Ngành Khoa học máy tính

Ngành Khoa học máy tính

Tạo bài viết thảo luận

Ngày nay, máy tính chạm đến mọi lĩnh vực của đời sống. Máy tính được sử dụng ở khắp mọi nơi, từ dự đoán bệnh tật trong chăm sóc sức khỏe đến tự động hóa trong sản xuất, xây dựng đô thị thông minh đến việc mua sắm, thu thập thông tin, học tập, liên lạc và giải trí của mỗi người.

Máy tính không chỉ là máy tính để bàn hay máy tính xách tay mà là tất cả các thiểt bị điện tử có khả năng điều khiển thông tin hoặc dữ liệu như điện thoại thông minh, máy chơi game, tivi, các thiết bị thông minh: kính thông minh, loa thông minh, nhà thông minh, nhà máy thông minh…Nhiệm vụ của máy tính là lưu trữ, truy xuất và xử lý dữ liệu

Khi cách mạng công nghiệp 4.0 tiếp tục phát triển, vai trò của máy tính ngày càng quan trọng trong sản xuất và đời sống. Vì vậy, môn khoa học làm cho con người và máy tính có thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ của máy tính để máy tính phục vụ nhu cầu của con người đã ra đời, đó là ngành khoa học máy tính.

Hãy cùng Hướng nghiệp 4.0 CDM tìm hiểu ngành Khoa học máy tính là gì? Phân biệt ngành Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Triển vọng như thế nào? Cơ hội việc làm ngành Khoa học máy tính? Tố chất cần có, ngành Khoa học máy tính học những gì? Các trường đào tạo ngành Khoa học máy tính.

1. Ngành Khoa học máy tính là gì?

Khoa học máy tính là ngành nghiên cứu về cách thức máy tính hoạt động, cải thiện và nâng cao hiệu suất cho các thuật toán và tạo ra các chương trình hay hệ điều hành để giao cho máy tính nhiệm vụ muốn máy tính thực hiện. Hay nói cách khác, ngành khoa học máy tính sử dụng thuật toán và toán học giúp con người và máy tính có thể giao tiếp với nhau bằng ngôn ngữ của máy tính.

Một định nghĩa ngắn gọn hơn khoa học máy tính là ngành nghiên cứu về các quy trình thuật toán tự động hóa mà có thể nhân rộng trên quy mô lớn. Để làm được điều này, các kỹ sư khoa học máy tính sẽ xác định, thiết kế và xây dựng các hệ thống dựa trên máy tính, đánh giá và nhận ra các rủi ro tiềm ẩn và thiết kế các giải pháp sáng tạo. Cụ thể, họ nghiên cứu về các phần mềm, hệ thống quản lý và các tập lệnh (tập lệnh là một tập hợp các lệnh ở dạng mã máy- machine code mà bộ xử lý có thể đọc, hiểu và thực thi các yêu cầu trong lệnh đó).

Ngành khoa học máy tính cung cấp các kiến thức để bạn có thể phát triểm lên các lĩnh vực chuyên biệt. Một số lĩnh vực chuyên biệt của ngành này bao gồm: Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence, Học máy (Machine Learning), Đồ họa và xử lý ảnh (Digital Image Processing), Công nghệ chuỗi khối (Blockchain), Robot, Lập trình game, An ninh hệ thống…….Do đó, ngành khoa học máy tính thường được các trường chia ra thành một số chuyên ngành theo các hướng kể trên.

Phân biệt Khoa học máy tính và Công nghệ thông tin

Theo Nghị quyết Chính phủ 49/CP ngày 4 tháng 8 năm 1993, ngành công nghệ thông tin: “Là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kỹ thuật hiện đại – chủ yếu là kỹ thuật máy tính và viễn thông – nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội”.

Trong khi Khoa học máy tính là ngành thiên về nghiên cứu và sáng tạo ra các chương trình máy tính mới, ngành Công nghệ thông tin thiên về ứng dụng các chương trình máy tính hiện có cho các lĩnh vực cụ thể.

Ví dụ, khoa học máy tính sáng tạo nên hệ điều hành (Windows hoặc MacOS), còn công nghệ thông tin sẽ sử dụng hệ điều hành này để quản lý, lưu giữ thông tin, kết nối khách hàng….

