 5 sao có thể lên đến > 1.000 USD/ tháng, tương đương khoảng > 23 triệu VNĐ, chưa bao gồm thưởng và phụ cấp. Tùy thuộc vào quy mô khách sạn – nhà hàng, vị trí công việc hay chức vụ, khối lượng công việc cho đến kinh nghiệm làm việc, khu vực bếp làm việc… mà mức lương của đầu bếp sẽ khác nhau và có sự chênh lệch nhất định. Một số nơi còn trả lương không giống nhau đối với đầu bếp là người nước ngoài hay người Việt.
Học đầu bếp ở đâu tốt nhất?
Như đã nói ở trên, hiện tại, trên cả nước có khá nhiều các trường, trung tâm đào tạo nghề đầu bếp chuyên sâu để bạn tìm hiểu và lựa chọn theo học. Hoteljob.vn đã có bài tổng hợp chi tiết tên trường/ trung tâm đào tạo – địa chỉ – thông tin liên hệ – ngành đào tạo – học phí và nhiều thông tin liên quan khác nữa.
Tham khảo các trường, trung tâm đào tạo nghề đầu bếp chuyên nghiệp : Tại đây
Tuy nhiên, theo các anh, chị đi trước và các đầu bếp thành công trong nghề lại cho rằng: Sẽ có một hướng đi khác tốt và thực tế hơn nếu bạn tìm việc phụ bếp ở những nhà hàng, quán ăn nhỏ và học hỏi kinh nghiệm từ những đầu bếp chính. Sau đó, nếu bạn thực sự cố gắng, nỗ lực và có tố chất, bạn có thể có khả năng trở thành bếp chính, thậm chí bếp trưởng của nhà hàng đó. Từ việc có kinh nghiệm làm bếp ở nhà hàng nhỏ, bạn có thể xin vào làm phụ bếp ở những nhà hàng, khách sạn lớn. Tại đây, bạn có cơ hội học hỏi những chuyên gia đầu bếp thực thụ, được tiếp xúc với môi trường chuyên nghiệp và rộng mở hơn, từ đó bạn sẽ có cơ hội thăng tiến nhiều hơn trong nghề.
Dưới đây là một số thông tin liên quan đến các vị trí nghề bếp để lựa chọn:
+ Điểm danh 14+ chức danh quan trọng của bộ phận bếp
+ Công việc nhân viên phụ bếp nhà hàng – khách sạn
+ Bản mô tả công việc bếp chính nhà hàng
+ Tất tần tật những điều cần biết về nghề bếp
Học đầu bếp mất bao lâu?
Hiện nay, nhiều bạn trẻ thắc mắc “Học đầu bếp mất bao lâu để xin được việc?”. Thực tế, có không ít trường đào tạo nghề hoặc trung cấp trên khắp cả nước đang đào tạo nghề bếp. Với chương trình đào tạo bài bản cùng kỹ năng nghiệp vụ khác nhau, những cơ sở này sẽ giúp sinh viên trau dồi kiến thức văn hóa, chuyên môn về đầu bếp một cách toàn diện.
Đối với bậc trung cấp, dù bạn mới học hết THCS hay THPT hay muốn học liên thông/ văn bằng 2 đều có thể đăng ký. Nếu bạn đang hoàn thành xong bậc THCS, thời gian học sẽ khoảng 3 năm vì phải bổ sung kiến thức văn hóa. Còn bậc THPT sẽ là 2 năm. Với những bạn muốn học thêm nghề hoặc văn bằng 2/ liên thông, thời gian này sẽ là 3 tháng.
Học phí của khóa học đầu bếp bao nhiêu tiền?
Học phí luôn là vấn đề đầu tiên mà học viên đều quan tâm. Với khóa học ngắn hạn 3 – 6 tháng, học phí sẽ dao động từ 7 – 12 triệu đồng/ khóa. Các khoản chi phí này sẽ bao gồm đồng phục, nguyên vật liệu thực hành trong khóa học, giáo trình, bằng cấp, chứng chỉ liên quan.
Có thể nói, mức học phí không quá cao này hy vọng sẽ giúp bạn nắm bắt cơ hội trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và vững bước vào tương lai.
Nghề đầu bếp có dễ xin việc không?
Hiện nay, với sự phát triển như vũ bão của ngành du lịch, hàng trăm triệu lượt khách đổ về các thành phố lớn để nghỉ dưỡng, tham quan, du ngoạn. Vì thế, không khó nhận ra khi càng nhiều khách sạn, nhà hàng, resort được xây dựng và mở rộng quy mô phát triển rộng lớn hơn nữa. Cùng với đó là cơn khát nhân lực đầu bếp giỏi, tay nghề cao. Hàng trăm doanh nghiệp đang tìm kiếm các vị trí việc làm đầu bếp với mức thu nhập hấp dẫn cùng chế độ đãi ngộ xứng tầm.
Hầu hết người học nghề bếp đều tìm được việc làm sau tốt nghiệp
Ngày nay, các công ty lớn thường liên kết đầu tư với những trường đào tạo nghề để tìm kiếm ứng viên tiềm năng. Do đó, các bạn học viên có kiến thức chuyên môn, đã hoàn thành khóa học trên trường sẽ dễ dàng xin việc ở những đơn vị này. Đặc biệt, nếu bạn muốn tìm việc ở địa phương hoặc các tỉnh thành khác trên toàn quốc thì vẫn có cơ hội.
Chỉ cần đam mê, quyết tâm và thực sự yêu nghề, không có khó khăn hay thử thách nào, dù lớn, có thể ngăn cản bước tiến của bạn trên con đường theo đuổi ước mơ nghề đầu bếp.
Hoteljob.vn chúc bạn thành công!
Ms. Smile