Ngành Thủy sản: Chủ động nguồn giống

Quy hoạch phát triển ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định rõ mục tiêu: Phát triển toàn diện các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung, phục vụ du lịch, dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng giá trị và phát triển bền vững, để thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong ngành nông nghiệp của tỉnh. Để thực hiện được mục tiêu này, riêng lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tỉnh đã và đang chú trọng đảm bảo nguồn cung và nâng cao chất lượng giống thủy sản, với việc hình thành các trung tâm giống thuỷ sản công nghệ cao, hướng tới chủ động, đáp ứng được nhu cầu con giống các đối tượng nuôi chủ lực.


Trung tâm Khoa học và Sản xuất giống thủy sản Quảng Ninh được đầu tư phòng thí nghiệm hiện đại để phục vụ nghiên cứu, sản xuất giống thủy sản.

Là đơn vị được thành lập với mục tiêu chủ động nguồn giống, hiện đại hoá khâu sản xuất giống trong nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Trung tâm Khoa học và Sản xuất giống thuỷ sản (Sở NN&PTNT tỉnh) đã đầu tư hệ thống hạ tầng và cơ sở kỹ thuật; học hỏi, tiếp thu, làm chủ công nghệ sản xuất. Qua đó, từng bước giúp người nuôi trồng trên địa bàn tỉnh tiếp cận được với nguồn giống đảm bảo chất lượng.

Theo báo cáo của Trung tâm, từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã hoàn thiện công nghệ sản xuất và cung cấp ổn định con giống một số đối tượng thuỷ sản đang được triển khai nuôi trên địa bàn tỉnh, như: Cá đối mục, cá chép Tam Bội, cá Cát Phú, cá rô đầu vuông, ốc nhảy, hải sâm gai, tôm thẻ chân trắng… Đồng thời, Trung tâm cũng đã phối hợp với một số đơn vị triển khai thực hiện thành công một số đề tài, dự án khoa học liên quan đến sản xuất giống thủy sản. Tiêu biểu trong đó có thể kể đến các dự án, đề tài như: Sản xuất và chế biến tảo xoắn Spirulina; sinh sản nhân tạo và nuôi thương phẩm ốc tù và, sinh sản nhân tạo giống sá sùng; sản xuất giống ngán phù hợp với điều kiện môi trường sinh thái tại tỉnh Quảng Ninh…

Kết quả đáng ghi nhận trong việc đầu tư hạ tầng, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất con giống chất lượng của Trung tâm có thể được nhìn thấy rõ ở vùng nuôi nhuyễn thể Vân Đồn. Từ năm 2016, khi đề tài khoa học “Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và nuôi thương phẩm ốc nhảy da vàng ở Quảng Ninh” được triển khai thành công với gần 1 triệu con giống được sản xuất thành công, đưa Vân Đồn bứt phá mạnh mẽ về sản lượng và chất lượng nuôi trồng nhuyễn thể nói chung, ốc nhảy da vàng nói riêng với sản lượng nhuyễn thể trung bình gần 40.000 tấn/năm, sản lượng ốc khoảng gần 5.000 tấn/năm.

Đến nay, trung bình mỗi năm, Trung tâm Khoa học và Sản xuất giống thuỷ sản đang cung cấp khoảng 5 triệu con giống ốc nhảy chất lượng cao cho các vùng nuôi trên địa bàn tỉnh. Trung tâm cũng đã hoàn thành việc chuyển giao công nghệ sản xuất giống cho đơn vị phối hợp thực hiện đề tài là Xí nghiệp Sản xuất tôm giống Hạ Long – Chi nhánh Công ty CP Dịch vụ nuôi trồng thuỷ sản Hạ Long (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) và một số đơn vị khác trên địa bàn tỉnh, giúp các địa phương, đơn vị chủ động được nguồn giống đối với đối tượng nuôi có lợi ích kinh tế cao này.


Cán bộ kỹ thuật kiểm tra con giống mới tại Khu trại sản xuất tôm giống chất lượng cao của Tập đoàn Việt – Úc (huyện Đầm Hà).

Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã và đang triển khai 2 dự án, đề án lớn trong lĩnh vực giống thủy sản, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng tại hai địa phương có tiềm năng, thế mạnh về vùng nuôi là Vân Đồn và Đầm Hà. Trong đó, dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cấp tỉnh về thủy sản tại huyện Đầm Hà của Tập đoàn Việt – Úc được coi là mũi nhọn mới của tỉnh trong lĩnh vực sản xuất con giống thủy sản chất lượng cao.

Được triển khai đầu tư từ năm 2018 trên cơ sở nâng cấp dự án sản xuất giống, nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính tại xã Tân Lập và xã Đầm Hà của Tập đoàn Việt – Úc trên diện tích gần 170ha, với vốn khái toán đầu tư là hơn 850 tỷ đồng (ngân sách tỉnh chiếm khoảng 26%, còn lại là vốn của doanh nghiệp), dự án có mục tiêu sẽ phát triển sản xuất giống, nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh trong nhà kính, thực hiện chức năng định hướng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nhất là về sản xuất giống, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những trung tâm giống thủy sản của miền Bắc.

Đến thời điểm hiện tại, giai đoạn 1 của dự án với các hạng mục chính, gồm: Khu sản xuất tôm giống; khu nhà sản xuất tảo và thức ăn tươi sống Artemia; phòng xét nghiệm; hệ thống lọc nước và khu nuôi thả trình diễn đã được đưa vào vận hành trơn tru, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu về con giống chất lượng cao cho thị trường không chỉ Quảng Ninh và còn nhiều tỉnh thành phía Bắc. Năm 2020, khu sản xuất tôm giống của Tập đoàn Việt – Úc tại Đầm Hà đã xuất xưởng được 650 triệu con tôm thẻ chân trắng giống chất lượng cao; 6 tháng đầu năm 2021, đã có khoảng 700 triệu con giống được cung cấp cho các vùng nuôi trong và ngoài tỉnh. Dự kiến năm 2021, số lượng giống chất lượng cao sản xuất được tại đây sẽ đạt khoảng 1 tỷ con.

Thời gian tới, Tập đoàn Việt – Úc sẽ đưa con giống chất lượng cao mới với nhiều ưu điểm vượt trội về tốc độ sinh trưởng, sức đề kháng bệnh và khả năng chống chịu với môi trường ra thị trường. Đồng thời, hoàn thiện nghiên cứu, sản xuất và tiến tới phát triển con giống chịu lạnh để cung cấp cho vụ nuôi mùa đông ở Quảng Ninh, cũng như miền Bắc. Được biết, trong thời gian tới, Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Việt – Úc tại huyện Đầm Hà cũng sẽ bắt tay vào nghiên cứu sản xuất giống và nuôi sá sùng, bào ngư thương phẩm…