Phân biệt ngành Khoa học máy tính và Kỹ thuật phần mềm

Ngành kỹ thuật phần mềm là ngành học về các công cụ, các phương pháp thiết kế phần mềm và các tác vụ thiết kế, xây dựng, thử nghiệm, bảo trì phần mềm. Các phần mềm, ứng dụng rất đa dạng như Microsoft Word, Excel, Powerpoint đến trình duyệt web Chrome, Firefox, Safari hay Facebook, Google search, các game… 

Cả Khoa học máy tính và Kỹ thuật phần mềm đều dạy các nguyên tắc cơ bản của lập trình, vì vậy bạn vẫn có thể chọn một trong hai để trở thành một nhà phát triển phần mềm. Nói cách khác kỹ sư khoa học máy tính vẫn có thể làm công việc của kỹ sư kỹ thuật phần mềm, nhưng ngược lại kỹ sư kỹ thuật phần mềm sẽ khó khăn để làm công việc của kỹ sư khoa học máy tính do ngoài định hướng xây dựng phần mềm, khoa học máy tính còn có định hướng chuyên sâu về lý thuyết như lý thuyết thuật toán, tối ưu hoá, học máy…

Khoa học máy tính thích hợp với các bạn thích toán học, logic và muốn tham gia vào một lĩnh vực chuyên biệt  như trí tuệ nhân tạo, học máy, an ninh, hoặc đồ họa.

Kỹ thuật phần mềm thích hợp với các bạn quan tâm nhiều hơn đến cách thực hành và nếu bạn muốn tìm hiểu chu kỳ sống chung của phần mềm được xây dựng và duy trì như thế nào.

2. Triển vọng ngành Khoa học máy tính

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang có tác động to lớn đến sự phát triển của nhân loại trong hiện đại và tương lai. Trong đó, những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong cách mạng 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data). Tât cả những yếu tố cốt lõi này đều là những lĩnh vực chuyên biệt mà sinh viên ngành khoa học máy tính có thể nghiên cứu và làm việc.

Ngoài ra, theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 về việc ban hành danh mục công nghệ ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư bao gồm: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Công nghệ phân tích dữ liệu lớn Công nghệ phân tích dữ liệu lớn Công nghệ chuỗi khối Điện toán đám mây, Điện toán lưới, Điện toán biên, Điện toán lượng tử, Công nghệ mạng thế hệ sau (5G, 6G, NG-PON, SDN/NFV, SD-RAN, SD-WAN Network Slicing, LPWAN, IO-Link Wireless, Thực tại ảo, Thực tại tăng cường, Thực tại trộn, Công nghệ an ninh mạng thông minh, tự khắc phục và thích ứng, Bản sao số, Công nghệ mô phỏng nhà máy sản xuất, Nông nghiệp chính xác. Tất cả các công nghệ trên đều có tiền đề phát triển là sự phát triển của khoa học máy tính.

Từ đó, có thể thấy khoa học máy tính là ngành đóng vai trò to lớn cho sự phát triển của các quốc gia, trở thành một phần trong cuộc sống loài người, là yếu tố mở đường cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực kỹ thuật số khác. Vì vậy, theo các chuyên gia, ngành Khoa học máy tính là động cơ chủ lực, tạo ra các bứt phá về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trong Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Do vậy, kỹ sư khoa học máy tính có thể nói là ngành không lo thất nghiệp trong tương lai và có mức thu nhập lý tưởng cũng như cơ hội cao để làm việc trong các tập đoàn, công ty công nghệ lớn trong và ngoài nước.

3. Cơ hội việc làm ngành Khoa học máy tính

Sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính có thể đi làm theo 4 hướng chính:

  • Nhà nghiên cứu máy tính và thông tin: Các chuyên gia này thiết kế công nghệ mới và thử nghiệm các cách thức mà công nghệ hiện có có thể được sử dụng lại để giải quyết các vấn đề hiện đại. Các nhà khoa học nghiên cứu máy tính và thông tin áp dụng các khái niệm lý thuyết để thiết kế phần mềm. Ngoài ra họ còn phát kiến ra kiến trúc máy tính, các ngôn ngữ và công cụ mới.
  • Kỹ sư phát triển phần mềm: Đây là công việc phổ biến nhất của một sinh viên tốt nghiệp ngành khoa học máy tính. Công việc chính của vị trí này là code và xây dựng phần mềm trong nhiều lĩnh vực khác nhau Để trở thành một nhà phát triển phần mềm bạn không nhất thiết phải có bằng về khoa học máy tính. Tuy nhiên bằng cấp về khoa học máy tính là một lợi thế khi bạn muốn làm cho các công ty công nghệ lớn.
  • Nhà khoa học dữ liệu: Vị trí này phụ trách việc thiết kế các mô hình dữ liệu để tạo ra các thuật toán và dự đoán khác nhau. Đây là một lĩnh vực đang phát triển khá nhanh chóng.
  • Chuyên viên phân tích và bảo mật thông tin: Đây cũng là một vị trí vô cùng hot của ngành khoa học máy tính. Các chuyên viên bảo mật phụ trách việc lập kế hoạch và thực hiện các biện pháp bảo mật. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ thống và mạng máy tính của tổ chức.

Ngành Khoa hoc máy tính có nhiều định hướng nghiên cứu, ứng dụng 

Các vị trí cụ thể 

  • Kỹ sư hệ thống thiết kế và tạo ra hệ điều hành và các hệ thống sử dụng trong máy tính, điện thoại, các thiết bị điện tử, phương tiện giao thông

  • Kỹ sư/chuyên gia ứng dụng toán 

  • Kỹ sư Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo

  • Kỹ sư Công nghệ chuỗi khối (Blockchain)

  • Kỹ sư mật mã học 

  • Kỹ sư khoa học dữ liệu

  • Kỹ sư Robot

  • Kỹ sư lập trình nhúng và iot (vạn vật kết nối)

  • Kỹ sư Mô phỏng và mô hình hóa

  • Kỹ sư hệ thống phần mềm.

