Ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam: Thị trường đầy hứa hẹn ở Châu Á
–
Thứ hai, 28/03/2022 09:08 (GMT+7)
Ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam là thị trường đầy hứa hẹn để phát triển ở Châu Á với nhu cầu ngày càng cao nhờ dân số ngày càng tăng, thu nhập được cải thiện, tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng và các điều kiện môi trường – trang Vietnam Briefing nhận định.
Việt Nam có số lượng lớn hiệu thuốc bán lẻ trên khắp đất nước. Ảnh: Hải Nguyễn
Một trong những thị trường tăng trưởng cao nhất trong khu vực
Thị trường dược phẩm Việt Nam được định giá khoảng 10 tỉ USD vào năm 2020, so với 5 tỉ USD vào năm 2015. Theo hãng nghiên cứu thị trường IBM, quy mô của ngành dược Việt Nam có thể đạt 16,1 tỉ USD vào năm 2026. Ngành này cũng có mức tăng trưởng 2%, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 6% trong giai đoạn 2018-2020.
Việt Nam có quy mô thị trường tương đối lớn với dân số hơn 98 triệu người và tuổi thọ xấp xỉ 76 tuổi. Khoảng 30% dân số Việt Nam có thể mua thuốc tây tương đối đắt tiền và con số này đang tăng lên. Trang Vietnam Briefing cho hay, ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam là một trong những thị trường tăng trưởng cao nhất trong khu vực nhờ tăng trưởng kinh tế ngày càng tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng và dân số già.
Một động lực khác của ngành dược là tốc độ đô thị hóa nhanh chóng. Tỉ lệ đô thị hóa của Việt Nam ở mức 37% vào năm 2020 và vào năm 2021, dân số thành thị ở mức xấp xỉ 36,6 triệu người.
Hệ thống sản xuất kinh doanh dược phẩm ngày càng mở rộng với khoảng 250 nhà máy sản xuất, 200 cơ sở xuất nhập khẩu, 43.000 đại lý bán buôn, hơn 62.000 đại lý bán lẻ.
Các công ty dược phẩm lớn tại Việt Nam tập trung tại và xung quanh thủ đô Hà Nội, Hải Dương, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ bao gồm Cần Thơ và Đồng Tháp.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, nhiều doanh nghiệp sản xuất dược phẩm lớn như Dược Hậu Giang, Bidiphar, Imexpharm, Pymepharco đã và đang đầu tư nâng cấp nhà máy, nhằm đột phá phát triển các sản phẩm dược mới trong nước cũng như nâng cao sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu.
Đáng chú ý, mới đây, tỉnh Hải Dương đã xác nhận hợp tác với đối tác Ấn Độ để xây dựng Công viên dược phẩm quy mô lớn trị giá 10-12 tỉ USD do doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư. Dự án Công viên dược phẩm Việt-Ấn có diện tích hơn 900ha tại huyện Bình Giang và Thanh Miện, lớn nhất tỉnh Hải Dương. Đối với Hải Dương nói riêng, dự án sẽ giúp chào đón các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt là các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Đối với Việt Nam nói chung, điều này báo hiệu sự phát triển của ngành dược phẩm trong tương lai.
Thị trường tiềm năng nhưng ngành công nghiệp dược chưa phát triển mạnh
Mặc dù tăng trưởng nhanh chóng, năng lực sản xuất của Việt Nam chỉ có thể đáp ứng 53% nhu cầu dược phẩm trong nước. Trong năm 2018, Việt Nam đã chi gần 2,8 tỉ USD để nhập khẩu dược phẩm, và vào năm 2021, con số đó đã tăng lên 4 tỉ USD, theo Tổng cục Thống kê.
Ngoài ra, mặc dù chính phủ đã ưu tiên phát triển ngành công nghiệp dược phẩm nội địa, nhưng khả năng của đất nước vẫn còn hạn chế đối với các loại thuốc generic, các dạng bào chế đơn giản và thực phẩm chức năng.
Việt Nam cũng phụ thuộc nhiều vào nguồn dược liệu nhập khẩu, trong đó nguồn từ Trung Quốc và Ấn Độ chiếm hơn 85%. Với hệ sinh thái nhiệt đới thuận lợi, Việt Nam có tiềm năng đáng kể để phát triển dược liệu. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa có kế hoạch cụ thể để phát triển các vùng trồng dược liệu quy mô lớn ở cấp quốc gia. Một số nhà sản xuất địa phương có uy tín đã bắt đầu phát triển các trang trại trồng dược liệu riêng nhưng mới chỉ đáp ứng được một lượng nhỏ nhu cầu.
Những cơ hội
Với chiến lược đúng đắn, các công ty dược phẩm nước ngoài có thể được hưởng lợi khi tham gia vào giai đoạn đầu của chuỗi cung ứng ngành dược phẩm Việt Nam do chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh lớn trên thị trường.
Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp dược nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam là các công ty logistic FDI và các công ty dược nước ngoài không được phép phân phối dược phẩm trực tiếp và phải bán sản phẩm của họ cho các nhà phân phối dược phẩm trong nước. Một thách thức khác đối với các công ty đa quốc gia hoạt động tại Việt Nam là sự chậm trễ trong việc phê duyệt theo quy định đối với các loại thuốc mới.
Mặc dù Việt Nam đã thực hiện các bước để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và phát triển công nghiệp trong nước, nhưng hầu hết thuốc vẫn phải nhập khẩu, kể cả nguyên liệu thô. Điều này tạo cơ hội cho các công ty tham gia vào chuỗi cung ứng của ngành với các chiến lược thâm nhập thị trường đúng đắn. Theo trang Vietnam Briefing, cách tốt nhất để thâm nhập thị trường và thành lập tại Việt Nam là tìm một đối tác địa phương có khả năng hình thành mối liên hệ với các nhà phân phối dược phẩm.
Triển vọng
Ngành công nghiệp dược phẩm tại Việt Nam là một thị trường đầy hứa hẹn để phát triển ở Châu Á với nhu cầu ngày càng cao nhờ dân số ngày càng tăng, thu nhập được cải thiện, tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng và các điều kiện môi trường.
Tuy nhiên, thiếu sự phát triển và đầu tư thích hợp là những mối quan tâm chính đối với ngành công nghiệp dược phẩm của đất nước. Để nâng cao hiệu quả các tiêu chuẩn của ngành dược trong nước, các công ty và cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ cần dựa vào sự chuyển giao kiến thức, kỹ năng và nguồn lực từ các đối tác nước ngoài.
Các công ty dược cũng cần tìm đến các nhà cung cấp khác bên cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ để đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao – theo trang Vietnam Briefing.