Ngành công nghiệp thời trang “tái chế” thu hút dòng vốn đầu tư

Như Anh-Thứ ba, ngày 29/03/2022 08:02 GMT+7

Theo số liệu của LHQ, để làm ra một chiếc quần bò mà chúng ta chắc ai cũng sở hữu ít nhất 1 chiếc, thì cần tới 7 nghìn 500 lít nước. Lượng nước này đủ để cho một người uống trong 7 năm.

Ngành thời trang mỗi năm thải ra 8-10% lượng khí thải carbon của cả hành tinh. Chính vì thế mà hiện tại, rất nhiều hãng thời trang lớn đã bắt đầu chuyển hướng sang sử dụng những vật liệu tái chế, cho chúng một vòng đời mới và biến chúng thành các loại quần áo thông dụng.

Mỗi năm, ngành thời trang toàn cầu thải ra nửa triệu tấn vi sợi – tương đương với 3 triệu thùng dầu đổ ra biển. Nhiều hãng thời trang lớn nhỏ đã bắt đầu đầu tư vào những kế hoạch tái chế nguyên liệu để làm ra quần áo vừa đáp ứng nhu cầu ăn mặc của người tiêu dùng, vừa góp phần bảo vệ môi trường và cũng là một chiến dịch PR hiệu quả – nâng cao hình ảnh trong mắt khách hàng.

Điển hình như hãng thời trang H&M, quỹ H&M Foundation của gia đình sáng lập đã đổ 100 triệu USD vào nghiên cứu công nghệ tái chế quần áo như cách chúng ta tái chế vỏ lon Coca.

Còn tại Tây Ban Nha, Santaderina, một trong những nhà sản xuất vải vóc lớn nhất nước này đã có thâm niên 4 năm trong việc tái chế quần áo. Hiện tại, khoảng 30% lượng sản phẩm của công ty là quần áo tái chế, tức là được sản xuất từ những sợi vải đã qua sử dụng nhưng xưởng may này đang hướng tới mục tiêu cao hơn với kế hoạch S360 độ.

Ông Carlos Pares, đại diện công ty may mặc Santaderina, cho biết: “Hiện tại, các mẫu quần áo đều làm từ 30% vải tái chế và 70% là không tái chế. Chúng tôi hy vọng vài năm nữa, con số này sẽ đảo ngược. Khi đó, vòng đời 360 độ của sợi vải sẽ được khép kín”.

Khách sạn Campanile thuộc chuỗi khách sạn có chi nhánh trải dài khắp châu Âu. Các nhân viên của Campanile đã bắt đầu khoác lên mình những bộ đồng phục được làm từ vải sợi tái chế từ các chất liệu như là vỏ chai nhựa.

Cô Aurora Montero, Quản lý khách sạn Campanile, nói: “Cảm giác vải tái chế còn dễ chịu hơn quần áo thông thường. Khách sạn chúng tôi đặt mục tiêu hoạt động một cách có trách nhiệm với cộng đồng, môi trường. Nên để nhân viên mặc đồng phục từ vải sợi tái chế cũng là cách để đạt mục tiêu đó”.

Theo Alliedmarketresearch, năm 2021, ngành thời trang làm từ vải sợi tái chế đạt giá trị 5 tỷ USD và trang này cũng dự báo tới năm 2027, ngành này sẽ đạt giá trị 7,6 tỷ USD, trong đó, Bắc Mỹ là thị trường phát triển nhanh nhất của thời trang tái chế.

Tái chế - “Chìa khóa” giúp DN giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu? Tái chế – “Chìa khóa” giúp DN giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu?

VTV.vn – Việt Nam xả rác nhựa nhiều thứ 4 thế giới, nhưng chi hàng tỷ USD/năm để nhập khẩu phế liệu. Đẩy mạnh thu gom, tái chế có giúp DN giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu?

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!