  • Kỹ sư thiết kế và phát triển phần mềm ứng dụng

  • Kỹ sư lập trình khoa học, lập trình cơ sở dữ liệu, lập trình kinh doanh, lập trình song song, lập trình vi điều khiển

  • Kỹ sư lập trình và phát triển Website

  • Kỹ sư mạng hay còn gọi là kỹ sư kiến trúc mạng

  • Kỹ sư nghiên cứu và phân tích an ninh thông tin

  • Kỹ sư Bảo mật và phục hồi dữ liệu 

  • Kỹ sư Quản trị hệ thống

  • Kỹ sư dựng hình và chỉnh  âm thanh kỹ thuật số

  • Kỹ sư phát triển trò chơi 

  • Kỹ sư Sản xuất máy tính và sản phẩm điện tử

Như vậy, ngành khoa học máy tính có nhiều hướng để phát triển, nâng cao với nhiều lĩnh vực và đa màu sắc. Đặc biệt, ngành này có thể đi theo cả hai hướng nghiên cứu hoặc ứng dụng. Sinh viên có thể chọn ra hướng mình yêu thích và có năng lực trong và sau quá trình học. 

4. Tố chất, kỹ năng cần có để học ngành Khoa học máy tính

  • Sở hữu kỹ năng và tư duy toán học tốt

  • Thích phân tích vấn đề, tìm hiểu nguyên nhân

  • Tiếp cận, giải quyết vấn đề có hệ thống

  • Ham học hỏi, có khả năng tự học

  • Khả năng dự đoán và chẩn đoán vấn đề tốt

  • Khả năng tổ chức và phân loại lượng lớn thông tin

  • Kỹ năng đọc hiểu tài liệu bằng tiếng Anh

Một số kĩ năng có thể trau dồi, hình thành trong quá trình học.

Ngay cả khi đây là ngành đem lại mức lương hấp dẫn, uy tín cao, Khoa học máy tính thường được xem là một ngành khó để học nhưng nếu so với các ngành khoa học- kỹ thuật khác hay các ngành về khoa học sức khoẻ, nó cũng không quá khó. Khả năng về toán học, tư duy logic và sự đam mê là những điều cần thiết nhất để theo đuổi ngành này.

Ngành này cũng là một lựa chọn đáng cân nhắc nếu bạn có điểm số cao về các nhóm Nghiên cứu, Kỹ thuật trong khảo sát Hollland. Làm khảo sát nghề nghiệp Holland tại đây.

5. Ngành Khoa học máy tính học những gì

Trong chương trình học, sinh viên sẽ được tiếp cận các kiến thức nền tảng và chuyên sâu của ngành như cấu trúc máy tính, hệ điều hành máy tính, điện toán đám mây, các công cụ phát triển phần mềm và phần cứng, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, bảo mật và an toàn máy tính, xử lý dữ liệu lớn, kỹ thuật thiết kế và phát triển các ứng dụng.

Các môn học tiêu biểu: Đại số tuyến tính, Giải tích, Xác suất thống kê, Hoá đại cương, Vật lý, Mô hình toán học, Cấu trúc rời rạc, Hệ thống số, Kỹ thuật lập trình, Cấu trúc dữ liệu và giải thuật, Hệ cơ sở dữ liệu, Kỹ thuật lập trình, Kiến trúc máy tính, Hệ cơ sở dữ liệu, Lập trình nâng cao, Hệ điều hành, Mạng máy tính, Nguyên lý ngôn ngữ lập trình, Công nghệ phần mềm, Hệ quản trị cơ sở dữ liệu, Cơ sở dữ liệu phân tán và hướng đối tượng, Phân tích và thiết kế hệ thống, Hệ thống thông tin quản lý, Bảo mật sinh trắc, Mạng máy tính, Nguyên lý ngôn ngữ lập trình, đồ án tổng hợp – hướng các chuyên ngành: trí tuệ nhân tạo, công nghệ phần mềm, hệ thống thông tin…; đồ án tốt nghiệp.

6. Các trường đào tạo ngành Khoa học máy tính trình độ đại học

  • Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

  • Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

  • Trường Đại học Công nghệ thông tin – – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

  • Trường Đại học FPT (cử nhân khoa học máy tính)

  • Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (cử nhân Khoa học máy tính)

Kim Tuyến tổng hợp

Tin liên quan

Ngành Trí tuệ nhân tạo 

Ngành Hệ thống nhúng và IOT 

Ngành an toàn thông tin 

Ngành Robot và trí tuệ nhân tạo 

Ngành Khoa học dữ liệu